Chùa Đoan Minh (còn có tên gọi là chùa Thổ Hà) xã Vân Hà, huyện Việt Yên, cách trung tâm thành phố Bắc Giang khoảng 25km về phía Tây. Chùa Thổ Hà nay là điểm thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, vãn cảnh, thắp hương lễ Phật.
Năm 1994, chùa Thổ Hà được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ
thuật cấp Quốc gia theo Quyết định số 226/QĐ-BVH, ngày 05/02/1994.
Tương truyền, chùa Thổ Hà được nhân dân làng Thổ Hà xây dựng
từ lâu với quy mô nhỏ, ban đầu chỉ là am, động. Căn cứ vào dòng chữ Hán được khắc
trên thân rồng đá (con bên trái) đặt hai bên cửa chùa có ghi: “Giáp Thân niên,
các sĩ mại long thạch, chí Canh Thân niên, xuân tiết, cốc nhật, toàn xã các sĩ
tu long thạch” (dịch nghĩa: Năm Giáp Thân mua rồng đá, đến ngày tốt mùa xuân
năm Canh Thân toàn xã tu tạo lại rồng đá).
Thời điểm năm Giáp Thân được xác định là năm 1580, đời Mạc Mục
Tông và năm Canh Thân được xác định là năm 1620, đời Lê Thần Tông. Xét theo
lôgic tự nhiên, chùa phải được xây dựng trước, sau mới mua rồng đá. Như vậy,
chùa Thổ Hà có thể được dựng trước năm 1580 (thuộc thời Mạc-Thế kỷ XVI).
Chùa có tích gắn liền với vị tổ sư Đạo Giáo - Lão Tử. Chùa
Thổ Hà thuộc phái Sơn Môn, Chùa Bổ Đà thiền phái Trúc Lâm.
Sự tích Lão Tử tại chùa Thổ Hà (Đoan Minh tự) ghi: thời Thục
An Dương Vương, Lão Tử cắm trang ở đây, đặt tên là Thổ Hà Trang và mở trường
truyền đạo cho các đồ đệ. Trường này nay là Đoan Minh Tự.
Ngài kể với học trò rằng: một hôm mẹ ngài mơ thấy một vì sao
Nhật - Khí Bạch - Ngưu, từ đó mang thai đến 81 năm mới sinh, khi sinh ra tóc đã
bạc. Lúc sinh bà vịn vào gốc cây mận nên lấy họ Lý, tên chữ là Lý Bá Dương tức Lão Tử... Sau Vua xây thành Cổ Loa, bị
yêu quái ở núi Thất Diệu Sơn quấy phá, ngài hiển linh sai Giang Thanh Sứ (tức
Thần Kim Quy) giết Bạch Kê Tinh, từ đó yêu quái tan, thành xây xong nhanh
chóng.
Bên Đền Sái, Đông Anh là nơi chém Bạch Kê thì thần có tên là
Huyền Thiên Trấn Vũ một vị thần Đạo Giáo thời Tùy Đường có hai bộ tướng là Quy
Xà, sau vua Lý chọn làm Trấn Bắc thành Thăng Long.
Nét chùa xưa
Nét kiến trúc độc đáo và hệ thống hiện vật phong phú
Trải qua gần 500 năm trường tồn cùng lịch sử dân tộc, ngôi
chùa vẫn bảo lưu được hầu như nguyên vẹn hệ thống kiến trúc cũ cùng các tài liệu,
hiện vật có giá trị về nhiều mặt, trong đó nổi bật là giá trị kiến trúc nghệ
thuật.
Chùa Thổ Hà được xây dựng nằm ở phía sau đình Thổ Hà và ngoảnh
hướng Tây, tạo ra kiểu thức "tiền Thần, hậu Phật". Bên hữu là đường
liên thôn, ao và cổng làng, bên tả là khu dân cư và dòng sông Cầu tạo ra một quần
thể kiến trúc-nghệ thuật độc đáo, hài hòa mang đậm tính cổ truyền của một làng
quê văn hiến.
Chùa xây dựng theo kiểu “nội công ngoại quốc”, có quy mô lớn
bao gồm: Tam quan, sân chùa, tòa tiền đường, toà thượng điện, hai dãy hành lang
và nhà tổ. Tam quan chùa nằm sát sau đình. Qua tam quan một quãng xa mới tới
sân chùa. Đây là một khoảng sân rộng gần 1500m2, còn nguyên dấu vết của con đường
(chính đạo) lát gạch vuông chạy thẳng từ tam quan vào tận cửa chùa.
Trên trục đường này cạnh cây hương đá có hai con sấu bằng đá
xanh thời Lê Trung Hưng (TK XVII) có chiều dài 70cm, mình dày 13cm, đầu cao
45cm. Đi hết trục đường này là lên đến cửa chùa.
Nền tiền đường cao 0,5m có 3 bậc thềm được bó bằng đá tảng
xanh, trên đó ngự một đôi rồng đá uốn khúc cuồn cuộn (loại rồng yên ngựa), hướng
về phía cổng chùa. Theo các tác giả cuốn "Mỹ thuật thời Mạc", tuy có
niên đại thuộc về thời Mạc, nhưng đôi rồng không mang phong cách chung của đa số
rồng Mạc là sự kế thừa và kết hợp nhuần nhuyễn giữa rồng thời Trần và rồng thời
Lê sơ.
Đây là một trong những dạng ít gặp của rồng Mạc bởi nó “bước
ra ngoài sự uyển chuyển truyền thống, ra ngoài tâm lý nông dân... và ít nhiều gắn
với giai đoạn phát triển của kinh tế thương mại thế kỷ XVI”. Rồng đá chùa Thổ
Hà có khối hình thon thả. Các mảng trang trí (râu, bờm và hình mây lửa) thưa
thoáng, tinh tế. Đặc biệt phần thân được làm theo lối nhiều đoạn vuông góc khúc
triết…
Bước qua hệ thống cửa gỗ là vào bên trong tòa tiền đường, gồm
7 gian 2 chái, Hệ thống khung gỗ kiến trúc được làm bằng gỗ lim chắc khỏe,
không chạm khắc cầu kỳ, chủ yếu là những đường soi gờ kẻ chỉ.
Toà thượng điện xây 5 gian với 6 vì mái, phần lớn các vì kết
cấu theo kiểu chồng rường. Bên trong thượng điện, các đồ thờ tự và hệ thống tượng
Phật được bài trí dàn trải trên các bục xây bằng gạch chỉ phủ vữa, quét vôi trắng.
Hệ thống tượng Phật được bài trí khá đầy đủ, bao gồm các
pho: Tượng Tam Thế, tượng Phật Tổ Như Lai, tượng ADiĐà, Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc
Đẩu, Tòa Cửu Long và tượng Thích Ca Sơ Sinh, Đức Ông, Thánh Hiền, Thập Điện
Diêm Vương, Quan Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí, Phạm Thiên, Đế Thích…
Hai bên thượng điện là hai dãy hành lang, mỗi dãy 10 gian kết
cấu theo kiểu vì kèo độc trụ. Ở mỗi hành lang bài trí 09 pho tượng La Hán, mỗi
pho được tạo bởi các tư thế và hình dáng khác nhau góp phần làm cho hệ thống tượng
ở chùa Thổ Hà thêm phong phú, đa dạng.
Đi dọc theo hai dãy hành lang là vào tới Động Tiên, đó là một
công trình kiến trúc hiếm có. Động tiên đã ghi lại đầy đủ hình ảnh Đức Phật
Thích Ca từ lúc mới sinh ra, lúc trưởng thành và khi lìa bỏ kinh thành vào động
tu hành đến đắc đạo. Hệ thống khung gỗ kiến trúc tòa Động Tiên được tạo bởi 5
gian 2 chái, kết cấu các vì theo kiểu chồng rường, chồng rường đấu kê và kiểu
vì kèo độc trụ.
Tiếp theo đi qua khoảng sân gạch tới nhà Tổ, nơi đây thờ Sư
Tổ và các vị sư đã trụ trì ở chùa này. Nhà Tổ chùa Thổ Hà được tạo bởi 9 gian
khung gỗ lim, các vì kết cấu kiểu chồng rường và chồng rường giá chiêng, hệ thống
khung nhà Tổ đa phần được bào trơn đóng bén, soi gờ kẻ chỉ. Chỉ riêng phần hệ
thống kẻ cổ ngỗng được chạm nổi hình vân mây, hoa lá, các nét chạm nổi khối
tròn, mập thể hiện rõ những đường nét cần nhấn mạnh.
Ngoài những công trình kiến trúc cổ kính, chùa Thổ Hà còn
lưu giữ được hệ thống tượng Phật cổ (khoảng gần 50 pho), những bức hoành phi,
câu đối, hệ thống bia đá (11 bia), cùng nhiều đồ thờ tự có niên đại hai thời
Lê-Nguyễn (TK XVIII-XIX), sấu đá, rồng đá (thời Mạc-TK XVI) có giá trị lớn
trong trong nghiên cứu khoa học.
Chùa được xây dựng lên để làm nơi thờ Phật, đồng thời cũng
là nơi tổ chức sinh hoạt văn hóa tôn giáo, nơi diễn ra lễ hội truyền thống của
nhân dân địa phương. Hàng năm, vào ngày 20, 21 tháng Giêng, hội chùa được tổ chức.
Khách thập phương đến chùa lễ Phật, vãn cảnh thiền vào dịp đầu năm thật là nhộn
nhịp.
Cùng với lễ dâng hương nhân dân còn tổ chức các trò chơi dân
gian đặc sắc như: Đấu vật, kéo co, cờ tướng, chọi gà, bơi chải bắt vịt và bên
dòng sông Cầu nước chảy lơ thơ, những làn điệu dân ca quan họ, những lời cầu
phúc, cầu an vang vọng bay xa… chứa đựng những nét sinh hoạt văn hóa tâm linh
sâu sắc.
Phòng VHTT - Sưu tầm biên soạn
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Thị xã Việt Yên