Miếu Cốc thờ phụng Tứ vị Thánh nương Ngày lễ: 10/1 âm lịch
Toàn cảnh Miếu Cốc - phường Phong Cốc
Toàn cảnh gian thờ bái đường Miếu Cốc
Sự tích: Tứ vị Thánh nương
Sách Nam Hải tứ vị thánh nương phả lục do Hàn lâm viện Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính soạn vào năm Hồng Phúc nguyên niên (1572) đời Lê Anh Tông; Quản giám bách thần tri điện Hồng Lĩnh thiếu khanh Nguyễn Hiền sao chép vào năm Vĩnh Hựu thứ ba (1737) đời Lê Ý Tông. Văn bản hiện lưu giữ ở thư viện Pháp kí hiệu Pari.SA.Ms.b.15, bản chép tay chữ Hán có xen chữ Nôm, không có mục lục hoặc tựa bạt. Tóm tắt nội dung thần tích như sau:
“Thời Nguyên Tống phân tranh, vua Trần Thái Tông nhìn lên trời thấy điềm lạ, biết được vận nước Nam Tống sẽ hết. Vào lúc nguy cấp, Dương Thái hậu, hai công chúa và một thị nữ cùng ngồi một chiếc thuyền nhỏ đi về phương Nam, phiêu dạt đến bờ biển Việt Nam, trú ngụ tại một ngôi chùa mấy tháng. Khi nghe tin Đế Bính và thần tướng hàng trăm người đã nhảy xuống biển, bèn lấy nghĩa sống vì việc nước chết vì quốc nạn mà nhảy xuống biển chết.
Thi thể trôi về cửa Đại Kiền ở Hoan Châu, Tây Phương thiên sứ thác mộng cho cư dân địa phương, tuyên chiếu bốn người đã được sắc lệnh cho làm thần biển cửa biển Đại Kiền. Mọi người bèn ra bãi biển làm lễ mai táng và lập một ngôi miếu nhỏ để thờ, viết thần hiệu là TỨ VỊ VƯƠNG BÀ, tuế thời phụng sự cầu đảo linh ứng”.[1]
Xét các văn bản về sự tích Tứ vị thánh nương hiện chiếm một số lượng nhiều nhất ở Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Dựa theo thể văn có thể chia làm 3 loại hình chính là truyền thuyết dân gian, thần tích thần phả và truyện tích diễn Nôm thể song thất lục bát.
Về Truyền thuyết dân gian có: Kiền Hải môn từ trong sách Tục Việt điện u linh tập[2]; Kiền Hải tam vị phu nhân truyện trong phần Loại tục (Q.3) sách Lĩnh Nam chích quái[3]; Kiền Hải tam vị phu nhân truyện trong sách Việt tuấn giai đàm tiền biên v.v… Sự tích về Tứ vị thánh nương chép trong sách Ô Châu cận lục của tác giả Dương Văn An (1513-?)[4] tương tự các văn bản truyền thuyết dân gian như sau:
“Phu nhân họ Triệu, là công chúa đời Nam Tống.
Ba mẹ con, phu nhân là út. Thời Nguyên Tống phân tranh, trong lúc nguy cấp, ba mẹ con phu nhân bám được vào một tấm ván thuyền và trôi dạt đến một ngôi chùa Phật bên bờ biển. Nương nhờ ở cửa chùa mấy tháng, sư chùa thích thú đến cầu thân nhưng phu nhân thủ tiết kháng cự lại, sư chùa tự thấy xấu hổ bèn nhảy xuống biển tự tử.
Mẹ con phu nhân thấy sư chùa vì mình mà chết nên cùng nhảy xuống biển chết. Xác trôi đến cửa Cờn thuộc Diễn Châu nước ta thì dạt vào bên bờ. Người địa phương ra xem thấy thân thể chẳng bị hư tổn gì, dung mạo vẫn như người sống thì lấy làm kinh dị cho là thần, bèn bảo nhau đắp thành phần mộ và lập đền thờ. Đến nay các cửa biển đều lập đền thờ cúng tế. Đây là vị phúc thần anh linh nhất ở Nam Hải vậy” [5].
Về thần tích thần phả, bao gồm thần tích các xã thôn thuộc các tỉnh Hà Đông, Hà Nam, Sơn Tây, Hải Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên, Kiến An, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị…[6]. Các tỉnh xã thôn này đều thuộc những vùng duyên hải hoặc ven sông, cư dân địa phương lập đền thờ thần biển Cửa Cờn Tứ vị thánh nương là phúc thần tối linh dị ở nước Nam ta. Đặc biệt có bản Hoàn Long Cơ Xá xã thần tích[7]- Vì sao xã Cơ Xá huyện Hoàn Long ở kinh thành Thăng Long phụng thờ Tứ vị thánh nương?
Xét nội dung sách Nam Hải tứ vị thánh nương phả lục có đoạn: “Trần Anh Tông (1293-1314) Nam chinh Chiêm Thành, khi đóng quân ở cửa biển Đại Kiền, đêm mộng thấy một vị phu nhân cùng 3 cô gái đến tự kể về thân phận và nguyện được theo nhà vua đi đánh giặc. Anh Tông tỉnh dậy bèn cầu đảo trước miếu thần, quả nhiên khí thế ngút trời, phá thành bắt vua Chiêm.
Sau khi thắng trận, vua Anh Tông bèn cho tu sửa miếu vũ, lăng mộ Tứ vị vương bà, tặng phong sắc chỉ làm ĐẠI KIỀN QUỐC GIA NAM HẢI TỨ VỊ THÁNH NƯƠNG. Lịch truyền đến Lê Thánh Tông (1460-1497), Chiêm Thành không chịu thần phục, Thánh Tông dẫn binh tiến đến cửa Đại Kiền vào miếu tế lễ thần. Lúc ấy có một người lính ở kinh thành Thăng Long tên là Lê Thọ cũng vào cầu đảo trong miếu thần. Lê Thọ trong lúc chiến đấu bị hãm vào trận địa của giặc, dường như sắp chết trong tay giặc thì bỗng nhiên Thánh nương hiển linh, hóa thành nữ tướng quân, chỉ trong chớp mắt hãm quân địch vào tử địa.
Sau khi bình Chiêm xong, Lê Thọ cáo trình lên Thánh Tông, được nhà vua đồng ý cho rước Thánh nương về quê hương lập đền thờ phụng, ở giữa nơi dân cư lập đền cúng tế, viết thần hiệu là THƯỢNG ĐẲNG PHÚC THẦN”.
Như vậy, Tứ vị thánh nương là người đời Nam Tống, trở thành Thượng đẳng phúc thần ở vùng Nam Hải nước Nam ta, nhiều lần hiển linh hộ quốc trợ dân nên nhân dân các vùng duyên hải và ven sông lập đền thờ phụng, ngàn năm hương khói. Và người lính tên Lê Thọ đã xin vua Lê Thánh Tông cho rước Thánh nương về phụng thờ trên quê hương mình nơi kinh thành Thăng Long xưa[8].
Loại hình thứ ba là Tứ vị vua bà sự tích văn,thể thơ song thất lục bát diễn Nôm sự tích Tứ vị thánh nương: Dương Thái hậu là Hoàng hậu của vua Tống Độ Tông cùng hai công chúa theo đường biển tỵ nạn, trôi dạt đến bờ biển Na Sơn (Nga Sơn) của Việt Nam, nương nhờ ở chùa mấy tháng. Sau khi ba mẹ con và sư chùa đã chết đều hóa thành phúc thần, từng hiển linh phù trợ triều Trần, triều Lê chinh phạt Chiêm Thành, nhân dân cúng tế quanh năm.[9]