Đình Cống Xuyên, xã Nghiêm Xuyên, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội là một công trình kiến trúc cổ bề thế, khang trang có tiếng trong vùng. Đầu thế kỷ XIX, làng Cống Xuyên có tên là Trương Xuyên, thuộc tổng Đông Cứu, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng.
Đình Cống Xuyên thờ nhiều thần: Ba vị thiên thần, tổ nghề thợ
nề và Phạm Ngũ Lão (1255 - 1320) là danh tướng thời nhà Trần. Ba vị đại vương Lộc
Thành Tôn thần, Hoằng Tế đại vương, Hoàng Độ đại vương.
Theo các tư liệu cổ và truyền thuyết của nhân dân địa phương
thì các vị thần này là: “Khí thiêng sông núi hun đúc tạo nên” như hoành phi viết:
“Dữ thiên hợp đức” (hợp đức từ trời). Làng Cống Xuyên từ xưa nay vẫn nổi tiếng
có nghề nề (xây nhà, đắp phù điêu bằng vôi vữa).
Thợ nề ở đây là những nông dân, khi nông nhàn tự tổ chức
thành cánh thợ đi làm gần xa. Hàng năm, họ lấy ngày mồng 10 tháng giêng là ngày
giỗ cụ tổ nghề, không rõ tên huý.
Gian bên trái Hậu cung hiện còn tranh thờ bằng sơn mài.
Chính giữa là cụ tổ ngồi xếp bằng tròn trên sập, đầu chít khăn, nét mặt đôn hậu.
Hai bên là hai mặt người nhìn vào cụ tổ, tay vung lên, như cảnh đang bẩm báo,
bàn bạc công việc. Tranh được vẽ cách đây hàng trăm năm, kích thước lớn và chất
liệu quý.
Theo trình tự thời gian, khởi thuỷ đình Nghiêm Xuyên chỉ thờ
tam vị thiên thần. Về sau, vào cuối đời Lê Cảnh Hưng (theo sắc phong), đình Cống
Xuyên thờ cụ tổ nghề thợ nề (có miếu riêng) và người anh hùng dân tộc Phạm Ngũ
Lão tại đình làng. Phạm Ngũ Lão là một danh tướng nhà Trần.
Ông người làng Phù Ủng, huyện Đường Hào (nay thuộc huyện Ân
Thi, Hưng Yên). Phạm Ngũ Lão tài trí thông minh, văn võ giỏi hơn người, nên được
vua tin giao trọng trách chỉ huy quân đội, lập được nhiều chiến công. Ông để lại
cho đời bài thơ “Thuật hoài” nổi tiếng.
Đình Cống Xuyên gồm có: Nghi môn, Phương đình, Đại bái, Hậu
cung và hai dãy Tả mạc, Hữu mạc. Vốn là làng có nghề phụ cổ truyền là nghề thợ
nề, nên khi xây dựng đền, đình làng, các hiệp thợ đều cố gắng mang hết tài năng
cống hiến cho công trình tôn giáo này.
Do vậy các mảng đắp vẽ ở đây rất công phu, tinh xảo, kỳ công
các điển tích “bát tiên”, “thất thập nhị hiền”, các đề tài dân gian như cá
chép, nghê, bầu rượu túi thơ... được đắp nổi quanh toà Phương đình, Nghi môn rất
sinh động.
Đại bái đình Cống Xuyên được xây dựng từ thời Lê. Một mộc biển
ở gian chái bên phải khắc dòng chữ Hán nói về ngôi nhà Đại bái được làm vào năm
Vĩnh Thịnh thứ 14 (1718). Đại bái gồm 5 gian 2 chái. Cột cái ở gian giữa chu vi
rất lớn: 1,82m đến 1,88m. Bộ vì Đại bái kết cấu trên bốn hàng chân cột, vì thượng
kết cấu theo kiểu thức giá chiêng chồng rường con nhị; vì hạ kết cấu chồng rường,
bẩy hiện. Những lần tu bổ vào thời Nguyễn niên hiệu Tự Đức thứ 29 (1876) dân
làng cho phép ai cung tiến cột được khắc tên và chức vụ của mình vào cột để lưu
truyền về sau. Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích.
Đình Cống Xuyên đã được kiến trúc nghệ thuật năm 1993./.
Nguồn: Người Hà Nội