Đền Suối Mỡ bao gồm đền Hạ, Đền Trung, Đền Thượng, dọc theo dòng suối Mỡ thờ Công chúa Quế Mỵ Nương, con gái vua Hùng Vương thứ 16 hiện thân của Thánh Mẫu Thượng Ngàn; trong khu du lịch Suối Mỡ thuộc địa phận xã Nghĩa Phượng, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang.
Ba đền này cùng với các đền khác tạo nên khu Quần thể Đền Suối
Mỡ.
Khu du lịch Đền Suối Mỡ
Theo truyền tích kể lại, Vua Hùng Vương thứ IX có công chúa
tên Quế Mỵ Nương với tính cách nết na, hiền thục, nhân hậu. Đến tuổi lấy chồng,
được nhiều vương tôn, công tử đến cầu hôn nhưng nàng đều từ chối mà chỉ đam mê
du ngoạn cảnh thiên nhiên. Nàng rất thích đến thung lũng Huyền Đinh – Yên Tử do
cảnh đẹp huyền bí, được bao bọc xung quanh bởi rừng núi điệp trùng, khí hậu ôn
hòa.
Một lần, vào ngày đầu xuân, công chúa du ngoạn tới đất Nghĩa
Phương, chứng kiến đất đai tại đây khô cằn, nhân dân đói khổ, nàng rất đau
lòng, công chúa dùng 5 đầu ngón tay ấn xuống từng phiến đá. Lạ thay, một dòng
nước mát ào ạt chảy ra thành suối, đưa nước tưới cho đồng ruộng. Từ đó, đất đai
vùng này trở nên màu mỡ, đời sống người dân ngày càng no đủ.
Để ghi nhớ công ơn của công chúa Quế Mỵ Nương, dân làng đặt
tên dòng suối ấy là Suối Mỡ (hay Suối Mẫu). Dọc hai bờ suối, người dân xây dựng
ba ngôi đền cạnh nhau là đền Hạ, đền Trung và đền Thượng. Công chúa Quế Mỵ
Nương được nhân dân phong tặng là Thánh Mẫu Thượng Ngàn.
Đồng thời, nhân dân địa phương long trọng tổ chức lễ hội Suối
Mỡ vào hai ngày chính từ 30-3 đến 1-4 âm lịch. Lễ hội tập trung chủ yếu tại ba
ngôi đền và quanh Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ. Lễ hội gồm có phần lễ và phần
hội.
Phần lễ là cuộc rước của nhân dân làng Quỷnh rước kiệu về đền
Trung tế lễ, tiếp theo làng Dùm rước kiệu về đến đền Hạ tế lễ và bái vọng lên đền
Thượng cầu mong cho mùa màng bội thu, sức khỏe dồi dào, nhà nhà no ấm… Trong phần
hội có giao lưu văn nghệ, hát chèo, hát chầu văn và một số trò chơi dân gian đặc
sắc như đấu vật, chọi gà, cờ tướng…
Lễ Hội đền Suối Mỡ
Phong cảnh thiên thiên hòa quện trong những dấu xưa tích cũ,
lễ hội Suối Mỡ đã thực sự hấp dẫn thu hút du khách thập phương từ nhiều vùng miền
trong cả nước. Họ đến với Suối Mỡ để cầu mong những điều tốt đẹp an lành trong
cuộc sống, họ cũng đến để tìm hiểu phong tục tập quán của địa phương, được tham
quan, trải nghiệm khám phá khu du lịch sinh thái Suối Mỡ.
Ngoài ra, theo truyền tích kể lại, cũng chính tại nơi này,
Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn cùng với binh lính và tướng sĩ đã làm nên chiến
thắng vang dội chống giặc phương Bắc xâm lược. Vì vậy, người dân địa phương
cũng lập đền thờ để tưởng nhớ công ơn của Ngài; tại đây còn di tích Bãi quần Ngựa,
Bãi đá mài gươm…
Quần thể Khu Di tích lịch sử đền Suối Mỡ đã trở thành niềm tự
hào của người dân địa phương, không chỉ có nét đẹp về cảnh quan môi trường, cảnh
quan thiên nhiên mà còn là nét đẹp văn hóa trong không gian văn hóa Việt. Bên cạnh
đó, rừng đặc dụng Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ là hệ sinh thái rừng nhiệt đới,
đặc trưng của vùng Đông Bắc Việt Nam, nơi có thảm thực vật phong phú, đa dạng với
hàng trăm loài thực vật, cây lấy gỗ, cây dược liệu, cùng hàng chục loài thú,
hàng trăm loài chim, bò sát…
Đến với thắng cảnh Suối Mỡ, cảnh tượng đầu tiên gây ấn tượng
là dòng nước trong vắt, uốn mình như một dải lụa từ trong núi chảy ra với những
phiến đá to xếp chồng lên nhau, khiến suối có nhiều dòng thác đứng, nước chảy
xiết với bọt trắng, lòng suối có nhiều bồn tắm nhân tạo, được bao bọc xung
quanh bởi đồi, núi điệp trùng, với thảm thực vật phong phú, đa dạng với hàng
trăm loài cây, đâu đó thỉnh thoảng có tiếng chim thánh thót vọng lại.
Tất cả như hòa với nhau làm cho thiên nhiên, đất trời nơi
đây trở nên thanh bình, tĩnh lặng, mang đến cho du khách những phút giây thư
thái, hòa quện cùng thiên nhiên một cách gần gũi, tự nhiên.
Vài nét về các đền thờ ở đền Suối Mỡ
Đền Công đồng Suối Mỡ
Đền Hạ là một trong ba ngôi đền có diện tích và quy mô lớn
nhất trong hệ thống đền Suối Mỡ.
Đền Hạ
Nằm trong kiến trúc tổng thể, đền Hạ có cổngTam Quan – di
tích còn sót lại gần như nguyên vẹn qua bao biến cố thăng trầm của thời
gian. Xưa kia đền xây dựng theo lối kiến
trúc “ Nội công ngoại quốc ” do sự tàn phá của thời gian, chiến tranh và nhiều
lần trùng tu kiến trúc của đền đã thay đổi. Đền được xây dựng khang trang, rộng
đẹp nhất vào thời hậu Lê (thế kỷ 15 – 16).
Đền Trung Suối Mỡ
Nằm tách biệt với khu dân cư, từ xa nhìn lại đền Trung toạ lạc
trên mảnh đất có vị trí như một hòn đảo được bao bọc bởi suối và cây xanh tạo nên vẻ tĩnh mịch, huyền
bí và linh thiêng cho ngôi đền. Với điểm tựa gối đầu là núi Bà Bô; Án là rừng
Thông và sườn Giông Khế, theo thuyết phong thuỷ đây là mảnh đất tụ linh và ngôi
đền nằm trên thế đất “tựa Sơn đạp Thuỷ”. Nối cõi trần với nơi đất thánh là cây
cầu bán Nguyệt – lối đi duy nhất vào Đền. Trong đền thờ công chúa Quế Mỵ Nương
– Thượng Ngàn Thánh Mẫu và một số bệ thờ theo tín ngưỡng thờ mẫu như: Tam Toà
Thánh Mẫu, Vua Cha Bát Hải và Hội đồng Quan lớn.
Đền Trung
Tại cung thờ chính còn có thờ Quan Hoàng Quận (tức Quan
Hoàng Đệ Nhất, hay Quan Hoàng Cả – Quan Hoàng đứng đầu trong Thập Vị Quan
Hoàng).
Đền Trung Suối Mỡ có
một phong cảnh hết sức Sơn thủy Hữu tình.
Đền Thượng Suối Mỡ
Khác biệt hẳn với đền Trung và đền Hạ, đền Thượng không có
tượng công chúa Quế Mỵ Nương mà chỉ thờ
vọng.
Tuy vậy, đền Thượng lại là nơi gây ấn tượng hấp dẫn nhiều du
khách đến thăm quan, dâng hương làm lễ bởi kiến trúc và vị trí độc đáo của đền.
Đền chỉ có một gian rộng, lấy một tảng đá lớn bên trên làm mái, lấy vách đá
xung quanh làm tường, ba bề trên dưới là đá, cả bệ thờ cũng nguyên khối đá. Điều
đó khẳng định giúp ta rằng: trải qua bao thế kỷ, đền Hạ, đền Trung thay đổi nhiều
nhưng riêng kiến trúc đền Thượng vẫn giữ nguyên kiểu dáng ban đầu.
Mới đây, để phục vụ
văn hoá tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân trong vùng và khách thập phương, đền
được mở rộng thêm về diện tích, quy mô và xây bậc thềm lên xuống để phục vụ cho
việc đi lại.
Đền Suối Mỡ. Ảnh Đền Miếu Việt
Bên cạnh đền Thượng
có Cung Sơn Trang – Sơn Trang Ngọc Động mới được xây dựng. Động thờ ba vị chúa
Sơn Trang, ba mươi sáu Cô Sơn Trang theo hầu và Quan Hoàng Bẩy, Hoàng Mười. Động
được trang trí gắn đá san hô, các cây hoa, lá kết hợp với ánh sáng mầu sắc hư ảo,
huyền bí, trông rất nguy nga, tráng lệ góp phần thu hút du khách đến với Khu vực
đền Thượng ngày một đông hơn.