Đình Thiều Xuân, xã Đồng Thịnh thờ ba vị thành hoàng làng gồm Thạch Sơn Đại vương (Thạch Sơn Tam vị Đại vương) và An Bình Công chúa, là những nhân vật lịch sử có công với dân với nước, được Nhân dân tôn kính, nhớ ơn, lập đền thờ phụng.
Làng Thiều Xuân xưa là một trong ba làng gốc của xã Đồng Thịnh
gồm làng Thiều Xuân, làng Yên Tĩnh và làng Thượng Yên. Ngày nay làng Thiều Xuân
đổi thành thôn Thiều Xuân, gồm 3 thôn cũ là Thắng Lợi, Thiều Xuân và Cương Quyết.
Cũng như bao làng quê khác, Thiều Xuân có bề dày truyền thống
lịch sử văn hóa lâu đời, có hai di tích lịch sử - văn hóa gồm đình Thiều Xuân
và chùa Hoa Xuân, là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của người dân
nơi đây, trong đó nổi bật là di tích đình Thiều (Thiều Xuân).
Đình Thiều Xuân thờ ba vị thành hoàng làng gồm Thạch Sơn Đại
vương (Thạch Sơn Tam vị Đại vương) và An Bình Công chúa, là những nhân vật lịch
sử có công với dân với nước, được Nhân dân tôn kính, nhớ ơn, lập đền thờ phụng.
Đình Thiều Xuân đã được các triều đại ngày trước phong 6 đạo sắc gồm: 4 đạo sắc
phong cho đức thánh ông Thạch Sơn tôn thần do các vua triều Nguyễn gia phong
vào các năm Tự Đức lục niên 1853, Đồng Khánh nhị niên 1887, Duy Tân tam niên
1909, Khải Định cửu niên 1924 và hai đạo sắc phong cho đức thánh bà Trịnh Tĩnh
An Bình phu nhân tôn thần do vua Khải Định gia phong vào các năm Khải Định nhị
niên 1917 và Khải Định cửu niên 1924.
Về lịch sử, đình Thiều Xuân được xây dựng từ bao giờ thì
không ai còn nhớ, chỉ biết tại mục 6 của Xã chí xã Thiều Xuân nói về đình làng
có ghi: “Đình làng này có 5 cái nhà, được ghi bằng chữ Hán, dịch là “trùng tu
thụ thượng lương đại cát”. Duy Tân cửu niên tam nguyệt nhật, tức là vào tháng 3
năm Duy Tân thứ 9 năm 1915”.
Như vậy qua đây có thể phỏng đoán đình Thiều Xuân đã có từ
lâu, đến năm 1915 đình được trùng tu và tôn tạo. Vào những năm 1960, do chiến
tranh, loạn lạc, đình Thiều Xuân bị tháo dỡ lấy gạch, gỗ để xây dựng trạm xá,
trường học…
Năm 1995, việc khôi phục lại đình thờ thành hoàng làng được
thực hiện. Lúc đầu chỉ có một vài bậc bô lão cao tuổi đứng ra tổ chức, về sau
càng ngày càng có đông đảo Nhân dân tham gia. Đến năm 2003, được sự nhất trí của
các cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt là sự đồng lòng ủng hộ, hảo tâm công đức
của Nhân dân trong và ngoài thôn, ngôi đình làng đã được khôi phục lại; ban đầu
chỉ đơn giản là căn nhà ba gian để phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng
của Nhân dân.
Năm 2010, do được mở rộng khuôn viên với diện tích lên đến
664m2, đình Thiều Xuân tiếp tục được Nhân dân tôn tạo, xây dựng thêm 5 gian đại
bái, có tường vây bao quanh khuôn viên, rồi làm cổng, trồng cây… tạo nên một
không gian trang trọng cho nhân dân thực hành tín ngưỡng, gửi gắm niềm tin tâm linh…
vào dịp đầu xuân năm mới, những ngày lễ, tết, việc làng…
Đình Thiều Xuân cũng là nơi tổ chức lễ hội đình làng (còn gọi
là lễ hội khai xuân). Lễ hội được tổ chức vào ngày 15 tháng Giêng hằng năm; gồm
phần lễ với nghi thức chính là rước kiệu thánh đi quanh làng, trở về đình và
làm lễ tế; phần hội bao gồm các trò chơi dân gian, các môn thể thao… được tổ chức
cho Nhân dân trong làng ngoài xã cùng tham gia, vui chơi.
Bên cạnh ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hoà, nhân khang vật
thịnh, cây trồng tốt tươi, con người và vạn vật được phát triển thì lễ hội đình
làng Thiều Xuân còn là dịp để các thế hệ người dân nơi đây tưởng nhớ đến công
ơn của Thạch Sơn Tam vị Đại vương và An Bình công chúa với quê hương đất nước;
qua đó, giáo dục người dân tiếp thu và thực hành truyền thống quý báu “Uống nước
nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc.
Ngoài lễ hội đình làng, hằng năm, đình Thiều Xuân còn có ba
lễ tiệc chính là tiệc Thánh Cả, Thánh Hai (ngày 20 tháng Bảy âm lịch), tiệc
thánh Ba (ngày 15 tháng Chín âm lịch) và tiệc Thánh hóa (ngày 20 tháng Chạp âm
lịch).
Với bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa phong phú, đặc sắc,
đình Thiều Xuân vinh dự được Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc xếp hạng là di tích
lịch sử - văn hóa cấp tỉnh theo Quyết định số 318/QĐ-UBND ngày 26 tháng 01 năm
2016.
BBT