Đền cổ Cái Lân, phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long thờ phụng Mẫu Thoải, tức Mẫu Đệ tam cai quản vùng sông nước.
Không chỉ những người ở Quảng Ninh mà nhiều bà con ở các tỉnh
lân cận cũng đều biết đến đền Cái Lân (phường Bãi Cháy, TP Hạ Long). Những ngày
Tết, tuần rằm hay mùng một hàng tháng, người ta đổ về đây dâng hương lễ Mẫu rất
đông. Thế nhưng, không phải ai cũng biết được gốc gác của ngôi đền này...
Ông Nguyễn Văn Nhu là người trông coi đền và gắn bó với ngôi
đền này từ rất lâu. Ông đã chứng kiến biết bao câu chuyện thăng trầm, bao biến
cố ly kỳ xung quanh khu vực này, hiện ông đang là Thủ từ của Đền. Ông Nhu kể rằng,
trong dân gian vẫn lưu truyền đây là một trong nhiều ngôi đền thờ mẫu Thoải (bà
chúa Thoải phủ).
Mẫu Thoải (do dân gian đọc chệch từ chữ Thuỷ mà thành) còn gọi
là Mẫu Đệ tam, cai quản miền sông nước, bà chúa liên quan trực tiếp đến dân tộc
Việt trong buổi đầu dựng nước. Thông thường, đền thờ Mẫu thường thờ cả Tam toà
thánh Mẫu.
Nhưng đền Cái Lân lại là một trong 3 ngôi đền ở miền Bắc chỉ
thờ Mẫu đệ tam. Truyền thuyết kể lại rằng, Thánh mẫu đệ Tam vốn là công chúa
con gái vua Bát Hải Long vương Thuỷ quốc Động Đình, có thần hiệu là “Bạch Ngọc
Thuỷ tinh xích lân long nữ công chúa”.
Tuân theo sự xếp đặt của vua cha, bà kết duyên cùng hoàng tử
Kính Xuyên, con vua Đất. Một hôm Kính Xuyên đi vắng, vợ lẽ Thảo Mai lén đặt bức
thư giả hãm hại bà. Khi Kính Xuyên quay về, mù quáng nghe theo lời vợ lẽ, nghi bà
thất tiết, liền bỏ bà vào cũi mang lên rừng cho hổ dữ ăn thịt.
Trong văn hầu mẫu ở đền Cái Lân (cũng như một số nơi khác)
có đoạn nói về nỗi oan khuất này: “Thỉnh mời Đệ Tam Thánh Tiên/ Xích Lân Long Nữ
ngự miền Thoải Cung/ Kính Xuyên sớm kết loan phòng/ Thảo Mai tiểu thiếp ra lòng
gieo oan/ Kính Xuyên chẳng xét ngay gian/ Vàng mười nỡ để lầm than sao đành/
Lòng trời thương kẻ ngay lành/ Xui quan Liễu Nghị nho sinh tìm vào…”.
Sâu trong rừng núi, bà được muôn loài tôn kính, dâng hoa quả
nước uống cho bà. Đến một ngày bà gặp được Liễu Nghị, thư sinh quê đất Thanh Miện
nhờ tập ấm cha mẹ để lại nên đèn sách chuyên cần. Hôm đó trên đường đi thi thì lạc
vào nơi bà bị đày ải. Thấy lạ, Liễu Nghị đến hỏi han, sau khi biết rõ sự tình,
Liễu Nghị nhận giúp đỡ bà. Bà đã viết thư nhờ Liễu Nghị mang về đến chốn Long
Cung.
Nhận được thư, vua Bát Hải Long Vương nổi giận, sai thủy
quân bắt Kính Xuyên và Thảo Mai, truyền cho Trưởng Tử Xích Lân lên đón bà về. Bà
được đưa về Thoải Phủ, kết duyên cùng Liễu Nghị, người được sắc phong chức Quốc
Tế Thủy Quan.
Khi đắc đạo thành tiên, bà thường hiển linh phù hộ độ trì
cho những người làm nghề sông nước tránh được mưa to gió lớn. Vì thế, trên các
cửa sông, dân thường lập đền thờ bà. Một số đền thờ Mẫu Thoải nổi tiếng nhất là
đền Mẫu Thác Hàn Sơn (huyện Hà Trung, Thanh Hoá) và đền Mẫu Thoải (thành phố Lạng
Sơn) gần sông Kì Cùng, đền thờ Mẫu ở gần cầu Chương Dương (Hà Nội).
Hiện nay, đền Cái Lân không còn một chứng tích lịch sử nào ghi
rõ về ngôi đền. Tương truyền, đền Cái Lân có từ thời nhà Trần. Do có vị trí chiến
lược, có tới 6 cửa sông đổ ra biển, Hưng Đạo đại vương đã lập đồn binh phòng thủ
và cho dựng một ngôi đền cai quản sông
nước.
Ngài mang chân nhang từ đền Mẫu Thác Hàn Sơn, nơi bến Đò Lèn
ở huyện Hà Trung, Thanh Hóa, về đền Cái Lân. Người dân địa phương tin rằng, Thánh
Mẫu đã âm phù cho quan quân nhà Trần đánh thắng giặc Nguyên Mông trong nhiều trận
thuỷ chiến ở miền Đông Bắc.
Ông Nhu cho biết: Trước kia ngôi đền có nhiều pho tượng,
trong đó có tượng Mẫu mặc sắc phục trắng (thần hiệu là Bạch Ngọc Thuỷ tinh), lớn
như người thật, đôi mắt có linh, hương khách đứng ở đâu cũng như thấy Mẫu đang
nhìn mình.
Phía trước ngôi đền có hai pho tượng đôi mắt rất sắc, nhìn dữ
lắm, buổi chiều muộn không ai dám lại gần. Ngoài ra, còn có tượng thờ 5 vị quan
lớn, tượng thờ cô và tượng thờ cậu ở bên ngoài.
Đền Mẫu Thoải Cái Lân
Ngôi chùa nhỏ gần đền Cái Lân
Đền được trùng tu xây dựng nhiều lần, khi xây Cảng Cái Lân, địa
phương đã di chuyển đền lên trên đồi cao, quá trình này không kiểm soát được
nên phần lớn những hiện vật xưa bị thất lạc.
Năm 1986, khi đào đất xây dựng ở khu vực đền cũ rất nhiều tiền
cổ, đồ cổ và mấy hũ bạc ở cái ao sau đền, phải chất lên bốn xe bò chở mới hết. Điều
này cho thấy, trước kia khách thập phương đến lễ đền và cúng tiến rất nhiều. Hiện
không rõ những đồ cổ đó đang ở đâu.
Năm 2009, nhân dân địa phương dựng thêm một ngôi chùa bên cạnh
đền trong khu vực cảng Cái Lân.
Người dân địa phương cho rằng, mặc dù có nhiều chuyện bí ẩn
xung quanh ngôi miếu cổ, nhưng chuyện tâm linh là do cảm nhận của từng người.
Thánh mẫu có linh thiêng phù hộ cho ai hợp căn số và thường phù hộ cho dân sức
khoẻ, sự bình an, chứ không phải cầu cũng được.
Huỳnh Đăng
Nguồn: Báo Quảng Ninh