Đền Bắc Lệ thuộc xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, là nơi thờ bà chúa Thượng Ngàn, một trong ba vị được thờ phụng trong tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam. Nơi đây thường xuyên thu hút đông đảo du khách thập phương từ mọi miền Tổ quốc về hành hương, vãn cảnh Đền.
Đền Bắc Lệ là một quần thể di tích nằm trên một quả đồi giữa
khu Nam của Thôn Bắc Lệ, thuộc xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Hiện
nay vẫn chưa xác định được chính xác thời gian ra đời của một ngôi đền, song
căn cứ vào hai văn bia còn (1919 và 1932) đền Bắc Lệ từ đầu thế kỷ XX đến nay
đã trải qua 5 lần tu sửa tôn tạo.
Theo văn bia khắc năm Khải Định thứ 4 (1919) thì trước đó đền
chỉ là một am thờ nhỏ, hay bị hỏa hoạn, sau đó nhân dân đã cung tiến xây dựng
thành một ngôi nhà 3 gian gồm 3 cung: Đệ Nhất - Đệ Nhị - Đệ Tam (cung cấm) ngôi
đền mang bóng dáng nghệ thuật kiến trúc điêu khắc Trung quốc.
Trong đợt sửa chữa lần 2 (1933) và lần 3 (1940) ngôi nhà 3
gian cũ được quay lại và xay thêm cung Đệ Tam ở phía sau. Một cổng Tam quan to
cao được xây dựng ở phía ngoài Tam cấp lên đền. Sau đó do các điều kiện, nguyên
nhân khác đền Bắc Lệ còn qua một số lần sửa chữa.
Tuy trải qua nhiều lần tu bổ, nhưng ngôi đền hiện nay vẫn giữ
được dáng vẻ cổ truyền, diện mạo đền hiện nay ngoài đền chính còn có một số
gian thờ khác, bên phía mặt tiền của đền là một gian nhà nhỏ khoảng 10m², thờ
Chầu Bé Bắc Lệ, phái trước bên trái phía Đông Bắc của mặt chính diện đền có một
bàn thời Ngũ Hổ ngoài trời.
Đền chính vẫn nằm trên vị trí cũ, đó là một dãy nhà 3 gian
xây bằng gạch lợp ngói tây, cột gỗ, ba gian nhà này đồng thời là 3 cung, diện
tích 125m².
Mặc dù đã bị thất lạc nhiều song đền vẫn giữ được một số di
vật cổ và thêm các hiện vật mới được cung tiến. Hiện nay đền có 19 pho tượng lớn
nhỏ chủ yếu bằng chất liệu gỗ, nhiều y môn sặc sỡ treo trên các lối đi có hai
văn bia và nhiều hoành phi câu đối.
Cũng giống như bất kỳ một đền thờ Mẫu nào đền Bắc Lệ thờ
Công Đồng, Tứ Phủ, thờ tất cả các vị Chư Linh ở bốn miền Vũ Trụ, thế nhưng ở
đây đặc biệt coi trọng các vị thần linh gắn liền với địa phương như Mẫu Thượng
Ngàn, Chầu Bé, Cô Bé... những vị thần cung cấp ban phát của cải vô biên nơi núi
rừng cho con người, và trở thành biểu tượng của sự sống vĩnh hằng.
Chầu Bé theo quan niệm của người dân ở đây, vốn là người có
thật quê quán ở Bắc Lệ. Tại đây Chầu Bé có thể thay mặt Mẫu để thực hiện các ý
đồ sáng tạo của các Mẫu.
Bên cạnh Trung tâm là Mẫu còn có các thần linh hóa thân của
Mẫu như Ngũ Vị Tôn Ông, Tứ Phủ Chầu Bà, Tứ Phủ Quan Hoàn, Cô, Cậu.. được thể hiện
qua việc bài di tích.
Đền Bắc Lệ gần gũi với tín ngưỡng dân gian, thân thiện với
người dân bản địa, thậm chí Đền còn trở thành nơi sinh hoạt của cộng đồng.
Đến đây, du khách sẽ có cảm giác như được tắm mình trong
khung cảnh hoang sơ của miền sơn cước để thấy lòng mình thanh thản hơn, như hòa
mình vào thiên nhiên để tạm quyên đi lo toan thường nhật.
Đến với Bắc Lệ, du khách dễ dàng nhận thấy thiên nhiên thật
khéo ban tặng cho Bắc Lệ một không gian hữu tình giữa núi rừng. Người đi lễ
không chỉ để thắp hương, dâng sớ, cầu lộc, cầu tài, bình an, cầu công thành
danh toại mà còn để ngắm cảnh miền sơn cước.
Tuy trải qua 5 lần tu bổ và tôn tạo nhưng những kiến trúc
xưa vẫn còn nguyên vẹn và mang đậm dấu ấn điêu khắc dân gian. Các hàng cột bằng
gỗ liền khối vẫn còn giữ nét nguyên sơ tạo thêm cho Đền sự ấm cúng, linh
thiêng.
Là nơi du lịch tâm linh của xứ Lạng được nhiều du khách thập
phương hành hương về bái lễ, nhưng không gian chật hẹp của Đền hiện nay không còn
đáp ứng nhu cầu của du khách, hơn nữa đường vào Đền lại nhỏ hẹp gây cản trở cho
việc du khách thập phương đến tham quan.
Ban Quản lý di tích đang trình hồ sơ xin Bộ Văn hóa thể thao
và Du lịch cấp giấy phép công nhận Đền Bắc Lệ là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc
gia để xứng tầm với nơi tâm linh của xứ Lạng.
Theo quan niệm của người dân, Bắc Lệ là một
trong hai ngôi Đền thờ Mẫu linh thiêng của quốc gia, nên có nhiều du khách
trong và ngoài nước về hành lễ cầu may. Lễ hội chính của Đền Bắc Lệ được tổ chức
vào ngày 20/9 âm lịch nhưng với sự độc đáo của phong cảnh sơn thủy hữu tình, Bắc
Lệ lúc nào cũng đông khách thập phương đến vãn cảnh, hành lễ./.