Đền Thượng tọa lạc trên eo lưng núi Sài lĩnh. Một dải núi đá vôi tai mèo, đang vẫy vùng nhấp nhô dường như vô định, bỗng chợt phân nhánh, lắng dịu, mềm xuống, một nhánh hoành sang ngang, tạo ra một bãi đất bằng phẳng, mặt quay về tây bắc hướng Tản Viên tổ sơn, đầy vẻ quyến luyến, chừng như muốn nằm yên, lại chừng như muốn quay về tổ.
Sắc chỉ đền Thượng
Sơn Tây tỉnh, Quốc Oai phủ, Thụy Khuê xã
Phụng sự Văn Xương Đế Quân, Quan
Thánh Đế Quân, hộ quốc, tỳ dân, hiển hữu công đức. Tứ kim chính giá,
trẫm tứ tuần đại khánh tiết, kinh ban bảo chiếu, đàm ân lễ long, đăng
trật đặc chuẩn phụng sự, dụng chí quốc khánh, dĩ đáp thần hưu.
Khâm tai
Khải định cửu niên, thất nguyệt, nhị thập ngũ
(tức ngày 25 tháng 7 năm 1924)
Bối Am miếu bi ký (Văn bia đền Thượng)
Sơn Tây tỉnh, Quốc Oai phủ, An Sơn huyện, Lật Sài tổng, Thụy Khuê xã
Viên tinh binh đinh đăng vi ký … sự.
Duyên ư niên tiền mãi đắc Vĩnh Lộc nhân điền tứ cao chi kiêm niên hạ hựu
mãi bản tổng Khánh Tân Thượng giáp điền tại Phùng Xá địa phận: nhất
mẫu, nhất cao, trí vi phụng Thánh các tiết, đệ niên luân canh chỉnh lễ
vĩnh vi thường giới, hậu nhân bất đắc di dịch, nhân chí vu thạch dĩ thọ
kỳ truyền.
Minh viết:
Văn quang đạo mạch
Thủy nguyệt sơn vân
Quần cao trắc giáng
Nam – Bắc hà phân
Sài nham bối hoàn
Quy chế duy tân
Cao sơn ngưỡng chỉ
Thiên lý tại nhân
Tự điền vi ký
Bất hủ thiên xuân
Tự kim dĩ thủy
Hậu mộc quân ân
Đệ nhất lệ:
Nhị nguyệt, sơ tam nhật: Thánh đản tiết. Nhu mễ thập ngũ đấu, hương
trà, ngũ thập quả kim ngân ngũ thập trương, phù lưu ngũ thập khẩu, tửu
nhị trình, hương nhị phong, đăng lạp nhị song, giai ngoại tiến hông kim
ngân nhị thiên, hiệu y nhị bộ, dụng ngũ sắc chỉ, nhị bách phẩm quả, nhị
cụ.
Điền tại Phùng Xá địa phận, Thấp Kênh xứ: nhị sở, nhị cao, thập xích, tại Con Chim: nhất sở, thập xích.
Đệ nhị lệ:
Lục nguyệt, nhị thập tứ nhật: Thánh đản tiết. Lễ y tiền nhị nguyệt.
Lệ đáp ngoại tiến chúc như tiền, điền tại Phùng Xá địa phận, man Con
Chim xứ: nhất sở tam cao.
Đệ tam lệ:
Hàng niên thường tân tiết, trư nhất đầu dụng cân thập ngũ đẩu, nhu
mễ nhị thập ngũ đẩu vi, thập đẩu vi xuyên thập ngũ đẩu, cương mễ thập
đẩu, hương tiêu thất thập quả, phù lưu thất thập khẩu, tửu nhị trình,
điền tại Phùng Xá địa phận, đồng ….. xứ: thập nhất xích, tại man Kênh:
thập nhất xích, tại man Con Chim xứ: nhất cao, nhất xích, dĩ thượng vi
trư.
Tại Vĩnh Lộc địa phận, Thốp hạ xứ:
nhất sở, tứ cao, dĩ thượng vi mễ tinh các vật, kiêm chỉnh lễ đại tự: tam
nguyệt, sơ thất nhật: hội lệ dụng oản ngũ đẩu, hương tiêu tam thập quả,
phù lưu tam thập khẩu, kim ngân tam thập trương.
Thủy du điền: tại Phùng Xá địa phận,
man Kênh xứ: nhất cao, thập xích, hựu y xứ thất xích, giao giữ bản tự
nhân nhận canh, mỗi dạ tôn tiền chỉnh đăng nhị cố.
Tự Đức tam thập tam niên, thập nhị nguyệt, nhị thập nhị nhật(tức 22 tháng 12 năm 1881) (Phiên âm của cụ Nguyễn Huy Vĩ, Thụy Khuê, đã quá cố)
Kiến trúc và bài trí
Đền Thượng tọa lạc trên eo lưng núi Sài
lĩnh. Một dải núi đá vôi tai mèo, đang vẫy vùng nhấp nhô dường như vô
định, bỗng chợt phân nhánh, lắng dịu, mềm xuống, một nhánh hoành sang
ngang, tạo ra một bãi đất bằng phẳng, mặt quay về tây bắc hướng Tản Viên
tổ sơn, đầy vẻ quyến luyến, chừng như muốn nằm yên, lại chừng như muốn
quay về tổ. Thực đúng là cuộc đất “hồi long cố tổ”. Phía sau đền gối lên
trùng trùng lớp đá vững chãi, trong khi nhánh bên trái là những dọc đá
vút lên tựa như hàng bút đứng, vòng ôm lấy tay hổ bên phải, khiến cho
khoảng không gian phía trước đền được che chắn kín đáo. Hẳn thiên nhiên
đã có chủ ý tạo tác nơi này làm nơi tọa lạc cho đền Thượng. Màu xanh và
những nét gân guốc của cây cối xung quanh cũng góp phần tôn lên vẻ cổ
kính nhưng hữu tình của ngôi đền.
Mặt bằng đền Thượng
Về tổng thể kiến trúc, điểm đặc biệt hiếm
gặp là thiết kế hình chữ sỹ (士) của ngôi đền. Nhìn từ trên xuống, có
thể thấy rất rõ kết cấu này, với một mái chính chạy dọc lồng qua hai mái
ngang, cân đối và thanh thoát. Trong kết cấu này, trục chính là trục
dài nhất chạy dọc ở vị trí trung tâm, chia ngôi đền thành hai phần cân
đối. Khu vực long đình bài trí tượng thờ chính nằm ở phần đỉnh của trục
này (phần chuôi vồ), ở vị trí sâu nhất phía lưng của ngôi đền, tạo nên
vẻ thâm nghiêm và bí ẩn. Vị trí đó, cùng với hệ thống cửa võng khiến cho
khách hành lễ khó có thể thấy rõ mặt tượng thờ, và vì thế càng tôn thêm
vẻ thâm nghiêm của ngôi đền. Chiều cao chung của ngôi đền khá thấp, vừa
tạo cảm giác gần gũi, vừa khiến khách hành lễ khi bước vào đền đều phải
cúi mình, khiêm cung và tôn kính. Mặc dù chiều cao chung của đền khá
thấp nhưng khu vực giao nhau giữa trục chính chạy dọc và trục ngang thứ
nhất của nhà đại bái lại hợp thành một khoảng không cao vút lên, tựa như
khí mạch liên thông với cõi trời, tạo cảm giác linh thiêng cho toàn bộ
ngôi đền.
Hệ thống mái đền Thượng, nhìn từ mặt bên, trên cao
Đền được phân thành hai lớp nhà đại bái
và hậu cung, mỗi lớp gồm ba gian. Mặt trước là hệ thống cửa bức bàn cho
cả ba gian. Nguyên bản trước đây của ngôi đền có tường gỗ bao bọc xung
quanh. Trải qua thời gian, lớp tường gỗ này đã bị hư hỏng, và đã được
thay thế trong đợt trùng tu gần đây nhất (năm 2000).
Gian giữa nhà đại bái có bức hoành phi “Tham thiên tán hóa” (Tham dự vào trong trời đất, giúp công cho Tạo hóa quảng giáo quần sinh). Đây là lời tiền nhân xưa ca ngợi công đức to lớn và kỳ diệu của các bậc thiện Thánh được phụng thờ tại đền.
Qua cửa nách hai bên là tới hậu cung,
không gian chính của đền. Do thiết kế theo hình chữ sỹ, khi bước qua cửa
nách hẹp vào hậu cung, chư vị sẽ có cảm giác như không gian đột ngột mở
ra, khoáng đạt nhưng vẫn trầm mặc, gần gũi nhưng vẫn uy nghiêm. Bức
hoành phi tại gian chính có đề bốn chữ “Cao minh phối thiên” (Cao minh, có thể sánh với Trời). Đây lại là lời tán thán dành cho các bậc thiện Thánh được phụng thờ tại đền.
Một đặc điểm nữa của ngôi đền, cũng là
điểm thường thấy trong kiến trúc đình và đền khu vực đồng bằng bắc bộ,
là sự ngăn cách rõ ràng giữa lớp nhà đại bái và lớp hậu cung. Lớp ngăn
cách ở gian giữa hiện nay, vốn là một trong số ít các bộ phận nguyên gốc
của ngôi đền còn giữ lại được, là một khung cửa hai cánh luôn được đóng
kín, trên đó vẽ hình rồng với văn mây, rất tinh tế. Liên thông giữa hai
lớp nhà đại bái và hậu cung là hai cửa nách nhỏ.
Cũng tương tự như nhiều ngôi đền, chùa
khác, đền Thượng cũng có đầy đủ một hệ thống nghi trượng, hoành phi, câu
đối. Nội dung các hoành phi, câu đối là những lời tán thán công đức to
lớn của các vị được phụng thờ tại đền.
Toàn bộ đền không có chạm khắc gì đặc
biệt ngoài bốn đầu rồng tại gian thờ chính ở hậu cung, với mô típ rồng
đặc trưng của thời Lê Trung Hưng. Có lẽ đây cũng là ẩn ý của các bậc
tiền nhân xưa khi muốn nhấn vào đức cương trực, ngay thẳng của kẻ sỹ.
Trước đây, ở khu vực đất trống bên tay
phải đền còn có lầu chuông. Năm 1947, lầu chuông này đã bị giặc Pháp phá
hủy. Hiện chỉ còn một số đá chân cột cũ. Quả chuông hiện được lưu giữ
tại chùa Bối Am.
Điểm đặc biệt trong cách bài trí các ngôi thờ chính tại đền Thượng là tại khu vực long đình có hai ngôi thờ chính ngồi ngang hàng nhau,
gồm đức Văn Xương Đế Quân và đức Quan Thánh Đế Quân. Thông thường số
ngôi thờ chính là số lẻ, hoặc 1 hoặc 3 hay 5, để bảo đảm nguyên tắc “chủ
– khách” và tạo sự cân đối. Tuy nhiên, cách bài trí song bằng như vậy ở
đền Thượng lại là một điểm đặc biệt, thể hiện nguyên tắc phong thủy “tả
Thanh Long – hữu Bạch Hổ”, và thể hiện sự tôn vinh ngang nhau đối với
cả bên Văn và bên Võ. Theo hướng nhìn
từ trong ra, bên trái là đức Văn Xương Đế Quân, tượng trưng cho Thanh
Long (bên Văn), và bên phải là đức Quan Thánh Đế, tượng trưng cho Bạch
Hổ (bên Võ).
Giá trị giáo hóa nhân sinh – Biểu tượng của Đạo Học
Điều chúng tôi cảm nhận được một cách sâu sắc từ đền Thượng là giá trị giáo hóa nhân sinh hay nói cách khác là tinh thần Đạo Học rất rõ nét; dường như đó mới chính là tinh thần chủ đạo toát lên từ đền Thượng. Nói tới Đạo Học ở đây, chúng tôi muốn nói tới Đạo học làm Người nói chung.
a. Tinh thần giáo hóa mang màu sắc Đạo giáo
Trước hết, phải nói rằng đụng đến vấn đề
Đạo giáo là đụng đến một vấn đề vô cùng phức tạp mà đến hiện nay các nhà
nghiên cứu cũng vẫn chưa hoàn toàn nhất trí với nhau. Ở ViệtNam, Đạo
giáo về cơ bản chỉ tồn tại như một tín ngưỡng, không phải là một tôn
giáo.
Nếu xét bản chất Đạo giáo theo giáo lý
nguyên thủy của Lão Tử thì giữa Đạo giáo và Nho giáo có sự tương phản
rất rõ nét. Đạo giáo thì chủ trương “Vô vi”, còn Nho giáo thì chủ trương
“Hữu vi”. Xin lấy một vài dẫn chứng làm ví dụ:
Về đối xử với hiền tài, Đạo giáo chủ trương: “Không tôn bậc hiền tài, khiến cho dân không tranh giành” (trích Lão Tử Đạo đức kinh).
Nho giáo thì chủ trương ngược lại (tôn vinh bậc hiền tài, còn gọi là quân tử).
Về giáo hóa nhân sinh, Đạo giáo chủ
trương: “Ta không làm gì mà dân tự hóa; ta thích thanh tĩnh mà dân tự
ngay thẳng; ta không làm việc gì mà dân tự giàu; ta không ham muốn gì mà
dân tự trở nên thực thà” (trích Lão Tử Đạo đức kinh).
Nho giáo thì chủ trương ngược lại (sử dụng nhiều khuôn phép như Tam cương, ngũ thường, tam tòng, tứ đức…để giáo hóa).
Đó là sự khác nhau giữa “Vô vi” của Đạo giáo nguyên thủy và “Hữu vi” của Nho giáo.
Tuy nhiên, vì Đạo giáo là tôn giáo mang
tính lỏng rất cao, khả năng dung nhiếp rất lớn, điều đó đã dẫn tới việc
dung nhiếp cả tư tưởng Nho giáo và Phật giáo. Mục đích của việc cho phép
dung nhiếp lớn như vậy chẳng qua chỉ là để đáp ứng được tối đa nhu cầu
tâm linh – tinh thần của hầu hết mọi người, mọi tầng lớp trong xã hội,
và qua đó thu hút được họ vào “giáo” của mình mà thôi.
Xét trường hợp cụ thể của đền Thượng, đền
thờ hai vị Văn Xương và Quan Đế. Mặc dù được gọi là các vị Thánh của
Đạo giáo, nhưng thực chất thuở bình sinh cả hai vị đều là Nho cả. Tử
Đồng Đế Quân (Văn Xương Đế Quân) là một vị Nho sỹ cáo quan về dạy học,
còn Quan Đế là một võ tướng với tư tưởng Nho giáo điển hình, nổi tiếng
về lòng trung – nghĩa, lại là người rất mê Kinh Xuân Thu của Nho giáo.
Vì thế, khi nói đến tinh thần giáo hóa
mang màu sắc Đạo giáo ở đền Thượng, cũng không hoàn toàn có nghĩa là chỉ
duy một màu sắc Đạo giáo (theo nghĩa nguyên gốc).
Xin giới thiệu dưới đây hai bản kinh được
cho là kinh giáng bút của Văn Xương Đế Quân và Quan Thánh Đế Quân. Nếu
như tạm xếp sang một bên lớp vỏ có vẻ “mê tín dị đoan” thì có thể thấy
nổi bật ở đây một tinh thần hướng thiện cao cả, kết hợp cả với tư tưởng
đặc trưng của Nho giáo (trung – hiếu) và của Phật giáo (từ – bi – hỷ –
xả).
Văn Xương Đế Quân Âm Chất Văn
Ta 17 kiếp hóa thân làm sĩ đại phu,
chưa hề ngược đãi dân chúng và nha lại; ta giúp người lúc khốn khó, cứu
người khi khẩn cấp, khoan dung lầm lỗi của người, thi hành âm chất khắp
nơi, nên được đặc cách lên cõi trời. Ai biết giữ lòng gìn tâm như ta,
Trời sẽ ban phúc cho.
Thế nên ta dạy người đời rằng: Ngày xưa có Vu công [hiền từ] giữ ngục, về sau con [là Vu Định Quốc] nên thừa tướng; [đời
Tống có Tống Giao]cứu bầy kiến khỏi chết đuối mà đỗ trạng nguyên; người
họ Đậu [tức Đậu Yên Sơn] do cứu người mà sau thành văn quan cao tột; có kẻ chôn xác rắn mà sau nên tể tướng vẻ vang.
Muốn rộng mở ruộng phước phải cậy
trông tấm lòng của mình, luôn thi hành những tiện ích cho đời, tạo muôn
việc âm đức, lợi cho muôn vật và con người, làm thiện làm phước.
Hãy ngay thẳng thay Trời hành đạo và giáo hóa dân, thương xót bao dung vì nước cứu dân.
Trung với vua, hiếu với cha mẹ, kính
trọng anh, tin cậy bạn bè, hoặc thờ phụng tiên gia và triều kiến sao Bắc
Đẩu, hoặc lạy Phật niệm kinh, báo đáp bốn ân, thi hành rộng khắp giáo
lý của Tam giáo là Nho-Thích-Đạo.
Giúp kẻ nguy cấp như thể [giúp] con
cá nằm trong vết xe khô cạn nước, cứu kẻ lâm nguy như thể [giúp] con
chim sẻ đang vướng lưới dầy.
Thương xót cô nhi và quả phụ, kính
trọng người già, thương người nghèo khó, xếp đặt y phục và lương thực để
chu cấp kẻ lỡ đường đói lạnh, bố thí quan tài để tránh cho kẻ chết khỏi
bị phơi bày thi thể.
Nhà giàu thì cùng chia sớt với người
thân thích, năm đói kém phải cứu giúp hàng xóm và bạn bè, cái đấu cây
cân phải cho công bằng, không thể cân đo cho người thì nhẹ mà cân đo cho
mình thì nặng, đối đãi tôi tớ khoan dung, sao lại phải trách móc và đòi hỏi khe khắt nơi họ?
In ấn kinh sách, sáng lập và tu bổ
chùa chiền, đem tiền bạc và thuốc men cứu vớt kẻ khổ đau bệnh tật, bố
thí nước trà giúp người giải cơn khát.
Hoặc là mua loài vật để phóng sinh,
hoặc ăn chay để tròn giới cấm sát sinh, bước chân đi thường xem kỹ kẻo
đạp nhầm con sâu cái kiến.
Cấm lấy lửa đốt núi rừng; hãy đốt đèn
soi đường cho người đi đêm tối, làm tàu thuyền trợ giúp người vượt
sông, chớ lên núi giăng lưới bắt chim chóc, chớ xuống nước dùng thuốc
độc bắt cá tôm, chớ giết trâu cày.
Chớ vất bỏ giấy có chữ, chớ mưu chiếm
tài sản của người, chớ ganh tỵ tài năng của người khác, chớ gian dâm
với vợ và con gái của người, chớ xúi dục người khác tranh chấp và kiện
tụng, chớ phá hoại thanh danh và quyền lợi người khác, chớ phá hoại hôn
nhân của người, chớ vì tư thù mà làm cho anh em người khác bất hoà, chớ
vì mối lợi vặt mà làm cha con người khác nghịch nhau, chớ cậy quyền thế
mà làm nhục người lương thiện, chớ cậy mình là phú hào mà khi rẻ kẻ khốn
cùng.
Hãy thân cận người hiền đức, họ sẽ
trợ giúp thêm đức hạnh cho ta; hãy lánh xa kẻ ác, nhờ đó ta tránh được
tai ương trước mắt; hãy luôn tuyên dương điều thiện và ngăn trừ điều ác
của người; chớ có bằng mặt mà chẳng bằng lòng.
Chặt bớt cây cối gai góc cản trở
đường đi, dẹp bỏ gạch ngói nằm giữa đường, tu sửa đường gập ghềnh khúc
khuỷu mấy trăm năm, xây cầu kiều cho muôn vạn người qua lại, để lời
khuyên nhủ nhằm sửa lầm lỗi của người, chịu hao tốn tài của để người
khác được tốt đẹp, làm việc gì cũng noi theo lẽ trời, lời nói thì phải
hợp lòng người.
Ngưỡng mộ các bậc hiền triết thuở xưa
dường như các ngài luôn hiển hiện trước mắt, thận trọng khi ở một mình
và không hổ thẹn với chính mình; chớ làm các điều ác, hãy làm mọi điều
thiện, vĩnh viễn sao xấu không chiếu vào vận mệnh [của mình], các thiện
thần thường ở bên cạnh và bảo vệ cho.
Báo ứng gần thì nơi bản thân mình,
báo ứng xa thì nơi con cháu, trăm phúc cùng đến, ngàn may mắn tụ về, đó
chẳng phải là từ âm chất mà có được hay sao?
(bản dịch của Lê Anh Minh)
Quan Thánh Đế Quân Giác Thế Chân Kinh
(Chân kinh giúp thế gian giác ngộ – của đức Quan Thánh Đế)
Đế Quân nói rằng :
Con người ở đời, quí ở chỗ trung hiếu
tiết nghĩa, sao cho làm người không thẹn, mới xứng đáng gọi là “lập
thân” ở trong trời đất.
Người mà không thực hành các việc
trung hiếu tiết nghĩa, thì tuy thân còn ở đời mà tâm coi như đã chết,
thật uổng phí một đời! Phàm lòng người tức là thần, thần tức là “TÂM”.
Không sợ tâm nghĩa là không sợ thần. Nếu người khinh khi tâm, tức là
khinh khi thần vậy.
Thế nên, người quân tử cần phải có “ba điều sợ và bốn điều biết”, cẩn thận cứu xét tâm khi ở một mình.
Đừng cho rằng ở trong nhà tối mà
buông lung tâm, phải biết sợ nhà dột (chỗ thiếu sót của mình), mỗi mỗi
hành động của mình, đều có thần minh chứng tri.
Lúc nào cũng sống như là có mười ngón
tay đang chỉ trỏ mình, mười cặp mắt đang nhìn mình, gắng thấu rõ điều
nầy. Huống nữa, sự báo ứng rành rành, chẳng thoát một mảy lông.
Sự dâm dục là đứng đầu các điều ác, sự hiếu hạnh là đứng đầu các điều lành.
Nếu thấy việc không tốt, phải sinh tâm sợ hãi tránh né, đừng vì cái lợi mà làm liều.
Còn thấy việc tốt, trong tâm thấy phải, dầu không có lợi (cho mình) cũng gắng làm.
Nếu không chịu nghe lời ta dạy bảo, hãy nếm thử lưỡi đao (Thanh Long) của ta xem!
Làm người phải biết kính trời đất, tế
lễ thần minh, thờ phụng tổ tiên, hiếu thảo với cha mẹ, giữ gìn luật
pháp (của vua ban), nhớ sâu ơn thầy.
Lại còn phải biết thương yêu anh chị
em, giữ chữ tín với bạn bè, thuận thảo cùng bà con, hòa ái với làng xóm,
vợ chồng biết kính nhường nhau, con cái phải dạy răn (cho nên người
tốt).
Việc gì đáng làm thì làm ngay, rộng chứa âm đức, cứu giúp nạn gấp, giúp đỡ người bần khổ.
Hùn phúc xây chùa miếu, in chép kinh
văn (để tặng người), giúp thuốc (trị bệnh) cho thức ăn (để người no),
giảm bớt sự sát sinh chém giết.
Làm cầu sửa đường (cho người dễ đi),
giúp người neo đơn cứu người gặp nạn, quí trọng lúa gạo là tích chứa âm
đức, tránh nạn cho người, giải bớt phiền não trói buộc.
Giúp vốn cho người (làm ăn), đem lời hay ý đẹp dạy người, cởi bỏ oán thù, việc cân đong đo đếm phải công bằng chính xác.
Gần gũi với người đạo đức, xa lìa những kẻ hung tàn, tránh điều ác làm điều lành, làm lợi cho người và vật.
Hồi tâm hướng về đường tu đạo, ăn năn sửa chữa lỗi lầm, trong tâm chứa đầy điều lành, một suy nghĩ ác cũng đừng nghĩ tới.
Tất cả những việc lành phải tin ghi làm theo, có những việc tuy người không biết nhưng thần minh đã sớm nghe thấy.
Nếu làm được những điều đã nói thì đạt được những kết quả tốt như:
– Thêm phước đức, tăng tuổi
thọ, con cháu nên người, tai nạn tiêu trừ bệnh hoạn giảm bớt, việc xấu
chẳng đến với mình, người và vật đều an ổn, vận may sẽ đến luôn (cho
mình).
Còn nếu giữ tâm ác, chẳng chịu làm việc lành, mà làm các việc xấu như :
– Gian dâm vợ người, phá hoại
gia cương của kẻ khác, làm tổn thương danh tiết người khác, làm tổn hại
công việc của người, chiếm đoạt tài sản người, xúi người thưa kiện nhau,
tổn hại người để lợi cho mình, bản thân và gia đình mình được giàu có.
– Oán trời trách đất, mắng gió
chửi mưa, khinh khi thần thánh, làm hại người hiền, phá hủy tượng hình
thần Phật, lạm sát chó trâu, vứt bỏ giấy tờ chữ nghĩa (tức sách vở)
vào nơi dơ dáy.
– Coi thường người khác, chê
bai việc thiện, ỷ giàu bức ép người nghèo, chia rẻ tình cốt nhục của
người, gây sự hiểu lầm cho anh em (thân tộc) của người.
– Chẳng tin đạo chính mà nghe
theo kẻ gian, phạm tội gian dâm, ưa chuộng những việc xa xỉ giả dối,
không tôn trọng sự cần kiệm siêng năng (mà lười nhác).
– Khinh khi ngũ cốc, chẳng đền
đáp ơn người, có tâm khinh mạn (người khác) làm cho mình sa vào chỗ tối
tăm (sa đọa), sử dụng cân già cân non và lít đong không đúng.
– Giả lập ra tà giáo, để dụ
người khờ, tạo niềm tin sai trái cho người, lén lút hành dâm với súc
vật, khinh người ra mặt, che đậy điều mờ ám (của mình), nói những lời
quanh co dối trá, công khai hại người hoặc lén lút hại người.
– Chẳng giữ đạo trời, chẳng làm cho người được an vui. Không tin vào việc báo ứng, rủ ren người làm ác.
– Chẳng làm chút điều lành mà toàn làm việc ác, kiếm cớ kiện người, vu oan giá họa cho người, rình rập trộm cướp tài sản người.
– Bỏ thuốc độc gây bệnh ôn
dịch hại người, làm cho người sinh ra ngu đần suy bại, hại người mất
mạng tiêu tan nhà cửa, người nam thì trộm cắp, người nữ thì dâm đãng.
Phải biết rằng:
Việc báo ứng nếu gần thì bản thân gánh chịu, còn nếu xa thì con cháu phải mang.
Lúc nào cũng có thần minh kề bên giám sát, chẳng hở mảy lông.
Hai con đường thiện ác, điều họa phước phải biết cân nhắc kỹ, tin chắc rằng:
“Làm lành thì nhất định được quả báo lành; làm ác thì nhất định phải chịu quả báo ác”.
Nay ta vì thương chúng sinh nên đem
những lời hay đẹp giảng dạy cho, ai nấy nên cố gắng làm theo. Lời ta nói
tuy ngắn ít, mà mang lại lợi ích cho các ngươi rất nhiều.
Nếu ai coi thường chê bai lời ta dạy
dỗ, sẽ bị chặt đầu phân thây. Ai siêng năng trì tụng kinh này, được tiêu
trừ những điều xấu, đón nhận những điều lành như là: “Cầu con được
con,cầu thọ được thọ, được công danh phú quí, tất cả đều thành; những
điều mong muốn đều được như ý; những tai họa đều tiêu tan như tuyết
chảy; những việc lành tốt gom về như mây tụ,
Ai muốn hưởng phúc, gắng nghe theo lời ta. Lời nói của ta vốn vô tư không bịa đặt, chỉ để giúp cho ai có tâm lành.
Nhất định mau mau làm lành, đừng hứa hẹn chờ đợi làm gì!
(Bản dịch của Lê Nhược Thủy)
b. Tinh thần giáo hóa mang màu sắc Nho giáo
Có thể thấy bằng chứng cho điều này ngay tại đền Thượng. Đó là bức hoành phi “Tham thiên tán hóa” treo tại gian giữa nhà đại bái. Đây bức hoành phi nguyên bản của đền Thượng. Nội dung hoành phi là phần rút gọn của câu:
Tham thiên địa, tán hóa dục
nghĩa là:
Chen với trời đất, giúp công cho Tạo hóa (nói về bực Thánh nhân) (Trích Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh).
Sách Trung Dung (Chương XXII) ([1]) cũng nói:
Duy thiên hạ chí
thánh vi năng tận kỳ tính. Năng tận kỳ tính, tắc năng tận nhân chi tính.
Năng tận nhân chi tính, tắc năng tận vật chi tính. Năng tận vật chi
tính, tắc khả dĩ tán thiên địa chi hóa dục. Khả dĩ tán thiên địa chi hóa dục, tắc khả dĩ dữ thiên địa tham hỹ.
Dịch nghĩa:
Chỉ có bậc chân
thành hết mức trong thiên hạ mới có thể hiểu biết trọn vẹn bản tính của
mình. Có thể hiểu biết trọn vẹn bản tính của mình, thì có thể hiểu biết
trọn vẹn bản tính của người. Có thể hiểu biết trọn vẹn bản tính của
người, thì có thể hiểu biết trọn vẹn bản tính của vật. Có thể hiểu biết
trọn vẹn bản tính của vật thì có thể giúp vào công việc nuôi nấng và
chuyển hóa của Trời Đất. Có thể giúp vào công việc nuôi nấng và chuyển hóa của Trời Đất, thì có thể cùng tham dự với Trời Đất vậy.
Ngoài bức hoành phi trên tại nhà đại bái, trong hậu cung đền Thượng còn treo một bức hoành phi khác đề bốn chữ “Cao minh phối thiên”.
Theo từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh,
“cao minh” nghĩa là: người học rộng; “cao minh phối thiên” nghĩa là:
người học rộng thì có thể phối ứng với trời.
Sách Trung Dung (Chương XXVI) cũng nói:
Cố chí thánh vô tức. Bất tức tắc cửu; cửu tắc trưng; trưng tắc du viễn; du viễn; du viễn tắc bác hậu; bác hậu tắc cao minh.
Bác hậu, sở dĩ tải vật dã; cao minh, sở dĩ phúc vật dã; du cửu, sở dĩ thành vật dã. Bác hậu phối địa; cao minh phối thiên([2]); du cửu vô cương. Như thử giả, bất hiện nhi chương; bất động nhi biến; vô vi nhi thành.
Dịch nghĩa:
Vậy nên bậc chí
thành không ngừng nghỉ (trong việc thành tựu chính mình và tác thành mọi
vật). Không ngừng nghỉ thì lâu bền; lâu bền thì thì có hiệu nghiệm ở
ngoài; hiệu nghiệm ở ngoài thì phổ cập ra xa; phổ cập ra xa thì rộng
dầy; rộng dầy thì cao cả sáng láng.
Rộng dầy cốt để chở
mọi vật; cao cả sáng láng cốt để che mọi vật; phổ cập bền lâu cốt để
tác thành mọi vật. Rộng dầy thì sánh với đất; cao cả sáng láng thì sánh với trời;
phổ cập lâu bền không giới hạn. Như thế ấy, không hiện ra mà vẫn tỏ rõ;
không tác động mà vẫn tạo nên sự biến đổi; không làm mà cũng thành tựu.
Một mặt, đây là lời tán thán các vị thiện
thánh được phụng thờ tại đền Thượng, những bậc cao minh có thể sánh với
Trời Đất, có thể tự tu để hiểu trọn bản thân mình, hiểu trọn bản tính
người, hiểu trọn bản tính vạn vật, từ đó có thể giúp vào công việc nuôi
nấng và chuyển hóa của Trời Đất. Nhưng mặt khác có thể coi đây là một
tuyên ngôn về chủ trương giáo hóa nhân sinh của đền Thượng, một chủ trương đã được khẳng định ngay từ khi đền được khởi dựng.
Để thực hiện chủ trương này, các vị khởi
dựng đền Thượng đã có ý sử dụng một số biểu có tác dụng làm gương, tôn
vinh, khuyến khích sự học hành, và học vấn. Cách làm này thể hiện ý: không hiện ra mà vẫn tỏ rõ; không tác động mà vẫn tạo nên sự biến đổi; không làm mà cũng thành tựu.
Có thể thấy điều này ở thiết kế đặc biệt
của ngôi đền – thiết kế hình chữ sỹ (士). Đây là thiết kế rất hiếm gặp
và đặc biệt thích hợp cho đền Thượng, một ngôi “Văn Miếu” như lời trong
văn bia đền Thượng, thể hiện ý tưởng tôn vinh sự học hành, học vấn, tôn
vinh kẻ sỹ ngay từ khi ngôi đền được khởi dựng.
Theo Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh, chữ “sỹ” (士) có nghĩa là: Học trò – Người nghiên cứu học vấn – Con trai – Tên quan – Binh lính.
Như vậy, bằng thiết kế này, người xưa có ý đặt “sỹ” là một tấm gương,
một đích phấn đấu, một khuôn mẫu cho hành xử của con người trong xã hội.
Đó là sự giáo hóa, không hiện ra mà vẫn tỏ rõ; không tác động mà vẫn tạo nên sự biến đổi; không làm mà cũng thành tựu
Một điểm nữa, bài minh trong Văn bia đền Thượng (Bối Am Miếu bi ký) có câu:
Cao sơn ngưỡng chỉ
“Cao sơn ngưỡng chỉ” là câu được rút ra từ Kinh Thi (tác phẩm Nho giáo), nguyên gốc là:
“Cao sơn ngưỡng chỉ,
Cảnh hạnh hành chỉ”.
Có nhiều cách giải thích về ý nghĩa của câu này, xin nêu đại ý, đó là:
Núi cao khiến người ta phải ngẩng trông
Đường lớn khiến người ta phải đi theo
(Hàm ý: đức của người hiền như đường rộng phải theo, như núi cao phải noi)
Đó cũng là một cách giáo hóa, thông qua một lời răn, đưa ra một phương châm học tập, tu thân cho con người. Ấy là đức của người hiền như đường rộng phải theo, như núi cao phải noi.
Tại đền Hùng và đền Ngọc Sơn cũng có những chữ này. Bốn chữ ở cổng đền Hùng là: “Cao sơn cảnh hạnh” (rút gọn của câu Cao sơn ngưỡng chỉ, cảnh hạnh hành chỉ).
Còn ở đền Ngọc Sơn là hai hàng đề từ phía trên đôi đại tự “Phúc – Lộc” ở
cửa vào ngoài cùng: “Ngọc ư tư” (rút từ Luận ngữ, nghĩa là ở đây có ngọc)
và “Sơn ngưỡng chỉ” (rút từ Kinh Thi như trên đã nêu). Lưu ý chữ ở đền
Ngọc Sơn chỉ là “Sơn ngưỡng chỉ” chứ không phải là “Cao sơn ngưỡng chỉ”,
với mục đích tạo thành cặp chữ Ngọc Sơn, tên ngôi đền.
Đền thượng được dựng lên để thờ phụng đức
Văn Xương Đế Quân, đức Quan Thánh Đế Quân, chủ về văn chương khoa cử,
giáo hóa quần sinh, và phúc lộc nhân gian. Mặt khác, đức Quan Thánh Đế
cũng còn được coi là một bậc Võ Thánh, sánh ngang hàng với đức Văn Thánh
Khổng Tử. Như vậy, ngoài tinh thần chủ đạo là VĂN, đền Thượng còn hàm ý, còn ngụ thêm cả tinh thần VÕ.
Nói cho cùng thì trong bất kỳ xã hội nào, hai giá trị văn hóa này cũng
đều là của báu, đều là mục đích hướng đến của mọi người, đều là các chất
liệu hun đúc nên hiền tài cho đất nước. Xiển dương hai giá trị này cũng
có nghĩa là âm thầm làm công việc giáo hóa.
Văn bia tại Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà nội) có ghi: “Hiền
tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì đất nước mạnh và càng
lớn lao, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà càng xuống thấp. Bởi vậy các
bậc vua tài giỏi đời xưa, chẳng có đời nào lại không chăm lo nuôi dưỡng
và đào tạo nhân tài bồi đắp thêm nguyên khí“([3]).
Giống như Văn Miếu Quốc Tử Giám, đền Thượng (Thụy Khuê) được dựng lên
vì mục đích tôn vinh và góp phần hun đúc nên lớp lớp hiền tài như thế
cho đất nước.
Phong tục thờ phụng tại đền Thượng Thụy
Khuê cũng thể hiện sự suy tôn Đạo Học. Bằng chứng là việc thờ cúng tại
đền Thượng không mang tính pháp thuật, không sử dụng bùa chú. Thay vào
đó, đền là nơi các nho sỹ, sỹ tử, các vị văn chương kinh sử, và bà con
hương xã tới chiêm ngưỡng, bái kính, đàm đạo, với ước nguyện được các vị
thiện Thánh gia hộ và khai mở để trí tuệ thêm linh mẫn, tinh thần thêm hướng thiện.
Như vậy, điều có thể nhận thấy rất rõ là các nét đặc trưng của Đạo giáo
như tu tiên, bùa chú, pháp thuật hầu như bị lu mờ đi, trong khi tinh
thần Đạo Học trở thành luồng tư tưởng chủ đạo của đền Thượng và vì vậy
sẽ không hẳn đúng nếu nói rằng đền Thượng là địa điểm tín ngưỡng chỉ của
riêng Đạo giáo hay Nho giáo, Phật giáo, mà phải nói rằng đó là biểu
tượng suy tôn Đạo Học nói chung.
Ở đền Thượng đã từng có và hiện vẫn duy trì một phong tục khác mà các đền thờ đức Văn Xương Đế Quân thường có, đó là Hội Thiện.
Đây là một nhóm người có tâm nguyện hành thiện, cùng hợp lại với nhau
để hoằng truyền tư tưởng của đức Văn Xương Đế Quân và Quan Thánh Đế Quân
về việc hành thiện, khuyến thiện, giáo dục và duy trì những phong chất tốt từ trong gia đình cho tới ngoài cuộc sống xã hội. Với tinh thần ấy, đền Thượng càng thể hiện rõ tính chất là một biểu tượng của Đạo Học – học làm Người.
Nói thêm về Hội Hướng thiện
ở đền Ngọc Sơn (Hà nội), khi xưa đền Ngọc Sơn đã từng là trụ sở chính
của Hội Hướng Thiện do Tiến sỹ Vũ Tông Phan làm hội trưởng (sau là
Nguyễn Văn Siêu), dùng làm nơi truyền bá tư tưởng yêu nước thông qua các
bài giảng và kinh sách của Đạo giáo, vào giai đoạn chế độ phong kiến
sắp tàn. Theo nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi (trường Đại học Quốc gia Hà
nội) thì Hội Hướng thiện đền Ngọc Sơn là tiền thân của phong trào Duy
Tân ([4]) và phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục ([5]).
Mặt khác, theo chúng tôi biết thì trường Đông Kinh Nghĩa Thục trước đây
đã từng có một phân hiệu hoạt động tại Sài Sơn, lấy Miếu Vũ làm trụ sở.
Cụ Nguyễn Thượng Hiền, một trong các yếu nhân của phong trào Đông Kinh
Nghĩa Thục, cũng đã từng nhiều lần tới thăm Sài Sơn và hiện vẫn còn một
số bài thơ về Sài Sơn lưu lại ([6])
(Sài Sơn cũng là quê ngoại của cụ Nguyễn Thượng Hiền). Vì vậy, có cơ sở
để cho rằng đền Thượng, ngôi đền tương tự như đền Ngọc Sơn, cũng có thể
đã từng là một địa chỉ của phong trào. Chúng tôi hiện chưa tìm được
bằng chứng thuyết phục hơn để chứng minh cho giả thiết này. Rất mong các
vị có hiểu biết quan tâm chỉ bảo, và nếu như điều này là đúng thì càng
làm cho giá trị văn hóa lịch sử và ý nghĩa là nơi cổ xúy Đạo Học của đền
Thượng thêm đậm nét.
c. Tinh thần giáo hóa mang màu sắc Phật giáo
Có thể nói, đền Thượng nằm trong một vùng
không gian lớn đậm chất Phật giáo, với tòa đại tự chùa Cả ở mặt trước
núi, chùa Bối Am ngay sát cạnh, và nhiều ngôi chùa khác nằm rải rác khắp
cả khu vực. Chỉ cần một tiếng chuông chùa Bối Am vang lên thôi thì
dường như không gian đền Thượng cũng đã thấm đẫm một tinh thần Phật
giáo, một tinh thần Từ – Bi – Hỷ – Xả rồi.
Bản thân đền Thượng đã từng có một tòa
tháp chuông. Hãy khoan nói đến vật vô tri vô giác đó đó là chuông nhà
Phật hay chuông nhà Thánh, mà hãy nói đến công dụng của nó. Chuông là
biểu tượng của sự thức tỉnh. Một tiếng chuông vang lên
có thể thấu suốt cả ba ngàn đại thiên thế giới, chạm tới cõi Chân Như –
Tự Tính – Bản Lai Diện Mục – cái Tĩnh Lặng – cái Không, tới cái gốc
Thuần Phác, làm tiêu tan cả thất tình lục dục, đưa người ta trở lại với
cái gốc Chí Thiện của con người, làm Trí Huệ tự sáng.
Ấy là nói đến sự giáo hóa. Ấy là khi sự giáo hóa đã đạt đến mức vi diệu.
Thế mà đền Thượng đã từng có cả một tòa
tháp chuông ! Chẳng phải vô tình, cũng chẳng phải đơn thuần là sự bắt
chước. Đó chính là diệu ý mà tiền nhân ký thác cho đời sau về diệu dụng
của sự giáo hóa.
Tam giáo đồng nguyên
a. Tam giáo đồng nguyên là gì ?
Phần giới thiệu này chủ yếu được trích ra từ bài Tam giáo đồng nguyên – Hiện tượng tư tưởng chung của các nước Đông Á của giáo sư tiến sỹ Nguyễn Tài Thư (Viện Triết học, Hà Nội) ([7]), đăng trên Tạp chí Hán Nôm số 3 (40) năm 1999.
Hiện tượng “Tam giáo đồng nguyên” có
nhiều tên gọi khác nhau trong lịch sử. Tùy theo mỗi người, mỗi lúc mà
gọi là “Tam giáo đồng nguyên”, “Tam giáo nhất thể”, “Tam giáo nhất trí”,
“Tam giáo đỉnh lập”, “Tam giáo qui nhất”, “Hội tam qui nhất”, “Tam giáo
nhất gia”, “Tam giáo nhất nguyên”, “Tam giáo dung hợp” v.v.
“Tam giáo đồng nguyên” không phải là hiện
tượng riêng của lịch sử tư tưởng Việt Nam mà là hiện tượng chung của
các nước Đông Á, của Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản, trong
đó Trung Quốc là nơi khởi phát của hiện tượng này.
“Tam giáo đồng nguyên” là tư tưởng cho rằng ba nền tôn giáo (Nho – Phật – Đạo) đều do cùng một gốc mà ra (đồng nguyên nghĩa là “cùng một gốc”). Cái gốc ấy Phật giáo gọi là Chân Như, là Tự tính, là Bản lai diện mục, Đạo giáo gọi là Đạo, Nho giáo gọi là Thái Cực, chung quy đều là cái Một. Đích đến nói chung của cả ba đều là phục vụ nhu cầu tinh thần của con người, cùng hướng con người tới điều chí thiện.
Người đầu tiên ở Trung Quốc nêu lên tư
tưởng “Tam giáo đồng nguyên” là Cát Hồng (284-364), một Đạo sĩ chịu
nhiều ảnh hưởng của Phật giáo. Người phát triển và nêu rõ tư tưởng này
là Đào Hoằng Cảnh (456-536), một Đạo sĩ thời Tề, Lương. Ông này nói: “Hằng trăm cách nói khác nhau đều không vượt được phạm vi của Tam giáo”
Tiếp đến, ngài Tông Mật (780-841), tổ thứ
5 của Hoa Nghiêm Tông (Phật giáo), không những chủ trương Phật – Đạo
nhất trí mà còn nêu Nho – Thích cũng cùng một nguồn mà ra. Ông nói: “Khổng
Tử, Lão Tử, Thích Ca đều là chí thánh, tùy thời đem ứng dụng vào vật,
giáo lý tuy khác đường, nhưng nội ngoại đều có thể hỗ trợ cho nhau, cùng
có lợi cho quần sinh. Muôn việc cần đến… đều có thể dựa vào Tam giáo” (Hoa Nghiêm nguyên nhân luận).
Ở Việt nam, các nhà nho cũng có đồng quan
điểm này. Về phương diện đạo đức, lý lẽ được nêu là: đạo đức của Phật
và của Đạo cũng giống như của Nho. Trịnh Huệ ([8]) nói: “Sách Đại học
(Nho) chủ trương “Dừng lại ở chí thiện” cũng là nội dung giác ngộ của
nhà Phật, Nho nói tới “trung hiếu” thì Phật cũng chủ trương thực hiện
“tứ ân”, trong đó có ân vua, ân cha mẹ (Tam giáo nhất nguyên thuyết ).
Ngô Thì Sĩ ([9]) nói: “Từ
bi (Phật), thanh tịnh (Đạo) cùng với nhân nghĩa, trung chính (Nho) công
dụng có hơi khác nhau, nhưng gốc đều ở chỗ chính tâm, tu thân, đều có
thể xây dựng kỷ cương cho loài người và duy trì trị hóa được” (Bài văn bia ghi việc sửa lại đền Tam giáo).
Phan Huy Ích ([10]) nói: “Lời
dạy của Phật tuy “không hư, tịch diệt” song cốt yếu làm cho tâm tính
luôn trong sạch, sáng sủa, không khác gì với “thành ý” của đạo Nho” (Bài tựa quyển Trúc Lâm Đại chân viên giác thanh).
Tư tưởng tam giáo đồng nguyên dần trở nên
rất thịnh hành trong tâm lý và hành vi ứng xử của người dân tại các
quốc gia trong khu vực Đông Á. Lý do là vì nó đáp ứng được nhu cầu tinh
thần của họ trên hầu hêt các phương diện, nhiều hơn so với chỉ từng tôn
giáo đó riêng rẽ.
b. Có hiện tượng Tam giáo đồng nguyên tại đền Thượng không ?
Nếu xét về mặt hình thức, tức là trong đền phải có đủ bộ tượng thờ hoặc đồ thờ (bài vị) của ba nhà Đạo – Nho – Phật, thì ở đền Thượng không có hiện tượng tam giáo đồng nguyên, mà chỉ đơn thuần là một ngôi đền Đạo giáo.
Về hình thức, hai vị được thờ phụng chính đều là các vị thuộc Đạo giáo.
Ngoài hai vị thánh Đạo giáo được thờ
chính, đền còn thờ một số vị khác cũng thường được thờ phụng trong tín
ngưỡng Đạo giáo như đức Thánh Trần, 12 vị thần tiên, đức Thánh Tản Viên
Sơn (chưa khẳng định chắc chắn, sẽ trình bày thêm ở phần Tả ban Hữu ban).
Tuy nhiên, nếu xét về mặt tinh thần, ý
nghĩa, hoặc “phong khí” chung của ngôi đền thì chúng tôi vẫn thấy thấp
thoáng đâu đây sự hòa quyện rất gắn bó của cả ba nhà Đạo – Nho – Phật.
Về mặt tinh thần, chất Nho giáo dường như
rất nổi trội ở đền Thượng. Toàn bộ các hoành phi câu đối, văn bia đền
Thượng đều được lấy từ các kinh điển Nho giáo, thể hiện tư tưởng Nho
giáo như trên đã phân tích. Văn bia đền Thượng cũng gọi đền Thượng là
“Văn Miếu”. Và thực tế, theo nhìn nhận của chúng tôi thì đền Thượng cũng
mang nhiều màu sắc của một Văn Miếu, tức là một điểm
tôn vinh Nho học, văn học, và khoa cử, chỉ có điều là không thờ đức
Khổng Tử như hệ thống Văn Miếu chính thống mà thôi.
Lý do hoàn toàn dễ hiểu. Trong bối cảnh
Đạo giáo đã quá mờ nhạt, cộng với việc trải qua nhiều thế kỷ thịnh hành
của Nho giáo, thể hiện ở tư tưởng trọng Nho, coi trọng việc tiến thân
bằng con đường khoa cử của Nho học, lấy khoa cử làm phương tiện duy nhất
để tuyển chọn người tài cho quốc gia, lấy Nho học làm nền tảng trị
quốc, những giá trị Nho học trở thành khuôn mẫu trong tư tưởng, tình cảm
và ứng xử của hầu như mọi người trong xã hội, thì rõ ràng chủ ý ban đầu
khi xây dựng đền Thượng là nhằm tôn vinh Nho học, khoa cử, học vấn, chủ
yếu dành cho lớp Nho sỹ.
Không chỉ mang màu sắc Đạo giáo và Nho
giáo, đền Thượng cũng còn mang cả màu sắc Phật giáo. Bằng cớ là văn bia
“Bối Am miếu bi ký” về các đạo lệ của đền Thượng cho thấy hàng năm tại
đền Thượng tiến hành 3 dịp tế lễ, bao gồm: thánh tiết 3/2, thánh tiết
24/6 và tiết xôi mới; đặc biệt, vào ngày 7/3 nhà đền cũng phải kiêm sửa
lễ sang chùa Cả. Mặc dù văn bia không nói rõ danh tính của từng vị được
cúng tế trong 3 dịp này nhưng rõ ràng lệ 7/3 là dành cho đức Thánh tổ Từ
Đạo Hạnh (đại diện cho Phật giáo, Mật tông). Đó là tinh thần Phật giáo
ngụ hàm ở đền Thượng.
Ngoài ra, trước đây trên khoảng đất ở
phía bên phải đền theo hướng từ trong nhìn ra có một gác chuông. Gác
chuông này đã bị giặc Pháp phá hủy năm 1947. Quả chuông hiện vẫn còn và
đang được lưu giữ tại chùa Bối Am. Trong tâm thức người Việt, chuông là
vật biểu thị cho nhà Phật, cho dù nhà thờ Thiên chúa cũng có chuông, một
số đền quán Đạo giáo cũng có chuông. Đó là vì đạo Phật đã ăn rất sâu
vào tiềm thức người dân, đã đi cùng người Việt từ quá xa xưa và do vậy
để lại dấu ấn vô cùng sâu đậm trong tâm thức và tiềm thức con người.
Nếu quán xét trên tầm rộng hơn, có thể
thấy đền Thượng nằm trong một đại quần thể Phật giáo, với chùa Bối Am kề
bên, với chùa Cả và nhiều ngôi chùa khác nằm rải rác trong khắp cả khu
vực. Không gian chung của đền Thượng vì thế cũng mang đậm màu sắc Phật
giáo, và tâm thế của người tới chiêm bái cũng mang đậm chất Phật giáo.
Hãy tưởng tượng khung cảnh núi Thày ngày
xưa, xanh mướt, với dáng tùng cổ tích, dáng trúc thanh cao, với cúc vàng
điểm xuyết đó đây, với hồ Long Trì lung linh, huyền ảo, với chợ Trời
lang mang sương khói, với Phật tích động tiên u linh huyền hoặc, với
bóng vị sư già áo vải, giày lê, tay mang gậy trúc thấp thoáng mờ sương
trên đường núi quanh co, với chuông chùa thong thả rót vào hư không
trong bảng lảng khói lam chiều man mác… Cảnh trí ấy thật là cảnh Tiên,
cảnh Phật.
Rồi trong cảnh Tiên Phật ấy lại thấy thấp
thoáng bóng các văn nhân tài tử, bầu rượu túi thơ, nhẹ bước đó đây, vén
áo đề thơ lên vách đá, bờ khe… Thật là sự hòa quyện tuyệt vời của cả ba
nhà Tiên – Nho – Phật, đến mức chẳng thể biết rằng khách Nho đang điểm
tô thêm cho khung cảnh Tiên Phật hay là cảnh Tiên Phật đang lai láng đầy
ắp trong hồn của khách Nho. Nếu nói đến sự “đồng nguyên” của ba nhà thì
sự hòa quyện ấy thực đáng nói hơn, có tình hơn, gây xúc động lòng người
hơn so với sự kết hợp khô cứng của những pho tượng.
Trước đây, khách hành hương tới chùa Thầy
thường có thú vạch lá, cạo rêu, tìm đọc bút tích thơ văn mà các bậc văn
nhân tài tử còn lưu lại đâu đó trên vách đá, bờ khe, cửa động, tường
chùa. Đó là khi lượng người biết Hán Nôm còn nhiều, thú chơi của người
xưa còn tao nhã.
Giờ thì thú vui ấy chẳng còn nữa. Thời
gian đã bào mòn đá núi, cũng bào mòn đi cả một thói quen tao nhã, một
nét văn hóa nhẹ nhàng mà thâm thúy, một cách làm thư thái tâm hồn mà
cũng là giáo hóa sâu xa. Đành rằng đó là diễn tiến tất yếu của dòng đời…
nhưng cũng không thể nói rằng không có chút vấn vương, tiếc nuối…
Thế đấy, mặc dù đền Thượng là một ngôi
đền Đạo giáo, tượng thờ là các vị thuộc tín ngưỡng Đạo giáo, trong đền
không có tượng Phật, không có tượng Khổng Tử, nhưng tinh thần Phật giáo
và Nho giáo vẫn hiển hiện, tạo nên sự hòa quyện, gắn bó kỳ lạ giữa ba
nhà.
Thiết tưởng đó cũng phù hợp với lời răn trong Âm chất văn: thi hành rộng khắp giáo lý của Tam giáo là Nho-Thích-Đạo.
([1]) Trung Dung là sách do Tử Tư (Khổng Cấp), cháu đích tôn của
Khổng Tử, tập hợp một số lời dạy căn bản của Khổng Tử rồi thêm vào những
suy luận, nhận định của mình mà lập thành. Sách chỉ gồm 36 chương, có
chương chỉ là một câu văn. Kinh Dịch và Trung Dung là hai cuốn sách khó
hiểu nhất của đạo Nho. Kinh Dịch bàn về đạo Trời ở giai đoạn khởi đầu
(tiên thiên) và bàn về sự biến hóa của đạo ấy trong nhân sinh (hậu
thiên). Trung Dung cũng bàn về đạo Trời nhưng lại nhấn mạnh về đường lối
hướng dẫn con người trở nên bậc thánh hiền để kết hiệp với Trời và khai
vật thành vụ trong cõi nhân sinh (Lý Minh Tuấn, Trung Dung thuyết minh,
NXB Văn hóa Thông tin, 2002)
([2]) “Bác hậu phối địa, Cao minh phối thiên” còn là tám chữ mỹ hiệu
được đúc trên mặt sau của một trong nhiều loại tiền ban thưởng thời Tự
Đức (dùng để ban thưởng, không phải để tiêu dùng, phát hành khoảng từ
1861 đến 1883).
([3])Văn bia này do Tiến sĩ, Phụng trực
đại phu, Đông các đại học sĩ Thân Nhân Trung vâng mệnh vua Lê Thánh
Tông soạn vào năm 1484.
([4]) Phong trào Duy Tân, Phong trào Duy
Tân ở Trung Kỳ hay Cuộc vận động Duy Tân đều là tên dùng để chỉ cuộc vận
động cải cách duy tân ở miền Trung Việt Nam, do Phan Châu Chinh (1872 –
1926) phát động năm 1906 cho đến năm 1908 thì kết thúc sau khi bị thực
dân Pháp đàn áp. (Theo bách khoa thư mở wikipedia)
([5]) Đông Kinh Nghĩa Thục được thành lập
tháng 3 năm 1907 và chấm dứt vào tháng 11 năm 1907, là một phong trào
nhằm cải cách xã hội Việt Nam vào đầu thế kỷ 20 trong thời Pháp thuộc.
Mục đích của phong trào là: khai trí cho dân; biện pháp thực hiện là: mở
những lớp dạy học không lấy tiền (để đúng với cái tên là nghĩa thục) và
tổ chức những cuộc diễn thuyết để trao đổi tư tưởng và cổ động trong
dân chúng. (Theo bách khoa thư mở wikipedia)
[6] Xem phần Một số trước tác văn học đặc sắc trong sách này.
([7]) Xem mục Sơ lược tiểu sử tác giả và nhân vật ở cuối sách
([8]) Xem phần Sơ lược tiểu sử tác giả và nhân vật ở cuối sách
([9]) Xem phần Sơ lược tiểu sử tác giả và nhân vật ở cuối sách
([10]) Xem phần Sơ lược tiểu sử tác giả và nhân vật ở cuối sách