Làng Nguyễn Xá trước đây có tên là làng Ngô Xá, đình làng thờ các bậc Tiên tổ đức Đại Vương Ngô Quyền, đồng thời thờ Ngô Vương và Thái hậu Dương Thị Vy làm Thành hoàng làng. Trên cánh đồng cách làng chừng 800m trước đây có một lăng mộ cổ được cho là lăng mộ Ngô Vương Quyền.
Thời kỳ phong trào hợp tác xã nông nghiệp, lăng bị phá bỏ,
chỉ còn lại móng nền. Trải thời gian năm tháng, móng nền cũng bị vùi lấp.
Phả hệ họ Ngô Việt Nam xác định Ngô Nhật Đại là vị Khởi tổ của
họ Ngô sinh sống trên đất nước Việt Nam ta. Điều này căn cứ vào bản Phả của Hán
Quốc công Ngô Lan biên soạn từ năm Đinh Dậu (1477) thời Hồng Đức dưới triều vua
Lê Thánh Tông.
Theo bản Phả đó thì Khởi tổ Ngô Nhật Đại là hào trưởng châu
Phúc Lộc tham gia khởi nghĩa Mai Thúc Loan (722), sau thất bại chạy ra Châu Ái,
lập nghiệp bằng nghề nông, sinh con trai Ngô Nhật Dụ.
Phả chép Ngô Nhật Dụ là đại nho gia, Liêu tá Phủ Đô hộ của
nhà Đường. Con Nhật Dụ là Đình Hạo, Đình Hạo sinh Đình Thực là hào trưởng. Hào
trưởng Đình Thực sinh Đình Mân. Ngô Đình Mân làm Mục Đường Lâm, Mục Phong Châu,
lấy vợ là bà Phùng Thị Tịnh Phong sinh ra Ngô Quyền và Ngô Tịnh.
Ngày 10 tháng 4 năm 2021 (tức 29 tháng Hai Tân Sửu), Hội đồng Ngô tộc Việt Nam phối hợp với Ban Khánh tiết
địa phương tổ chức Lễ hàn long mạch và an vị ngôi mộ Đức Vương Ngô Quyền tại
thôn Nguyễn Xá (thôn 1) xã Bồ Đề huyện Bình Lục tỉnh Hà nam.
Được biết thì ở làng Đường Lâm, Sơn Tây cũng có lăng Ngô Quyền,
nhưng không nhắc đến Thái Hậu họ Dương. Theo tộc phả họ Ngô chép: "Tiên tổ
Ngô Quyền tên là Tùng, lấy vợ ở Đường Lâm, người họ Đỗ. Ông sinh ra ba trai là
Tương, Lý, Đỗ. Tương sinh Vinh, Vinh sinh 6 trai, trưởng là Xuân. Xuân giúp Triệu
Quang Phục chống đô hộ. Xuân sinh Hoa, Hoa sinh Côn. Côn lấy vợ người họ Phạm ở
Đường Lâm, sinh hai trai, một gái, trưởng là Ngô Quyền".
Tức ở Đường Lâm thì Ngô Quyền là cháu ba đời của Ngô Xuân thời
Triệu Quang Phục. Rõ ràng có sự chênh thời gian rất lớn từ thời Triệu Việt
Vương cho tới tk X. Chưa kể đến Triệu Quang Phục có thể là cháu Triệu Đà.