Nằm trong quần thể đại danh lam Chùa Thầy, đền Thượng cũng là một trong các điểm di tích được nhân dân trong vùng và chư vị thập phương tới lui bái ngưỡng. Đền Thượng thuộc phận sự của thôn Thụy Khuê, do người dân Thụy Khuê đứng ra trông nom thờ phụng. Đền nằm trên eo lưng ngọn núi Thầy, còn gọi là Sài lĩnh, Sài nham, núi Bồ Đà Lạc, hay núi Phật tích trong thư tịch cổ.
Một vùng đại danh lam và đậm chất văn hóa
Biết bao vật đổi lại sao rời
Vẫn thấy trơ trơ cảnh chợ Trời
Buổi sớm sương tan, trưa nắng dãi
Ban chiều mây họp, tối trăng soi
Bày hàng hoa quả tư mùa đủ
Mở phố giang sơn tám mặt ngồi
Bán lợi mua danh nào những kẻ
Trưng lên mặc cả một đôi lời.
(Bài thơ vịnh Chợ Trời của vua Lê Thánh Tông năm Hồng Đức thứ 7 (1476) ([1])
Dừng chân tại đỉnh Chợ Giời, phóng tầm
mắt nhìn ra xa, chư vị có thể thưởng ngoạn phong cảnh cả một vùng nước
non đẹp như tranh vẽ. Đây là núi Thầy, xa xa về phía Tây Bắc là tổ sơn
Tản Viên hùng vĩ, quanh năm mây trắng, lui về một chút là dãy núi liên
châu của khu vực Tây Phương, nơi có chùa Tây Phương nổi tiếng trên đỉnh
Câu Lậu sơn. Chếch về phía nam là dải đồi Đồng Lư, tròn trịa và ngay
ngắn, lùi lại một chút nữa là núi Hoàng Xá, thơ mộng và kỳ bí, một thắng
cảnh và điểm văn hóa tín ngưỡng không thể bỏ qua trên hành trình du
ngoạn vùng đất cổ Hà Tây. Sát bên núi Hoàng Xá chỉ chừng vài mươi bước
chân là núi Nga My, nơi tọa lạc của ngôi chùa cổ Quảng Yên. Lùi về một
chút là núi chúa Phượng Hoàng, hình dung như một con phượng hoàng khổng
lồ đang xửng cánh, đầy vẻ kiêu hùng và thanh thoát. Cạnh núi chúa Phượng
Hoàng là hòn Tượng sơn chầu phục. Tiếp đến là núi Hoa Phát, nơi có chùa
Hoa Phát cổ kính, cũng là nơi đã từng góp đá xây dựng lăng Chủ tịch Hồ
Chí Minh. Lùi về một chút nữa là núi Long Đẩu, tựa như đầu rồng ngỏng
dậy, như bình phong che chắn phía trước đại huyệt của chùa Thầy, nơi mãi
ghi dấu những thánh tích linh dị và công đức to lớn của Đức Thánh Tổ Từ
Đạo Hạnh.
Phượng Hoàng chúa sơn
Thập lục kỳ sơn, mười sáu ngọn núi lạ, thật chẳng hổ danh là vùng Hạ Long cạn của xứ Đoài!
Ngoài hệ thống núi non được thiên nhiên
sắp đặt hữu tình như thế, khu vực chùa Thầy còn nằm trong vùng ôm ấp của
sông Đáy, sông Hát, sông Tích, sông Bùi, xa xa là sông Đà và dòng Nhị
hà, là một vùng châu thổ trù phú, làng xóm thanh bình và người dân quê
hiền hậu.
Chẳng thế mà bao nhiêu tao nhân, mặc
khách, từ vua Lê Thánh Tông, vua Thiệu Trị, chúa Trịnh Căn ở chốn vương
giả phù hoa đến những cư sỹ ẩn mình tịch cư nơi thôn dã, từ Trạng Bùng
Hoàng giáp Phùng Khắc Khoan, tiến sỹ Hoàng Đức Lương, tiến sỹ Bùi Huy
Bích, tiến sỹ Nguyễn Thì Trung, Lưỡng quốc trạng nguyên Nguyễn Trực, tới
Phó sứ Bùi Văn Dị, Hoàng giáp Nguyễn Thượng Hiền, Phó bảng Nguyễn Văn
Siêu (Thần Siêu), tiến sỹ Chu Mạnh Trinh, Chu Thần Cao Bá Quát (Thánh
Quát), từ nhà thơ yêu nước Á Nam Trần Tuấn Khải tới nhà thơ chiến sỹ
Quang Dũng đều đã từng dạo bước tới Chùa Thầy, và không khỏi không động
lòng mà lưu bút tích ([2]).
Chúa Trịnh Căn (1682-1709), một vị chúa
được coi là có nhiều công lao trong thời gian trị vì, trong buổi thanh
bình thong thả dạo chơi miền thôn dã, trải xem các danh lam thắng tích,
thấy nơi nào đẹp đều nhập vào ngọn bút phẩm đề. Khi đến chùa Phật Tích
(tức chùa Thầy) đã thốt lên rằng:
Nay thấy chùa
Thiên Phúc ở núi Phật Tích, như viên ngọc nổi lên giữa đám ruộng sỏi
đá, rạng vẻ xuân tươi ở cả bốn mùa. Động tiên hệt như cõi thanh hư, bên
vách còn mây ráng. Ao rồng thông sang bến siêu độ, trên cầu đôi vầng
nhật nguyệt. Núi tựa bình phong, sông như dải lụa. Đá in dấu lạ, mãi mãi
ghi điều thần diệu; vàng gieo sắc sáng, đường đường đầy dẫy quang minh.
Trong khi ngoạn thưởng, cảnh hợp lòng người, trời đất mênh mang, ý thơ
lai láng. Liền làm bài thơ quốc âm, cho khắc vào đá để ghi việc thực.
Thơ rằng:
Càn khôn vẹn thiểu một bầu đông
Nảy nảy siêu nhiên chỉn lạ lùng
Hương vũ trăng thiền soi vặc vặc
Vân song tiếng ngọc nện boong boong
Trì thanh lẻo lẻo ngư long hội
Non nhiễu trùng trùng cẩm tú phong
Lọn thế giới này giai cảnh ấy
Có bề quảng đại có linh thông.
(Bài ký của Chúa Trịnh Căn về cảnh chùa Thầy)
Sau này, khi chơi núi Phật Tích, Quốc Tử Giám Tế tửu Phạm Đình Hổ đã viết: “Giờ Tỵ qua cầu Nguyệt Tiên, lần bậc lên núi. Trên lưng núi có bia, khắc bài thơ ngự chế của chúa Định Vương (Trịnh Căn)”. Và có thơ rằng:
Lạ thay hồng tạo khéo điêu thành
Danh ấy rong treo xứng thửa danh.
Ngọc trục hương nhuần mùi bát ngát
Quân giai nguyệt tỏ bóng rành rành.
Xanh thu hoa thụ khoe xuân đượm
Tiếng nhặt huân kinh diễn đạo lành.
Trần giới hơi hơi chăng điểm bá
Chốn sao thanh tịnh nữa thiền quanh.
Chúa Trịnh Doanh ([3]) cũng có thơ vịnh chùa Thầy:
“Khen thợ trời xưa uốn (vẫn) có công,
Lạ thay Cắc Cớ ([4]) chẳng lời không.
Bước tiên in ngọc rành rành tạc,
Cửa động dòm trăng hẻm hẻm thông.
Phương trượng ([5]) đã giành nơi giới định,
Đại can lại sẵn nẻo tàng dung.
Kìa kìa một mái dày huyền hoặc,
Thế vững kim thang ([6]) dõi chẳng cùng.”
(Trích trong “Càn Nguyên thi tập” của chúa Trịnh Doanh) ([7])
Tiến sỹ Chu Mạnh Trinh, nhà thơ Quang Dũng sau này cũng có thơ về chùa Thày:
Siêu linh như cõi chùa Thầy,
Ao rồng, động thẳm, chốn này thanh hư.
(Trích thơ Chu Mạnh Trinh)
Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn
Về núi Sài Sơn ngắm lúa vàng
Sông Đáy chậm nguồn quanh phủ Quốc
Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng
(Trích bài thơ “Đôi mắt người Sơn Tây” của Quang Dũng”
Nói về thơ văn vịnh cảnh chùa Thầy, núi
Thầy thì quả là cả một kho tàng quý báu. Hồi đầu thế kỷ 20, sư Như Tùng,
trụ trì chùa Cao (tức chùa Đính Sơn) đã bỏ công sức sưu tầm, khắc ván
in tập thơ Sài Sơn thi lục. Xin trích dưới đây một số ít trong số các tác phẩm được ghi lại trong tập thơ này.
Nguyễn Thì Trung ([8]):
Lan nhược ỷ nham u,
Lâm sơn nhất kính tu.
Địa khoan tiên đặc nguyệt
Động cổ tảo tri tu.
Điểu khước ba gian túc,
Ngư phiên mộc mạt du…
Dịch:
Chỗ nhà tu thanh vắng dựa vào chỗ núi đá âm u
Có một đường tắt dài để lên núi
Đất rộng rãi nên trăng mọc thì trông thấy ngay
Động đã lâu đời, mát mẻ, nên tiết thu đến thì biết trước
Chim [ngủ trên cành cây, bóng chiếu xuống nước, hình như] ngủ ở trong làn sóng
[Bóng cây chiếu xuống nước] con cá lội [vào chỗ bóng ấy, trông như] bơi giỡn trên ngọn cây.
Tiến sỹ Hoàng Đức Lương:
Tham thắng quyện khước vọng
Linh kỳ mục bất sả
Khách lai tang vị tri
Thụ hạ thập sơn quả
Diêm hạ chẩm thạch miên
Thụ lão thu dương bạch
Vô nhân mộng hốt kinh
Không đình thu diệp lạc
Dịch nghĩa:
Ham mê cảnh đẹp nên quên cả mệt mỏi
Mắt chẳng rời về cảnh lạ lùng
Nhà chùa vẫn chưa biết có khách lại
Dưới cây có mười quả núi
Ở dưới hiên nhà, nằm gối đầu lên đá để ngủ
Mặt trời mùa thu nhạt chiếu xuống cây cổ thụ già
Mơ hoảng sợ như ở chỗ không có người
Lá vàng rụng đầy sân chùa rộng
Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan:
Túc nhiếp thiên trùng thượng
Thân cư đệ nhất tầng
Hồi đầu siêu hạ phẩm
Hoảng nhược vũ môn đăng
Dịch nghĩa:
Thân nhảy lên cao tới nghìn trùng
Thân mình nay đã tầng cao nhất rồi
Quay nhìn trở xuống đã vượt qua nhiều thứ ở bên dưới
Giật mình tưởng như vượt Vũ môn vậy
Tiến sỹ Bùi Huy Bích:
Cấm án quần phong thốc ngạn hồi
Tham sai thụ thạch ủng lâu đài
Tiên kiều nhật nguyệt đông tây hiện
Thiên thị vân hà hiểu mộ khai
Cảnh Thống bi huề minh động quất
Chính Hòa thi khắc trấn hạc ngôi
Hữu tăng Đạo Hạnh thiền am tại
Thác hóa tháp sinh võng hỹ tai
Dịch nghĩa:
Đẹp như gấm thêu một dãy chỏm núi quay trở lại
Như tham dự vào thành những cây đá không đều bảo vệ một dãy lâu đài
Hai cầu nhật nguyệt tiên kiều hiện rõ ở bên đông bên tây
Trên chợ Trời mây trắng ráng đỏ lại làm sáng lên khi chiều về mở chợ
Bia Cảnh Thống còn khắc rõ về sự tích hang động
Bài thơ Chính Hòa được khắc nơi trang trọng
Có sư Đạo Hạnh vẫn ngồi thiền ở trong am
Thác hóa nơi này lại sinh ra ở nơi khác thật kỳ lạ vậy
Phó kinh lược sứ Bùi Văn Dị:
Tuyển thắng Sài Nham sự kỷ thù
Huề cùng tái tửu thục vi ngu
Đăng lâm đồng hoạch tri đa thiểu
Sinh hóa hà lai thuyết hữu vô
Vân ngoại tao đầu Thiên Thị cận
Hà biên sái lệ Phượng thành cô
Chi kim sách mã Tây Sơn thượng
Ngũ nguyệt thiên sầu bất độ Lô
Dịch nghĩa:
Việc ta đặc biệt lựa chọn cảnh đẹp chùa Thày
Nắm chắc cây gậy trúc bắt đầu nhấp rượu lấy ai làm vui
Trèo lên núi nhìn xuống cũng tính toán để biết ít nhiều
Việc sống, thác lại nói là có với không
Gần chợ Trời dãi đầu đã nắm được mây ở ngoài
Đứng bên sông mà đau lòng nhỏ lệ về cảnh thành Phượng vắng vẻ
Nay quyết lấy roi đánh cho ngựa đi lên Sơn Tây
Lại buồn rầu tháng năm chẳng đi qua được sông Lô.
Phương Đình Nguyễn Văn Siêu:
Đăng đỉnh sơn tự chung lâu
Dung nhân nhất lộ khả tệ phan
Điểu tự u thê hóa tự nhàn
Thiên cổ lâu đài tư thế giới
Bán thiên vân vũ hội thiền quan
Yên quang trứ thụ tàng cô động
Chung hưởng tùy phong lạc mãn sơn
Hứng nhập cao không tùy tự cấm
Phân ngân hồi thủ giác nhân hoàn
Dịch nghĩa:
Lên gác chuông chùa Đính sơn (Chùa Cao)
Vây kín một dòng người leo trèo trên núi đá
Chim vào chỗ tối đậu, hoa vẫn vui vẻ cười
Những lâu đài từ ngàn xưa như riêng một thế giới
Mây mưa của nửa vùng trời hội họp trước cửa chùa
Hết mây khói rõ ràng cây cối đang che giấu động
Tiếng chuông chùa vọng theo gió làm rụng lá cây đầy núi
Nguồn cảm hứng hòa vào từng cao chẳng ai cấm hãm
Quay đầu lại ngẩn ngơ, thấy mình vẫn ở trong thế giới
Một góc Chùa Thầy
Bởi thế, khi xưa, trong biểu tấu dâng về
triều của Cao Biền (Tiết độ sứ, đời Đường, người tinh thông về khoa địa
lý) về các điểm địa linh của nước Việt còn ghi: “Sài Sơn mạch tối kỳ” (Mạch đất ở Sài Sơn là vô cùng kỳ lạ). Hẳn đây chính là nơi đất trời hội tụ, càn khôn khép mở, tưởng huyền hoặc xa xôi mà thực ngay ở chốn trần gian vậy.
Tạo hóa chẳng phải chỉ dày công sắp bày
một vùng non sông hữu tình như thế mà còn giềng mối nơi đây với nhiều sự
tích văn hóa, với những danh nhân mà tiếng thơm còn lưu trong sử sách.
Ngược dòng Hát giang một chút thôi, ta có thể gặp đền thờ Hai Bà Trưng,
những liệt nữ trời Nam với lời thề sông Hát ([9]);
còn ngay bên kia sông Đáy là đền thờ Tướng quân Lý Phục Man, người con
vinh quang của làng Giá; rồi ngay dưới chân núi Thầy, trong khu vực xóm
Tích Chùa, thôn Thụy Khuê, hiện vẫn còn ngôi miếu thờ Thừa tướng Lữ Gia ([10]), người anh hùng chống Hán với những chiến binh bất khuất nay còn gửi xương trên Thần Quang Động ([11]);
còn kia là khoảng đất nhỏ lưng chừng núi, chỉ cách đền Thượng vài mươi
bước chân, vốn là Am Thái Lão, nơi nhà sử học Phan Huy Chú ([12]) khi xưa từng đóng cửa mười năm để viết nên bộ Lịch triều hiến chương loại chí,
bộ bách khoa thư đầu tiên của nước ta. Rồi còn biết bao nhiêu những địa
danh khác gắn với những con người mà công đức lớn của các vị ấy nay hãy
còn lưu dấu. Kìa là Quán Tam xã, đình Thụy Khuê, đình Đa Phúc, đình Sài
Khê, nơi thờ Tướng quân Đỗ Cảnh Thạc, người anh hùng của vùng Đỗ Động,
sống làm tướng giữa ba quân, thác làm thần ba xã; kìa là Miếu Vũ, kế bên
chùa Thiên Phúc, nơi thờ Đại phu nhân, người có công khai làng lập ấp
và trùng tu tam cấp chùa Thiên Phúc.
Trên toàn khu vực chùa Thầy, có tới trên
60 văn bia đa dạng, đủ các hình thức, từ bia dẹt có hai mặt, bia trụ bốn
mặt, đến bia ma nhai chỉ có một mặt tạc liền vào vách núi; nội dung văn
bia cũng hết sức phong phú, trong đó ghi lại việc xây dựng các công
trình như đình, chùa, miếu mạo…, hoặc đề tặng thơ, ký…, hoặc khắc bầu
hậu (ghi công đức người được tôn làm hậu, thánh…), hoặc khắc đạo lệ
(lệnh chỉ của vua cho dân miễn phu phen tạp dịch để thờ thần phật)…
Trong số này, có những tấm bia thuộc vào hàng cổ nhất ở Việt nam.([13])
Vậy đó, dù chốn này có là nơi chôn rau
cắt rốn của chư vị hay không thì hẳn chư vị cũng không khỏi không cảm
thấy lòng mình rung động, vì một vùng non nước hữu tình và vì một dòng
lịch sử đẹp đã chảy qua và còn lưu dấu ở xứ này.
Giang sơn ấy, cảnh trí ấy, những di tích
và giá trị văn hóa lịch sử ấy là của báu trời cho, kết tinh lại từ hàng
triệu triệu năm đổi dời của tạo hóa, từ công sức và máu xương của các
bậc tiền nhân kiệt hiệt, chẳng phải một chốc mà xếp nặn được, vậy nên
đáng để nâng niu gìn giữ cho con cháu muôn đời sau lắm.
Đường tới đền Thượng
Nằm trong quần thể đại danh lam Chùa
Thầy, đền Thượng cũng là một trong các điểm di tích được nhân dân trong
vùng và chư vị thập phương tới lui bái ngưỡng. Đền Thượng thuộc phận sự
của thôn Thụy Khuê, do người dân Thụy Khuê đứng ra trông nom thờ phụng.
Đền nằm trên eo lưng ngọn núi Thầy, còn gọi là Sài lĩnh, Sài nham, núi
Bồ Đà Lạc, hay núi Phật tích trong thư tịch cổ. Kế bên đền Thượng là
chùa Một mái (Bối Am Tự), một ngôi chùa cổ có trên ngàn năm tuổi; phía
núi Long Đẩu (Đầu rồng) ở mặt trước ngọn Sài lĩnh có Chùa Long Đẩu; lưng
chừng mặt trước núi là chùa Cao (Đính Sơn Tự), vốn là Hiển Thụy Am,
tương truyền là nơi Đức Thánh Tổ hóa thân; và tọa trên đại huyệt ở mặt
trước núi là chùa Cả (Thiên Phúc Tự, ngôi chùa chính của khu vực Chùa
Thầy), một trong những ngôi chùa cổ nhất và lớn nhất Việt nam.
Đền Thượng
Có thể tới đền Thượng bằng hai đường,
hoặc từ chùa Cả theo đường núi lên chùa Cao, vòng ra mặt sau núi theo
đường mòn ngang qua hang Cắc Cớ, thêm vài bước chân nữa, hoặc theo đường
làng của thôn Thụy Khuê, qua xóm Long Hương, tới chân núi, nơi tọa lạc
của chùa Một mái, theo đường bậc thang núi, vào Tam bảo chùa Một mái lễ
Phật, và lên thêm một chút là tới đền Thượng. Theo các cụ cao niên kể
lại, khi xưa có đường đi riêng từ chân núi khu vực xóm Long Hương lên
tới đền, nhưng nay đường ấy chỉ còn là lối mòn nhỏ và không tiện đi lại.
Còn như nếu không thể trực tiếp đặt chân
tới đền thì chỉ cần khởi lên một niệm thiện, nói một lời thiện, hành trì
một điều thiện, ấy là chư vị đã tới được với nhà đền, hướng được tới
nhị vị thiện Thánh rồi.
([1]) Bài thơ này được khắc trên bia Chính Hòa, dựng thời vua Lê Hy Tông (1680-1705), trên núi Thày. Cũng nằm trong tập thơ “Sài Sơn thi lục – 1930” do
cụ Như Tùng, vị sư trụ trì chùa Thầy lúc ấy, sưu tầm từ bút tích, di
cảo của các vị có danh tiếng còn lưu lại tại khu vực chùa Thầy mà lập
thành.
([2]) Về các vị có tên trên, xem mục Sơ lược tiểu sử tác giả và nhân vật ở cuối sách.
([3]) Xem mục Sơ lược tiểu sử tác giả và nhân vật ở cuối sách.
([4]) Cắc Cớ: Tên hang Cắc Cớ, tức hang Thần (tên địa phương), hoặc Thần Quang Động, trên núi Thày.
([5]) Phương trượng: nơi ở của vị sư trụ trì ngôi chùa.
([6]) Kim thang: Xuất phát từ câu: “Kim thành thang trì” (thành bằng sắt và ao nước nóng), ý nói thế rất vững chắc.
([7]) Bài viết: Tác giả Trịnh Doanh và Càn Nguyên ngự chế thi tập, Nguyễn Thị Lâm, Tạp chí Hán Nôm, số 5, năm 2004
([8]) Xem mục Sơ lược tiểu sử tác giả và nhân vật ở cuối sách.
([9]) Lời thề của hai Bà trước khi lên ngôi:
Một xin rửa sạch quốc thù
Hai xin khôi phục nghiệp xưa họ Hùng
Ba kêu oan ức lòng chồng
Bốn xin vẻn vẹn sở công lênh này.
([10]) Về Lý Phục Man, Lữ Gia, xem mục Sơ lược tiểu sử tác giả và nhân vật ở cuối sách.
([11]) Tức hang Cắc Cớ hay dân địa phương
còn gọi là hang Thần. Trong hang hiện còn một bể quy tụ xương cốt
người. Theo dân gian trong vùng truyền lại, đó là xương cốt các nghĩa
quân của Thừa tướng Lữ Gia, những người đã kiên cường chống nhà Hán, trụ
lại và tử tiết trên ngọn Sài lĩnh. Sau dân địa phương quy tập xương cốt
các vị ấy vào bể này.Ngoài ra, sách Đại Việt Sử Ký toàn thư, Bản kỷ,
quyển X, nhà Lê (NXB Văn hóa Thông tin 2003, trang 379) cũng có thông
tin như sau (trích nguyên văn):
“Canh Tý, [1420], (Minh Vĩnh Lạc năm thứ 18), mùa xuân, tháng 2, Lý Bân từ Nghệ An trở về Đông Quan.
Mùa hạ, tháng 4, Lộ Văn Luật dấy binh ở Thạch Thất, Lý Bân đánh phá được.
Lộ Văn Luật chạy sang Ai Lao, dân chúng thì trốn vào hang núi Phật Tích
và An Sầm. Quân Minh dỡ nhà hun động, người trong động bị khói lửa hun
đều chết, người nào ra hàng cũng bị giết cả, vợ con bị bắt làm nô tì.”
(Chú thích: Núi Phật
Tích ở đây chính là núi Sài Sơn, hay núi Thầy. Lý Bân (? – 1422) là một
tên võ tướng của nhà Minh, từng giữ chức Tổng binh quân đội Minh tại Đại
Việt suốt từ năm 1417 đến năm 1422. Tổng binh trước Lý Bân là Trương
Phụ và sau Lý Bân là Vương Thông)
Trước đây (khoảng năm 2008), khi tham
khảo trang thông tin của Viện Việt học (viethoc.org), chúng tôi cũng
thấy có đưa thông tin rằng số xương cốt người trong hang là của nghĩa
quân Lữ Đường trong thời kỳ loạn 12 sứ quân (khoảng thế kỷ 10). Tiếc
rằng thông tin này hiện không tìm lại được. Tuy nhiên nguồn tin này có
độ tin cậy thấp hơn so với nguồn của sách Đại Việt Sử Ký toàn thư nêu
trên.Không rõ thực hư thế nào, chỉ biết biên vào đây để chư vị tham khảo
và nghiên cứu thêm.
([12]) Về Phan Huy Chú, Đỗ Cảnh Thạc, xem mục Sơ lược tiểu sử tác giả và nhân vật ở cuối sách.
([13]) Theo bài “Văn bia “kể” sử làng Thày”, Đỗ Quốc Bảo, đăng trên báo Hà nội mới ngày 3/10/2008