Đền Xâm Thị nằm ở làng Xâm Thị, xã Hồng Vân Thường Tín, Hà Nội, thờ phụng nhị vị Nhập nội Cảm Ứng Kiến Quốc Hưng Cơ Đại vương và Linh Quốc Hiển Ứng Đại vương và Tam tòa Thánh mẫu. Lễ hội Đền Xâm Thị luôn được gắn với Đình Xâm thị tạo thành một lễ hội Đình - Đền đặc sắc.
Lễ hội thường kéo dài 10 ngày từ mùng 1/2 đến hết 10/2 hàng
năm. Lễ hội này được coi là Hội làng quan trọng nhất trong năm của ba con Xâm
Thị nói chung và khách thập phương tôn thờ Đạo Mẫu.
Nguồn gốc lễ hội Đình - Đền Xâm Thị
Theo Thần phả Đình Xâm Thị do Đại Các Học Sĩ Nguyễn Bính
biên soạn năm 1572 và Lễ Bộ Thượng Thư Tuấn Doãn biên soạn lại năm 1626 thì
Đình Xâm Thi thờ Nhị vị Đại vương: Nhập Nội Cảm Ứng Kiến Quốc Hưng Cơ Đại
Vương và Linh Quốc Hiển Ứng Đại Vương.
Đây là các vị đại vương vốn là tiên thánh được giáng thế,
giúp vua Hùng đánh đuổi quân Thục. Sau khi thắng trận, hai Ngài đã hóa tại vùng
đất Xâm Thị để trở về thủy cung. Đình Xâm Thị đã được 17 đạo sắc phong,
ban mỹ tự của các triều đại kể từ thời Trần Nhân Tông đến nay. Thân thế và sự
nghiệp cụ thể của nhị vị đại vương này vẫn được lưu giữ ở ngôi đình này.
Các tài liệu cổ cho biết, vùng đất Xâm Thị hiện nay thuộc Tổng
Xâm Thị (nếu gọi đúng thì là tổng Thâm Thị), phủ Thượng Phúc, thành Đông Quan
ngày xưa. Thời đó Tổng Xâm Thị có 6 làng. Trong đó làng Xâm Thị nằm ở trung
tâm; phía đông là làng Xâm Khố (nay thuộc đất Hưng Yên ở bên kia sông Hồng,
phía bắc là Xâm Dương, phía tây là Xâm Động, phía nam là Xâm Hồ và Xâm Xuyên.
Theo truyền thuyết thì Xâm Dương là nơi đóng quân thủy của
vua Trần Nhân Tông, làng Xâm Khố là nơi có kho muối, kho lương của Ngài. Có lẽ
vì vậy, làng này có tên là Xâm Khố bởi Khố trong âm Hán Việt có nghĩa là kho.
Đình Xâm Thị thuộc làng Xâm Thị là nơi Ngài đến cầu đảo trước khi xuất binh chống
giặc. Đền Xâm Thị là nơi Ngài và quần thần ghé thuyền lên Đình Xâm Thị để cầu đảo.
Đền Xâm Thị
Cổ truyền, Đền Xâm Thị ngày xưa là bến thuyền giao thương giữa
2 làng Xâm Khố và Xâm Thị. Nơi đây cũng là nơi xuất phát của bà con ngư dân Xâm
Thị đi đánh cá trên sông Hồng.
Nghe danh Đình Xâm Thị thờ nhị vị đại vương rất linh thiêng,
vua Trần Nhân Tông và quần thần, trước khi xuất binh nghênh địch, đã ghé đến bến
sông này để vào Đình Xâm Thị cầu đảo.
Sau này, nhờ sự anh linh của nhị vị đại vương, vua Trần Nhân
Tông đã được Mẫu Thoải linh ứng giúp đỡ. Thắng trận trở về Ngài đã cho dân
chúng xây dựng đền thờ Mẫu Thoải tại bến sông Xâm Thị và Xâm Dương để ghi công
phù độ của Mẫu Thoải và nhị vị Đại Vương.
Chính vì vậy, trước đây lễ hội đền Xâm Dương và Xâm Thị đều
được phối lễ, phối hội với Đình Xâm Thị. Tuy nhiên, sau này khi phục dựng lại lễ
hội Đền Xâm Dương (còn gọi là Đền Dầm) thì nghi thức phối lễ, phối hội với Đình
Xâm Thị của Đền Xâm Dương đã được giản tiện.
Có lẽ một phần vì Xâm Dương đã tách về xã mới là Ninh Sở nên
việc tế hội đã giản tiện lại. Ngày nay, lễ hội của Đền Xâm thị vẫn luôn gắn chặt
với Đình Xâm Thị như phong tục ngày xưa. Làng Xâm Khố cũ, tuy bên kia sông, tuy
đã thuộc đất Hưng Yên nhưng vẫn duy trì tục cũ phối hợp với Xâm Thị để phụ trợ
lễ hội của Đình - Đền Xâm Thị.
Đền Xâm Thị thuộc thôn Xâm Thị (xã Hồng Vân, huyện Thường
Tín)đang đại tu bổ.
Đền Xâm Thị thờ Tam tòa thánh mẫu, gồm: Mẫu Thượng Thiên
sáng tạo bầu trời và làm chủ quyền năng mây, mưa, sấm chớp; Mẫu Thượng Ngàn là
hóa thân Thánh Mẫu toàn năng trông coi miền rừng núi, địa bàn chính sinh sống của
nhiều dân tộc thiểu số và Mẫu Thoải.
Huyền thoại và thần tích của Mẫu Thoải tùy theo từng nơi có
nhiều khác biệt, tuy nhiên cũng có những nét chung cơ bản, đó là vị thần trị vì
sông nước xuất thân từ dòng dõi Long Vương, liên quan trực tiếp tới Thủy tổ dân
tộc Việt buổi đầu dựng nước.
Đền Xâm Thị với vị trí cận sông, cận đê vươn ra sông khoảng
15m. Truớc mặt là sông Hồng, sau lưng đền là đê hữu Hồng. Đền Xâm thị hiện nay
gồm nhiều các công trình: Nghi môn, Lầu Cậu Chín, Lầu Chúa Thác, Đền Mẫu Địa,
Thiêu hương, Tòa cung đồng các Quan, cung Mẫu và một số công trình phụ trợ.
Từ trên đường đê được dải đường nhựa, chúng ta nhìn thấy
Nghi môn đền Xâm Thị. Nghi môn là do 4 trụ biểu tạo thành, phía trên đỉnh trụ
biểu lớn là hình tượng bốn chim phượng chụm đuôi vào nhau thành hình bông hoa
dành dành, dưới là ô lồng đèn, thân trụ.
Trụ biểu nhỏ trên đỉnh có đôi sấu tráng men bằng sành có ý
nghĩa kiểm soát lòng thành kính của người qua lại, đến đền, xem ai có tà tâm
thì ngăn lại. Trên đường nhỏ dẫn vào đền là lầu chúa Thác, lầu Cậu Chín, đến Mẫu
Địa rồi đến tòa Thiêu hương.
Đền Xâm Thị là một công trình kiến trúc to lớn gồm nhiều
ngôi nhà khác nhau bố cục liền kề. Cung đồng các Quan được kiến tạo kiểu nhà
ngang 3 gian tường hồi bít đốc các bộ vì bên trong cung này được tạo tác thống
nhất theo kiểu thức chồng rường quá giang trốn cột.
Sự bài trí trong cung đồng các Quan được bố trí theo từng
gian riêng biệt. Gian giữa nơi trong cùng là một khám thờ, bên trong khám là
Ngũ vị Quan lớn tính từ bên trái sang là Quan đệ nhất, Quan đệ nhị, Quan đệ
tam, Quan đệ tứ và Quan đệ ngũ.
Tiếp xuống là Ông Hoàng Bảy, ông Hoàng Bơ, Ông Hoàng Mười, Cậu
Bé, Cậu Bơ. Gian bên trái cung có tượng Đức Thánh Trần (Đức Trần Triều) và nhị
vị Vương cô. Gian bên phải là Bà Chúa sơn lâm cùng thập nhị Vương Cô.
Cung Mẫu nằm phía trong với 1 gian 2 dĩ các bộ vì thống nhất
theo kiểu thức chồng rường kèo kẻ trên quá giang trốn cột. Nơi thâm nghiêm nhất
là khám thờ, bên trong bài trí Tam Tòa Thánh Mẫu.
Mẫu Đệ Nhất ngự bên phải với trang phục áo đỏ, Mẫu Đệ Nhị ngự
bên trái với trang phục áo xanh và Mẫu Đệ Tam ngự ở giữa là chính cung với
trang phục màu trắng, xuống hàng dưới là Nhị cô hầu cận. Tại gian thờ bên trái
là Chầu Đệ Nhị, gian bên phải là Chầu Đệ Tam.
Ngoài ra đền Xâm Thị còn nhiều di vật quý giá có niên đại trải
dài hàng trăm năm. Nhân dân Việt Nam có tục tôn sùng Mẫu, rất đông người đến lễ
Mẫu ở đây không phân biệt trên dưới sang hèn, vì họ tin rằng nếu họ kêu cầu đến
Mẫu thì Mầu sẽ cho họ an khang, thịnh vượng.
Lễ hội đền Xâm Thị có những nét đặc trưng riêng mang dấu ấn
văn hóa vùng. Trải qua năm tháng, lễ hội đó vẫn tồn tại như một sức mạnh vô
hình để người dân gửi gắm những khát vọng về một cuộc sống hạnh phúc, ấm no đến
bậc bề trên.
Đồng thời, lễ hội còn là sợi dây gắn kết mọi người đoàn kết
để cùng nhau truyền thụ những kinh nghiệm sản xuất, trau dồi tình yêu quê
hương, yêu đất nước cho các thế hệ hiện sinh. Chính vì thế, lễ hội này là một
tài sản văn hóa tinh thần cần được bảo lưu và phát huy.
Lễ hội Đình - Đền Xâm Thị
Lễ hội Đình - Đền Xâm Thị tuy kéo dài 10 ngày, từ mùng 1 đến
mùng 10 tháng 2 âm lịch hàng năm, nhưng được tập trung vào 4 ngày chính: Ngày
mùng một rước kiệu từ Đình ra Đền. Ngày mùng 5 tiến hành lễ cấp nước và rước nước
trên sông Hồng, ngày mùng 7 ngày tế chính; ngày mùng 10 rước kiệu về Đình. Còn
các ngày khác trong lễ hội là ngày để bà con có thời gian lễ Đình, lễ Đền để cầu
phúc, tài, lộc cho cá nhân,
Lễ hội này được phục dựng lần đầu năm 1987, đến năm 1992 trở
lại đây mới được hoàn thiện theo lối xưa. Đây là một lễ hội đặc trưng của vùng
sông nước với tục thờ Mẫu Thoải. Nhưng nét đặc sắc ở đây là sự phối hội, phối lễ
giữa Đình thờ thành hoàng với Đền thờ Mẫu Thoải. Đây là một nét riêng của vùng
đất này mà không đâu có. Lễ hội được phục dựng theo lối cổ trang nghiêm, sống động,
hoành tráng và là dịp thỏa nguyện tâm linh của dân chúng quanh vùng.
Một góc của Đền Xâm Thị
Ngay từ sáng sớm mùng 1 lễ hội bắt đầu bằng cuộc rước kiệu từ
đền ra đền. Đoàn kiệu gồm kiệu Long Đình, kiệu Ông, kiệu Bà với di hiệu, cờ thần,
bát bửu... với sự hộ tống của các chức sắc, dân chúng trong làng trong tiếng trống
rộn ràng, tạo nên một không khí uy nghi, trang trọng trong sự hồ hởi vui sướng
hân hoan của bà con. Trước đây, theo các cụ cao niên của làng thì buổi rước kiệu
thường xuyên xẩy ra hiện tượng "Kiệu bay". Các cụ bảo đó là do các
Ngài linh ứng.
Lễ cấp nước và rước nước trên sông Hồng được diễn ra trong một
khung cảnh trang nghiêm, rộn rã. Một thuyền rồng lớn lớn trang hoàng cờ xí rợp
trời chở bầu trang (tráp lễ mặn), chóe nước cùng đoàn tùy tùng rời bến và ngược
sông Hồng trong tiếng trống, tiếng hò reo của mọi người tạo nên một không khí
sôi động, hồ hởi nhưng đậm chất tâm linh trên dòng sông vốn hàng ngày thơ mộng,
thanh bình.
Lễ rước kiệu trong lễ hội Đền Đình Xâm Thị
Phía bên làng Xâm Khố cũng có một con thuyền rồng uy nghi với
cùng xuất phát và hòa nhập với thuyền rồng của làng Xâm Thị tạo thành lưỡng rồng
trên sông. Trên thuyền, các chức sắc vừa chiêng trống vừa tiến hành khấn lễ
theo lễ nghi hòa trong tiếng trống thúc, tiếng hò reo rộn rã của cả hai bên bờ
sông.
Một không khí rộn ràng, hồ hởi trên dòng sông thơ mộng khiến
lòng mỗi người lâng lâng, rạo rực. Khi xong lễ nghi lễ bái xong thì cũng là lúc
con thuyền qua khỏi địa phận Xâm Thị. Lễ cấp nước được khởi đầu bởi một cụ lão
" Đức cao vọng trọng" trong làng thực hiện, sau đó tiếp tục đến các
chức sắc.
Con thuyền trở lại bến trong tiếng trống, tiếng hò reo của mọi
người để tiếp tục nghị thức thả thuyền rồng. Nghi thức thả thuyền rồng là một
nghi thức quan trọng để cầu mong cho mưa gió thuận hòa và cầu phúc cho mọi người
dân.
Đền Xâm Thị và bến sông nơi xưa
Buổi chiều sau khi nghi lễ cấp nước và rước nước thì phần hội
được diễn ra với các trò chơi dân gian như đuổi vịt, đập niêu và văn nghệ dân
gian với những điệu nhạc dân gian vùng đồng bằng bắc bộ, các điệu chầu văn. Đây
là phần hội vui nhất trong lễ hội.
Ngày mùng 7 là ngày tế chính diễn ra tại đền. Buổi sáng các
đội tế nữ thực hiện các nghi lễ tế. Buổi chiều là các nghi lễ cúng khấn, tấu
văn sớ. Buổi tối là nghi thức hầu bóng để tạ ơn Mẫu Thoải và các vị thánh trong
Tứ Phủ. Nghi lễ này còn gọi là "Lễ ngả bóng". Điều kỳ lạ nghi thức
này thường có những biểu hiện huyền bí mà chỉ vào dịp lễ hội mới xẩy ra khiến
chưa ai giải thích được.
Ngày mùng 10 là ngày rước kiệu về Đình. Buổi sáng Đình sẽ tiến
hành tế bởi đội tế nam. Sau phần lễ là tiệc thụ lộc lễ tạ của dân chúng và các
chức sắc trong làng để mừng cho lễ hội thành công.
Giá trị văn hóa và tâm linh của lễ hội Đình - Đền Xâm Thị
Theo các cụ cao niên trong làng thì được về dự lễ hội là một
diễm phúc, là một thời điểm hiếm có và tốt nhất cho việc cầu tài, cầu lộc, cầu
phúc. Vì thế, cứ đến ngày lễ hội, các con cháu của làng dù xa đến mấy đều cố gắng
thu xếp để về tham dự. Khách thập phương biết đến sự linh thiêng của Đền Xâm Thị
cùng không bỏ qua cơ hội để đến xin tài lộc của Mẫu và nhị vị đại vương.
Như trên đã nói, theo truyền tụng thì đền Xâm Thị chính là
nơi vua Trần Nhân Tông đã ghé thuyền để lên Đình Xâm Thị để cầu đảo, còn Xâm
Dương là nơi đóng quân của Ngài.
Vì thế, sau này chiến thắng Ngài đã sắc phong cho nhị vị đại
vương ở Đình và cho xây đền Xâm Dương và Xâm Thị. Vì thế, có thể coi Đền Xâm Thị,
Đền Xâm Dương (đền Dầm) là hai đền chính gắn với tích Mẫu Thoải phù độ cho vua
Trần Nhân Tông đánh giặc. Tuy nhiên, chỉ có đền Xâm Thị vẫn giữ được lễ hội
Đình - Đền như thời cổ.
Theo các nhà nghiên cứu về văn hóa và tâm linh thì Lễ hội
Đình - Đền Xâm Thị là một lễ hội đặc sắc mang nét đặc trưng của riêng vùng miền.
Đây là một nghi thức lễ hội được phục dựng theo lối cổ từ xa xưa, ít nơi nào
còn giữ được.
Một lễ hội mang mầu sắc tâm linh vừa để tạ ơn Mẫu, tạ ơn
thành hoàng làng vừa để cầu mưa thuận gió hòa, vừa cầu phúc lộc cho bà con dân
làng và khách thập phương. Lễ hội đặc sắc này là một niềm tự hào, vinh dự của
những người con Xâm Thị.
Đôi nét về giá trị tâm linh Đền Xâm Thị
Đền Xâm Thị nằm ở một vị trí đắc địa. Theo phong thủy thì
đây là một địa điểm tràn trề linh khí. "Lưng tựa sơn, mặt hướng thủy",
Chu Tước là dòng sông trong xanh, hiền hòa; Huyền Vũ là con đê quai và làng quê
trù phú; thế đất này còn có đủ tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ. Đây là một điểm
phong thủy hiếm có. Vì thế, nơi đây luôn là nơi cầu đảo linh thiêng cho dân
làng và du khách thập phương.
Đền Xâm Thị được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp
thành phố năm 2008.
Minh Hiền