Cụm di tích lịch sử văn hóa miếu Chính, đình Cả xã Thụy Trình thờ 4 vị thành hoàng làng Quảng Nạp là một công trình kiến trúc cổ to lớn, bề thế được xếp vào hàng lớn nhất huyện Thụy Anh xưa.
Miếu Chính còn được gọi là đền Cây Sanh được xây dựng vào thời
Lê, trùng tu vào thời Nguyễn; đình Cả xây năm Giáp Dần, đời vua Tự Đức (1854)
trùng tu năm Thành Thái thứ 12 (1900); đặc biệt ở trước đình Cả còn giữ được
tòa phương đình là một công trình kiến trúc đẹp - một trong 2 phương đình duy
nhất còn lại ở Thái Thụy (cùng với phương đình ở đình Tử Các, xã Thái Hòa).
Miếu Chính được xây dựng ở thôn Đông, làng Quảng Nạp; miếu
có hai cổng ở phía Đông và phía Tây, cả hai cổng đều xây cao hai tầng, mái
cong, đao guột; mái thượng đắp ngạc long ngậm đại bờ, bờ cong đắp nghê thần, đầu
đao đắp lá lật; mái hạ đầu đao vút cong, kết hợp với hoa văn trên mái thượng tạo
thành một tổng thể hài hoà, đẹp mắt.
Khu thờ tự của miếu Chính có hai tòa, tổng cộng 8 gian, kết
cấu theo hình chữ đinh. Cả hai tòa đều xây bằng gạch thời Lê - loại gạch bản rộng
khoảng 15 cm, dày khoảng 10 cm, có độ nung rất cao, trải thời gian vài trăm năm
vẫn không bị rêu phong, mùn rỗ; tường miếu chỉ miết vỉa, không trát, phô ra các
hàng gạch đều tăm tắp, sáng màu sành.
Cả hai tòa đều được xây kiểu mái cong đao guột, rồng chầu
phượng mớm đầu đao. Chính giữa bờ nóc tòa Tiền tế đắp nổi hai chữ hán ‘‘Chính
Miếu’’, hai bên đắp phượng vũ, kim nóc đắp ‘‘ngạc long ngậm đại bờ’’, khúc gấp
bờ cong đắp song nghê phụ tử.
Bộ khung chịu lực của tòa Tiền tế làm bằng gỗ lim, trên xà
ngang của gian chính giữa có khắc dòng chữ Hán ghi lại niên đại miếu ‘‘Hoàng
triều Thành Thái thập tam niên hạ giải trùng tu, tuế thứ Tân Sửu thập nhị nguyệt
cửu nhật thụ trụ thượng lương’’ (Hạ giải để trùng tu và tháng 10 năm Thành Thái
thứ 13, đặt nóc vào ngày 19 tháng 12 năm Tân Sửu - 1901).
Trong lần trùng tu này, gần như tất cả cấu kiện gỗ trong miếu
Chính (trừ hệ thống cột chịu lực) đều được chạm khắc hoa văn, có khi cùng một đề
tài trang trí nhưng mỗi mảng chạm lại mang một sắc thái riêng, tạo thành một tổng
thể đa dạng nhưng rất hài hòa, thống nhất.
Điều này thể hiện rõ nhất trên hoa văn trang trí ở hệ thống
bẩy hiên tòa Tiền tế; các thanh bảy chạm khắc theo 4 đề tài: Rồng, lá lật hóa rồng,
phượng vũ, sen rùa. Tuy lấy rồng làm đề tài trang trí song rồng trên mỗi má bảy
lại có một sắc thái riêng, ở thanh bảy này chạm rồng mây, thanh kia chạm rồng
cuộn, thanh khác lại chạm cảnh cá chép hóa rồng... Phía trong nội thất các vì
nóc, vì nách đều chạm khắc dày đặc hoa văn, các đường nét chạm nổi, chạm bong
kênh đã tạo nên sự đa dạng cho các bức chạm.
Hai vì nóc giữa phía trên chạm hổ phù, phía dưới chạm vân
mây, xà ngang chạm nổi hoa văn lá lật, đặt trên hai đầu dư chạm lỗng đầu rỗng. Ở
hai vì nách tiền, hậu phía trên chạm phượng vũ, chính giữa chạm long cuốn thủy,
nghé đỡ phía dưới chạm các con nghê thần trong tư thế đầu cúi thấp, cong lưng dồn
sức gánh hệ thống xà dọc.
Hai vì nóc gian bên cạnh chạm nổi lưỡng long chầu nhật, các
vì nách đều làm kiểu chồng rường, chạm hoa văn lá lật, đường nét chạm trổ tinh
tế sống động, có cảm giác như các thanh rường là một thể thống nhất, ở đó các
lá cây của cùng một gốc đang thỏa sức vươn dài từ xà nách, qua các thanh rường
vượt lên thân cột.
So với tòa Tiền tế, tòa Hậu cung miếu Chính còn được chạm trổ
cầu kỳ, tỷ mỉ hơn rất nhiều, mỗi vì kèo đều trở thành một tác phẩm điêu khắc
hoàn mỹ.
Bộ vì ngăn cách giữa tòa Tiền tế và tòa Hậu cung làm kiểu
ván mê. Vì nóc chạm lưỡng long chầu nhật, xung quanh chạm mây cuộn, hai vì nách
chạm các con rồng trong tư thế thân uốn lượn, đuôi xoắn vòng tròn vút lên cao,
đường nét chạm trổ mềm mại, nghệ thuật điêu khắc tinh xảo khiến cho các chi tiết
trên con rồng từ râu, bờm cho đến thân thể đều uyển chuyển như một thực thể
đang được hoàn toàn thả lỏng, nhẹ nhàng bay lên các áng mây.
Bộ vì thứ hai làm theo kiểu ván mê, đặt trên một thanh xà
ngang chạm khắc hoa văn lá lật. Chính giữa ván mê chạm nổi hổ phù, mắt trợn
tròn, nhe răng dữ tợn, phía trên chạm các con rồng đang ẩn mình trong các áng
mây, đầu vươn cao, chầu vào trung tâm đỡ một mặt trời.
Hai vì nách chạm cảnh nghê chầu phượng vũ, bổ sung thêm cho
vì nóc để bộ vì này trở thành một tổng thể, một bức tranh linh thú hoàn mỹ. Bộ
vì thứ ba cùng làm kiểu ván mê, lấy hoa văn lá lật và hoa lá làm đề tài trang
trí chủ đạo, lá lật ở đây được trang trí ở phía trên các vì nóc, phía dưới xà
ngang, đề tài chính ở đây chạm cảnh các chú rùa đang cõng các pho sách, nô đùa
trong một ao sen.
Trong Hậu cung miếu Chính treo hai bộ cửa võng. Bộ cửa gian
bên ngoài chính giữa trán cửa chạm một bông cúc lớn nở hoa rực rỡ, hai bên cạnh
chạm đan xen các cành cúc, đào uốn khúc mềm mại, trổ ra những bông hoa nhỏ xinh
rung rinh trong gió, khoe sắc tỏa hương; hai thân cửa bên cạnh chạm hoa văn lá
lật hóa rồng, nét chạm to, khỏe, phóng khoáng tạo thành một vẻ đẹp mạnh mẽ đối
diện hoàn toàn với vẻ đẹp nhẹ nhàng, thanh thoát trên trán cửa.
Bộ cửa võng ở gian trung tâm, chính giữa chạm hổ phù, bên cạnh
chạm hai con rồng thân uốn khúc, đầu nhô cao, râu tóc dữ tợn, chầu về phía hổ
phù. Phần thân cửa chạm hai con rồng trong tư thế đầu chúc xuống dưới, thân uốn
khúc, đuôi xoắn vút lên cao. Ở cửa bộ võng này, hình ảnh hổ phù dùng để thay thế
mặt nhật, vẻ dữ tợn của hổ phù và các con rồng đã góp phần tạo ra sự uy linh
trong nơi ngự của các thành hoàng.
Tất cả các mảng chạm khắc trong miếu Chính đều được chạm
kênh, bong, các nét chạm khắc sâu vào bên trong khối gỗ tạo thành chiều sâu
không gian, có hiệu quả rất cao về tương phản sáng, tối tạo ra sự uyển chuyển
sinh động, cảm giác nhẹ nhàng, thanh thoát mà không làm ảnh hưởng đến kết cấu của
công trình.
Sự tinh tế trong kỹ thuật chạm khắc trên kiến trúc kết hợp với
vẻ đẹp tinh tế của các đồ thờ tự sơn son thếp vàng đặt ở dưới đã tạo cho không
gian nội thất miếu Chính một vẻ đẹp lung linh, huyền ảo rất hiếm gặp.
Năm 1997, cụm di tích đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn
hóa cấp tỉnh. Ngày 31 tháng 10 năm 2011, miếu Chính xã Thụy Trình, huyện Thái
Thụy, tỉnh Thái Bình vinh dự được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký
quyết định số 3494/QĐ-BVHTTDL cấp bằng xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp
quốc gia cho tiêu chí Công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc cần bảo tồn. Đây
là cụm di tích lịch sử cấp Quốc gia thứ 29 ở Thái Thụy.
Nguồn: Cổng thông tin Điện tử tỉnh Thái Bình