Công trình được xây dựng trên một thế đất cao ráo, đắc địa ở phía Bắc làng, trước mặt có một hồ sen lớn. Đình thờ ba vị thần tượng trưng cho cả “thiên, địa, nhân”; ngoài ra, đình còn thờ tiến sĩ Phạm Quang Dung là người làng có công đứng ra trùng tu đình năm 1718 và Phạm Thọ Lý, người đã cung tiến đất làm đình lần đầu năm 1635.
Đông Ngạc là một trong những làng cổ nhất Hà Nội. Đình làng
Đông Ngạc đã tồn tại hơn 500 năm, đến nay vẫn lưu giữ được nhiều nét văn hóa đặc
trưng của người Hà Nội, xứng danh với câu ca “Đất Kẻ Giàn, quan Kẻ Vẽ”.
Đình Vẽ quay mặt ra đường An Dương Vương
Làng Đông Ngạc được xem là đắc địa, vượng khí nên rất nổi tiếng
về truyền thống khoa bảng. Tính từ khi cụ Phan Phu Tiên khai khoa cho làng, đỗ
tiến sĩ khoa Bính Tý năm 1396 dưới triều Vua Trần Thuận Tông, đến thời Nguyễn,
làng Ðông Ngạc đã có 25 người đỗ đại khoa (tiến sĩ trở lên) và được gọi là làng
khoa bảng là vì thế.
Trong những kiến trúc
đặc biệt ở làng Đông Ngạc phải kể tới đình Đông Ngạc hay còn gọi là đình Vẽ. Tiền
thân của đình là một ngôi miếu cổ dựng từ thời nhà Đường sang đô hộ nước ta và
đã được trùng tu nhiều lần qua các văn bia ghi vào các năm 1635, 1653, 1718,
1836, 1941…
Cổng tam quan ngoại nhìn từ ngoài vào
Công trình được xây dựng
trên một thế đất cao ráo, đắc địa ở phía Bắc làng, trước mặt có một hồ sen lớn.
Đình thờ ba vị thần tượng trưng cho cả “thiên, địa, nhân”; ngoài ra, đình còn
thờ tiến sĩ Phạm Quang Dung là người làng có công đứng ra trùng tu đình năm
1718 và Phạm Thọ Lý, người đã cung tiến đất làm đình lần đầu năm 1635.
Lối
xuống hồ sen rộng lớn phía trước cổng tam quan đình Vẽ
Hiện trong đình còn lưu giữ bộ tranh sơn mài thời nhà Lê và
những tấm bia đã ghi lại quá trình thủy tạo xây dựng đình và những lần trùng tu
lớn.
Cổng tam quan ngoại từ trong nhìn ra
Toàn bộ khuôn viên của
đình được kiến trúc theo hình chữ Quốc, tượng trưng cho đầu rồng. Từ cổng vào
qua hai tam quan đồ sộ, tam quan ngoại có nền cao ngang mặt đê sông Hồng, tượng
trưng cho mũi rồng. Giữa hai tam quan là hai ao nhỏ hai bên, tượng trưng cho mắt
rồng.
Giữa hai tam quan là hai ao nhỏ hai bên, tượng trưng cho mắt rồng
Qua cổng tam quan nội
đến khoảng sân rộng, hai bên hành lang mỗi dãy bảy gian. Đại đình có bái đường
nội và ngoại được nối liền với nhau, mỗi tòa gồm chín gian, tượng trưng cho đỉnh
đầu rồng. Trong cùng là trung cung và hậu cung, mỗi tòa ba gian, tượng trưng cho
cổ rồng. Tất cả được sắp xếp trong một không gian tĩnh mịch với nhiều cây cổ thụ
hàng trăm năm tuổi.
Tòa đại bái có hai nếp nhà xếp hình chữ “Nhị”. Nếp nhà ngoài
có mái lợp ngói mũi hài cổ. Gian giữa có 2 con hạc thờ cùng 2 bộ lỗ bộ 16 chiếc
vũ khí. Nếp nhà phía trong được nối với với nếp nhà ngoài và bày kiệu rước,
long đình, nhang án, sập thờ.
Hai bên hành lang mỗi dãy bảy gian
Ngoài 8 tấm bia đá có các niên đại Lê Trung Hưng và Nguyễn,
1 cuốn ngọc phả, 45 đạo sắc phong (với các niên đại 1670, 1789, 1924…), nội thất
đình còn bao gồm 1 quả chuông đồng đúc năm 1833, 2 bộ bát bửu, 1 biểu tượng tay
cầm bút lông và 1 biểu tượng tay cầm nòng lửa.
Đình Đông Ngạc còn lưu giữ 1 đôi hạc thờ cao 2 m, 1 bộ ngũ sự,
3 cỗ kiệu bát cống, 1 cỗ kiệu võng, 1 long đình, 6 hoành phi, 24 câu đối, 1 kiệu
rước thần mía, 2 hương án, 1 sập thờ, 3 long ngai, 48 bức tranh trên ván gỗ (mỗi
bức tranh đều có kèm 1 bài thơ), 3 bộ triều phục và nhiều đồ thờ khác.
Trung cung và hậu cung, mỗi tòa ba gian
Khác với những đình khác chỉ thờ một vị thành hoàng, đình
Ðông Ngạc phối thờ cả ba vị thiên thần, nhân thần và địa thần, Thiên thần Độc
Cước, Địa thần Bản Thổ và Nhân thần Lê Khôi đều là những người có công đức với
làng. Bên cạnh đó là văn chỉ thờ Khổng Tử và nhà đọc sách. Ðiều đó đã phản ánh
đặc sắc nét văn hóa tốt đẹp cũng như truyền thống khoa bảng lâu đời của người
Ðông Ngạc.
Thần Độc Cước là Hỏa Quan Tiên (nghĩa đen là Roi Lửa), Sơn
Tiêu Đại Thánh. Thần hiển linh ở quận Nam, nước Bắc. Trước đây, có một thầy tu ở
Tây Vực đến giáo hóa dân ta, đã dừng thuyền ở cửa Triều Khẩu (tên nôm là Cửa Trào) nay thuộc huyện Hưng
Nguyên, tỉnh Nghệ An. Trong thời gian lưu lại đây, ông đã dựng đền thờ vị thần
Sơn Tiêu này.
Tại bãi biển Sầm Sơn, trên ngọn núi cheo leo sát bờ biển thuộc
xã Trường Lộc, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa cũng có đền thờ thần Độc Cước.
Tương truyền sau một đêm mưa to, gió lớn, sáng ngày dân bản xã lên núi Sầm Sơn
thấy một dấu chân người khổng lồ (dài một trượng 5 phân, rộng 5 tấc).
Dân xã lập đền thờ. Lại có thuyết nói thần họ Cao tên tự Độc
Cước, là một vị thiền sư đời Lý. Theo “Báo Cực truyện”, các thiền tăng chỉ đứng
một chân để giảng đạo, rồi biến hóa. Dân lập đền thờ tại nơi có vết chân để lại.
Đầu thế kỷ XV, làng Đông Ngạc (tên Nôm là làng Vẽ), huyện Từ
Liêm có Phan Phu Tiên (hay Phan Phù Tiên), đỗ Thái học sinh từ năm 1396, đi làm
quan ở châu Hoan, khi đi qua đến Triều Khẩu có ghé vào đền nghỉ lại.
Trong lúc thư nhàn, ông có đọc thầm một câu thơ “Mộc khách
giải ngâm thi” của Tô Đông Pha, có ý châm biếm thần Độc Cước. Đến đêm, Phan Phu
Tiên mộng thấy thần Độc Cước hiện lên nghiêm giọng quát hỏi: “Nghe câu thơ ông
đọc ban ngày có ý trào lộng. Nhưng ông có biết chăng ở xứ Giang Nam có một con
hồ ly luôn luôn biến ảo hình chất, và thường mượn danh thế của ta, làm hại dân
chúng. Ta đã tâu lên thượng đế, và đã giết nó rồi. Thượng đế sai ta quản lĩnh từ
phía Mân Việt trở về Nam, tiếp tục tiêu ma trừ quỷ để bảo vệ hài nhi và dân
chúng. Nay ông lại có ý bảo ma quỷ ở Chiết Giang chăng?”.
Phan Phu Tiên giật mình tỉnh dậy, dựng tóc gáy, tạ tội và
xin với thần được rước bát hương về thờ ở làng mình nằm tại phía Nam sông Nhĩ
Hà, tức làng Vẽ bây giờ.
Thần Độc Cước do Phan Phu Tiên thỉnh về làng Vẽ, được dân
làng lập làm Thành hoàng làng. Từ đó, ma quỷ được trừ, dân không phải khổ vì bệnh
tật, thuyền buôn đến bến sông tấp nập. Dân gặp tai ương đến đền cầu đảo đều
linh ứng.
Trong thần phả làng Vẽ ghi tên thần là thần Độc Cước, còn tại
sao lại có tên này, không thấy có lời giải thích. Thần phả chép rằng: Vị thượng
đẳng thần có rất nhiều công tích với triều đình nên được phong chức Bình
chương, và đã từng trị nhậm ở hai châu là châu O và châu Hoan.
Nhưng lạ thay khi thần ở châu O thì châu Hoan đói kém, khi
thần ở châu Hoan thì châu O lại lâm vào cảnh loạn lạc. Để có thể trị nhậm được
hai nơi, giúp dân chống đói, trị loạn, nên cuối cùng, thần phải xé đôi mình ra,
để mỗi nơi người trị nhậm ở một châu, vì thế mới gọi là thần Độc Cước (một
chân).
Từ lâu, người làng Vẽ thường gọi vị thượng đẳng thần bằng một
cái tên đơn giản là thần Độc Cước. Nhưng sắc phong của triều Lê còn giữ tại
đình, mỹ tự phong cho thần được viết rất dài là: Cương Nghị Siêu Dũng Cường Quả
Thuần Chính Độc Cước Chi Thần.
Hội đình làng Vẽ tổ chức trọng thể trang nghiêm, ngày mồng 9
và 10 tháng Hai. Người trên đê từ làng Chèm, làng Bạc, làng Gạ, làng Bỏi…về dự
đông vui nhộn nhịp. Ngoài những trò chơi như cờ bỏi, chọi gà, bịt mắt bắt
dê…còn trò thả thơ, một nét đặc sắc của làng Vẽ văn hiến.
Những con đường
lát gạch ở đình Vẽ
Không gian
tĩnh mịch với nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi ở đình Vẽ
Nhận thấy những tiềm năng, thế mạnh về văn hóa, xã hội, lịch
sử của làng cổ Đông Ngạc, TP Hà Nội đã xác định đầu tư, xây dựng nơi đây thành
điểm đến du lịch hấp dẫn của tuyến du lịch ngược đê sông Hồng với dải di tích:
Phủ Tây Hồ, đình Chèm, đình Vẽ, hệ thống từ đường Đông Ngạc...
Đình thờ thần Độc Cước tại làng Vẽ, phường Đông Ngạc quận Bắc
Từ Liêm, đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.