Không chỉ là di tích lịch sử văn hóa có giá trị về kiến trúc, nghệ thuật, đền Thánh Cả còn là điểm đến tâm linh hấp dẫn, nét sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa cộng đồng rất độc đáo không chỉ của miền quê Hậu Lộc, mà còn của ngư dân ven biển xứ Thanh.
Nghinh Môn - đền Thánh Cả vẫn còn được lưu giữ cho tới ngày
nay là công trình kiến trúc đẹp, tiêu biểu từ thời Nguyễn.
Đa Lộc là vùng đất thuộc cửa lạch ven biển, người dân địa
phương nơi đây từ xa xưa vừa sản xuất nông nghiệp, vừa đánh bắt hải sản. Xuất
phát từ đặc điểm đời sống, lao động nói trên, sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh của
người dân địa phương chủ yếu là cầu cho quanh năm mưa thuận gió hòa, sóng yên
biển lặng, mùa màng tốt tươi, thu hoạch nhiều sản phẩm để có cuộc sống ấm no, hạnh
phúc.
Theo sử sách, sinh hoạt tâm linh ở các vùng cửa lạch và các
vùng sông nước Thanh Hóa thường có đền thờ Thánh, chùa thờ Phật. Vì vậy, sinh
hoạt tâm linh của người dân Đa Lộc nói riêng và của người dân Hậu Lộc nói chung
vẫn mang đậm sắc thái xứ Thanh, được lưu truyền qua nhiều thế hệ.
Để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng nói trên, người dân
làng Khang Cù (nay là thôn Vạn Thắng) cũng như 81 nơi khác trong các vùng sông
nước đã xây dựng đền Thánh Cả để thờ Tứ Vị Thánh Nương vào thời Nguyễn cuối thế
kỷ thứ 19.
Theo sách “Thanh Hóa chư thần lạc” ghi chép lại thì Tứ Vị
Thánh Nương có 81 nơi thờ, trong đó có làng Khang Cù, trước năm 1916 thuộc tổng
Thạch Tuyền, huyện Nga Sơn, hiện nay là thôn Vạn Thắng, xã Đa Lộc. Đền là công
trình kiến trúc đặc sắc, nằm trên một gò đất bồi thuộc thôn Vạn Thắng, xã Đa Lộc.
Đền có hậu cung, tiền đường 5 gian. Hai bên tả - hữu có dải
vũ và nơi thờ Thành Hoàng làng. Khi đền sắp xây dựng có một bè gỗ trôi dạt vào
bờ biển trước đền, dân làng đã đem về xây dựng đền nên đền rất nguy nga, hoành
tráng.
Khu Nghinh Môn trước đền còn lại gần như nguyên vẹn, có cấu
trúc 3 tầng mái cong, tường hai bên đắp voi, ngựa đối xứng. Các cột nanh có câu
đối chữ Nho, là một hệ thống văn tự còn lưu lại. Trên tầng 3 của Nghinh Môn mặt
ngoài có 3 từ: “ Thượng đẳng từ” , mặt trong có 2 từ: “ Linh từ”.
Theo lời kể của các cụ cao niên ở Đa Lộc, sau Cách mạng
Tháng Tám (năm 1945), khi nắng hạn kéo dài, người dân trong vùng thường rước kiệu
đảo vũ cầu trời mưa, rất linh nghiệm. Hiện đền Thánh Cả không còn diện mạo đầy
đủ như xưa nhưng với sự tồn tại của cổng Nghinh Môn - một công trình kiến trúc
đẹp, tiêu biểu của thời Nguyễn, góp thêm tư liệu cho các nhà nghiên cứu tìm hiểu
về đặc điểm kiến trúc cả giai đoạn lịch sử này trong nền kiến trúc dân tộc.
Đền Thánh Cả còn có dấu ấn lịch sử khi đây là nơi ẩn náu của
nghĩa quân Ba Đình, là nơi tạm trú của các nhà hoạt động cách mạng trên đường từ
Phú Lương về nhà mẹ Tơm, là nơi tụ họp của tổ đảng làng Khang Cù trong thời kỳ
bí mật. Ngoài ra, những năm “diệt giặc dốt” đền thờ còn là nơi để bà con tập
trung mở lớp bình dân học vụ, xóa mù chữ, giác ngộ cách mạng...
Năm 1966, đền bị phá dỡ, chỉ còn lại khu Nghinh Môn 200m2.
Năm 2006, địa phương, Nhân dân thôn Vạn Thắng, các thôn trong xã Đa Lộc cùng
khách thập phương đã góp công, góp của xây dựng lại ngôi đền.
Chỉ sau hai năm được xây dựng lại, với những giá trị kiến
trúc nghệ thuật đặc sắc và sự linh thiêng vốn có, đền Thánh Cả đã trở thành điểm
đến tâm linh thu hút Nhân dân trong xã Đa Lộc, các địa phương khác của huyện Hậu
Lộc và du khách thập phương.
Thể theo nguyện vọng của cán bộ và Nhân dân địa phương, xã
Đa Lộc đã có tờ trình lên các cấp có thẩm quyền xin được tu sửa lại đền và cấp
bằng công nhận di tích văn hóa. Tháng Giêng năm 2010, đền Thánh Cả đã được UBND
tỉnh Thanh Hóa công nhận là di tích văn hóa cấp tỉnh. Từ khi được công nhận đến
nay, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Đa Lộc thường xuyên quan tâm bảo vệ,
tu bổ khu di tích.
Để bảo tồn, phát huy giá trị của di tích, bên cạnh việc đáp ứng
nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của người dân, du khách thập phương, hàng năm có 3
kỳ lễ hội được tổ chức gồm: đầu năm lễ cầu, giữa năm giỗ Mẫu và Thành Hoàng
làng, cuối năm lễ tạ. Lễ hội đầu xuân thường được tổ chức vào ngày mùng 3 tết
hàng năm. Nhiều năm qua, Lễ hội Xuân đền Thánh Cả đã thu hút hàng vạn người dân
và du khách thập phương về tham quan, vãn cảnh, chiêm bái, cầu cho mưa thuận
gió hòa, mùa màng tốt tươi, làm ăn phát đạt, may mắn, đồng thời được tham gia
trải nghiệm các trò chơi, trò diễn dân gian mang đậm sắc thái văn hóa truyền thống
lâu đời của người dân nơi đây.
Những giá trị của đền Thánh Cả và lòng hiếu khách của người
dân Đa Lộc nói riêng và vùng biển Hậu Lộc nói chung là cơ sở để di tích này trở
thành điểm du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh, tín ngưỡng đặc sắc, thu hút ngày
càng nhiều du khách. Theo Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Hậu Lộc, trong chiến
lược phát triển du lịch của địa phương, đền Thánh Cả được xác định là một trong
những điểm du lịch tâm linh trọng điểm. Để đạt được mục tiêu trên, công tác gìn
giữ, bảo tồn và phát huy di tích luôn được đặt lên hàng đầu. Song song với đó,
công tác giới thiệu quảng bá về di tích đền Thánh Cả cũng được huyện Hậu Lộc
quan tâm; từng bước hình thành kết nối với các di tích, điểm du lịch khác trên
địa bàn để xây dựng thành sản phẩm, tour du lịch.
Mạnh Cường
Ảnh tư liệu: Nguyễn Huân - Đền Miếu Việt
Nguồn: Báo Thanh Hóa