Với lối kiến trúc độc đáo theo thuyết phong thủy “Tiền minh đường, hữu hậu chẩm”, là nơi thủy tụ phúc, đền Đầm Hồng với lịch sử 200 năm là một trong những điểm đến tâm linh không thể bỏ qua trong hành trình khám phá Tuyên Quang.
Đền Đầm Hồng toạ lạc trên một khu đất cao bên bờ sông Gâm tại xã Ngọc Hội, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang, đền là nơi thờ phụng Địa tiên Thánh Mẫu.
Địa tiên Thánh Mẫu tương truyền là tên gọi khác của Mẫu Liễu Hạnh (tức Liễu Hạnh công chúa), đền có diện tích gần 1.000m2, được xây dựng cách nay khoảng 2 thế kỷ. Ngôi đền cũ đã đổ nát, còn ngôi đền hiện nay được phục dựng trên cơ sở kiến trúc và địa điểm cũ vào năm 2007.
Đền Đầm Hồng được xây dựng cách đây khoảng 200 năm. Năm
2007, đền được khôi phục lại trên cơ sở kiến trúc và địa điểm cũ. Đền có kiến
trúc hình chữ “Công” gồm có 3 nóc nối tiếp nhau từ trước ra sau. Nóc trước xây
cổ lầu, hai bên dạng lầu chuông.
Đỉnh nóc trang trí phù điêu lưỡng long chầu vòng luân hồi;
các góc mái vuốt cong gắn giao long và phượng bên trên. Trên các vách tường cổ
lầu, đắp nổi các điển tích xưa liên quan đến phật giáo và các họa tiết như mai,
lan, cúc, trúc, cá hóa rồng, hổ, hoa lá và mây nước. Trên các thân cột ở mặt tiền
cửa chính ra vào đắp nổi những câu đối ca ngợi cảnh đẹp núi rừng, cuộc sống
thanh tịnh.
Đền gồm tòa tiền đường, tòa trung đường và tòa hậu cung. Tòa
tiền đường có 2 cung chính thờ Sơn lâm sơn trang (đại diện rừng núi) và Công đồng,
Tứ phủ. Kiến trúc của toà tiền đường khá đơn giản có hệ thống tường chịu lực
xung quanh.
Các cấu kiện kiến trúc được tạo tác không cầu kỳ, bào trơn
đóng bén, soi vỏ măng khiến không gian của toà tiền đường thêm thông thoáng. Nối
với toà tiền đường là toà hậu cung.
Toà hậu cung là vị trí trung tâm của đền Đầm Hồng, là nơi đặt
điện thờ Địa tiên Thánh Mẫu. Tòa trung đường có ba cung: Cung chính thờ Ngọc
Hoàng, hai cung còn lại thờ Tứ phủ Thánh Hoàng và các vị tướng triều Trần.
Đền Đầm Hồng được xây theo thuyết phong thuỷ “Tiền minh đường,
hữu hậu chẩm”, là nơi thuỷ tụ phúc, thể hiện khát vọng làm ăn phát đạt, cuộc sống
bình yên, hạnh phúc của người dân.
Đền ở thế đất cao, cây cối tươi tốt, là nơi đất lành, linh
thiêng mà các đấng thần linh ngự trị. Đền Đầm Hồng là sự kết hợp hài hoà giữa vẻ
đẹp thiên nhiên và tài năng kiến trúc của con người. Đền Đầm Hồng còn lưu giữ
được 4 bức đại tự cổ, trong đó bức cổ nhất là bức Cao Thanh Túc, cách đây gần
200 năm. Hiện nay, các hoành phi, câu đối đang tiếp tục được nghiên cứu khôi phục
lại.
Đền Đầm Hồng có tiếng linh thiêng, quanh năm không chỉ người
dân Tuyên Quang đến chiêm bái mà cả du khách ngoài tỉnh cũng đến cầu may, nhất
là vào dịp đầu xuân năm mới, vào ngày mồng 1 và ngày 15 âm lịch hằng tháng. Người
dân quan niệm vào đền là tìm sự thanh thản, cầu những điều tốt lành cho cuộc sống,
xua đi những vận hạn trong cuộc đời.
Đền Đầm Hồng gắn với lịch sử của vùng đất Tuyên Quang, là
nơi sinh hoạt văn hoá, tinh thần của người dân nơi đây. Những giá trị vật chất
và văn hoá tinh thần ẩn chứa trong ngôi đền giúp cho các nhà nghiên cứu kiến
trúc nghệ thuật và các ngành dân tộc học, khảo cổ học có thêm cơ sở dữ liệu tìm
hiểu mảnh đất và con người Tuyên Quang qua một giai đoạn lịch sử.