Đình làng Đồng Côi, thôn Đồng Côi, thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực. Theo nội dung của các đạo sắc phong, bài vị, câu đối và văn tế còn lưu giữ tại di tích, đình Đồng Côi thờ vị thần tướng Quý Minh Anh Thông Đại vương, hiệu là “Thánh hoàng hoàng huynh Quảng nhân chương nghĩa ái quốc đại vương, pháp hiệu Chân Minh Thượng Sĩ”.
Theo truyền ngôn của các cụ cao tuổi trong làng thì việc thờ
tự vị thần tại đình Đồng Côi bắt nguồn từ quá trình tạo lập làng xã diễn ra từ
cuối thế kỷ 17. Khi những dân cư đầu tiên từ Gia Miêu (Thanh Hóa), Phúc Kiến
(Trung Quốc)... Đến khai hoang mở đất phải đối phó với muôn vàn thiên tai, bão
gió, họ đã bàn nhau lập miếu thờ thần, với ý nghĩa trước là để tôn sùng, ghi nhớ
công lao, sau là mong muốn vị thần bảo hộ cho công cuộc làm ăn sinh sống của
mình.
Toàn cảnh Đình Đồng Côi, Nam Giang, Nam Trực, Nam Định
Sắc phong cho Bản cảnh Thành hoàng, niên hiệu Tự Đức 6 (1853)
Ngai, bài vị thờ Bản cảnh Thành hoàng Chân Minh Thượng sĩ mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.
Bia đá, soạn khắc vào niên hiệu Tự Đức 9 (1856)
Ngày 4 và 5 tháng 6 (âm lịch) hằng năm, dân làng Đồng Côi,
Thị trấn Nam Giang (Nam Trực) đều tổ chức lễ hội truyền thống tại đình làng để
tưởng nhớ công lao của thành hoàng làng Quý Minh Anh Thông Đại Vương đã có công
mở mang đất đai.
Lễ hội được tổ chức với nhiều hoạt động phong phú về phần lễ
và phần hội, trong đó thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân trong làng và
du khách thập phương là nghệ thuật kéo chữ được tổ chức 2 năm một lần.
<iframe width="720" height="385" src="https://www.youtube.com/embed/7bw6f6thR_0" title="[ VD 231 ] HỘI LÀNG ( ĐỒNG CÔI THỊ TRẤN NAM GIANG - HUYỆN NAM TRỰC - TỈNH NAM ĐỊNH )." frameborder="0" allow="accelerometer; autoplay; clipboard-write; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture; web-share" allowfullscreen></iframe>
Trong lễ hội truyền thống đình làng Đồng Côi năm 2016, màn
kéo chữ “Thiên hạ thái bình” có sự tham gia của 118 người ở 4 xóm của làng là
Trung Lập, An Thái, Tập Nghĩa và Đông Lân.
Theo sử sách ghi lại, Quý Minh Anh Thông Đại Vương quê gốc ở
Nghệ An sau khi dẹp giặc đã về gò Miễu của làng Đồng Côi dạy người dân làm ăn
sinh sống. Hằng năm, ông thường tổ chức kéo chữ để nhớ về một thời trận mạc và
bày tỏ mong ước nhân dân có cuộc sống an lành, hạnh phúc.
Ông mất trong một đêm sấm sét, khi dân làng đến nơi ông ở
không thấy xác ông mà chỉ còn bộ áo giáp. Tưởng nhớ công lao của ông, dân làng
đã lập đình thờ ở gò Miễu, sau này chuyển về trong làng; đồng thời, hằng năm tổ
chức mở hội vào ngày mất của ông.
Người có công lớn khi tìm hiểu, khôi phục nghệ thuật kéo chữ
của thành hoàng làng là cụ Dương Văn Kiểm. Ông Cao Văn Thủ, thủ nhang đền Đồng
Côi, người đảm nhiệm công tác huấn luyện kéo chữ hội truyền thống đình làng năm
2016 cho biết: Người dân Đồng Côi kéo chữ để thể hiện sự biết ơn của con cháu
trong làng đối với bậc tiền nhân lập nên làng và chứa đựng khát vọng của người
dân về một cuộc sống ấm no hạnh phúc.
Biểu diễn kéo chữ trong Lễ hội đình làng Đồng Côi, Thị trấn Nam Giang (Nam Trực) năm 2016.
Tất cả những người tham gia kéo chữ được gọi là quan viên hội
tự, trong đó bộ khung gồm 16 người được chia thành 8 hàng với người đầu là cầm
đao, người cuối cầm cờ. Ngoài 2 người cầm đao và cầm cờ, ở giữa các hàng là 10
thanh niên mặc quần áo quân sĩ, đầu đội nón, tay cầm gậy buộc dây trang trí.
Tổng cộng 8 hàng sẽ có 96 người tham gia kéo chữ. Trực tiếp
điều khiển màn kéo chữ là hội đồng gồm tổng cờ cầm cờ lệnh, phó tổng cờ cầm trống
kiểu cổ, một người điều khiển bằng loa, một người cầm chống cái, 2 người cầm cờ
lệnh điều chỉnh hàng quân và một số người đứng đầu các nét chữ khi kéo. Để kéo
chữ thành công, trước đó nửa tháng ban huấn luyện và 16 người đóng vai trò bộ
khung đã phải tập luyện. Tùy theo nội dung kéo chữ của từng năm như “Thiên hạ
thái bình”, “Dĩ dân vi bản”, “Vạn phúc du đồng”… mà trong tập luyện có phân
công nhiệm vụ từng người.
Kéo chữ gồm 3 chương, trong đó chương 1 là làm lễ bái tiền
nhân. Tổng cờ sẽ dẫn quân vòng quanh hồ trước đình rồi vào sân đình dàn thành 8
hàng ngang làm lễ bái Quý Minh Anh Thông Đại Vương. Sau đó, tổng cờ lại dẫn
quân vòng quanh hồ dẫn vào sân đình dàn cảnh bổ đồn 4 cửa: tiền, hậu, tả, hữu
tượng trưng là hình thức đóng một đồn quân.
Bốn cửa do các đội trưởng phụ trách ghếch mũi đại đao thành
cửa, 4 góc đồn có 4 lá cờ tượng trưng cho 4 đài quan sát, tổng cờ ngồi giữa đồn
canh chỉ huy. Trống sẽ điểm tiếng tượng trưng cho các canh trong đêm, đến 5 tiếng
trống tức là canh 5 thì đánh trống hồi trào đưa 8 hàng quân về vị trí tập hợp.
Chương 2 là kéo chữ, tổng cờ sẽ kéo quân ra vòng quanh hồ rồi
vào sân, đến đầu chữ nào sẽ chỉ cờ để 16 người đóng vai trò bộ khung đứng. Quân
sĩ sẽ đứng theo 16 người đó để tạo thành nét chữ. Trong quá trình kéo chữ, người
chỉ huy sẽ đọc trên loa ý nghĩa của chữ được kéo cho nhân dân được biết. Khi
kéo chữ xong, loa đài sẽ hô tất cả những người tham gia ngồi xuống và đặt gậy
xuống đất. Lúc này, chủ hội là người cao tuổi nhất trong làng sẽ đi duyệt chữ
và ban thưởng. Sau đó, tổng cờ lại dẫn quân vòng quanh hồ vào sân đình kéo các
chữ tiếp theo. Khi chữ cuối cùng kéo kết thúc, tiếng trống, chiêng vang dậy
trong tiếng hô to 4 chữ vừa xếp.
Chương 3, tất cả những người tham gia kéo chữ lúc này theo
điều khiển của tổng cờ sẽ xếp thành 4 xoáy ốc nhỏ và một xoáy ốc lớn ở giữa gọi
là ngũ nhạc (5 ngọn núi lớn) với ý nghĩa núi non hùng vĩ. Ngoài ra xoáy ốc còn
tượng trưng cho ngũ dinh là 5 doanh trại gồm tiền doanh, hậu doanh, tả doanh, hữu
doanh và trung doanh.
Cái khó của xoáy ốc là khi đi vào, người tổng cờ dẫn quân
xoáy theo chiều kim đồng hồ đồng thời phải tạo lối để thoát ra ngoài, tránh
không cho quân sĩ lẫn vào nhau. Khi tạo các xoáy ốc xong, tổng cờ sẽ dẫn quân để
tháo ốc theo chiều ngược lại rồi xếp quân thành 8 hàng ngang để tạ ơn Thành
hoàng làng, kết thúc màn kéo chữ. Ông Thủ cho biết, trước kia tổng cờ thường dẫn
quân đi xung quanh xóm có đình Đồng Côi nên mỗi lần kéo chữ thường diễn ra một
buổi sáng.
Tuy nhiên, những năm gần đây khi thay đổi lịch trình dẫn
quân qua hồ trước cửa đình nên thời gian kéo chữ chỉ khoảng 2 giờ. Tất cả người
tham gia gồm tổng cờ, đốc cờ, quân sĩ đều theo lệnh nhịp trống, loa truyền, đội
hình dàn quân lúc nhanh, lúc chậm, lên xuống phối hợp nhịp nhàng để kéo chữ dù
nhiều nét, hay ít nét đều vừa vặn, đẹp mắt.
Hiện tại trong tỉnh chỉ có Lễ hội Phủ Dầy (Vụ Bản) và lễ hội
truyền thống đình làng Đồng Côi còn lưu giữ được nghệ thuật kéo chữ đặc sắc,
giàu nghệ thuật, mang tính cộng đồng cao, thể hiện tinh thần thượng võ của cha
ông. Việc lưu giữ nghệ thuật kéo chữ độc đáo trong các lễ hội đã làm phong phú
cuộc sống, tinh thần của nhân dân./.