Căn cứ vào các sắc phong lưu tại di tích và cuốn “thần tích - thần sắc” của làng Phù Lưu, tổng Đồng Vi, huyện Đông Quan (nay là huyện Đông Hưng), đình Tàu thờ hai vị thành hoàng là Đương Đình và Sinh Đài, được khởi dựng vào thời Lê Trung Hưng, thế kỷ XVIII, năm 1744.
Đình Tàu, xã Đông Sơn, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình xưa
là làng Phù Lưu, tổng Đồng Vi, huyện Đông Quan là di tích kiến trúc nghệ thuật
cấp quốc gia. Kiến trúc đình Tàu (phong cách Trung hoa) nổi tiếng với các hàng
cột đá liêu xiêu nay vẫn còn nguyên vẹn.
Tên xưa là làng Phù Lưu nay lại gọi là Tàu không biết với
nghĩa gì. Đình Tàu thờ khá nhiều vị gồm Đương Đình, Sinh Đài, Minh Quốc Công,
Dương Xã Cống, Lý Linh Công, Tấn Bắc Công, Như Đồng Nương.
Hiện đình còn lưu giữ được 12 sắc phong. Tên hiệu các vị thờ
ở đình nghe như thời Hùng Vương và tương tự người Hoa nhưng tài liệu chi tiết.
Đình Tàu được xây dựng trên thửa đất rộng 1216,8 m2 theo kiến
trúc chữ công, mặt quay hướng Đông Nam. Đình được bố trí đăng đối theo một trục
dọc từ ngoài vào gồm các hạng mục: cổng đình, giếng đình, nghi môn, sân đình.
Hai bên sân có dãy tả vu và hữu vu kết hợp với đình chính tạo thành chữ môn.
Đình chính gồm đại bái và hậu cung xếp song song với nhau và
được nối bằng phần ống muống ngắn tạo thành chữ công. Phía bên trái ngôi đình
có ba gian nhà văn hóa. Phía trước ngôi đình (cạnh giếng đình) là một ngôi miếu
nhỏ.
Cổng đình: được xây bằng hai trụ biểu cao 3,5m; vuông 0,8m x
0,8m.
Giếng đình: rộng 62m2, miệng giếng được xây hình lục lăng.
Nghi môn: được xây theo dạng tứ trụ. Hai trụ lớn nằm ở hai
bên của trục thần đạo. Trụ biểu xây bằng gạch vuông cao 3,3m, có tiết diện 55cm
x 55cm.
Sân đình: hình chữ nhật, kích thước 15m x 19m được lát gạch
vuông đỏ.
Tả vu, hữu vu: có kết cấu, kiến trúc giống nhau gồm 7 gian
được đặt trên nền cốt cao 18,5cm, bước gian 2,04m. Kết cấu gồm bốn hàng cột, một
hàng cột cái bằng gỗ bào trơn đóng bén, đường kính là 28cm (trốn cột cái tiền)
và hai hàng cột quân bằng đá, đường kính là 27cm. Có thể nói, đây là hàng cột
đá khá hiếm tại các di tích tại tỉnh Thái Bình. Mỗi tòa có 7 bộ vì kèo bằng gỗ
lim cũng được bào trơn đóng bén.
Đình chính: Được xây dựng vào thời Lê và tu sửa lớn vào thời
Nguyễn nên bộ khung kiến trúc bên ngoài vẫn mang phong cách thời Lê, bên trong
các bộ vì và hoa văn trang trí mang phong cách thời Nguyễn.
Tòa đại bái:
Bước qua bậc hè được lát bằng đá xanh là đến tòa đại bái.
Tòa này nằm trên cốt nền cao khoảng 50cm so với mặt sân và có mặt bằng hình chữ
nhật gồm 5 gian: dài 16,72m, rộng 7,8m và cao 5,5m. Phía trước, nhà mở ba gian
cửa bức bàn bốn cánh. Cửa gian chính giữa làm kiểu thượng song hạ bản. Hai gian
bên đầu hồi xây tường trổ cửa sổ hình tròn chữ thọ.
Tòa ống muống:
Gồm một bước gian, có khoảng cách là 2,8m, nối đại bái với hậu
cung và được cách biệt với bộ cửa bức bàn. Cao độ lòng nhà là 4,5m. Kết cấu đơn
giản, không có xà, kẻ mà chỉ gồm những thanh hoành gác lên kẻ chéo của đại đường
và hậu cung. Bộ vì thượng được chạm nổi mặt hổ phù và quần long uốn lượn. Các
thanh rường trang trí đơn giản hoa văn vân mây. Trong quá trình tu sửa, các tổ
thợ đã giữ được mảng chạm rồng với những đao mác tua tủa và vân xoắn mềm mại thời
Lê trên một bộ vì nách của tòa này.
Tòa hậu cung:
Gồm ba gian, dài 10,4m, rộng 4,7m cao 4,8m, xây kiểu hồi văn
đắp đấu, mái chảy lợp ngói mũi. Ba gian phía trước hậu cung thông với ống muống
để trống, các mặt còn lại xây tường bao kín. Ngoài mặt tường hồi để gạch trần
không trát.
Bộ khung chịu lực tòa hậu cung làm bằng gỗ với bốn hàng chân
cột và bốn bộ vì kèo. Bước cột cái - cái: 2,63m, cái - quân: 1,69m. Cột được kê
trên chân tảng thấp bằng đá, đường kính cột cái 28cm, cột quân 24cm. Các bộ vì
làm thống nhất kiểu thượng chúa báng hạ kẻ chuyển, bào trơn đóng bén.
Đình Tàu được xây dựng thời Lê Trung Hưng, kiến trúc hiện tồn
đan xen phong cách nghệ thuật thời Lê và Nguyễn. Trải qua mấy trăm năm tồn tại,
di tích đã nhiều lần được tu bổ, tôn tạo nhưng yếu tố gốc của di tích vẫn được
bảo tồn tối đa, không gian thiêng vẫn được giữ gìn từ đời này sang đời khác.
Không chỉ là một công trình kiến trúc cổ, đình Tàu hiện còn
lưu giữ được 12 sắc phong các đời vua cho các Thành Hoàng làng. Hai sắc phong cổ
nhất đó là sắc đời Cảnh Hưng thứ 44 (1783) và 10 sắc khác của các đời Chiêu Thống,
Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân, Khải Định. Đây không chỉ là di vật cổ của
ngôi đình mà đó còn là bằng chứng lịch sử vô cùng quý giá.
Qua các sắc phong đó cũng đã khẳng định và giới thiệu được
nghề thủ công cổ truyền của cha ông ta thời xưa, đó là nghề làm giấy gió. Những
bí quyết, những kỹ thuật làm giấy gió sao cho bền, cho đẹp đã được các nghệ
nhân của chúng ta gửi gắm trong từng tờ sắc này. Có thể nói, 12 sắc phong tại
đây là những tài liệu vô cùng quý giá mà chúng ta cần bảo tồn và lưu giữ.
Với giá trị tiêu biểu
trên, đình Tàu, xã Đông Sơn, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình được Bộ trưởng Bộ
Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia
theo Quyết định số 3240/QĐ-BVHTTDL ngày 04/11/2020./.
Chùm ảnh Đình Tàu