Miếu Thuận Tốn thuộc thôn Thuận Tốn, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm thờ hai vị thần là hai anh em Bát Bộ Ma Vương và Đại Ma Vương. Người cao tuổi địa phương cho rằng miếu thờ một chính thần Bát Bộ Ma Vương.
Miếu Thuận Tốn thuộc thôn Thuận Tốn, xã Đa Tốn, huyện Gia
Lâm. Miếu còn có tên là miếu Cầu Vương, vì di tích nằm ngay tại Cầu Vương,
ngoài ra dân làng còn hay gọi là miếu Thượng.
Là một di tích kiến trúc cổ nằm trên mảnh đất có truyền thống
lịch sử văn hóa lâu đời, ngôi miếu Thuận Tốn mang trong bản thân mình nhiều giá
trị và là nơi thờ phụng thành hoàng của Thôn Thuận Tốn.
Thông qua 15 đạo sắc phong hiện còn có thể thấy rằng miếu thờ
hai vị thần mà theo nhân dân địa phương là hai anh em Bát Bộ Ma Vương và Đại Ma
Vương.
Hiện tại, theo các cụ cao tuổi trong thôn thì miếu chỉ thờ
chính một thần Bát Bộ Ma Vương. Theo 10 sắc phong hiện còn tại miếu, trong đó sớm
nhất là sắc Minh Mệnh thứ 2 (1821) và muộn nhất là triều vua Khải Định thứ 9
(1924) thì ông được các triều đại phong tặng là Trấn Định chi thần.
Vị thần Đại Ma Vương hiện ở đình còn năm sắc phong tặng cho
vị thần này, trong đó sớm nhất là vào năm Cảnh Hưng thứ 28 (1767) và muộn nhất
là năm Khải Định thứ 9(1924).
Như vậy, thông qua hệ thống sắc phong, có thể thấy rõ hai vị
thành hoàng đều là những vị thần có công với dân với nước.
Miếu Thuận Tốn thuộc về loại hình di tích tôn giáo truyền thống
của dân tộc. Với những giá trị hiện còn di tích đã được Bộ Văn hoá -Thông tin xếp
hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1996.
Miếu hiện mang kiến trúc thời Nguyễn. Song dựa vào hệ thống
15 đạo sắc có niên đại sớm nhất Cảnh Hưng 28 (1767) để đoán định thì miếu có
niên đại xây dựng từ trước đó rất nhiều. Điều này khá phù hợp với sự phát triển
và truyền thống văn hóa lâu đời của vùng đất Thuận Tốn.
Các công trình kiến trúc của miếu từ ngoài vào gồm tiền tế,
thiêu hương và hậu cung kết cấu theo kiểu chữ đinh.
Tiền tế xây kiểu tường hối bít đốc tay ngai, mái lợp ngói
ta. Bờ nóc đắp kiểu bờ đinh, chính giữa bờ đinh trang trí đắp nổi hình hổ phù đội
mặt trời lửa, hai đầu đốc mái đắp hình rồng quay vào nóc mái. Hai hồi hiên xây
hai trụ biểu kiểu lồng đèn cao ngang nóc mái, trụ có mặt cắt hình vuông, thân tạo
gờ nổi, trên khắc đôi câu đối bằng chữ hán cổ, đỉnh trụ đắp tượng nghê ở tư thế
hướng vào trong.
Các bộ vì đều được
bào trơn, kẻ soi đóng bén nhẹ nhàng, gian giữa phía trong kê một hương án gỗ
trang trí khá đẹp, phía trên treo một bức hoành phi ghi bốn chữ hán “Vạn cổ tối
linh”.
Thiêu hương (còn gọi là phương đình) được đặt ở giữa tiền tế
và hậu cung. Đây là một kiến trúc dạng chồng diêm hai tầng tám mái, mái lợp
ngói mũi hài cổ, các góc mái được làm thành đao cong tạo ra sự bay bổng cho kiến
trúc. Phần cổ diêm phân cách giữa mái thượng, mái hạ được trang trí bằng hoa
văn hình học.
Toàn bộ kết cấu của nhà thiêu hương được dựng trên bốn hàng
cột lớn xây gạch, đặt trên các chân tảng bằng đá tạo kiểu trên tròn dưới vuông.
Các cửa tạo kiểu vòm cuốn thông với tiền tế và hậu cung, nền nhà lát gạch, giữa
nhà đặt một long đình và một bát bửu bằng gỗ sơn son thiếp vàng lộng lẫy.
Hậu cung có kết cấu kiểu chữ đinh chia làm hai phần, phần
ngoài là một nếp nhà ngang ba gian, được làm năm Khải Định thứ 4, xây kiểu tường
hồi bít đốc tay ngai, bờ nóc đắp kiểu bờ đinh, giữa bờ nóc đắp hình hổ phù đội
mặt trời lửa, hai đầu đốc mái xây trụ vuông nhỏ. Nội thất chia làm ba gian, mặt
bằng bốn hàng chân cột, các vì nhà được làm thống nhất theo kiểu vì chồng rường
và được trang trí hoa văn thực vật, văn xoắn, các nét chạm mềm mại và nổi khối.
Trải qua một thời gian dài tồn tại, di tích miếu Thuận Tốn
còn bảo lưu được một số di vật có giá trị văn hóa nghệ thuật cao. Đồ giấy gồm
15 đạo sắc phong thần, sớm nhất là sắc phong có niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 28
triều vua Lê Hiển Tông (1767). Muộn nhất là đạo sắc năm thứ 9 niên hiệu Khải Định
(1924). Đáng chú ý là đạo sắc phong của Quang Trung đề ngày 5 tháng 5 năm thứ 5
niên hiệu Quang Trung (1792).
Đồ gỗ gồm hai chiếc ngai thờ, một lớn một nhỏ được chạm khắc
tỉ mỉ các đề tài rồng, lưỡng long chầu nguyệt, cánh sen, hoa dây; giá chúc thư
văn sơn son thiếp vàng hình chữ nhật đặt trên lưng hai con nghê; biển gỗ hình
chữ nhật, hai góc trên cắt vát, trên mặt biển gỗ chạm nổi ba chữ “Trung nghĩa
dân”. Bên phải phía trên có dòng chữ nổi: “Gia Lâm huyện, Thượng Tốn xã do năng
kiên tâm, hiệu lực công ngữ tắc đồ phong bản tứ tinh tường”, bên dưới phía trái
có dòng chữ nổi: “Cảnh Hưng ngũ niên thập nguyệt nhị thập nhất” nghĩa là: ngày
20 tháng 10 năm thứ 5 niên hiệu Cảnh Hưng (1745)…..
Qua thời gian dài tồn tại, quy mô bề thế và vẻ đẹp cổ kính của
ngôi miếu tuy không còn bảo lưu được nguyên vẹn. Song tự bản thân di tích vẫn
là vốn cổ quý giá trong kho tàng di sản văn hóa nước nhà. Giá trị của di tích
được thể hiện trên nhiều mặt, từ nội dung lịch sử, ý nghĩa khoa học đến khối kiến
trúc vật chất hiện còn.