Đi dọc kè biển làng Nhượng Bạn, xã Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, rất dễ nhận ra nơi linh thiêng nhất của cư dân vùng biển nơi đây: miếu Đức Ngư Ông, thờ Nam Hải Đại Thần.
Người làng không biết tục thờ cá Ông (còn gọi là cá Voi) có
tự khi nào nhưng từ khi có tên đất, tên làng, tục thờ cúng cá Ông đã hình thành
ở làng cổ Nhượng Bạn. Ngôi miếu hướng ra phía Đông, sát với biển cả, nơi có tiếng
sóng rì rào, gió biển hát râm ran và ở đây còn có những nghi lễ hết sức độc
đáo.
Miếu Đức Ngư Ông của cư dân xã Cẩm Nhượng là Di tích lịch sử
văn hóa cấp tỉnh.
Một ngày cuối tháng 2, vén màn sương mờ ảo heo lạnh, chúng
tôi tìm về xứ biển Cẩm Nhượng - vùng đất đậm đặc truyền thống văn hóa dân gian.
Đến nơi, đúng vào thời điểm ngư dân từ biển khơi trở về, những
chàng trai làng biển đen sạm, vạm vỡ, tay xách, nách mang, vội vàng đưa “lộc biển”
lên bờ để kịp giao bán cho thương lái đang chờ sẵn. Trong số hàng chục chiếc
thuyền ra khơi hôm nay có một chiếc vô tình bắt gặp một con cá Ông đã chết, nổi
lềnh bềnh trên dòng nước. Đó là chiếc thuyền của ngư dân Trần Hữu Toàn (50 tuổi,
thôn Xuân Bắc). “Đang đánh cá cách bờ vài ba hải lý, tôi thấy một xác cá Ông nổi
trên mặt biển nên mấy anh em liền vớt lên, đem vào bờ và báo với Ban lễ nghi xã
Cẩm Nhượng chuẩn bị làm lễ chôn cất”- ông Toàn kể.
Con cá nặng khoảng 50kg được các ngư dân gọi bằng cái tên hết
sức trân quý - Đức Cậu (loại cá Ông đực), và được đưa từ mẹ biển cả lên khu vực
Miếu Đức Ngư Ông, ở đây đã có Ban lễ nghi xã Cẩm Nhượng (12 người) chờ sẵn. Mọi
người cùng chung tay làm lễ chôn cất Đức Cậu. Lễ nghi phụng thờ cá Ông được ngư
dân làng Nhượng Bạn tổ chức rất chu đáo, trịnh trọng.
Việc thờ cúng mỗi con cá Ông qua đời được ngư dân miền biển
Cẩm Nhượng tổ chức hết sức bài bản. Chôn cất xong xuôi sẽ có lễ cúng 3 ngày, 50
ngày, 100 ngày, lễ giỗ đầu, giỗ hết khó, giỗ hằng năm...
Ngoài ra, ngày Rằm, mồng Một, ngư dân đều đến miếu Đức Ngư
Ông để thắp hương tưởng nhớ đến các vị cứu tinh của ngư dân. Mỗi ngư dân không
quên khẩn cầu Đức Ngư Ông phù hộ, độ trì cho mưa thuận, gió hòa, tàu thuyền ra
khơi, vào lộng bình an, đánh bắt được nhiều tôm cá. Thậm chí, mỗi khi ra khơi,
ngư dân đến đây “xin dấu” (được kết bằng vải đỏ và cây hương) rồi gắn trên tàu.
Ngư dân coi đó như vật bảo hộ cho tàu thuyền, là “lệnh đi đường” biến nguy
thành an.
Miếu Đức Ngư Ông của cư dân Cẩm Nhượng tọa lạc trên vùng đất
rộng 2.800m2, cổng hướng ra biển Đông, chỉ cách mặt nước biển một con đê chắn
sóng. Miếu có chiếc cổng được xây dựng với những họa tiết cầu kỳ, bên trong là
hệ thống Thượng điện, Trung điện và Hạ điện, tất cả được sơn son thiếp vàng,
trông hết sức tráng lệ. Trong khuôn viên miếu có đến hơn 100 ngôi mộ cá Ông được
xây dựng từ hàng trăm năm trước cho đến nay.
“Đức Cậu” được đưa từ Mẹ biển cả chôn cất ở Miếu Đức Ngư
Ông.
Theo người dân nơi đây, miếu được ngư dân xây dựng từ thời
Hoàng Triều, vua Khải Định, năm Ất Dậu. Miếu từ xa xưa đã được các triều đại
phong kiến xếp vào hạng miếu thiêng, thờ Nam Hải Đại Thần và được vua ban nhiều
sắc phong. Năm 2013, miếu được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Trong kho tàng văn hóa truyền thống của ngư dân Nhượng Bạn,
tín ngưỡng thờ Nam Hải Đại Thần là một trong những nét văn hóa đặc trưng, gắn
liền và có ý nghĩa tinh thần lớn lao đối với mỗi người dân. Với ngư dân Cẩm Nhượng,
giữa biển khơi mênh mông, nơi đầu sóng ngọn gió, con người càng trở nên nhỏ bé.
Miếu Đức Ngư Ông không chỉ là chốn tâm linh giúp họ kiên trì bám biển, tạo nên
sức mạnh thể chất mà còn là nơi xác tín tâm linh - tin vào vị thần bảo hộ, che
chở cho những chuyến ra khơi vào lộng, tôm cá đầy thuyền, cuộc sống bình yên.
Cá Ông có vị thế đặc biệt trong đời sống ngư dân nơi đây, vừa
có khả năng cứu nguy vừa báo hiệu cho họ những nơi nhiều tôm cá. Nhiều nghiên cứu
đã chỉ ra đặc tính của loài vật này những khi biển động, để tránh sóng, theo bản
năng cá Voi sẽ tìm những vật nổi trên mặt biển nép vào và cùng với vật ấy trôi
vào bờ. Điều đó đã khiến cho ngư dân tin rằng cá Ông đã cứu người, cứu thuyền
khi gặp bão tố giữa biển khơi. Đồng thời, nơi loài cá này xuất hiện cũng là nơi
có nhiều cá và những ngư dân giàu kinh nghiệm sẽ dựa vào đó mà tìm được luồng
cá lớn.
Dân gian xứ Nhượng Bạn vẫn truyền tai nhau truyền thuyết về
loài cá linh thiêng này. Phó Ban nghi lễ xã Cẩm Nhượng Nguyễn Văn Tiến (52 tuổi,
trú thôn Hải Nam) kể: Từ xa xưa cho đến bây giờ, cá Ông luôn cứu giúp, độ thế,
sát cánh với ngư dân trên biển, biến nguy thành an. Cách đây từ rất lâu, có một
chiếc thuyền đang đánh bắt trên biển nhưng bỗng nhiên giông bão nổi lên, gió
rít gầm gừ như muốn cuốn phăng tất cả. Đúng lúc nguy nan nhất, hai Ông xuất hiện,
điều đặc biệt là ngay lúc đó, sóng yên, biển lặng. Cả hai con cá ghì sát hai
bên mạn thuyền, đẩy chiếc thuyền vào nơi an toàn, sau khi ngư dân được cứu,
giông bão lại tiếp tục cơn thịnh nộ. Kể từ đó, để khắc ghi công ơn của cá Ông,
ngư dân miền biển Nhượng Bạn lập miếu thờ và phong thành Đức Ngư Ông.
Câu chuyện về loài động vật biển to lớn và hiền lành này
chính là cơ sở thực tiễn để người dân dần dân thiêng hóa nó trở thành vị phúc
thần che chở, bảo vệ người đi biển. Sự tích về loại cá đặc biệt này và sự
thiêng hóa của nó còn được ghi chép trong các thư tịch cổ. Sách Đại Nam nhất thống
chí có đoạn: “Cá Voi được gọi là Đức Ngư, tánh từ thiện hay cứu giúp người đi
qua biển do mắc nạn. Đầu niên hiệu Minh Mạng, vua đặt tên cho là Nhân ngư, đầu
niên hiệu Tự Đức gọi là Đức Ngư. Loài cá này có ở Nam Hải thì linh, còn ở biển
khác thì không linh”.
Không chỉ dừng lại ở tập tục chôn cất, thờ cúng cá Ông mà
ngay tại ngôi miếu này, hằng năm vào ngày 8/4 âm lịch, hơn 1.000 ngư dân xã Cẩm
Nhượng tề tựu tổ chức Lễ hội Cầu Ngư. Với cư dân Cẩm Nhượng, Lễ hội Cầu Ngư là
ngày hội lớn, hết sức quan trọng.
Ông Nguyễn Văn Hùng- Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng cho biết,
toàn xã hiện có 248 tàu thuyền với hơn 1.100 ngư dân. Lễ hội Cầu Ngư là nét văn
hóa đặc trưng của cư dân vùng biển. Lễ hội được nhân dân tổ chức trang trọng,
trong đó chứa đựng nhiều truyền thống văn hóa dân gian như hò chèo cạn. Xã vừa
có cụ Trương Văn Hứa (80 tuổi, thôn Xuân Bắc) được công nhận là nghệ nhân dân
gian. Cụ Hứa chính là người sáng tác, đồng thời là người hát xướng hò chèo cạn
trong Lễ hội Cầu Ngư hàng chục năm qua.
Lễ hội gồm có 4 phần chính: Nghi thức, tế lễ, lễ hội chèo cạn,
lễ rước trên biển và lễ tế tại Miếu Đức Ngư Ông. Trong đó, lễ rước trên biển gồm
có 1 thuyền ngự giá và 2 thuyền hộ giá rước long ngai bài vị của Nam Hải Đại Thần.
Thuyền ngự giá và hộ giá được lựa chọn từ hàng trăm chiếc thuyền của ngư dân,
trong năm thuyền nào thuận buồm xuôi gió, làm ăn gặp nhiều may mắn nhất và
không có tang khó sẽ được chọn.
Hát chèo cạn thì có một người xướng chính, sau đó nam thanh,
nữ tú, trai gái, già trẻ trong làng hò hát theo sau. Âm hưởng nhịp nhàng, vang
vọng, thể hiện khát vọng vươn khơi, bám biển, cầu mong mưa thuận gió hòa, tôm
cá chất đầy khoang sau mỗi chuyến ra khơi vào lộng. Lễ tế ở Miếu Đức Ngư Ông được
ngư dân sắm sửa lễ vật thịnh soạn, ngư dân tham gia tế lễ mặc đồ lễ chỉnh tề,
nghiêm trang, ai nấy thể hiện lòng thành kính cầu mong Nam Hải Đại Thần độ thế
phù hộ cho ngư dân gặp may mắn, an lành.
Tín ngưỡng thờ phụng cá Ông và tổ chức lễ hội Cầu Ngư của
ngư dân Cẩm Nhượng đã hình thành và phát triển qua nhiều thế hệ, đến nay vẫn được
giữ gìn và phát huy. Đây được xem là một hiện tượng văn hóa - tín ngưỡng đặc
trưng, phản ánh sự đặc sắc văn hóa miền biển. Đồng thời, hàm chứa nhiều giá trị
nhân văn sâu sắc, hướng con người đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Rời làng biển Cẩm Nhượng khi hoàng hôn gần buông, chúng tôi
vẫn nghe văng vẳng những câu thơ đã in sâu tạc dạ trong lòng mỗi người dân nơi
đây: Ngư Ông công đức muôn đời/ Cứu độ muôn chúng giữa vời nguy nan/ Toàn dân tạc
dạ ghi ơn/ Sắc phong Đại Hải nhân Ngư Ông.
Không chỉ dừng lại ở tập tục chôn cất, thờ cúng cá Ông mà
ngay tại ngôi miếu này, hằng năm vào ngày 8/4 âm lịch, hơn 1.000 ngư dân xã Cẩm
Nhượng tề tựu tổ chức Lễ hội Cầu Ngư. Với cư dân Cẩm Nhượng, Lễ hội Cầu Ngư là
ngày hội lớn, hết sức quan trọng. Sự tích về loại cá đặc biệt này và sự thiêng
hóa của nó còn được ghi chép trong các thư tịch cổ. Sách Đại Nam nhất thống chí
có đoạn: “Cá Voi được gọi là Đức Ngư, tánh từ thiện hay cứu giúp người đi qua
biển do mắc nạn. Đầu niên hiệu Minh Mạng, vua đặt tên cho là Nhân ngư, đầu niên
hiệu Tự Đức gọi là Đức Ngư. Loài cá này có ở Nam Hải thì linh, còn ở biển khác
thì không linh”.