Đình Ngũ Giáp, xã Mạn Lan (xã Vũ Yển cũ), Huyện Thanh Ba, Tỉnh Phú Thọ thờ 3 Đức Thành Hoàng và 1 Đức Công Chúa có tên húy là: Phù Quốc Đại Vương, Thiên Địa Lý Đồng, Non Ẻn Viễn Khâu và Phật Nguyệt Công Chúa.
Đình Ngũ Giáp thuộc xã Mạn Lan (xã Vũ Yển cũ) – Huyện Thanh
Ba – Tỉnh Phú Thọ là ngôi Đình linh thiêng, nơi diễn ra các lễ hội nhằm tưởng
nhớ và suy tôn các vị Thành Hoàng làng có công với làng xã và đất nước của nhân
dân Vũ Yển và các vùng lân cận.
Đình tọa lạc ở gò sứ Chùa Nội, có tên là Ngũ Giáp là do các
dòng họ tập hợp thành 5 giáp cùng nhau phụng thờ. Gồm: giáp Nội, giáp Trong,
giáp Thượng, giáp Nam và giáp Đông. Đình thờ 3 Đức Thành Hoàng và 1 Đức Công
Chúa có tên húy là: Phù Quốc Đại Vương, Thiên Địa Lý Đồng, Non Ẻn Viễn Khâu và
Phật Ngoạt Công Chúa.
Năm 2013 sau khi phục dựng ngôi đình mới, do đình cũ bị chiến
tranh và các cơn đại hồng thủy của những năm 60 của thế kỷ XX phá hoại. Đình rước
bài vị Đức Mộc Bài Bảo Quốc vốn được thờ ở Đình Hương Chung để phối thờ cùng.
Theo các tài liệu lịch sử, đình Ngũ Giáp được xây dựng từ thời
nhà hậu Lê theo kiến trúc chữ Đinh (丁) gồm 5 gian Đại Bái và 3 gian Hậu
Cung có hàng trăm cột gỗ lim to, hoa văn chạm khắc tinh sảo và được các triều đại
phong kiến Việt Nam sắc phong: Vua Cảnh Hưng năm 1743 phong 3 đạo; vua Lê Chiêu
Thống năm 1786 phong 2 đạo; vua Quang Trung năm 1791 phong 2 đạo; vua Cảnh Thịnh
năm 1792 phong 2 đạo; vua Minh Mạng năm 1821 phong 1 đạo; vua Thiệu Trị năm
1844 phong 2 đạo; vua Tự Đức năm 1849 phong 1 đạo, năm 1856 phong 8 đạo, năm
1879 nhân dịp vua ngũ tuần đại khánh phong 3 đạo; vua Đồng Khánh năm 1886 phong
3 đạo; vua Duy Tân năm 1909 phong 3 đạo; vua Khải Định năm 1924 phong 12 đạo.
Việc tế lễ được chức sắc và dân làng phụng thờ chu đáo. Theo
các bậc cao niên kể lại, trước đây Đình có 10 kỳ tế thần, nay rút lại còn 4 kỳ
tế vào các ngày: mồng 3 tháng Giêng, ngày 12 tháng Giêng, ngày mồng 1 tháng Tư
và ngày 12 tháng 11 âm lịch hàng năm. Trong đó, có 3 kỳ tế xôi gà và 1 kỳ tế
trâu hoặc lợn. Kinh phí dành cho cúng tế: kỳ tế ngày mồng 1 tháng 4 được trích
từ quỹ công, các kỳ còn lại các Giáp đóng góp để mua sắm tế thần.
Nghi thức tế thần được thực hiện trang nghiêm. Đội tế gồm chủ
tế và các quan viên là các chức sắc của làng và các phụ lão, trang phục là áo
thụng xanh, quần trắng và phải kiêng hành tỏi. Lễ cầu Rượu Mộng đầu năm vào
ngày mồng 3 tháng Giêng được tổ chức nhằm cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi
tốt, quốc thái dân an.
Sau phần lễ trang trọng là phần hội với các trò chơi dân
gian. Trong đó phải kể đến trò cướp bong bóng lợn đen tại ao đình. Người chơi
là các trai làng, bong bóng lợn được ném xuống ao, các trai làng đua nhau giành
lấy, ai mà bắt được năm đó sẽ đẻ con trai.
Lễ hội Kỳ Yên ngày 12 tháng 11 âm lịch rất trọng thể. Mỗi
giáp tế một ông trâu, sau đó hóa và chia đều các đinh từ ẵm ngửa trở lên. Các kỳ
lễ hội của Đình đều mang nét đẹp của một vùng văn hóa Việt.
Trải qua năm tháng, xã tắc sơn hà đã nhiều phen thay đổi,
song truyền thống uống nước nhớ nguồn vẫn thấm sâu trong tâm khảm các thế hệ
người dân Vũ Yển. Cùng với chùa Phúc Linh, miếu Hai Cô…Đình Ngũ Giáp vẫn là biểu
tượng văn hóa, là chốn đi về, là nơi gửi gắm tâm tưởng và lòng biết ơn với các
bậc tiền nhân đã giữ nước, dựng làng, tạo nét đẹp văn hóa để có một vùng đất Vũ
Yển văn vật xứng danh với câu ca:
Sông Thao nước đục người đen
Ai lên Vũ Yển thì quên đường về
Lễ Hội Kỳ Yên Đình Ngũ Giáp là một hoạt động văn hóa truyền
thống quý báu của Đất và Người Vũ Yển được tổ chức hàng năm vào ngày 12.11 âm lịch.
Lễ Hội không chỉ là nét văn hóa để tri ân các đấng tiền nhân đã có công dựng nước,
lập làng mà còn là dịp để người Vũ Yển khắp nơi hội tụ sau những thời gian dài
xa cách.
Tác giả: Lâm Sơn Phu Tử - Nguyễn Quang Đại