Đình làng là một thiết chế văn hóa tín ngưỡng ra đời từ thời Lê Sơ, đánh dấu một bước phát triển của cơ cấu làng xã cổ truyền. Đình làng là một biểu tượng của tính cộng đồng. Đình phản ánh đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng cũng như cấu trúc phân tầng trong cộng đồng làng xã. Mặc dù cho đến nay, tuy không còn mang đầy đủ các chức năng vốn có, nhưng đình vẫn là một trung tâm sinh hoạt văn hóa của cộng đồng làng xã mà thể hiện cô đọng nhất là lễ hội.
Từ “đình” xuất hiện sớm nhất trong lịch sử Việt Nam là vào thế kỷ II. Trong “Lục độ tập kinh” của Khang Tăng Hội có đoạn: “Đêm
đến ông lặng lẽ trốn đi. Đi hơn trăm dặm vào nghỉ ở một ngôi đình
trống. Người giữ đình hỏi: “Ông là người nào?”. Ông trả lời: “Tôi là
người xin ngủ nhờ” Chi tiết “ngôi đình trống” trong
đoạn văn trên cho ta cơ sở khẳng định đó là trạm nghỉ chân dọc đường,
còn chi tiết “người giữ đình” cho ta giả thiết đó là ngôi đình là nhà
công cộng của làng xã. Tuy nhiên, giả thiết này còn thiếu chắc chắn!
Như
vậy, đình trạm là hiện tượng phổ biến ít nhiều từ thế kỷ thứ II. Thời
nhà Đinh, ở cố đô Hoa Lư đã có dựng đình cho sứ thần nghỉ chân trước khi
vào diện kiến vua. Đến đời Trần, đình với tư cách là trạm nghỉ chân
được ghi trong Đại Việt Sử kí toàn thư: “Thượng hoàng xuống (Trần
Thái Tông) chiếu rằng, trong nước hễ chỗ nào có đình trạm đều phải đắp
tượng phật để thờ. Trước đây, tục nước ta vì nống bức, nên làm nhiều
đình cho người đi đường nghỉ chân, thường quét vôi trắng, gọi là đình
trạm”.
Dưới thời nhà Lê, đình làng đã phát triển. Một sự kiện quan trọng dưới thời Lê Thánh Tông đã được Hồng Đức thiện chính thư ghi chép về việc lập đình như sau: “…Người
giàu đã bỏ tiền của làm đình hay công đức làm chùa. Thế mà (người sau
giữ việc hậu) không biết đền đáp ơn đức, chỉ lừa người lấy của, chẳng
bao lâu, tình nhạt lễ bạc, quên cả lời đoan, sinh thói bạc ác hoặc bỏ cả
giỗ chạp, không như đời trước, hoặc là làm cỗ bàn không như khoán ước,
hoặc năm thì trước năm thì sau, không đúng tháng hoặc trẻ thì lạy lớn
thì không, chẳng đồng lòng. Vậy con cháu nhà đặt hậu ở đình hay ở chùa
mà thấy kẻ giữ việc hậu có trái lễ thì trình báo với nha môn để thu lại
tiền công đức…”.
Về
nguồn gốc đình làng cũng có nhiều ý kiến khác nhau và cũng chưa có giải
đáp chắc chắn. Có ý kiến cho rằng, đình vốn là hành cung của vua, được
xây dựng dành cho vua khi đi tuần thú, sau mới thành đình làng. Có ý
kiến khác cho rằng, vào thời Lý ở Thăng Long, người ta xây dựng những
phương đình (có quy mô nhỏ) để dán các thông báo của chính
quyền, hoặc là nơi người ta tuyên đọc các văn kiện của nhà vua. Sau đó,
kiến trúc loại này tỏa về làng với chức năng như trụ sở hành chính của
làng. Một vài ý kiến khác cho rằng đình làng có thể bắt nguồn từ các
kiến trúc thờ thần đất và thần nước. Các cư dân Việt cổ trong tín ngưỡng
bản địa, sùng bái thần đất và thần nước - những vị thần đã che chở nuôi
sống họ.
Do
vậy, đình làng với tín ngưỡng của nó có thể có nguồn gốc từ việc thờ
thần đất, nước, hai vị thần quan trọng nhất của cư dân nông nghiệp Việt
Nam. Trong tiến trình lịch sử tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng
phồn thực, thờ mẫu, thờ sức mạnh tự nhiên, và có phần ảnh hưởng không
lớn lắm của đạo Phật, đạo Nho đã được bổ sung tạo ra những biến thể
phong phú của Thành Hoàng làng Việt Nam.
Trong
thiết chế văn hóa làng cổ truyền người Việt nói chung và ở Quảng Trị
nói riêng, chúng ta có thể nhận thấy nổi bật lên những loại hình kiến
trúc phổ biến về tín ngưỡng, tôn giáo như Ðình, Chùa, Ðền, Miếu thờ...
Trong đó, đối tượng quan trọng nhất là Ðình làng. Với chức năng là nơi
thờ thần và là nơi hội họp bàn việc của cộng đồng làng, đình làng thường
do dân làng tự nguyện đóng góp để xây dựng và tu sửa qua từng thời
điểm.
Ðình
làng là một dạng kiến trúc khá đặc biệt, chúng được xem như là sản phẩm
riêng của người Việt. Khởi thủy đình là sản phẩm của chính quyền, mang
tư cách như một trụ sở trong mối quan hệ với quần chúng, hay nói cách
khác là quan hệ làng - nước. Ðến cuối thế kỷ XVI khi yếu tố đình được
dân gian đón nhận thì đình làng đã trở thành một thực thể văn hóa của
làng xã. Thời điểm này ngoài chức năng là trụ sở của chính quyền để ban
bố chính lệnh của triều đình, đình còn là nơi thờ cúng Thành Hoàng làng
và là nơi giải quyết các công việc trong nội bộ cộng đồng làng.
Mỗi
làng người Việt ở Quảng Trị đều tồn tại một ngôi đình làng dù lớn nhỏ
tùy theo điều kiện kinh tế của cộng đồng làng. Ðình làng tọa lạc ở một
vị trí lý tưởng nhất, phía trước thường có đồng ruộng, hồ nước hoặc con
sông chảy ngang, và đình thường gắn với chợ, như đình và chợ làng Câu
Nhi, đình và chợ Phiên Cam Lộ, đình Hà Trung gắn với Chợ Cầu (nay chợ
cầu đã chuyển lên vị trí mới), Chợ đình Bích La,… Ðình có thể được xem
là bộ mặt của cộng đồng làng, là chốn thiêng liêng đoàn tụ của những
lớp người đã xây dựng và gìn giữ làng xã.
Đa
phần các đình làng hiện hữu ở Quảng Trị đều được tạo dựng theo lối kiến
trúc dân gian truyền thống đó là mô thức nhà rường 5 gian 2 chái hay 3
gian 2 chái, họa tiết trang trí bởi nét đặc trưng theo hình thức chặm
khắc trên gỗ hay đắp nổi và ghép mảnh sành sứ ở bờ nốc, cổng trụ, bình
phong. Đây là nét kiến trúc đặc trưng của các đình làng ở miền trung
cũng như ở Quảng Trị. Những đề tài trang trí này đều xoay quanh mục đích
thể hiện quan niệm, triết lý nhân sinh quan, vũ trụ quan theo quan điểm
đạo Nho; đồng thời gửi gắm những điều ước muốn cầu cho vật thịnh, dân
an, ấm no, hạnh phúc của người dân làng xã. Ðặc biệt, ở đình làng Nghĩa
An (phường Đông Thanh, thành phố Đông Hà) người ta còn gắn bức hoành phi
4 chữ Hán: Mi mục cải quan (Chớp mắt đã nhìn thấy sự thay đổi)
với một hàm ý đầy tính triết học; hay đình làng Trung Chỉ (phường Đông
Lương, thành phố Đông Hà), đình làng Câu Nhi (xã Hải Tân, huyện Hải
Lăng) với lối trang trí các cột kèo bên trong là những họa tiết trang
trí khắc chạm trên gỗ hết sức tinh xảo. Điều đó cho thấy đình làng là
nơi kết tụ những tinh hoa của thời đại và lòng tôn kính mà người thợ
muốn gửi gắm khi xây dựng.
Kiến
trúc đình làng ở Quảng Trị từ xưa đến nay được sắp xếp theo 3 dạng: Một
là những ngôi đình có bố trí mặt bằng chỉ gồm một toà đại đình nằm theo
chiều dọc (đình làng Bích La - xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong; đình
Hà Thượng - thị trấn Gio Linh, huyện Gio Linh; đình làng Diên Sanh - xã
Hải Thọ, huyện Hải Lăng), mặt tiền mở ra từ gian chái dạng này xuất hiện
chủ yếu ở thời điểm những thế kỷ 17 - 18, tuy nhiên hiện nay không còn
nguyên bản vì đa số đã thay đổi và chuyển sang bố trí theo chiều ngang
ví như: đình làng Nghĩa An (phường Đông Thanh, thành phố Đông Hà). Hai
là đại đình chỉ gồm một nếp nhà nằm ngang như: đình làng Trung Chỉ
(phường Đông Lễ, thành phố Đông Hà), đình làng Hà Trung (xã Gio Châu,
huyện Gio Linh)... Ba là gồm hai nếp nhà song ngang bố trí theo lối chữ
nhị như: đình Lập Thạch (phường Đông Lễ, thành phố Đông Hà), đình Câu
Nhi (xã Hải Tân, huyện Hải Lăng), ngôi nhà trước là tiền đường làm nơi
tổ chức các cuộc hội họp, ăn uống; ngôi nhà sau là hậu liêu làm nơi thờ
cúng; ngăn cách giữa hai nếp nhà là hệ thống cửa bản khoa. Ngoài ra,
trong khuôn viên của nhiều ngôi đình còn có một số ngôi miếu thờ như:
Bổn thổ, thuỷ tổ các họ tộc, các vị nhân thần hoặc nhiên thần.... Ngoài 3
dạng kiến trúc đình làng nêu trên, từ xưa đến nay trên mảnh đất Quảng
Trị đã và đang hiện hữu những ngôi đình làng không có nhà (đình trần),
loại đình này ngoài hệ thống tường bao bọc, trụ biểu và bình phong thì
chỉ gồm các án thờ được xây bằng gạch và vôi vữa, các án thờ được bố trí
theo chiều ngang.
Mỗi
ngôi đình thường được giới hạn trong một khuôn viên cụ thể bởi hệ thống
la thành bao quanh, thành thường không cao và dày mỏng khác nhau. Lối
vào đình thường được xây theo kiểu thức 4 hoặc 2 trụ biểu hình vuông tạo
ra 3 hoặc 1 lối vào đình, trên trụ biểu thường có đề câu đối thể hiện
nội dung ca ngượi về vùng đất và con người của cộng đồng làng đó, đầu
trụ biểu được trang trí búp sen hoặc đèn lồng cổ lâu; bên cạnh đó, lối
vào đình còn có thể được dựng theo kiểu thức nghi môn, kiến trúc theo
kiểu vòm cuốn, bên trên có gác vọng lâu từ 1 đến 2 tầng được trang trí
rất đẹp như: nghi môn đình Lập Thạch, đình Trung Chỉ, đình Nghĩa An,
đình Hà Thượng…
Qua
nghi môn, được bố trí một bức bình phong, dùng để chắn tà khí, chắn
những cặp mắt xoi mói xấu xa, trần tục nhìn vào đình. Thường các bức
bình phong được xây bằng gạch và trang trí bằng cách đắp nổi vôi vữa và
ghép mảnh sành sứ với hình long mã chở lạc thư, long mã phụ hà đồ, mặt
hổ phù... Xung quanh là các tiểu cảnh hoa lá, chim muông dùng để trang
trí. Ðây là những hình ảnh thể hiện lòng ước mong của dân làng về mọi
điều tốt đẹp sẽ đến trong cuộc sống.
Kiến
trúc đình làng dù có khác nhau về quy mô, diện tích sử dụng nhưng đều
thống nhất tương đối ở việc bố trí mặt bằng nội thất. Ðó là việc phân
định không gian nội thất thành 2 phần là: tiền đường và hậu điện. Tiền
đường thường được dùng làm nơi sinh hoạt, hội họp, ăn uống. Hậu điện là
nơi thờ tự, là chốn trang nghiêm.
Ðình
làng ở Quảng Trị dù chỉ là một toà đại đình hay hai nếp nhà song ngang
thì phần tiền đường thường để thông thoáng với bên ngoài. Kiến trúc đình
làng được xây dựng theo một mô thức kiến trúc độc đáo mà người ta quen
gọi là kiểu nhà Rường với kết cấu của một bộ khung gỗ chịu lực có từ 3
đến 5 gian và 2 chái, được liên kết bởi các thành phần cấu kiện gỗ lại
với nhau. Nó không giống như cấu trúc khung gỗ chịu lực ở kiến trúc miền Bắc và càng khác biệt so với kiến trúc ở miền Nam.
Kiến
trúc đình làng ở Quảng Trị thường có 2 dạng vài kèo: vài chồng và vài
luôn. Các bộ phận ở gian chái thường được kết cấu theo kiểu chái kép. Có
thể coi đình làng Trung Chỉ là một kiến trúc có bộ khung gỗ được trang
trí đẹp nhất của vùng Ðông Hà nói riêng và của cả Quảng Trị nói chung;
xứng đáng trở thành một di sản quý về nghệ thuật điêu khắc đình làng
miền Trung.
Quảng
Trị là mãnh đất có khí hậu khắc nghiệt nên khi xây dựng đình làng để
chống chọi với gió bão, thì các bờ nóc, bờ dải đều được đắp to, đè mái
chắc chắn nhưng được cách điệu trang trí rực rỡ nhờ việc gắn lên trên đó
các hình ảnh thuộc bộ “tứ linh”, giao lá… bằng nghệ thuật đắp vữa, ghép
mảnh sành sứ, làm cho bộ mái nhẹ nhàng hẳn đi và có cảm giác như vút
lên. Với những ưu điểm như thế, bộ mái của ngôi đình vừa có vẻ cứng cáp
và mảnh mai nhưng không yếu ớt, vừa thích hợp với môi trường khí hậu của
miền Trung đồng thời phù hợp với thẩm mỹ và cảnh quan của kiến trúc tại
Quảng Trị.
Đình
làng ở Quảng Trị có nhiều nét khác biệt về kiến trúc, văn hóa làng so
với những vùng miền khác của miền Bắc hay miền Nam. Điều này đã tạo nên
nét đặc trưng riêng cho đình làng ở Quảng Trị.
Đình làng Trung Chỉ, phường Đông Lương, thành phố Đông Hà. Ảnh Yến Thọ
Chính
những nét đẹp văn hóa hiện hữu cùng thời gian vượt qua sự nghiệt ngã
của quy luật sinh diệt, con người Quảng Trị bao đời nay nối tiếp từ thế
hệ này sang thế hệ khác ý thức bảo vệ, phát huy những giá trị văn hóa
lịch sử cho lớp người đi sau mãi ghi nhớ nguồn cội, kế thừa giá trị
chân, thiện, mỹ trong đời sống cộng đồng. Muốn phát huy điều đó cần sự
chung tay của mỗi cá nhân cùng các cơ quan chức năng nhằm bảo tồn giá
trị văn hóa vật thể và phi vật thể trường tồn cùng năm tháng. Để dù có
đi đâu làm gì thì những giá trị ấy mãi trở thành hồn làng đưa mỗi người
tìm về chốn bình yên sau bao đổi thay của thời cuộc.
Đình
làng là một thiết chế văn hóa - tín ngưỡng tổng hợp, có ba chức năng
chính: tín ngưỡng, hành chính, văn hóa. Rất khó để xác định chức năng
nào có trước, chức năng nào được bổ sung. Hơn nữa, ba chức năng đan xen,
hòa quện với nhau đến mức khó có thể phân biệt.
Chức năng tín ngưỡng:
Trong các đình làng Việt Nam, vị thần được thờ cúng là Thành hoàng
làng, vị vua tinh thần, thần hộ mệnh của làng. Khi tín ngưỡng Thành
hoàng du nhập vào Việt Nam từ thời Bắc thuộc cũng nảy sinh ra một số
Thành hoàng mà chức năng cũng giống như ở Trung Quốc… Các vua triều
Nguyễn còn lập miếu thờ Thành hoàng làng ở tỉnh và huyện. Nhưng khi tín
ngưỡng Thành hoàng về làng, xã thì nó đã biến đổi khác với tín ngưỡng
Thành hoàng ở Trung Quốc. Như vây, tín nguỡng Thành hoàng Trung Quốc khi
du nhập vào làng xã Việt Nam thì các yếu tố văn hóa Hán, hoặc hiện
tượng Hán hóa khác bị cổng làng chặn lại thì nó lại tìm thấy các tín
ngưỡng bản địa có tính tương đồng, nên hội nhập rất thuận lợi với hệ
thống tín ngưỡng đa nguyên của Việt Nam.
Nguồn gốc của Thành hoàng cũng rất đa dạng. Trước hết là các thần tự nhiên (thiên thần hay nhiên thần) được
thờ ở rất nhiều đình làng. Các vị thần này đều có tiểu sử mang tính
huyền thoại và truyền thuyết (thần đá, thần sông, thần núi…). Để có được
một điểm tựa tinh thần, một số cộng đồng làng đã tôn những vị thần này
làm Thành hoàng làng; Thành hoàng làng thứ hai là các nhân thần. Các
nhân vật lịch sử, đã có công chiêu dân lập làng, mở rộng cương vực của
làng; Thành hoàng làng thứ ba gắn liền với tín ngưỡng bản địa, như tục
thờ cây, thờ đá thời nguyên thủy...
Ngoài
các vị thần, ở đình làng còn thờ những người đã có công khai phá đất
mới, lập làng, như: “tiên hiền” là những người đến trước, “hậu hiền” là
những người đến sau tiếp tục công cuộc “khai canh, khai khẩn”…
Những
người có công đóng góp cho làng sau khi chết được dân làng thờ làm “hậu
thần”, hàng năm cúng giỗ ở đình. Có người khi còn sống đóng góp cho
làng trên cơ sở có khoán ước với làng, được ghi thành văn bản, đôi khi
được khắc vào bia đá. Họ được “bầu hậu” khi chết đi được thờ làm “hậu
thần” và được làng hương khói hàng năm. Ngoài ra, ở một số làng nghề thủ
công người ta còn thờ tổ nghề gọi là “tiên sư”.
Tóm
lại, các thần làng Việt Nam biểu hiện một hệ thống tín ngưỡng đa
nguyên. Đó là một hệ thống pha lẫn nhiều yếu tố tín ngưỡng sơ khai của
cư dân nông nghiệp (tín ngưỡng phồn thực, tín ngưỡng thờ mẹ, các thần sức mạnh tự nhiên…) với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, những người anh hùng và có phần ảnh hưởng không nhiều của của đạo Phật và đạo Nho.
Chức năng hành chính: Đình
làng thực sự là trụ sở hành chính - nơi mọi công việc về hành chính của
làng đều được tiến hành ở đó. Từ việc xét xử các vụ tranh chấp, phạt
vạ, khao vọng, từ thu tô thuế đến việc bắt lính, bỏ các xuất phu đinh.
Chủ
thể tiến hành các hoạt động hành chính ở đình làng là các vị có chức
danh Chánh tổng, Lý trưởng, Phó lý, Trưởng tuần và các viên quan của Hội
đồng hương kì, kì mục. Cơ sở để giải quyết các công việc của làng được
dựa vào lệ làng hoặc hương ước. Hương ước là một hình thức luật tục. Gắn
với hoàn cảnh, phong tục, tập quán lâu đời của từng làng mà nhân dân có
các bộ luật nhà nước không thể bao quát được.
Các làng đều có hương ước riêng với nội dung rất cụ thể khác nhau. Tuy nhiên, hương ước làng bao gồm những nội dung chủ yếu sau:
Những qui ước về ruộng đất: việc phân cấp công điền, công thổ theo định kì và qui ước về việc đóng góp (tiền và thóc).
Quy ước về khuyến nông, bảo vệ sản xuất, cấm bỏ ruộng hoang, chặt cây bừa bãi.
Những
quy ước về tổ chức xã hội và trách nhiệm của các chức dịch trong làng.
Việc xác định chức dịch trong làng nhằm hạn chế họ lợi dụng quyền hành
và thế lực để mưu lợi riêng.
Những
quy định về văn hóa tư tưởng, tín ngưỡng. Đó là những quy ước nhằm đảm
bảo các quan hệ trong làng xóm, dòng họ, gia đình, láng giềng, được duy
trì tốt đẹp. Quy định về việc sử dụng hoa lợi của ruộng công vào việc
sửa chữa, xây dựng đình, chùa, điện, quy định về thể lệ tổ chức lễ hội,
khao vọng, lễ ra làng, lễ nộp cheo…
Hương
ước còn có những quy định về hình phạt đối với ai vi phạm. Vi phạm mức
độ nào thì nộp phạt hoặc phải làm cỗ ở đình làng để tạ tội với Thành
Hoàng làng. Hình phạt cao nhất là bị đuổi ra khỏi làng.
Có
thể nói, hương ước là một bộ luật của làng xã. Về cơ bản, hương ước
chứa đựng nhiều giá trị văn hóa dân gian tốt đẹp, được hình thành lâu
đời và nếu được chắt lọc có thể phát huy những giá trị tốt đẹp trong
cuộc sống làng xã hiện nay.
Với
đặc điểm của tính tự trị và tính cộng đồng của làng xã, hoạt động hành
chính và quản lí của làng xã được tiến hành có hiệu quả. Đình làng với
tư cách là trụ sở hành chính đã trở thành biểu tượng của tính tự trị và
sự cố kết cộng đồng trong suốt chiều dài lịch sử của mình.
Chức năng văn hóa: Đình
làng là trung tâm sinh hoạt văn hóa của cả làng. “Cây đa, bến nước, sân
đình” đã đi vào tâm hồn của người dân quê. Đỉnh cao của các hoạt động
văn hóa ở đình làng là lễ hội, đó là hoạt động có quy mô và gây ấn tượng
nhất trong năm đối với dân làng. Ở các làng quê Việt Nam còn có hội
chùa, hội đền nhưng phần lớn là hội làng được diễn ra ở đình làng gắn
với đời sống của dân làng. Lễ hội bao gồm hai phần chính là: Phần lễ và
phần hội:
Lễ là các hoạt động có tính nghi lễ liên quan đến tín ngưỡng của cộng đồng làng.
Hội
là hoạt động mang tính giải trí, gắn liền với thế tục, nghệ thuật, thể
dục, thể thao. Nhưng trong một số trò chơi hội làng cũng có ý nghĩa tâm
linh, gắn với mục đích cầu mưa, cầu mùa. Lễ hội ở làng diễn ra “xuân
thu, nhị kì” vào các dịp nông nhàn. Lễ hội phần lớn vào tháng Giêng, có
nơi vào thành hai, tháng ba âm lịch. Lễ hội thu thường vào tháng bảy,
tháng tám. Đó là hai lễ hội lớn, còn trong năm người ta cúng lễ Thành
Hoàng làng.
Sau
phần tế lễ là các hoạt động vui chơi, giải trí. Mỗi địa phương có trò
chơi khác nhau, thỏa mãn con người với nhiều nhu cầu như: Nhu cầu tâm
linh (các trò chơi gắn với cầu mưa, cầu mùa, cầu ngư...), nhu cầu cộng
cảm, nhu cầu thể hiện sức mạnh, sự tài trí. Các trò chơi gắn liền với
nghi lễ cầu mưa, cầu mùa, như: Cướp cầu/cù, kéo co, đua thuyền, cờ
chòi…; ngoài ra, sân đình trở thành sân khấu cho các hoạt động diễn
xướng, ca hát (hò đối đáp, hát bội, chèo cạn…).
Lễ
hội diễn ra tại đình làng là cầu nối tâm linh giữa con người, giữa quá
khứ, hiện tại và tương lai, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa
ở làng xã, bảo tồn những vốn quý của di sản văn hóa tinh thần của dân
tộc. Khôi phục các lễ hội ở đình làng cũng là góp phần gìn giữ và phát
huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng được đời sống văn hóa cơ sở, tạo được sân chơi cho đông đảo dân làng mỗi kỳ lễ hội, đồng thời tạo được một điểm tham quan, vui chơi giải trí cho khách du lịch, nhất là du khách nước ngoài.
Cho đến nay, tế đình và lễ hội vẫn là hình thức sinh hoạt cộng đồng tiêu biểu ấn tượng nhất của làng xã. Trong sinh hoạt tín ngưỡng đó, người dân vẫn tin vào sự phù hộ của các vị thần trong mùa màng và đời sống. Hội làng sau một thời gian bị đứt đoạn đã có sự phục hồi nhanh chóng, chứng tỏ dân làng vẫn có nhu cầu về tâm linh. Điều đó cũng chứng tỏ sức sống bền bỉ của tín ngưỡng thờ Thành Hoàng làng./.
Ngô Thanh Hoàng
Chú thích
1. Hà Văn Tấn và Nguyễn Văn Kự. Đình Việt Nam. Nxb TP. Hồ Chí Minh, 1998, tr. 18 - 19.
2. Viện Khoa học xã hội Việt Nam. Đại Việt sử ký toàn thư (tập II, dịch và chú giải Hoàng Văn Lâu). Nxb Khoa học Xã hội, 1993, tr. 13.
3. Theo: Hồng Đức thiện chính thư, trang 72 (dẫn theo Hà Văn Tấn và Nguyễn Văn Kự. Đình Việt Nam. Nxb TP Hồ Chí Minh, 1998, tr. 16).