Đình Thác Cấm được xây dựng từ thời Lê Hồng Đức (khoảng 1460 - 1497), là ngôi đình lớn nhất của tổng Mục, huyện Sùng Yên, trấn Tuyên Quang, nay thuộc tổ nhân dân Yên Thịnh, thị trấn Tân Yên.
Đình là nơi thờ Thánh Mẫu (Mẫu Thoải), Sơn Thần, Thành Hoàng
và Danh Sư do ông Tạ Thông (đỗ tiến sĩ thời Lê Thánh Tông, thế kỷ XV) sáng lập
và xây dựng. Đình trước kia có 5 gian, 2 chái, rộng gần 300m2, mặt tiền hướng về
phía tây nam, trông ra ngòi Mục.
Gian giữa thờ Thành Hoàng làng và Mẫu Thoải. Đình lợp lá gồi,
có tầng sàn thấp lát ván cách nền đất khoảng 1,4 m. Cột đình bằng gỗ sến, chò
chỉ. Hai bên cột đình có nhiều câu đối chữ nho.
Trong đó có đôi câu đối vẫn được giữ đến ngày nay: Cấm than
vạn cổ lưu linh thuỷ/ Mục đình thiên tải mã đông phong, nghĩa là: Thác Cấm muôn
đời dòng chảy thiêng/ Đình làng mãi mãi gió xuân tươi. Phía sau đình có một cây
đa và cây nhội già. Phía đông góc đình có một giếng nước xếp đá, người xưa vẫn
gọi là “Ngọc tỉnh”.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, bộ đội và công dân đi
chiến dịch đã chọn đình làm chỗ nghỉ chân, làm nơi hội họp của chính quyền Việt
Minh. Nhân dân chọn đình làm nơi đóng góp nhân lực và vật lực cho kháng chiến.
Năm 1946, đình là cơ sở bình dân học vụ phổ biến chính sách của chính quyền
cách mạng mới.
Lễ đình diễn ra quanh năm vào các ngày âm lịch: Hội ném còn,
đấu vật, thi bắn nỏ (8-1); lễ rước mẫu từ đền Bắc Mục về đình Thác Cấm (20 đến
24-2); lễ cầu mùa, cúng Thần Nông (tháng 4); hội giã cốm (tháng 10); lễ mừng
cơm mới (tháng 11)...
Vào ngày 25 tháng chạp hàng năm là ngày làm lễ cấm cửa rừng,
cấm vào rừng chặt cây, săn bắn. Đây cũng là ngày “tảo đình” quét dọn, sữa chữa,
làm sạch giếng đình. Đình là nơi họp mặt của các dân tộc thiểu số trong huyện.
Người dân nơi đây đến để lễ đình không chỉ để cầu mong những điều tốt lành mà họ
còn để vui chơi, hát then, hát cọi, chơi trò chơi dân gian như bắn nỏ, đi cà
kheo… Các hoạt động tại lễ hội phần lớn mang tính thuần phong mỹ tục, đoàn kết
các dân tộc anh em, động viên sản xuất, phê phán tệ nạn xã hội, gìn giữ và phát
huy giá trị văn hoá của người Việt, bài trừ mê tín dị đoan và hủ tục lạc hậu
khác.
Ngày 20-2 Kỷ Sửu 2009, UBND thị trấn Tân Yên đã làm lễ rước
kiệu mẫu từ đền Bắc Mục về đình Thác Cấm sau thời gian gián đoạn từ năm 1945.
Hoạt động này là sự khởi đầu cho việc khôi phục, xây dựng đình Thác Cấm.
Với những giá trị lịch sử, văn hoá tinh thần độc đáo của
đình Thác Cấm, UBND thị trấn đã lập phương án tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị
di tích đình Thác Cấm trên cơ sở nền kiến trúc cũ. Đây là sự thể hiện cần thiết
nhằm bảo tồn nét đẹp văn hoá tinh thần của người Việt.