Đình Thượng Thụy thuộc ngõ 423 đường An Dương Vương, tổ 7, cụm 1 phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội, thờ phụng đức Long vương Trung đẳng thần đã có công âm phù bảo vệ người dân địa phương chống lũ lụt.
Đình có lịch sử tạo dựng sớm để thờ phụng các vị thần có
công với nhân dân địa phương. Ngôi đền cổ trước đây được khởi dựng khá sớm ở
ngoài bãi. Theo các cụ trong làng cho biết vào khoảng cuối thời Lê do ngoài bãi
bị nước sông sói lở sâu vào móng đèn bị sụt vỡ nên nhân dân Thượng Thụy đã chuyển
vào bên trong đê như vị trí hiện nay.
Căn cứ theo cuốn thần tích và sắc phong và các sử liệu còn
lưu giữ tại đình thì Thượng Thụy thờ thành hoàng làng là Đức Long Vương thủy thần
có thể tóm tắt như sau: một đêm rằm tháng tám viên quan cai trị lúc bấy giờ nằm
mơ thấy một vị tướng dung mạo hùng vĩ, thân cao chín thước đến trước mặt ông ta
và bảo rằng: “ta là thần sấm sét trên thiên đình, dưới thủy phủ ta là Long
Vương. Vâng mệnh Thượng đế giữ gìn dân nơi này”.
“Sau đó trời nổi cơn
mưa giông người dân còn nghe tiếng đọc lệnh chỉ của Ngọc Hoàng cho dân lập đền thờ”. Đây là vị
Thánh thuận ý trời hiển linh. Trong thần phả còn chép: “Có một năm nước sông Hồng
lên rất to, quan giám đê của triều đình nghe nói nơi đây thờ vị Thần rất linh
thiêng, vị quan này cho lập đàn cầu xin tức thì nước sông rút ngay. Sau đó mưa
thuận gió hòa năm ấy dân trong vùng được mùa to”.
Hàng năm nhân dân trong thôn theo lệ cũ lấy ngày mồng 5
tháng 8 hàng năm là ngày giỗ, lấy ngày mồng 5 tháng 5 là ngày tế các vị thần rất
cung kính: “Đại vương là người trời, việc nhỏ việc to đều thấu suốt, ngài có sức
mạnh sấm vang, chớp giật, có oai phong làm gió, làm mưa. Uy đức ấy được ghi vào
sổ thiên tào. Nơi thủy phủ đứng đầu muôn loài thủy tộc, biến hóa vô cùng. Đại
vương là bậc thần xưa nay được muôn dân kính yêu, mến mộ. Nay là lễ phụng
nghinh, đường mây đã mở, bên chiếu xuân kính xin đại vương tạm ghé xe loan. Dân
chúng tôi thành kính dâng lên lễ mọn xin đại vương soi xét, giúp đỡ, giữ gìn
muôn dân, ngài cho dân chúng con được hưởng đức lớn cho được mưa thuận gió hòa,
dân yên vật thịnh. Thực là cậy nhờ sức lực công lao phù trợ của Đại vương, xin
ngài thấu cho”.
Về sau các triều vua đã sắc phong cho thành hoàng làng là:
“Đại vương là bậc Trung đẳng thần, ơn sâu như biển, thấm nhuần tới dân, thuận ý
trời, hiển linh giúp dân yên vui mãi mãi”.
Hàng năm để tưởng nhớ công đức của đức thánh dân làng lấy
ngày 12 tháng giêng là ngày lễ hội đình làng để tỏ lòng thành kính và cảm tạ Thần
đã phù hộ cho mưa thuận gió hòa, dân làng sống thanh bình, hạnh phúc.
Trước đây đình có quy mô nhỏ, đơn giản gồm ba gian hai dĩ,
trong những năm gần đây được sự quan tâm của chính quyền quận Tây Hồ và phường
Phú Thượng, ngành chức năng đặc biệt là ý thức và sự tự nguyện đóng góp kinh
phí của nhân dân Thượng Thụy đã đại trùng tu lại ngôi đình nên diện mạo đình
Thượng Thụy ngày nay khá bề thế trang nghiêm.
Di tích đình Thượng Thụy được xây dựng trên một khu đất khá
rộng cao thoáng ở trung tâm của làng Thượng Thụy và quay theo hướng tây, di
tích có tường bao xung quanh, diện tích khoảng 2000m2.
Ngoài cùng là giếng đình được xây dựng theo hình tròn, diện
tích khoảng 300m2 mùa hè được thả hoa sen tỏa hương thơm ngào ngạt tạo không
gian thông thoáng tươi đẹp cho ngôi đình.
Nghi môn: tứ trụ ở chính giữa gồm 2 trụ biểu xây hình vuông
cao, thân trụ có bổ ô để viết câu đối, phần lồng đèn không trang trí, trên đỉnh
trụ có 4 chim phượng chụm đuôi vào nhau tạo thành hình trái dành. Từ hai cột
chính chạy thẳng sang hai bên phải và bên trái là hai trụ nhỏ để trơn không tạo
câu đối, đỉnh trụ là hình hai con nghê hướng mặt vào nhau.
Công trình kiến trúc chính của đình Thượng Thụy gồm: đại
đình và hậu cung. Tòa đại đình gồm 5 gian mới được chính quyền và nhân dân tu bổ
lại trong thời gian gần đây bằng chất liệu hiện đại bê tông giả gỗ trên các bộ
vì được thể hiện kiểu chồng rường, tiền kê, hậu bẩy.
Mái lợp ngói ta, các góc mái được thể hiện các đầu đao cong
hình đầu rồng hướng ngược về nóc mái. Phía trước là hệ thống cửa bức bàn bằng gỗ.
Tòa đại đình Thượng Thụy được làm trên nền cao với 7 bậc đá từ sân đi lên, ở
chính gian giữa phía ngoài đại đình từ các bậc đá đi lên là đôi rồng vàng bằng
đá và chiếu rồng (mới được nhân dân làm công đức trong thời gian gần đây). Phía
trước đôi rồng là đôi đèn và lư hương cũng bằng đá xanh.
Đại đình gồm 5 gian rộng, bộ khung được làm bằng bê tông giả
gỗ gồm có 4 bộ vì kèo (2 bộ vì kiểu thượng rường, 1 bộ vì kèo suốt, 1 bộ vì giá
chiêng) đình cao khoảng 1,4m so với mặt sân. Nhà đại đình được làm theo kiểu tường
hồi bít đốc, bờ nóc chạy thẳng chính giữa đắp đôi rồng chầu mặt trời lửa. Hình
rồng được làm đơn giản, đuôi xoắn, vây lưng và bờm nhọn, thân gắn các mảnh sành
xanh, trắng. Hai bên hồi xây tường nối ra hai cổng nhỏ thông ra phía sau vườn.
Hậu cung gồm 3 gian nhà ngang, xây kiểu đầu hồi bít đốc, mái
lợp ngói ta, chính giữa bờ nóc đắp mặt trời lửa, hai đầu bờ nóc đắp hai tiện
rút. Nền nhà cao hẳn lên so với đại đình, nền nhà lát gạch giếng đáy. Bộ khung
nhà làm đơn giản kiểu vì kèo quá giang, bào trơn đóng bén, phía trước mặt là hệ
thống cửa bức bàn gỗ. Gian chính giữa ở vị trí trung tâm đặt long ngai, bài vị
ngai thờ của thành hoàng làng.
Đặc biệt, đình Thượng Thụy còn lưu giữ được hệ thống di vật
phong phú đa dạng về thể loại và chất liệu như: hệ thống các sắc phong, thần phả,
chuông đồng, ngai thờ, kiệu gỗ, cửa võng, hoành phi, câu đối… mang giá trị văn
hóa, khoa học và thẩm mỹ rất cao cùng các đạo sắc (bản gốc) có niên đại thời
Nguyễn. Các di vật này là nguồn tư liệu thành văn vô cùng quý giá góp phần lớn
trong việc tìm hiểu về lai lịch các vị thần trong hệ thống thần điện của người
Việt cũng như quá trình phát triển của đình làng Việt Nam qua các thời kỳ lịch
sử khác nhau của đất nước.
Ngoài giá trị về mặt lịch sử, nghệ thuật đình Thượng Thụy
còn có giá trị về văn hóa. Ngôi đình là nơi quần tụ sinh hoạt văn hóa, tâm linh
tín ngưỡng của dân làng thể hiện lòng biết ơn với người đã có công bảo vệ cuộc
sống bình yên cho nhân dân từ trước đến nay. Đồng thời còn là nơi gắn kết các
thành viên trong làng, hướng con người đến chân - thiện - mỹ./.