Trên bến Câu Tử xưa, dưới chân cầu Câu Tử ngày nay là ngôi đình Câu Tử cổ kính, linh thiêng, thuộc thôn Câu Tử, xã Châu Sơn, huyện Duy Tiên. Đình hiện thờ phụng 7 vị phúc thần.
Trên bến Câu Tử xưa, dưới chân cầu Câu Tử ngày nay là ngôi
đình Câu Tử cổ kính, linh thiêng, thuộc thôn Câu Tử, xã Châu Sơn, huyện Duy
Tiên. Đình hiện thờ 7 vị phúc thần là Linh Lang Đại Vương (được phong Thượng đẳng
thần), Đông Bảng Đại Vương (được phong Trung Bạt Thượng đẳng thần), Đông An Đại
Vương (được phong Quang Uý Chi thần), Thủy Tinh Công Chúa (được phong Trang Huy
phu nhân Thượng đẳng thần), Mỹ Lý Trung Thành Đại Vương (được phong Thuần Chính
chi thần); Đô Hồ Phu Nhân (được phong Trai Tĩnh phu nhân chi thần); Tây Chúa
Xương (được phong Trinh Uyển Công Chúa Chi Thần).
Theo những cổ vật còn được lưu giữ như: khám thờ, ngai thờ,
câu đối và các đồ thờ tự khác thì đình làng có từ thời Lê. Hằng năm, đình làng
thường mở hội vào ngày 12 tháng Giêng và 12 tháng Bẩy âm lịch. Ngày hội làng,
những người con của quê hương ở gần, ở xa tụ về rất đông vừa vui hội, vừa cầu
an, vừa ôn lại truyền thống, tưởng nhớ công ơn của những người có công với quê
hương, đất nước.
Trải qua rất nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, của thời
gian, đình Câu Tử đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Năm 1993, các cụ cao niên trong
làng đã vận động nhân dân đóng góp trùng tu, tôn tạo lại đình. Hiện nay, đình vẫn
cần tiếp tục được trùng tu, tôn tạo nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm
linh của nhân dân.
Khu Di tích đình Câu Tử, nơi bến sông Câu Tử xưa, dưới chân
cầu Câu Tử nay.
"Núi Đọi ai đắp mà cao
Ngã ba sông Móng ai đào mà sâu
Giẽ Guột ai bắc nên cầu
Bến sông Thọ Kiều ai chở đò ngang ... "
Đây là câu ca trong kho tàng văn học xứ Nam (gồm Hà Nam và
Nam Định). Chưa ai xác định được niên đại câu ca truyền khẩu này, nhưng địa
danh núi Đọi trong câu ca là ngọn núi, trên đỉnh có chùa Long Đọi Sơn thuộc xã
Đọi Sơn (Duy Tiên). Đây là ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng, hiện còn lưu giữ
bia Sùng Thiện Diên Linh - Bia do vua Lý Nhân Tông khởi dựng.
Văn bia này đã được Nhà nước xếp hạng Bảo vật quốc gia. Ngã
ba sông Móng thuộc địa bàn ba xã Văn Lý (Lý Nhân), Tiên Phong (Duy Tiên), Bình
Nghĩa (Bình Lục), là nơi phát tích các điệu dân ca sông nước nổi tiếng xứ Nam.
Giẽ Guột là Cầu Giẽ nối Hà Nam với Hà Nội. Còn bến sông Thọ Kiều (còn gọi là Thọ
Cầu), tức là bến đò Câu Tử trên dòng Châu Giang, ngày trước thuộc xã Câu Tử và
xã Thọ Cầu (tổng Đọi Sơn), nay thuộc thôn Câu Tử, xã Châu Sơn (Duy Tiên), đối
ngạn là xã Đinh Xá (Bình Lục).
Bến sông đang mang tên Thọ Kiều lại đổi thành Câu Tử liên
quan đến câu chuyện tình đậm màu sắc truyền thuyết được lưu truyền trong dân
gian.
Chuyện rằng: Quãng nghìn năm trước, ngày nọ, có viên tướng
trẻ dưới thời tiền Lê cưỡi ngựa bạch có việc cần qua sông. Không ngại sóng to,
nước lớn, cô lái đò họ Đào xinh đẹp, hiền hậu nơi bến sông Châu đã sẵn lòng chở
viên tướng trẻ qua sông.
Chú ngựa bạch dũng mãnh, lặng lẽ bơi theo thuyền. Tới giữa
dòng nước, đột nhiên, sóng lũ nổi lên ào ào làm đắm chiếc thuyền nan. Với tài
bơi lội của người dân vùng sông nước, cô gái họ Đào đã dìu được viên tướng trẻ
vào bờ. Không thể vượt qua sóng lớn, chú bạch mã mãi mãi nằm lại nơi dòng sông
sâu.
Qua cơn hoạn nạn, biết ơn cô gái họ Đào cứu mạng, cho là
duyên trời viên tướng trẻ đã hẹn hò, kết tóc xe duyên. Nhưng thời binh đao loạn
lạc, viên tướng trẻ ra đi và không trở lại...
Câu chuyện tình đẹp nhưng buồn và dang dở nơi bến đò xưa đã
được các nghệ nhân dân gian thể thành những câu hát Mụa nổi tiếng, hết sức tha
thiết, ân tình: "Trên trời có đám mây xanh. Có con ngựa bạch chạy quanh gầm
trời. Đôi ta muốn lấy nhau chơi. Cái duyên không đặng mà trời không
se...".
Kể từ ngày đó, người dân quanh vùng gọi bến đò là bến Câu Tử
để nhớ về tích đẹp tình yêu nơi bến sông quê.
Đặc biệt, có nhà
nghiên cứu văn hóa lịch sử khu vực Long Đọi Sơn và các vùng lân cận đang dự định
đề xuất trình các cấp có thẩm quyền dựng một bức tượng ngựa chiến tại bến Câu Tử
xưa làm biểu tượng ghi nhớ câu chuyện tình thuở trước, đồng thời tạo điểm nhấn
đặc sắc cho cụm di tích đình chùa Câu Tử ngày nay.
Đình Câu Từ, thờ phụng 7 vị phúc thần của làng