Sau đó có thời kỳ đền được sử dụng làm lớp học cho trường
PTCS Lê Văn Tám. Năm 1993, hậu cung được trùng tu với khung bê tông. Năm 1997,
tiền đường và trung đường được tu bổ lại theo lối kiến trúc như ta thấy hiện
nay.
Cổng đền được xây trụ nhỏ, thân trụ đắp câu đối, bên trên là
mái đắp giả ngói ống. Trên cổng đắp nổi 3 chữ Hán “Nhân Nội Từ”; cánh cổng bên
dưới làm bằng gỗ. Tòa đền chính xây theo kiểu chữ “Tam”, gồm có 3 nếp nhà xếp
song song: tiền đường, trung đường và hậu cung. Tiền đường có 3 gian với 2 vì
kèo gỗ làm kiểu quá giang trụ trốn, mái nhà lợp ngói tây.
Trung đường làm bán mái đổ bê tông, trên dán ngói vẩy rồng.
Chính giữa xây bệ đặt khám thờ Đức Đại vương, hai bên là khám nhỏ thờ ông Hoàng
Bảy và Hoàng Mười. Phía trước ban thờ Đức Đại vương có một ngai nhỏ, có lẽ để
thờ công chúa Lân Ngọc. Còn ở hai bên bức tường hồi đặt các ban thờ Cô, thờ Cậu.
Hậu cung rộng 3 gian, mái cao vượt, khung giằng bê tông. Nếp
nhà này được nối với trung đường bằng 2 cửa ra vào, đại tự một bên ghi “Sơn
Trang Động”, một bên ghi “Thánh Mẫu Cung”. Hậu cung có hai án gian, ở giữa đặt
khám lớn, trong thờ tượng Mẫu Liễu Hạnh.
Gian bên phải đắp động Sơn Trang, trong thờ Bà chúa Thượng
Ngàn, bên trái đặt hai khám thờ Ngũ vị tôn ông và Tứ phủ chầu bà. Tất cả các
khám thờ, nhang án đều được chạm trổ tinh xảo và sơn son thiếp vàng. Như vậy hiện
nay ở đây ngoài việc thờ công chúa Lân Ngọc còn thờ Mẫu theo tín ngưỡng dân gian.
Đền Nhân Nội còn lưu giữ một số bảo vật như 6 đạo sắc phong
thần, sắc sớm nhất ghi niên hiệu Thiệu Trị thứ 6 (1846), muộn nhất là Duy Tân
thứ 3 (1909). Bên cạnh đó còn có ngai thờ, khám thờ mang phong cách nghệ thuật
các thế kỷ 19 và 20 với những nét chạm đẹp, tinh tế.