Hình tượng các vị tiên thời kỳ phục hưng Trung đại ở nước ta thể hiện những mong muốn về cuộc sống ấm no, đủ đầy, may mắn của đại chúng qua sự hòa đồng các tôn giáo lớn khi đó là Đạo giáo, Phật giáo và Ấn Độ giáo.
Hình tượng tiên thời Tùy Đường
Sau thời kỳ Lục triều, Nam Bắc phân tranh, Hồ Hoa lẫn lộn, Trung Hoa bước vào giai đoạn phục hưng từ nhà Tùy và đạt đỉnh thịnh vào thời Đường. Đạo Giáo dưới thời Đường đã gần như trở thành quốc giáo, với việc tôn Lão Tử là tổ của họ Lý Đường, tôn xưng Thái Thượng Lão Quân.
Trên mảnh đất Việt ở phương Nam khi đó vẫn tiếp tục cùng dòng chảy văn hóa lịch sử chung của phương Đông. Những di vật tiêu biểu thời kỳ này có thể kể đến là tấm bia Xá lợi tháp minh thời Tùy Văn Đế tìm thấy ở khu vực Luy Lâu hay những nhân vật kiệt xuất thời Đường như tể tướng Khương Công Phụ người Thanh Hóa và thần đồng thơ Đường Vương Bột, người đất Long Môn ở Giao Châu. Quan niệm về thần tiên của thời Tùy Đường đã vượt ra khỏi yếu tố "độ linh" cho người chết thời Tần Hán, mà trở thành nhu cầu tín ngưỡng thường nhật, hướng cầu tới những điều may mắn, hạnh phúc hàng ngày cho quảng đại quần chúng. Hình tượng các vị tiên thời trung đại cũng thay đổi theo cùng xu hướng đó.
Các gương đồng thời Tùy Đường đã không còn là vật chôn theo người chết như trước, mà là đồ dùng và đồ trang trí thường nhật của tầng lớp quý tộc. Chủ đề trên gương lúc này không còn những hình ảnh kỳ bí của thế giới thần tiên đạo Giáo, mà thay vào đó là những cảnh chim thú hoa lá, như phượng hoàng ngậm hoa, chim uyên ương... Đặc biệt phổ biến trên gương đồng lúc này là hình ảnh các loài "thụy thú", có thể là các thú 4 chân như chó, hổ hay thú biển (hải thú), được thể hiện trong vườn hoa trái bồ đào (nho) chín mọng. Chữ "Thụy" nghĩa là điều tốt đẹp, no ấm, đủ đầy, may mắn... thể hiện ước muốn của chủ nhân những chiếc gương thời Tùy Đường.
Hình tượng tiên thời Tùy Đường cũng "đẹp" và "thụy" không kém. Trên các gương đồng lúc là 2 vị tiên nữ quần rộng áo rủ đang bay phất phới lên trời (Phi tiên kính). Lúc là cảnh đêm trăng với vũ khúc nghê thường có chị Hằng, thỏ ngọc, cóc vàng (Hằng Nga bôn nguyệt kính). Lúc là những điển xưa tích cũ như chuyện Khổng Tử hỏi Vi Khải Kỳ về 3 điều vui ở đời (Tam lạc kính). Lúc là cảnh vị chân nhân đánh đàn cưỡi sương cưỡi hạc, hay tiên nhân Vương Tử Kiều thổi bầu sênh dẫn gió nơi đồng nội...
Gắn với điều may mắn, tốt lành ở thời này bắt đầu xuất hiện bộ Bát tiên, gồm 8 vị tiên Chung Ly Quyền, Trương Quả Lão, Hàn Tương Tử, Lý Thiết Quải, Tào Quốc Cữu, Lã Động Tân, Lam Thái Hoà và Hà Tiên Cô. Mỗi vị một vẻ, đi mây về gió, ngao du vượt biển, làm bạn với thiên nhiên, phong cảnh ở trần gian. 8 bảo bối là vật cầm của bát tiên gồm quạt ba tiêu, trống cơm, phất trần, kiếm phép, sáo ngọc, thủ quyến, thiết trượng, hồ lô, dây phách, giỏ hoa lam, hoa sen. Bát tiên và bát bảo có phép mầu nhiệm trong chữa bệnh, diễn xướng, trừ tà, mang đến sức khỏe, niềm vui và sự sung túc cho con người.
Hình tượng tiên thời Lý Trần
Sang thời Ngũ Đại, nhà Đường tan rã chia thành 10 tiểu quốc. Vùng đất Việt ở phương Nam cũng theo đó tách khỏi Trung Hoa. Lĩnh Nam đạo dưới thời Đường trở thành vùng của tiết độ sứ quân cai quản. Tiết độ sứ là người cầm cờ tiết độ, có toàn quyền tự trị ở một khu vực. Tiết độ sứ Tĩnh Hải quân đầu tiên là Cao Vương Biền, cho xây thành Đại La với quy mô lớn, làm thủ phủ của cả vùng đô hộ An Nam. Nối tiếp nhau giữ vị trí Tiết độ sứ vùng Tĩnh Hải là ba vị chủ họ Khúc (Khúc Thừa Dụ, Khúc Hạo, Khúc Thừa Mỹ), rồi sau đó là các vị Đinh Liễn, Lê Hoàn và Lý Công Uẩn.
Từ khi các vua Lý lập nước Đại Việt, lên ngôi xưng Hoàng đế, đặt niên hiệu ngang với phương Bắc thì văn hóa tín ngưỡng thần tiên trên đất Việt có sự phát triển riêng biệt. Điểm nổi bật của thời kỳ Lý Trần là ảnh hưởng của các tôn giáo đến từ Ấn Độ, mà đã được gọi chung là Phật giáo (gồm cả Phật giáo Thích Ca và Ấn Độ giáo). Thời Lý có 3 vị thiền sư đồng hành đi cầu đạo ở phương Tây là Từ Đạo Hạnh, Nguyễn Minh Không và Giác Hải. Ba vị đi đến nước Kim Xỉ (Myanma) thì đắc đạo, quay trở về trở thành những bậc vừa Tiên vừa Phật, với đủ chuyện bay trên không, đi trên nước, hàng long phục hổ, đầu thai hóa sinh ly kỳ. Chuyến đi cầu đạo phương Tây của ba thiền sư đã diễn tả sự du nhập của tôn giáo Ấn Độ vào nước ta dưới thời Lý. Ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ lên tín ngưỡng và mỹ thuật Việt thời Lý đến từ phương Tây qua con đường tu học và truyền giáo, chứ không phải từ phương Nam qua những tù binh người Chăm bị bắt giữ.
Sang thời Trần, cùng với đạo Phật, đạo Giáo tiếp tục trở nên hưng thịnh. "Tam giáo đồng lưu" của thời Trần là Đạo giáo, Phật giáo và Ấn Độ giáo, được thể hiện khá rõ trong cuộc đời và sự nghiệp của các vị vua quan nhà Trần. Phật hoàng Trần Nhân Tông trước khi tu Phật ở Yên Tử đã tu Đạo ở hành cung Vũ Lâm (Ninh Bình). Vị anh hùng Trần Hưng Đạo cũng là một Đạo sĩ có tiếng, trừ tà diệt quỷ là tướng giặc Phạm Nhan. Trần triều đã trở thành hẳn một phủ thờ riêng trong tín ngưỡng dân gian. Những kinh sách và cách thực hành tôn giáo của các vị Trúc Lâm tam tổ đều mang tính "nhập thế" cao. Nói cách khác, Phật giáo Ấn Độ du nhập đã hòa đồng cùng với tôn giáo bản địa lâu đời của người Việt là Đạo giáo.
Hình tượng nghệ thuật thời Lý Trần thể hiện rõ xu thế "Tây hóa" trên. Khác với những hình ảnh kỳ dị của tiên nhân Đạo giáo thời Tần Hán, các vị tiên theo phong cách Ấn Độ giáo thời Lý Trần được thể hiện trong hình dáng đầy đặn, tươi vui, tráng lệ. Hình ảnh các vị tiên được khắc họa trên các di vật Lý Trần là các Chư Thiên trong Ấn Độ giáo. Điển hình là hình Tiên múa (Apsara), Tiên đánh đàn (Càn Thát Bà), Tiên thân chim (Khẩn Na La) gặp phổ biến trên các di vật như ở bệ đá chùa Phật Tích (Tiên Du, Bắc Ninh) thời Lý hay trong chạm khắc gỗ chùa Thái Lạc (Văn Lâm, Hưng Yên) thời Trần.
Vào thời Lý Thánh Tông còn có chuyện Đế Thích giáng trần, triệu hồi Tam phủ công đồng hoàn hồn cho kỳ thủ Trương Ba tại thôn Liêu Hạ (Tân Lập, Yên Mỹ, Hưng Yên). Hồn Trương Ba được nhập vào trong thân xác của người hàng thịt, to lớn, đẫy đà, phải chăng cũng chính là một dạng thể hiện của thần đầu voi Ganesha (Hoan Hỷ Thiên)? Đế Thích Nhân Đà La rõ ràng là vị Vua Trời trong Ấn Độ giáo và là người đứng đầu thần điện của Tam phủ trong chuyện này.
Thiên Đế điện ở Liêu Hạ (Yên Mỹ, Hưng Yên).
Tiên cưỡi thú - gương đồng thời Đường.
Chim uyên ương và hoa lá - gương hoa quỳ thời Đường.
Chim tước và hoa lá - gương tròn thời Đường.
Tiên tấu nhạc - chạm khắc chùa Thái Lạc.
Tiên thân chim dâng hoa - chạm khắc chùa Thái Lạc.
Nguồn: Công dân & Khuyến học