Đình Cốc (Đình Phong Cốc) thờ Thành hoàng làng là tứ vị Thánh nương, linh ứng giúp vua Trần Anh Tông đánh thắng giặc Chiêm Thành vào năm Trần Hưng Long thứ 12 (1290) và giúp vua Lê Thánh Tông đánh thắng giặc Chiêm Thành vào năm Hồng Đức thứ nhất (1470).
Đình Cốc thuộc Khu 4, phường Phong Cốc, thị xã Quảng Yên, tỉnh
Quảng Ninh là nơi giáp danh giữa phường Phong Cốc và phường Phong Hải, và ở vị
trí trung tâm vùng đảo Hà Nam cách trung tâm thị xã Quảng Yên 5km đi về phí nam
qua cầu Sông Chanh, là một trong những ngôi đình có kiến trúc cổ vào hạng đẹp
nhất miền Bắc.
Đình có tên là đình Cốc (Phong Cốc Đình) gắn liền vào làng Phong Cốc có hình dáng địa
lý giống con chim Cốc. Đình Cốc gồm có tiền đường, bái đường và hậu cung. Đình
được các cụ làng Cốc mua gỗ về dựng vào khoảng năm 1805.
Đình Cốc là một công trình kiến trúc cổ nhất còn lại ở thị
xã Quảng Yên, tổng thể kiến trúc gồm hai ngôi đình và một hậu cung được xây dựng
theo kiểu chữ Nhị vào thời gian khác nhau. Ngôi đình ngoài (tiền đường) có quy
mô vào loại bậc nhất ở nước ta, rộng tới 15m, dài tới 35m.
Đình thờ Thành hoàng của làng là tứ vị Thánh nương. Do nhân
dân địa phương lấy huý từ đền Cần Hải, xã Hương Cát, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An về
thờ. Tương truyền bốn vị thần này đã linh ứng giúp vua Trần Anh Tông đánh thắng
giặc Chiêm Thành vào năm Trần Hưng Long thứ 12 (1290) và giúp vua Lê Thánh Tông
đánh thắng giặc Chiêm Thành vào năm Hồng Đức thứ nhất (1470). Truyền thuyết
trên cũng được chính sử cũ ghi lại.
Đình Cốc nằm trên một khu đất rộng hơn 5.200m2, phía trước
trông ra dòng sông Dái Nhện hay còn tên gọi khác là sông Cửa Đình. Đình có 7
gian 2 chái, gồm Tiền đường, bái đường và hậu cung. Mái đình lợp ngói mũi hài,
bờ nóc đắp nổi hình hai rồng chầu mặt trời. Phía sau đình là hai cây bồ đề cổ
thụ rợp bóng mát khiến cho đình càng thêm cổ kính.
Ở phía trước sân đình được lát bằng những phiến đá xanh to bản,
kích thước 50x50cm. Đây là ngôi đình duy nhất ở Hà Nam có cả một cái sân rộng
và lát bằng đá như thế này. Trước kia, người dân trong làng, trong xã vẫn lấy
sân đình để họp chợ (gọi là chợ Cốc), nhưng sau đó để bảo đảm an toàn cho di
tích, chính quyền địa phương đã di dời chợ ra phía ngoài sân đình.
Căn cứ vào các tư liệu lịch sử, nhất là đặc điểm điêu khắc,
trang trí mỹ thuật của đình, các nhà nghiên cứu nhận định rằng đình Cốc được
xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XIX. Toàn bộ các cấu kiện bên trong đình hầu hết
bằng gỗ lim, phía trước là hệ thống cửa bức bàn, gồm hai cửa phụ, cửa chính và
các chắn song lùa gió.
Vì kèo của đình được làm theo kiểu giá chiêng kẻ suốt, mỗi
vì có 6 hàng cột. Những cột cái của đình đều có kích thước rất lớn tới 0,80m. Cột
ở đây được tạo theo lối "Thượng thu, hạ thách". Các vì kèo cũng làm
theo lối này, nghĩa là phía dưới to hơn phía trên, tạo ra thế đứng vững cho từng
cây cột, vì kèo. Đây là một hình thức tính toán thông minh trong kiến trúc cổ của
những thợ làm đình.
Trong đó cửa chính thực sự là một tác phẩm kiến trúc độc
đáo: Mỗi bên cửa được chạm nổi hình một con rồng như đang uyển chuyển từ trên
mây sà xuống, xung quanh là hình mây lửa và các riềm hoa văn.
Khi khép hai cánh cửa
lại thì thành một tác phẩm hoàn hảo là hình hai rồng chầu mặt trời. Phía trong
tiền đường, các gian được chia bởi 10 hàng cột dọc, 6 hàng cột ngang và 1 hàng
cột hiên. Các cột được làm bằng gỗ lim, đường kính trung bình 75cm, chân cột kê
bằng đá xanh vuông to, thớ mịn.
Tuy nhiên, cái hấp dẫn mọi người khi đến thăm đình Cốc chính
là các trang trí mỹ thuật trên các bức cốn, câu đầu, con giường, kẻ bẩy, ván
dong, xà đùi, xà dọc… với các đề tài: Long, ly, quy, phượng (tứ linh), các hình
ảnh lễ hội dân gian như đánh vật, chọi gà, bơi thuyền, đi hội. Tất cả đều được
thể hiện bằng lối chạm nổi kênh bong, trau chuốt, dày nhưng không hề rối, không
gò bó, vụn vặt mà rất hài hoà với không gian kiến trúc, thể hiện bàn tay khéo
léo, tài hoa của người nghệ nhân xưa.
Toà bái đường gồm có 5 gian 2 chái, kết cấu vì kèo kiểu chồng
giường kẻ suốt. Bên trong gồm 8 hàng cột ngang và 4 hàng cột dọc, chân cột kê bằng
đá xanh, cổ tròn, đế vuông. So với tiền đường thì điêu khắc của bái đường ít
hơn, kỹ thuật chủ yếu là chạm nông và kênh bong trên các bức cốn, đầu bẩy, con
giường, xà đùi. Nối thông với gian giữa của bái đường là hậu cung, cấu trúc hệ
thống vì kèo đơn giản hơn tiền đường và bái đường.
Ngoài giá trị về mặt kiến trúc, đình Cốc còn lưu giữ được
nhiều hiện vật có giá trị như: Bia đá, các hoành phi câu đối, bát bửu và nhiều
đồ thờ tự được sơn son, thếp vàng nhuốm màu thời gian.
Đình Phong Cốc được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận xếp hạng
là Di tích kiến trúc nghệ thuật số 191/QĐ-BVHTT ngày 22-3-1988. Ban quản lý
đình Cốc: Chủ tịch UBND phường Phong Cốc.
Để bảo tồn, tôn tạo di tích, chống lại sự tàn phá của thời
gian và mưa nắng, ngày 23-2-2010, UBND tỉnh đã phê duyệt Dự án tu bổ, tôn tạo
di tích đình Phong Cốc với các hạng mục: Sửa chữa lại hệ thống mái; sửa chữa cửa,
một số kết cấu gỗ, phục chế các con rồng, hoa văn trên mái; quy hoạch lại toàn
bộ sân, vườn... Tổng mức đầu tư cho đợt trùng tu này là trên 18 tỷ đồng, gồm
ngân sách Trung ương hỗ trợ từ chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá, ngân
sách tỉnh và huy động xã hội hoá. Sau 1 năm triển khai khởi công, dự án đã hoàn
thành vào đầu tháng 2-2013.
Sự tích Tứ vị thánh nương
Truyền thuyết lưu truyền ở các địa phương có thờ Tứ vị Thánh
nương đều kể rằng, họ có bốn người, trong số đó, nhân vật chính là mẹ của vị
vua cuối cùng của nhà Tống, ba người còn lại thường không thật thống nhất theo
cách kể của từng vùng, gồm các công chúa và cung nữ, có khi lại là nhà sư
(Trung Quốc hoặc Việt Nam). Vậy thực ra, Tứ Vị Thánh Nương, họ là ai?
Từ trong các bộ sử:
Tống sử chép về chung cục của nhà Nam Tống như sau: “Thừa tướng
Lục Tú Phu... ngậm ngùi nước mắt cõng vị hoàng đế nhỏ mới 8 tuổi nhảy xuống biển
tự tử. Dương Thái hậu biết tin con trai đã chết, bèn khóc than rằng: “Ta từ
ngàn dặm xa xôi đến đây, cũng là vì cốt nhục của nhà Triệu, hôm nay chết rồi,
ta còn sống được nữa ư?”. Nói rồi cũng nhảy xuống biển tử tự theo con trai.
Trương Thế Kiệt và hoàng thất Nam Tống Triệu Nhược Hòa phiêu dạt trên biển,
không ngờ gặp sống thần nên cũng bị dìm chết. Hôm sau trên biển nổi lên hơn 100
nghìn thi thể. Vị hoàng đế cuối cùng của Nam Tống đã chết, cuối cùng triều Tống
cũng bị tiêu diệt.
Sau khi Triệu Bính chết, xác nổi lên mặt biển. Ngư dân nhìn
thấy một xác chết trẻ con, người mặc long bào, chân đi tất đen, đi hài, đầu đội
vương miện, còn có ấn vua. Dưới chân sặc mùi chân hôi. Mọi người nhận ra xác chết
đó là Triệu Bính, bèn đưa về mai táng ở lăng Tống Thiếu Đế - làng Xích Loan -
Triều Châu ngày nay”(1).
Một tài liệu khác viết về giai đoạn này của nhà Tống cũng
chép tương tự: “Lục Tú Phu ngồi cùng thuyền với Vệ Vương Gia, thuyền của Vương
Gia lớn, và các thuyền lại gần sát với nhau, nên không thể đi, cuối cùng đã
cõng Vệ Vương Gia Triệu Bính nhảy xuống biển, hậu cung và quần thần đều nhảy xuống
theo, bảy ngày sau, hơn 100 nghìn xác chết nổi trên mặt biển.
Dương Thái hậu biết tin con trai đã chết, bèn khóc than rằng:
“Ta từ ngàn dặm xa xôi đến đây, cũng là vì cốt nhục của nhà Triệu, hôm nay chết
rồi, ta còn sống được nữa ư?”. Nói rồi cũng nhảy xuống biển tự tử theo con
trai. Trương Thế Kiệt chôn cất bà ở bờ biển. Và Trương Thế Kiệt cũng bị dìm chết
dưới biển. Triều Tống cũng bị tiêu diệt”(2).
Sử Việt cũng có chép về sự kiện này.
Về sự thất thủ của nhà Nam Tống, Đại Việt sử ký toàn thư
chép: “Thiên Bảo năm thứ nhất, 1279. Người Nguyên đánh úp quân Tống ở Nhai Sơn.
Quân Tống thua, tả thừa tướng nhà Tống là Lục Tú Phu cõng vua Tống nhảy xuống
biển chết. Hậu cung và các quan chết theo rất nhiều. Qua 7 ngày có đến hơn 10 vạn
xác chết nổi lên mặt biển. Xác vua Tống cũng ở trong số đó.”(1).
Về sự hiển linh của Tống phi, Đại Việt sử ký toàn thư chép:
“Hưng Long thứ 19 (1311), mùa đông, tháng 12, vua thân đi đánh Chiêm Thành vì
chúa nước ấy là Chế Chí phản trắc. Hưng Long thứ 20 (1312), mùa hạ, tháng 5, dụ
bắt được chúa Chiêm Thành Chế Chí đem về... Tháng 6, vua từ Chiêm Thành về (đền
kinh đô)... lập đền thờ thần ở cửa biển Cần Hải.
Trước đây, vua đi đánh Chiêm Thành, đến cửa biển Cần Hải
(trước là Càn, tránh tên huý đổi là Cần) đóng quân lại, đêm mơ thấy một thần nữ
khóc lóc nói với vua: Thiếp là cung phi nhà Triệu Tống, bị giặc bức bách, gặp
phải sóng gió, trôi giạt đến đây. Thượng đế phong thiếp làm thần biển đã lâu.
Nay bệ hạ mang quân đi, thiếp xin giúp đỡ lập công”.
Tỉnh dậy, vua cho gọi các bô lão tới hỏi sự thực, cho tế, rồi
lên đường. Biển vì thế không nổi sóng. Quân nhà vua tiến thẳng tới thành Đồ
Bàn, bắt được chúa Chiêm đem về. Đến nay, sai hữu ty lập đền, bốn mùa cúng tế.”(Toàn
thư, tr.98)
Theo Tống sử, Dương Thái hậu và Tống Đế Bính đều đã chết và
được an táng tại Trung Quốc, vậy sao lại có truyền thuyết rằng xác họ trôi dạt
vào cửa biển Việt Nam? Đây hiển nhiên chỉ là sự thêu dệt của người kể truyền
thuyết chứ không phải là sự thực lịch sử. Vậy hãy thử tìm hiểu xem sự thêu dệt
đó đã được hình thành như thế nào?
Lễ hội xuống đồng
trước sông đình Cốc
Từ các bản ghi chép truyền thuyết
Khảo sát các truyền thuyết có được qua các nguồn thư tịch và
tài liệu điền dã, chúng tôi thấy rằng, các bản kể có chung một điểm tương đồng
là: các nhân vật chính của câu chuyện đều là nữ, liên quan đến cung đình nhà Tống
(hoàng hậu, công chúa, thị nữ), họ đã đi bằng đường biển vào Việt Nam sau khi
nhà Tống thất thủ. Sự khác biệt giữa các bản kể, theo thời gian của thư tịch, tập
trung ở hai điều: 1) Số lượng nhân vật, 2) Nhân thân của họ.
Nếu trong Toàn thư, số lượng chỉ mới có một người: “Đêm mơ
thấy một thần nữ khóc lóc với vua” thì đến bản Cần Hải môn từ trong phần Tục
biên Việt điện u linh của Nguyễn Văn Chất (1422-?) thì số lượng các nhân vật đã
là ba, gồm có hoàng hậu và hai công chúa, “phu nhân họ Triệu là công chúa nước
Nam Tống, tất cả có ba mẹ con, phu nhân là con gái út”. Bản này kể rằng, nước
Nam Tống đại bại, thừa tướng Lục Tú Phu ôm vua Tống Đế Bính nhảy xuống biển, ba
mẹ con phu nhân (không rõ gồm Thái hậu và em vua hay hoàng hậu và công chúa?)
ôm cột buồn dạt đến một ngôi chùa ven bờ biển.
Do nhà sư (Trung Quốc) có tà tâm, bị cự tuyệt nên tự tử, ba
mẹ con ân hận cũng nhảy xuống biển tự vẫn, sau đó xác trôi vào đến cửa Cờn, sắc
mặt tươi nguyên, dân chài lập đền thờ. “Phàm những thuyền đi bể, gặp khi sóng
gió nguy hiểm, kêu cầu đều được thoát nạn. Sau các nơi cửa bể đều lập đền thờ,
đền nào cũng có tiếng thiêng”. Như vậy, theo bản kể này, số lượng nhân vật là
3, cách thức chết cũng là chết trên biển, thời gian chết thì chậm hơn Tống sử
vài tháng, nghĩa là có vài tháng trú ngụ tạm tại một ngôi chùa bên bờ biển
Trung Quốc.
Trong Lĩnh Nam chích quái liệt truyện (bản A. 2107) có Càn Hải
thần truyện, bản Lĩnh Nam chích quái (bản A. 1572 và VHv. 1266) có Càn Hải tam
vị phu nhân truyện, trong đó, số nhân vật
là 3, Việt điện u linh (VĐUL). Lịch triều hiến chương loại chí chép lại truyện
của VĐUL, nói là có 3 người (ba mẹ con công chúa nhà Tống”(1).
Nhân vật ở Việt điện u linh và Lĩnh Nam chích quái gồm “tất
cả có ba mẹ con, phu nhân là con gái út” đến Ô châu cận lục (do Dương Văn An
nhuận sắc) ở thế kỷ XVI đã là bốn người, gồm “mẹ và ba người con, phu nhân là
út, phu nhân họ Triệu, là công chúa đời Nam Tống”. Đáng chú ý là, trong Ô châu
cận lục, còn có thêm một truyền thuyết khác về các vị thần này, tổng số vẫn là
4 người nhưng nhân thân của từng nhóm lại không giống nhau: Họ là hoàng hậu thứ
13 của Hùng Vương cùng với hai công chúa và một hoàng tử (do bị thứ thiếp ghen
ghét, hoàng tử đã bị cắt dương vật lúc mới sinh, vua đày ba mẹ con ra biển, bị
dạt vào cửa Cờn. Thượng đế cho làm thần.
Ngư dân nằm mộng thấy thần hiển linh cho đánh nhiều cá nên lập
đền thờ). Như vậy, tên gọi Tứ Vị dùng để chỉ các vị thần ở tín ngưỡng này có lẽ
bắt nguồn từ các bản kể ở tài liệu của Dương Văn An. Tạ Chí Đại Trường cho rằng,
việc “thêm một” này là sự “nho giáo hoá” chất thần biển của các vị thần và cùng
với nó là dấu hiệu của ảnh hưởng văn hoá Chàm do xuất hiện tục thờ linga ở
đây(1), tuy nhiên, xem ra việc “thêm một” này không liên quan gì đến tục thờ thần
biển của người Chăm cả.
Con số bốn lại tiếp tục xuất hiện ở Đại Nam nhất thống chí
(bộ sách 28 tập được biên soạn từ năm 1864 - 1875, bản thảo được hoàn thành
1882). Đại Nam nhất thống chí chép: “Khoảng niên hiệu Tường Hưng nhà Tống, quân
Tống bị quân Nguyên đánh vỡ ở Nhai Sơn, Thái hậu họ Dương cùng ba công chúa chạy
ra biển, chợt bão nổi, bị chết đuối, xác trôi dạt vào đền Cờn, nhan sắc vẫn như
lúc sống, người địa phương lập đền thờ”(2).
Trong sách này, 4 vị Thánh Nương đó là “Thái hậu họ Dương
cùng ba công chúa”, giống như cách kể của Ô châu cận lục. Các tác giả sách Địa
chí Quảng Ninh dựa vào Đại Nam nhất thống
chí nhưng lại cho rằng, Tứ vị gồm hoàng hậu, hai công chúa và một nhũ mẫu.
Bên cạnh những thư tịch có thể tra cứu được năm xuất bản, có
một số truyền thuyết được ghi chép dưới dạng thần tích và truyện kể của địa
phương không rõ niên đại. Có thể những thần tích này đã dựa trên truyền thuyết
địa phương do người dân kể lại. Có thể điểm ở đây 4 dạng cốt truyện.
Thứ nhất là truyền thuyết về Dương phi ở đền Mẫu (ở phường
Quang Trung, thị xã Hưng Yên). Truyền thuyết kể rằng, đền thờ bà quý phi họ
Dương nhà Tống (Trung Quốc), sau khi nhà Nam Tống thất thủ, hoàng tộc nhà Tống
nhảy xuống biển tự tận, thi thể của Dương phi trôi dạt về vùng cửa sông Phố Hiến,
được nhân dân chôn cất chu đáo.
Người nội thị của triều đình Bắc quốc là quan thái giám họ
Du trong cơn loạn lạc tới Phố Hiến, được nhân dân địa phương giúp đỡ đã tập hợp
những người Hoa lánh nạn hưng công xây dựng đền thờ, lập nên làng Hoa Dương.
Khi thái giám mất, dân làng tôn làm thành hoàng làng, ngôi mộ được giữ gìn
trong khuôn viên của đình Hiến. Trong hậu cung đền có tượng Dương phi cùng hai
người hầu là Kim Thị và Liễu Thị(1).
Thứ hai là một truyện được kể lại trong Thanh Chương huyện
chí ở dạng một bản chép tay lưu giữ ở Viện Hán Nôm(2). Bản này kể về việc một
hoàng hậu thời xưa do bị vu oan là con đẻ “bất thành nhân dạng” nên bốn mẹ con
(hoàng hậu, hai công chúa và một hoàng tử) bị đầy lên đảo, thuyền bị dạt vào cửa
Cờn, bốn mẹ con bị chết ở đó và được thượng đế cho làm thần, chủ về việc gió
mưa ở biển. Dân lập đền thờ là Tứ Vị Đại vương).
Do trong nhóm 4 người này có một hoàng tử nên danh vị của họ
không phải là Tứ Vị Thánh Nương mà là Tứ Vị Đại Vương. Truyện này về cơ bản giống
với truyền thuyết trong Ô Châu cận lục của Dương Văn An (đã nói ở trên), có thể
là cả hai bản kể đều sử dụng chung một nguồn.
Thứ ba là truyền thuyết về Tứ Vị Thánh Nương được chép lại
trong bản thần tích làng Cơ Xá (nay là làng Bắc Biên, Long Biên, Hà Nội). Thần
tích kể rằng, bốn vị thần được thờ đó là hoàng hậu, hai công chúa và thị nữ.
Hoàng hậu là một người con gái ở Cần Hải, Hoan Châu, là vợ của Tống Đế Bính. Bà
sinh được hai công chúa, sau khi gặp nạn thì bị trôi vào cửa Cờn cùng với một
thị nữ cũng là người Hoan Châu(1).
Bản kể này đã sử dụng chi tiết mà bản kể nào cũng có đó là sự
thất thủ của Tống Đế Bính và cố tình kéo các vị thần nữ này về Nghệ An bằng
cách tạo ra tình tiết là Tống Đế Bính trong một chuyến ngao du đã lấy một bà vợ
quê ở vùng cửa Cờn. Sự móc nối các chi tiết một cách vụng về này cho thấy bản kể
này xuất hiện sau những bản kể Tứ vị vừa nhắc ở trên.
Thứ tư là nhóm truyền thuyết được lưu giữ trong bản thần
tích và trong lời kể của người dân ở đền Cờn, Quỳnh Lưu, Nghệ An kể về thái hậu
họ Dương, hoàng hậu và hai công chúa nhà Nam Tống trôi dạt vào cửa biển này.
Chúng tôi sẽ đi sâu phân tích sự hình thành của truyền thuyết về Tứ Vị Thánh
Nương ở đây, bởi vì sau khi được hình thành, truyền thuyết này có tính ổn định
tương đối và đã được phổ biến rộng rãi ở tất cả các nơi thờ Tứ Vị Thánh Nương.
Căn cứ vào bản kể hiện lưu hành trong thần tích và lời kể của
người dân ở đền Cờn thì có thể hình dung ra các giai đoạn hình thành nên truyền
thuyết về Tứ Vị Thánh Nương ở đền Cờn như sau:
Giai đoạn 1, truyền thuyết mới chỉ kể về 3 vị thần nữ. Dạng
truyện này đã sử dụng các yếu tố sau:
- Lấy chi tiết nhảy xuống biển tự tử của nhân vật chính của
màn kịch chính trị của triều đại cuối cùng của nhà Nam Tống là Dương Thái hậu,
mẹ của Tống Đế Bính (Tống sử).
- Giấc mơ của Trần Anh Tông về vị nữ thần biển ở đền Cờn được
kiểm nghiệm bởi lời kể của người dân địa phương (Toàn thư). Người dân ở đây
thêm chi tiết là Trần Anh Tông đã sắc phong cho thần là Quốc gia Nam Hải Đại
Càn thánh nương.
- Chi tiết ba mẹ con hoàng hậu và nhà sư có tà tâm (Việt điện
u linh)
- Chi tiết xác trôi vào đến cửa Cờn, sắc mặt tươi nguyên,
dân chài lập đền thờ. Phàm những thuyền đi bể, gặp khi sóng gió nguy hiểm, kêu
cầu đều được thoát nạn” (Việt điện u linh). Chi tiết “xác trôi mà dung mạo y
nguyên” là một mắt xích quan trọng để biến hoá một câu chuyện lịch sử của nhà Tống
thành câu chuyện dân gian của người Việt sao cho liền mạch, có đầu có đuôi để tạo
niềm tin cho người nghe.
Các chi tiết này được lắp ghép, xâu chuỗi thành một câu chuyện
tương đối ổn định và có vẻ hợp lý, duy chỉ có một điều là truyện có sự xuất hiện
của ông sư, điều này có nghĩa là ban đầu các vị thánh này chưa có danh xưng là
Tứ Vị Thánh Nương.
Giai đoạn 2, truyền thuyết loại ông sư ra ngoài và thêm vào
một vị thần nữ, từ đó mới có danh xưng là Tứ Vị Thánh Nương. Các chi tiết được
sửa đổi như sau:
- Truyện kể về hoàng hậu và ba công chúa trong Ô châu cận lục
và Đại Nam nhất thống chí (vào truyền thuyết được kể ở đền Cờn và đã biến thành
thái hậu, hoàng hậu và hai công chúa)(1). Trong thực tế, thân mẫu của Tống Đế
Bính chỉ ở hàng phi chứ không phải là hoàng hậu nhưng vào đến thần tích và truyền
thuyết ở đền Cờn thì đã trở thành hoàng hậu, vì bà họ Dương nên người dân ở đây
gọi bà là Dương Thái hậu. Trong khám thờ của đền Trong (ở đền Cờn) có tượng của
4 vị này.
- Chi tiết ông sư tà tâm Trung Quốc (Việt điện u linh) đã được
người dân ở đây địa phương hoá bằng cách chuyển thành ông sư ở núi Quy Lĩnh.
Người dân ở đền Cờn kể thêm là, “bốn người chết, thi thể nổi lên một mùi thơm
như lan quế toát ra, về sau rất linh thiêng, dân xã lập đền thờ làm thần, nhân
đấy đặt tên xã mình là Hương Cần. Vì thờ cả 4 người nên bà con quanh vùng thường
gọi đền “Tứ vị”(1).
- Bên cạnh đó, để
hoàn chỉnh thêm truyền thuyết, người dân ở Phương Cần còn không ngần ngại móc nối
một vài chi tiết về Lê Thánh Tông trong
Toàn thư (xem phần dẫn ở cuối bài). Chịu ảnh hưởng của quan niệm Nho
giáo, truyền thuyết ở đây còn kể thêm rằng, chính vua Lê Thánh Tông đã cho lập
ngôi đền trên núi Hùng Vương sát bờ biển để thờ Tống Đế Bính và các trung thần
tách riêng ra khỏi nơi thờ Tứ Vị Thánh Nương ở đền Trong với quan niệm “nam nữ
bất đồng cung”(2).
- Chi tiết “thi thể 4 người chết tỏa mùi thơm lan quế” đã nối
một truyền thuyết trước đó về khúc gỗ trôi sông phù hộ cho dân đánh được nhiều
cá vào truyền thuyết Tứ Vị Thánh Nương ở chỗ: hồn của Tứ vị nhập vào cây gỗ,
trôi từ biển cửa Cờn vào lạch Mai Giang, trôi vào đền Trong.
- Người dân Quỳnh Phương còn sáng tạo thêm chi tiết cướp
“khúc gỗ thiêng” này giữa hai làng để giải thích cho tục “chạy ói” (diễn lại sự
tích cướp khúc gỗ thơm xưa kia, và nay là việc cướp lễ vật thờ cúng được bày ở
bãi cát ven biển vào Lễ hội đền Cờn vào ngày 20 và 21 tháng Giêng hàng năm).
Có thể thấy là sự thay đổi một số chi tiết (thêm nhân vật nữ,
thêm chi tiết khúc gỗ thơm, thêm việc thờ vua Tống Đế Bính) để tạo thành truyền
thuyết đầy đủ nhất như ngày nay ta thấy đều gắn liền với đền Cờn. Từ đây, truyền
thuyết này lan toả và ảnh hưởng tới những nơi có thờ cúng 4 vị thần nữ này.
Chúng tôi sẽ phân tích kĩ hơn vị trí của đền Cờn ở phần sau.
(trích nguồn:
vanhoanghean.com.vn)