Đình Nhật Tân thuộc phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội thờ phụng đức Thánh Mẫu Minh Đức Hoàng Hậu triều Trần và 7 vị Linh Lang thời Hùng Vương Lạc Long Quân.
Đức Uy Đô Trần Linh Lang - Quốc Đô Thành Hoàng Thăng Long,
Hiệu Ngài là Dâm Đàm Đại Vương. Hiển linh thời nhà Trần giúp vua dẹp giặc Nguyên Mông lần thứ 3. Lần hiển linh
thứ 2 ở hồ Linh Đàm làm mưa 1 vùng cứu giúp cả kinh thành Thăng Long khỏi nạn hạn
hán, đói.
Đình Nhật Tân xưa gọi là điện Nhật Chiêu, huyện Quảng Đức,
phủ Phụng Thiên. Triều Khải Định mới đổi Nhật Chiêu thành Nhật Tân. Năm 1946 Nhật
Tân và Quảng Bá sáp nhập thành xã Quảng Tân. Năm 1955, Nhật Tân lại tách ra thuộc
quận V, ngoại thành Hà Nội. Năm 1961 Nhật Tân thuộc huyện Từ Liêm. Năm 1996
thành lập quận Tây Hồ thì xã Nhật Tân thuộc phường Nhật Tân, quận Tây Hồ.
Đình Nhật Tân hiện nay thuộc cụm 1, phường Nhật Tân, quận
Tây Hồ, thành phố Hà Nội. Đình tọa lạc phía tây bắc hồ Tây, trên đường vào Công
viên hồ Tây. Trước đây đình được xây theo kiểu chữ “tam”, nhưng nay chỉ còn năm
gian Tiền tế và năm gian Hậu cung xếp theo hình chữ “nhị”.
Từ xưa đã có nhiều truyền thuyết về đình Nhật Tân và Uy Đô Linh lang Đại vương.
1. Thời Hồng Bàng bà phi của Diệu Đế là Lạc phu nhân sinh Uy
Linh Lang thấy một bọc bảy trứng, lấy làm lạ bỏ lại đó. Sau bảy trứng hoá thành
bẩy con rồng bay lên trời. Phu nhân nghe tin cho trồng bảy cây gạo để ghi lại dấu
tích. Sắc phong vương tước, gia tặng hai chữ Uy Linh và lập miếu thờ. Bảy cây gạo
ở góc phía tây hồ Tây thuộc địa giới làng Nhật Chiêu.
2. Chiêu Minh phu nhân (Minh Đức hoàng hậu), người làng Nhật
Chiêu là chính cung của vua Trần Thánh Tông, thân mẫu của Uy Linh Lang. Sau khi
Uy Linh Lang hoá về trời, Chiêu Minh phu nhân qua đời, nhà vua sai lập đền thờ
tại làng Nhật Chiêu để người dân phụng thờ.
3. Lúc 36 tuổi, Uy Linh Lang không bệnh tật mà qua đời vào
giờ Ngọ ngày 8 tháng tám năm Bính Tý. Vua và Hoàng hậu thương xót lắm, lập tức
xây ngôi đền thờ ở chỗ ông qua đời để tưởng niệm, gọi là điện Nhật Chiêu, hay
còn gọi là Linh Bảo điện, hoặc Đền thánh Uy Linh Lang.
Không thể xác định chính xác Đình Nhật Tân được xây thời điểm
nào, nhưng đình được dựng lên để phụng thờ thánh Uy Linh Lang, một nhân vật lịch
sử đẫm mầu huyền thoại.
Thần là dòng giống rồng, con Lạc Long Quân. Thần thường hiển
hoá ở các miền sông nước để cứu giúp dân Việt thoát khỏi thiên tai đe doạ, làm
cho quốc thái dân an. Uy Linh Lang là thủy thần là con trưởng của Lạc Long Quân
theo cha xuống biển trấn trị khai thác sông biển lãnh đạo muôn dân xây dựng cuộc
sống phồn thịnh. Ngay từ đầu thời Hùng Vương, Thần đã hóa thành bảy con rồng
bay lên trời; làng Nhật Chiêu đã trồng bảy cây gạo để ghi dấu sự kiện này. Đình
ấp Tây Hồ xưa kia chính là đền thờ Ngài,
Đến thời Hùng Vương thứ 18, Thần lại đầu thai làm con Lạc Hầu
Lê Quốc Tín và bà Thục Nương, người phường Hồ Khẩu là Cống Lễ và Cá Lễ. Hai ông
được vua Hùng thứ 18 phong là Tả Hữu chưởng quan chỉ huy giúp nhà vua dẹp giặc.
Sau đó hóa về Thủy Quốc, nhà vua nhớ công ơn hai ông ban cho sắc phong, lập đền
thờ nay là đền Vệ Quốc và đền Dực Thánh thuộc phường Bưởi.
Đến thời vua Lý Nam Đế, thần nhân hóa thành Bảo Trung, Minh
Khiết và Phương Nương để giúp vua chống giặc ngoại xâm, trồng dâu, nuôi tằm, dệt
lụa nên Châu Xuyên Bảo, các làng: Nội Châu, Ngoại Châu, Vạn Châu, Xuyên Châu
thuộc phường Tứ Liên đều có đình để phụng thờ.
Thời Lý thần nhân hóa thành Thái tử Hoàng Lang con vua Lý
Thái Tông (Lý Phật Mã, 1028 – 1054) giúp vua đánh giặc Chiêm Thành. Năm Đinh Tỵ
(1077) Thái tử lại giúp vua Lý Thánh Tông đánh bại quân Tống tại sông Phả Lại
và sông Cầu, đất nước trở lại thanh bình, Quốc gia hưng thịnh.
Ngày 12 tháng 2 âm lịch, Thái tử không bệnh mà hóa, có thuyết
lại nói Thái Tử bị bệnh đậu mùa rồi hóa thành con rắn khổng lồ chui xuống hồ
Tây. Nhà vua biết tin vô cùng thương tiếc phong là Linh Lang đại vương cho lập
đền thờ ở Voi Phục.
Thời Trần thần nhân hóa thành Hoàng tử thứ 7 con vua Trần
Nhân Tông để giúp vua đánh giặc Chiêm Thành và giặc Nguyên xâm lược. Thần phả
phường Nhật Tân, Yên Phụ, các sách Tây Hồ chí, Thăng Long cổ tích khảo... ghi
chép về thần như một nhân vật lịch sử, có những điểm giống như các vị nhân thần
Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật vậy.
Tương truyền, Uy Linh Lang là con bà Chính Cung Minh Đức
Hoàng hậu. Lớn lên, ông là một người học rộng, tài cao, đức trọng, xa gần đều
khen. Đến đời vua Trần Nhân Tông, tướng giặc là Toa Đô đem hàng chục vạn quân
Nguyên chia làm hai đường thủy, bộ tiến vào nước ta. Ông dâng biểu bày kế sách
dẹp giặc ngoại xâm, tự xin đem gia binh đi đánh giặc. Vua khen Uy Linh Lang có
hoàng tử chí lớn và thuận cho.
Uy Linh Lang liền tập hợp môn hạ, chiêu mộ binh sĩ dưới cờ
được hơn vạn người. Ông gọi đội thân binh là Thiên tử quân, tổ chức tấn công giặc
Nguyên ở Bình Than và đại thắng. Sau khi khải hoàn trở về Hoàng tử không nhận
tước thưởng lui về tu thiền ở chùa Vân Hồ.
Ngày mùng 8 tháng 8, năm Bính Tý, vào giờ Ngọ, danh tướng Uy
Linh Lang bị bệnh nặng và hóa. Vua vô cùng thương xót, lập tức ban chỉ xây ngôi
đền ở địa điểm ông hóa để thờ, gọi là đền Nhật Chiêu. Triều đình luận công
phong thưởng, vua Trần sắc phong là Dâm Đàm Đại vương, ngàn năm thờ phụng ở đình Tây Hồ, sau đó là đình Nhật Tân, đình
Yên Phụ, đình Yên Trì.
Không chỉ xưa kia mà trong giai đoạn gần đây, đình Nhật Tân
còn ghi đậm dấu ấn cuộc Cách mạng tháng 8 và kháng chiến chống thực dân Pháp.
Đình Nhật Tân còn là nơi nhân dân địa phương tham gia chống
giặc dốt sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công. Đầu những ngày kháng chiến chống
Pháp (tháng 12/1946), đội Quyết tử ở quận Lãng Bạc (một xã ở huyện Từ Liêm trước)
đã được thành lập dưới mái đình Nhật Tân. Hồi ấy, Ủy ban Hành chính Liên khu I
tức Hà Nội đã lấy đình Nhật Tân làm trạm chuyển quân lương, trạm cứu thương và
nơi đón tiếp thương binh trong suốt 60 ngày đêm chiến đấu ở Thủ đô.
Ngày 8 tháng năm năm 1960, Hồ Chủ tịch đã về đình Nhật Tân
đôn đốc việc bầu cử và kiểm tra hòm phiếu bầu tại đình.
Đình Nhật Tân, căn cứ vào tấm bia cổ nhất còn lưu lại, có thể
xác định thời gian xây dựng là năm 1613, dưới thời chúa Trịnh Tùng. Trải qua
bao sự kiện lịch sử, đình đã đổ nát rồi lại được sửa chữa, tôn tạo nhiều lần.
Ngôi đình trước đây từng dùng làm trường Tiểu học, nhân dịp kỷ niệm 1000 năm
Thăng Long – Hà Nội mới được tu bổ và trả lại cho phường. Hiện nay, dáng dấp
đình sau đợt trùng tu này mang phong cách nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn với
các công trình phía sau được xây cao hơn.
Cổng nghi môn của đình Nhật Tân nhìn hơi chếch về hướng Đông
– Nam, ăn thông ra con đường làng cũ. Mặt bằng xây dựng nằm trên triền gò đất
được giật cấp theo kiểu chữ “Tam”; bao gồm ba gian đình thượng, bảy gian đình
trung, bảy gian đình hạ và các nhà tả hữu mạc ở hai bên sân lát gạch tiếp theo
sau cột nghi môn. Cạnh tả mạc có một cây sanh cổ thụ duy nhất còn sót lại,
tháng 9/2011 được xếp hạng là “Cây di sản quốc gia”.
Đình Nhật Tân đã bị giặc Pháp đốt năm 1947 vì đây là cơ sở của
Liên khu I, hiện chỉ còn lại toà cung thượng. Toà cung thượng gồm 3 gian 2 dĩ,
xây kiểu tường hồi bít đốc. Phía trước hiện xây nới thêm nếp nhà thấp hơn 3
gian 2 dĩ - kiểu bán mái che hiện.
Trước nghi môn còn có một sân gạch rộng nữa; bên phải cho
Trường Cao đẳng nghề Hùng Vương thuê làm trụ sở, bên trái có bậc thềm rồng đá
khá cao mở cửa ra đường Âu Cơ ở hướng đông-bắc. Hai bên bậc thềm này lại có hai
tấm bia đá khắc ghi lược sử và danh xưng Di tích quốc gia. Vòng quanh hậu cung
là sân sau, có mở một cửa nhỏ từ đường Âu Cơ dẫn qua gốc nhãn và bậc thềm khác
xuống đài tưởng niệm liệt sĩ ở dưới chân gò nhìn về phía Hồ Tây.
Đình còn lưu giữ được 36 đạo sắc qua các triều đại phong cho
thành hoàng làng Nhật Tân, tức Uy Linh Lang Đại Vương. Ngoài ra, đình còn giữ
được những cổ vật thời Lê như bộ long ngai có giá trị lịch sử và nghệ thuật
cao, các bức hoành phi, câu đối ghi bằng chữ Hán.
Đình Nhật Tân còn có những di vật có giá trị như tấm
bia đá niên hiệu Hoàng Định thứ 3 (1643), tám bộ long ngai, bài vị thời Lê, 36
đạo sắc phong từ thời Lê đến thời Nguyễn, bức trâm chép thơ bằng chữ thảo thấp
vàng và nhiều đồ thờ tự quý.
Đình còn giữ được các bộ hoành phi bao gồm:
Nhật điện Uy Linh, tạm dịch là Điện Nhật Chiêu Uy Linh; Linh
Bảo Quan từ; tạm dịch là Đền Linh Bảo Quan;
Các câu đối:
Đông A hiển thánh danh thiên cổ
Nam quốc phong thần Điện Nhật Chiêu.
Tạm dịch:
Trần triều hiển thánh danh truyền mãi
Nam quốc phong thần điện Nhật Chiêu.
Câu đối
Xã tắc Trần triều, Thánh xuất lôi phong đàm Thất Thụ
Giang sơn Nam Việt, Thần linh uy vũ Điện Nhật Chiêu.
Tạm dịch:
Xã tắc Trần triều, Thánh xuất lôi phong đầm tên Thất Thụ
Giang sơn Nam Việt, Thần thiêng uy vũ điện gọi Nhật Chiêu.
Đình Nhật Tân đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di
tích, kiến trúc nghệ thuật năm 1994./.
Ảnh: Nguyễn Huân/Đền Miếu Việt
Nguồn: Người Hà Nội