Đền Nam Hoà, thành phố Hưng Yên thờ ba vị thiên thần gồm Đức Thiên Quan, Đức Thổ Địa Long thần và Đức Thuỷ Phủ - những vị thần đại diện cho sức mạnh của tam giới là Thiên, Địa, Thủy (trời, đất và nước).
Đền Nam Hoà được xây dựng tại làng Nam Hòa, tổng An Tảo, huyện
Kim Động, phủ Khoái Châu, trấn Sơn Nam Thượng xưa; nay là đường Bãi Sậy, phường
Hiến Nam, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên. Làng Nam Hòa là nơi tụ cư của người
Việt và người Nhật, vì vậy người dân nơi đây đã gọi tên đền theo tên làng để
ghi nhớ tình hữu nghị Việt - Nhật, thời kỳ Phố Hiến hưng thịnh, thế kỷ XVII.
Đền Nam Hoà, thành phố Hưng Yên thờ ba vị thiên thần gồm Đức
Thiên Quan, Đức Thổ Địa Long thần và Đức Thuỷ Phủ - những vị thần đại diện cho
sức mạnh của tam giới là Thiên, Địa, Thủy (trời, đất và nước).
Các ngài vô cùng linh ứng, có công che trở, bảo vệ cho nhân
dân địa phương, làm giảm bớt những thiên tai, dịch hoạ và mang đến mưa thuận
gió hoà, mùa màng tươi tốt nên đời sống người dân ngày một ấm no, thịnh vượng.
Trải qua các triều đại, thần đều âm phù che chở, bảo vệ người dân nên các ngài
được nhà vua ban sắc, tặng phong mỹ tự.
Đền Nam Hoà được khởi dựng từ sớm trên thế đất hình con quy,
diện tích rộng 720m2 với nhiều cây cổ thụ bao quanh. Đến thời Nguyễn, ngôi đền
được trùng tu với quy mô lớn, kết cấu tổng thể kiến trúc gồm bốn toà được làm
hoàn toàn từ vật liệu gỗ chắc khoẻ. Trải qua thời gian và những biến động của lịch
sử, xã hội, ngôi đền đã bị phá hủy.
Sau đó, đền Nam Hòa được nhân dân địa phương phục dựng lại
trên nền toà Hậu cung, tổng thể kiến trúc kiểu chữ Nhất gồm 03 gian, chia làm
hai phần ngăn cách nhau bởi bức tường lửng với bốn mái theo phong cách kiến
trúc truyền thống. Tại đền hiện còn bảo lưu được một số hiện vật có giá trị như
cuốn thần tích thần sắc, đại tự, câu đối… tiêu biểu là 3 sắc phong thời Nguyễn.
Các đại biểu thắp hương tưởng niệm
Hàng năm, đền Nam Hòa thường tổ chức hai kì hội là vào ngày
mồng 10/03 âm lịch và mồng 10/08 âm lịch. Trong lễ hội có tế lễ, rước kiệu và một
số trò chơi dân gian.
Xưa kia, lễ hội tại đền được tổ chức vào ngày mồng 10 tháng
3 và ngày mồng 10 tháng 8. Vào mỗi dịp lễ hội, nhân dân thường tổ chức tế lễ,
rước kiệu và diễn ra nhiều trò chơi dân gian truyền thống như: chọi gà, cờ tướng,…
Lễ vật dâng cúng thần trong những ngày diễn ra lễ hội được chia theo xuất đinh
của làng. Lễ vật thường là xôi, lợn, hoa quả,... Khi tế lễ xong thì phân phát lộc
cho những người có ngôi thứ trong làng, rồi thừa lộc nhân dân cùng nhau thụ hưởng.
Ngày nay, lễ hội đền Nam Hoà thường được tổ chức vào ngày mồng
10 tháng 3 cùng dịp với lễ hội đền Mẫu, đền Trần và lễ hội đình, chùa Hiến,...
Đây cũng là dịp khai mạc lễ hội dân gian Phố Hiến với nhiều hoạt động tạo thành
sự kiện văn hoá mang đậm sắc thái tín ngưỡng truyền thống của cộng đồng cư dân
Phố Hiến.
Với những giá trị lịch sử văn hóa, đền Nam Hòa là một trong
16 di tích thuộc khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến được Thủ tướng Chính phủ
xếp hạng năm 2014.
Theo Cổng TTĐT thành
phố Hưng Yên
Nguồn: Sở VHTTDL thành phố Hưng Yên
Ths Nguyễn Thy Ngà