Đình Phúc Lâm, Đình Thượng và Đình Trung cùng đền Chầu Bà, Phúc Lâm Trung, xã Phúc Lâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội thờ phụng các thành hoàng làng là: Công chúa Quế Hoa, Đức Thánh Cả - Đỗ Lang, Đức Thánh Hai - Thiện Sỹ.
Theo bản khai làng Phúc Lâm thờ các thành hoàng làng là:
Công chúa Quế Hoa, Đức Thánh Cả - Đỗ Lang, Đức Thánh Hai - Thiện Sỹ. Ba vị cũng
thờ ở đình Khảm Lâm cùng xã bên. Theo cuốn thần phả Phúc Lâm do Hàn lâm Lễ bộ
Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn năm Hồng Phúc thứ nhất (1572).
Thời Lưỡng Hán, có người họ Đặng, tên huý là Vận được phong
chức Tư ấm kết hôn với người cùng quận là con gái họ Tạ, tên là Cẩn. Hai vợ chồng
luôn luôn tích thiện, không nghĩ đến tư lợi. Hai vợ chồng đã ngoài bốn mươi mà
chưa có con trai, nên nhận người cháu là Đỗ Lang về nuôi.
Một thời gian sau, ông bà sinh được một người con trai, đặt
tên là Thiện Sỹ. Năm Thiện Sỹ 18 tuổi, cha mẹ đều qua đời, ba năm chịu tang đã
vẹn tròn đạo hiếu. Khi ấy, Giao Châu là vùng đất phì nhiêu mà lễ giáo thì chưa
thật rõ ràng.
Bấy giờ, tù trưởng các châu làm loạn khiến lòng dân không
yên. Hoàng đế phong cho Thiện Sỹ chức Đại tư đồ, gia phong tước Quận công, tức
khắc lên đường dẹp loạn. Thiện Sỹ giao cho Đỗ Lang điều hành trang Phú Lâm và dạy
dân công việc nông tang canh cửi.
Rồi ngài chia quân thành nhiều đạo chiếm cứ các nơi xung yếu,
sau đó viết thư dụ hàng với lời lẽ nhân nghĩa. Quân giặc thấy vậy, cảm phục hiểu
ra, đã cởi giáp quy hàng. Vào tuổi bảy mươi, một hôm ngài Thiện Sỹ đang ngồi
trong phủ đường, chợt có ánh hào quang màu tía từ trong người phát ra, bay lên
trời biến mất.
Đỗ Lang thay ngài cai quản công việc trong phủ. Tới đời Đông
Đế, Đỗ Lang được phong chức Đô hộ. Khi Vương Mãn làm loạn, Đỗ Lang cầm quân trấn
giữ môn quan, rồi đem quân tới Sơn Nam. Thế giặc mạnh, Đỗ Lang rút quân về
trang Phú Lâm, trú quân tại đền thờ thần và làm lễ bái yết.
Đêm ấy, tại đền thờ, Đỗ Lang mông lung giấc ngủ thấy một người
tự xưng là Công chúa Quế Hoa ở miếu trang Phú Lâm, vốn là con Thiên đế. Đỗ Lang
tỉnh dậy mới biết đó là mộng. Ngay trong đêm ấy chợt thấy quân mình đang phòng ngự
tại ấp ngoài trở về cấp báo quân Hán đang vây hãm, tình thế vô cùng hiểm nghèo.
Ngài hoá bên sông, sóng dậy cuồn cuộn, một con giao long hiện
lên làm quân Hán hoảng sợ mà rút chạy.
Thần tích chỉ rõ Đỗ Lang và Thiện Sỹ là thời Lưỡng Hán và
Vương Mãng, tức thời điểm đầu công nguyên.
Di tích đền Đức Chầu Bà thờ Quế Hoa công chúa và luôn gắn liền
với các sự kiện của dân làng thôn Phúc Lâm Trung, xã Phúc Lâm. Bà xuất thân
trong một gia đình nông dân, tính tình cần cù, thông minh, có sắc thái đoan
trang, trình tiết. Bà phù độ chữa bệnh cứu dân, giúp dân dập tắt hỏa hoạn, phù
độ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi.
Đền Đức Chầu Bà – thờ Ngọc Minh hiệu Quế Hoa công chúa trung
liệt đại vương là hiện thân của Mẫu Thượng Ngàn. Trải qua các thời kỳ, với tấm
lòng thành kính và lòng biết ơn, nhân dân vẫn thường xuyên về đây để thắp
hương, thờ cúng, tưởng nhớ công ơn của Bà đồng thời đóng góp công sức, tiền của
của để trùng tu, tôn tạo ngôi đền uy nghi, bề thế như ngày nay, trở thành nơi
sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân thôn Phúc Lâm Trung.
Với những giá trị nhân văn sâu sắc và dấu ấn lịch sử, Đền Đức
Chầu Bà được UBND Thành phố Hà Nội công nhận, xếp hạng di tích lịch sử cấp
Thành phố theo Quyết định số 388/QĐ-UBND ngày 17/01/2023.