Tỉnh Bắc Giang có khá nhiều địa điểm/di tích thờ nữ thần, thánh Mẫu, có thể được hệ thống theo tư duy văn hóa sông nước và văn hóa cửa rừng vẫn theo hệ quy chiếu dọc đôi bờ ba con sông và nơi cửa rừng, tức thượng nguồn những dòng sông ấy.
Bắc Giang nằm ở vùng chuyển tiếp giữa châu thổ sông
Hồng với miền thượng du phía đông bắc Bắc Bộ. Một vùng đất đa dạng
về văn hóa do có sự ảnh hưởng của sự giao thoa văn hóa của các dân
tộc/tộc người, nhất là nền văn hóa Kinh - Nùng/Tày từ hàng nghìn
năm lịch sử.
Ba con sông lớn (sông Lục Nam, sông Cầu, sông Thương) là
chi lưu của sông Thái Bình rồi đổ ra biển cả như ba vệt chân chim
khổng lồ và cũng là ba tuyến giao thông căn cơ tạo sự kết nối nền
văn hóa giữa các vùng/miền văn hóa châu thổ với miền/vùng văn hóa
Nùng/Tày xứ Cao - Bắc - Lạng mà Bắc Giang là trung tâm.
Tuy không là miền đất tiêu biểu của văn hóa sông/nước
nhưng hội đủ những nét văn hóa ngã ba sông/sông nước, văn hóa cửa
rừng/thượng ngàn và đó là nguồn cội, cơ hội và điều kiện màu mỡ,
tốt tươi để văn hoá thờ thánh Mẫu du nhập và phát triển.
Hiện nay, ở tỉnh Bắc Giang có khá nhiều địa điểm/di
tích thờ nữ thần, thánh Mẫu, có thể được hệ thống theo tư duy văn hóa sông
nước và văn hóa cửa rừng vẫn theo hệ quy chiếu dọc đôi bờ ba con sông
và nơi cửa rừng, tức thượng nguồn những dòng sông ấy.
Mạch đôi bờ sông Cầu, mà căn cốt là tục thờ thần
rắn với mẹ/em của Đức Tam Giang. Dân gian lưu truyền phương ngôn “Thượng
Đu Đuổm, hạ chí Lục Đầu giang” là nhắc đến việc tôn thờ thánh Tam
Giang chứ không phải việc tôn thờ thánh Cao Sơn Quý Minh (tức Dương Tự
Minh) cũng là thánh đại diện vùng Đu Đuổm (Thái Nguyên), vì xét thấy
ngài chủ yếu được thờ ở vùng Đu Đuổm và thấp hơn là vùng Hiệp
Hòa, Việt Yên (thuộc Bắc Giang) chứ không thấy sự phụng thờ ngài ở
vùng Lục Đầu giang.
Bờ Bắc sông Cầu là miền đất Bắc Giang có nhiều nơi
thờ đức mẹ Phùng Từ Nhan là Thánh Mẫu Tam Giang và cô em gái đức Tam
Giang (bốn vị: Trương Lừng, Trương Lẫy, Trương Hống, Trương Hát).
Trên núi Tiên Lát (Tiên Sơn, Việt Yên) có đền thờ Mẫu của đức
thánh Thạch Linh thần tướng (mẹ đá). Và cũng có thêm các vị thánh nữ mà
sau trở thành thánh Mẫu được nhiều nơi (chí ít là Hiệp Hòa, Việt
Yên) thờ là Diên Bình công chúa và Thiều Dung công chúa. Truyền rằng:
hai vị công chúa là phu nhân của thánh Cao Sơn Quý Minh (thánh Đu Đuổm,
tức Dương Tự Minh, Phò mã nhà Lý).
Mạch sông Thương: Có thể khởi điểm là đền Phượng Nhãn
(xã Trí Yên, huyện Yên Dũng) ở ngã ba Phượng Nhãn, nơi hợp lưu sông Lục
Nam, sông Thương thờ Đạm Nương (thánh cô Tam Giang).
Ngược lên có đền Đà Hy, thờ Huệ Nương (đức mẹ của đức
thánh Tuấn Sơn đại vương, một vị tướng âm phù cho quân thần nhà Trần phá giặc
Mông- Nguyên). Đền Từ Co (thuộc làng Chỗ, xã Hương Gián, huyện Yên
Dũng), nơi tôn thờ Ngọ Tiên nương và hai người con con là Hoàng Thái tử đô thống
đại vương và Hoàng thứ tử Lục lang đại vương.
Ngược lên đến cửa ngòi Song Khê (ngã ba Cống Bún), rẽ trái
có Xa Lâu điện (thuộc làng Ảm, xã Tiền Phong, huyện Yên Dũng) thờ Thiều Dương
công chúa Lê Thị Ngọc Khanh, con gái thứ tám vua Lê Thánh tông kết duyên
cùng Hoa Phong hầu Phạm Đức Hóa. Dân gian quen gọi là miếu Vua Bà.
Ngược lên đến ngã ba ngòi Đa Mai (cổ gọi là sông Đa Mai) có
điện thờ Bảo Nương, Ngọc Nương ở đền Đa Mai (ngã ba sông Thương - ngòi Đa
Mai) là hai vị liệt nữ thời Trần dùng kế mỹ nhân giết giặc.
Bên ngòi Đa Mai cách đền Đa Mai chưa đầy cây số bên Bến
Ngọc (Ngọc Chử), chi lưu của sông Thương có đền Ngọc Lâm (thuộc xã Tân Mỹ,
Tp. Bắc Giang) thờ Thánh Thiên công chúa, một nữ tướng thời Hai Bà Trưng có
công đánh đuổi giặc Hán rồi hóa thân tại bến Ngọc.
Đền Vua Bà (Thị trấn An Châu - Sơn Động) - Ảnh: Phương Thảo
Trên nữa, ở ven bờ hữu sông Thương có Từ Mận (thuộc làng
Phúc Mãn, xã Xuân Hương, huyện Lạng Giang) là trung tâm, nơi thờ chính Thiều
Dương công chúa Lê Thị Ngọc Khanh. Quanh vùng Phúc Mãn (thuộc tổng Mỹ Thái
xưa) còn có 9 cửa đình, cửa đền thờ công chúa Thiều Dương làm Thành hoàng.
Thượng nguồn sông Thương, tại khu vực ngã ba sông Sỏi có đền
Bến Nhãn (thuộc xã Bố Hạ, huyện Yên Thế) thờ đức thánh Trần, Tứ phủ và mẫu Thượng
ngàn. Đến vùng Bo, ngược đường bộ vào cửa rừng Đèo Cà (xã Hương Vĩ, huyện Yên
Thế) có đền Hốt Hồ/Huyết Hồ/Nguyệt Hồ thờ Nguyệt Nga công chúa mà truyền tích
là con gái vị thánh Cao Sơn thời Hùng Duệ vương có công đánh đuổi Thục Phán.
Ngược dòng về phía thượng nguồn sông Sỏi và cũng là điểm vào
chốn cửa rừng Xuân Lương - Canh Nậu có đền Cầu Khoai thờ hai thánh nữ là
Phương Dung và Quỳnh Hoa con gái của Tiến sĩ Đàm Thận Huy, một vị trung thần tiết
nghĩa triều Lê từng được phong Thượng đẳng phúc thần.
Mạch sông Lục Nam: Khởi đầu vẫn tính đền Phượng Nhãn
(xã Trí Yên, huyện Yên Dũng) bên ngã ba sông, sông Lục Nam- sông Thương thờ
Đạm Nương, thánh cô của đức Tam Giang.
Ngược sông Lục đến vùng Chản (xã Yên Sơn, huyện Lục Nam) có
đình/đền thờ Ngọ Tiên nương và hai người con là Hoàng Thái tử đô thống đại
vương và Hoàng thứ tử Lục lang đại vương.
Cũng gần vùng Chản ngược bờ hữu sông Lục đến Dẫm/Dọ/Non/Nồi
có cả vùng rộng lớn thờ thánh Mẫu sinh Ông Cộc, Ông Dài mà trung tâm là Đền
Vực Dẫm (xã Bắc Lũng), Hang Non (xã Khám Lạng) vẫn gắn với tín ngưỡng
gốc thờ thần rắn. Đối ngạn vùng Non/Nồi (thuộc Khám Lạng) bên bờ tả sông Lục
dưới chân dãy Huyền Đinh có đền Hố Dứa (thôn Cầu Khoai, xã Huyền Sơn) thờ
Thánh Mẫu Thượng ngàn và Tứ phủ công đồng.
Ngược sông Lục đến Ngã ba Tam Giang, nơi hợp lưu của sông Bến
Bò và sông Lục Nam có ba ngôi đền ở ba xã thuộc huyện Lục Nam và Lục Ngạn đều
thờ thánh nữ. Đền Tam Giang xã Trường Giang, Lục Nam và đền Tam Giang xã Phượng
Sơn, Lục Ngạn thờ các vị Công chúa nhà Lý. Đền Sú thuộc thôn Sú xã Mỹ An thờ
Kim Chân công chúa thời Hùng Vương. Từ ngã ba Tam Giang ngược dòng sông Bò chừng
mươi mười lăm cây số có đền Bến Bò thờ thánh mẫu nhưng chưa rõ gốc tích, được
xây cất khá khang trang.
Vẫn theo mạch sông Lục
Nam, theo đường 293 vào đại ngàn Tây Yên Tử có đền Vực Mỡ (nay là khu thắng
tích Suối Mỡ) thờ chủ đền Vực Mỡ là Quế Mỵ Nương, Công chúa thời Hùng Tạo
vương hóa thân ở đền Vực Mỡ. Nay dân gian tôn vinh bà là chúa Thượng ngàn
thờ cùng nhiều đối tượng khác tại bản đền. Đền Suối Mỡ thuộc xã Nghĩa Phương,
huyện Lục Nam. Trong quần thể di tích xã Nghĩa Phương còn có đền thờ Cô Bé Cây
Xanh cũng gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu và Tứ phủ công đồng.
Bên bờ sông Lục, ở thị trấn Chũ (Lục Ngạn) có đền Quan Quận
thờ Hùng Thắng quận công và Đức thánh Trần triều cùng Tứ phủ và thánh Mẫu.
Ngược đến Hồng Giang có đền Hả thờ tướng Vũ Thành (tức Thân
Cảnh Phúc), Phò mã nhà Lý. Trong quần thể di tích này có điện thờ thánh Mẫu
Thiên Thành và các công chúa nhà Lý.
Tận thượng nguồn sông Lục, trên đất An Châu có đền Vua Bà thờ
chúa Liễu Hạnh.
Đó là sự thống kê các địa điểm thờ nữ thần, thánh Mẫu ở tỉnh
Bắc Giang theo mạch ven sông, cửa rừng. Ngoài ra, ở các địa phương còn nhiều
nơi tôn thờ thần nữ, thánh mẫu khác mà điện đài cũng được xây dựng rất khang
trang, thu hút nhiều cơ cánh đồng bóng đến sinh hoạt như: Miếu vua Bà bên đền
Tiến sĩ làng Yên Ninh (thị trấn Nếnh, Việt Yên), đền thờ bà chúa Kho (Tiên Sơn,
Việt Yên), đền Thanh Vân (xã Khả Lý, Việt Yên), đình thờ Nàng Giã đại thần
(Phúc Sơn, Tân Yên), đền Suối Cấy (Yên Thế), đền thờ Bà chúa Kho ở phường Lê Lợi,
TP. Bắc Giang …và tất cả các ngôi chùa cũ/mới trên đất Bắc Giang cũng đều có điện
thờ Mẫu và Tứ phủ công đồng. Tất cả các vị thánh nữ, thánh Mẫu, cô bé…ngày nay
dân gian đều quan niệm chung là thánh Mẫu.
Như vậy, có thể thấy rằng: Bắc Giang là miền đất được
tiếp nhận, ảnh hưởng sâu sắc tín ngưỡng thờ Mẫu. Điều kiện tự nhiên có đủ núi
non, sông nước nối liền vùng châu thổ đến tận thượng nguồn tạo những cơ may để
tiếp nhận ảnh hưởng của sự lan tỏa, du nhập tín ngưỡng thờ Mẫu từ miền châu thổ
sông Hồng.
Từ một vùng đất đa dạng về văn hóa do có sự ảnh
hưởng của sự giao thoa văn hóa của các dân tộc/tộc người (Kinh -
Nùng/Tày) là chủ yếu, nên sự du nhập, ảnh hưởng tín ngưỡng thờ Mẫu sớm và tiếp
biến nhanh, rộng rãi hơn.
Khảo sát thực tế thấy rằng, gốc tích các vị thánh Mẫu được
tôn thờ ở Bắc Giang là các vị nữ thần được tôn làm Thành hoàng và người có
công với cộng đồng làng/xã hoặc là chủ các ngôi đền/miếu là chính. Đa số
các vị là thiên thần, số ít là phúc thần và phần nhiều lai lịch, huyền tích về
các vị được văn bản hóa thành các thần tích, mà văn bản sớm nhất xuất hiện từ
thời vua Tự Đức (giữa thế kỷ XIX) trở lại đây.
Hiện tượng Mẫu hóa các thánh/thần nữ xảy ra phổ biến ở hầu hết
các địa phương trong tỉnh. Hiện tượng này xảy ra từ lâu (thậm chí từ giữa thế kỷ
XIX đến những năm đầu thế kỷ XX, dấu vết là việc văn bản hóa sự tích thần/thánh),
nhưng chỉ diễn ra ở một số điểm/di tích thờ thánh nữ có quy mô lớn. Tiêu biểu
là đền Vực Mỡ, đền Vực Dẫm (Lục Nam), đền Tam Giang (Lục Ngạn), đền Phượng
Nhãn, đền Đà Hy, đền Co (Yên Dũng), đền Ngọc Lâm, đền Đa Mai (TP. Bắc Giang)
vv…Hiện tượng Mẫu hóa các thần/thánh nữ xảy ra nhanh và rộng nhất là những năm
80, 90 của thế kỷ XX trở lại đây.
Nguyên nhân xảy ra hiện tượng này, trước tiên phải nhắc đến
là chủ trương tự do tín ngưỡng của nhà nước ta đã tạo điều kiện cho tín đồ sùng
tín thánh Mẫu phát triển rất đông về số lượng.
Cùng với ý thức muốn thiêng hóa vị thần nữ các vị chủ đền/miếu/phủ
đã tôn linh các nữ thần thành thánh Mẫu rồi sau đó đưa vào điểm/di tích các
nghi thức/nghi lễ thờ thánh Mẫu. Thêm nữa, trào lưu hát chầu văn, hầu đồng phát
triển, các cơ cánh đồng cô bóng cậu xuất hiện ở mọi làng quê, ngõ phố.
Ban đầu hát văn, hầu đồng là sinh hoạt văn hóa thuần túy,
sau biến tướng thương mại hóa, vật chất hóa đã phát sinh nhu cầu có thêm không
gian sinh hoạt, có thêm nơi thờ Mẫu, cho nên các di tích thờ thánh nữ được cải
trang thành các di tích thờ thánh Mẫu nở rộ ở khắp các địa phương và đến nay vẫn
tiếp tục phát triển.
Do hiện tượng thương mại hóa, vật chất hóa sinh hoạt hát
văn, hầu đồng có hiệu quả kinh tế nên hầu hết các ngôi chùa trên đất Bắc Giang
đều đưa thêm vào nội tự một ban hoặc điện thờ Mẫu để thu hút Phật tử, con
nhang.
Từ những ngôi chùa lớn như Vĩnh Nghiêm, Tiên Lục, đến những
ngôi chùa nhỏ ở nơi hẻo lánh xa xôi đều có hiện tượng này. Đưa tín ngưỡng thờ Mẫu
vào không gian thờ Phật cũng là vấn đề cần phải xem xét trong việc bảo tồn,
phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Đã có sự áp đặt, gán ghép, bóp méo “tân hóa” lai lịch các vị
thánh Mẫu ở một số di tích. Sự tích đền Suối Mỡ (Lục Nam) không còn nguyên trạng
trong dân gian do có sự bóp méo, tân hóa lai lịch Thánh mẫu thượng ngàn Vực Mỡ.
Đền Bò (Bến Bò, xã Vô Tranh, Lục Nam), vốn thờ Mẫu Liễu Hạnh nhưng nay gán ghép
thờ mẫu là Công chúa Kim Chân. Đền Hốt Hồ/Huyết Hồ/Nguyệt Hồ (Hương Vĩ, Yên Thế)
vốn thờ Công chúa Nguyệt Nga nay ghán cho là thờ bà chúa Bói. Có lẽ, nhiều người
nhầm tưởng di tích thờ bà chúa Bói vì lời bài cung văn hát nâng bóng cho giá hầu
bà chúa Nguyệt Hồ./.
Nguyễn Văn Phong