Một nghìn năm sau khi Đức Phật nhập diệt, một phong trào mạnh mẽ của Phật giáo mới bắt đầu và sau đó tỏa khắp toàn bộ Trung và Đông Á. Một làn sóng của phong trào này đã đi đến phương Đông, qua Trung quốc và Triều Tiên vào Nhật Bản, một làn sóng khác đi lên phía Bắc, qua Tây Tạng vào Mông Cổ.
CÁC HỆ THỐNG TRIẾT HỌC – TÔN GIÁO Ở NHẬT BẢN VÀ PHẬT GIÁO
Trong Phật giáo Ấn độ đã sớm hình thành một quan niệm cho rằng
học thuyết cứu khổ của Đức Phật đòi hỏi phải được phổ biến giữa các dân tộc
khác. Khi biểu lộ khuynh hướng trở thành tôn giáo thế giới. Phật
giáo đã bắt đầu được phổ biến ra ngoài Ấn độ.
Tuy nhiên, hoạt động truyền bá của các nhà sư đã không đạt
ngay được những kết quả lớn. Chỉ một nghìn năm sau khi Đức Phật nhập diệt,
một phong trào mạnh mẽ của Phật giáo mới bắt đầu và sau đó tỏa khắp toàn bộ
Trung và Đông Á.
Một làn sóng của phong trào này đã đi đến phương Đông, qua
Trung quốc và Triều Tiên vào Nhật bản, một làn sóng khác đi lên phía Bắc, qua
Tây Tạng vào Mông Cổ.
Việc truyền bá Phật giáo phát triển mạnh vào các thế kỷ V,
VI, VII. Giai đoạn này cũng là thời kỳ hưng thịnh của Phật giáo ở Ấn độ.
Sau đấy Phật giáo ở ngay chính Ấn độ bắt đầu đi đến suy sụp.
Trong khi đó trong những nước phương Đông khác, Phật giáo lại
được củng cố vững chắc hơn, và bắt đầu một quá trình thích nghi, tu chỉnh.
Bắt đầu một giai đoạn của những tông phái Phật giáo mới. Những tông phái
này thực chất, là dựa trên những tư tưởng Ấn độ, nhưng đã được pha trộn nhiều yếu
tố phi Ấn.
Sự giao tiếp với Ấn độ dần dần bị ngưng lại, Trung quốc và
Tây Tạng trở thành những trung tâm của Phật giáo phương Đông. Phật giáo
Trung quốc do sớm hơn nên đã ảnh hưởng đáng kể đến Phật giáo Tây Tạng.
Nhưng, nhìn chung, cả hai trung tâm này đều là những trung tâm đóng kín độc lập
với nhau.
Xét trên quan điểm lịch sử văn bản học Phật giáo, tài liệu
Trung quốc và Tây Tạng bổ xung lẫn nhau: Trong những bản dịch Trung quốc đã giữ
lại một số văn bản rất quan trọng cổ hơn mà không có Tây Tạng, còn kinh điển
Tây Tạng lại chứa đựng một loạt những luận văn nổI tiếng của Phật giáo sau này,
mà không thấy ở Trung quốc. Đa số các văn bản đó là các văn bản chung, vừa có
trong bản dịch Trung quốc vừa có trong bản dịch Tây Tạng.
Những nước là các điểm chót của lưu trào Phật giáo, tức
ở Mông cổ và Nhật bản, mối liên hệ với Ấn độ và những nước trung gian luôn biểu
hiện rõ từ xưa tới nay. Ấn độ, Tây Tạng và Mông Cổ - là một khối liên kết chặt
chẽ, theo cách nhìn của Phật tử Mông Cổ. Ấn độ, Trung quốc và Nhật bản - lại là
“bộ ba nước”, “ba quốc gia”, theo ghi chép trong các văn bản lịch sử của những
nhà Phật tử Nhật bản.
Nếu nói về văn học Phật giáo ở Nhật bản, thì phải hiểu theo
nghĩa rộng của từ: Không chỉ là văn học do người Nhật bản sáng tác, mà là cả
các tác phẩm văn học Trung quốc (dịch cũng như nguyên bản) đã gần như trở
thành tài sản riêng của nhiều người Nhật trong suốt nhiều thế kỷ.
Văn học Phật giáo ở Nhật bản bao gồm:
1) Các tác phẩm Ấn độ được dịch sang
tiếng Trung quốc, tức kinh điển Phật giáo theo nghĩa riêng vốn có của từ này,
bao gồm ba phần: Kinh, Luật, và Luận.
2) Những bản chú giải các tác phẩm Ấn
độ của người Trung quốc và văn học nguyên gốc của Trung quốc.
3) Những lý giải các tuyển tập Ấn độ
và Trung quốc của người Nhật và các tác phẩm nguyên gốc Nhật bản.
Toàn bộ các tài liệu đã được in ấn tốt ở Nhật bản, đăc biệt,
đã được khai thác một cách tuyệt vời trong các tác phẩm hiện đại bằng ngôn ngữ
Nhật bản. Ở Nhật bản, trong mối liên hệ với nhập môn nghiên cứu tiếng Sanskrit,
lần đầu tiên các phương pháp ngữ văn học Âu châu được đem áp dụng để nghiên cứu
văn học Phật giáo ngày càng phổ biến trong các nhà bác học Nhật bản.
Văn học kinh điển Phật giáo được nghiên cứu ở Nhật bản theo
các bản dịch Trung quốc. Đối với người Nhật được giáo dục Hán học công việc này
không khó khăn gì. Hơn nữa, toàn bộ thuật ngữ triết học – tôn giáo trừu
tượng đều trực tiếp lấy từ thuật ngữ Trung quốc chứ không có những từ Nhật
tương đương.
Mối liên hệ chặt chẽ dẫn đến sự trùng hợp hoàn toàn của hệ
thống văn tự Nhật bản với hệ thống văn tự Trung quốc, đã lý giải việc không có
những bản dịch sang tiếng Nhật các tác phẩm triết học kinh điển Trung quốc:
Những người Nhật không cần đến chúng, bởi lẽ họ được học trực tiếp bằng các văn
bản Trung quốc, và viết các bản luận văn trừu tượng bằng tiếng Trung quốc.
Chỉ trong thời gian gần đây, mới xuất hiện những biên soạn
các bản kinh phổ biến bằng tiếng Nhật nhưng không hẳn là dịch mà đúng hơn là hiện
đại hóa các văn bản cổ.
Sự đầy đủ về văn bản Phật giáo, việc các tư liệu đó được
biên soạn trong các chú giải, các từ điển và trong những công cụ bổ trợ - tất cả
những điều đó khiến ta phải thừa nhận rằng, cần bắt đầu tiến hành nghiên cứu Phật
giáo phương Đông trước hết theo các nguồn tài liệu Nhật bản; chúng sẽ làm ta bớt
khó khăn khi đi vào các nguồn tài liệu gốc Trung quốc cổ hơn.
Lịch sử Phật giáo ở Trung quốc, theo truyền thống, bắt đầu từ
thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên, nhưng chỉ bắt đầu từ thế kỷ IV mới có thể nói
về sự hưng thịnh thực sự của Phật giáo, về ảnh hưởng mạnh mẽ của Phật giáo. Đến
thế kỷ thứ V, ở Trung quốc, hầu như tất cả các khuynh hướng của tôn giáo Ấn độ
đã kịp xuất hiện, phần cơ bản của các kinh đã được dịch, và một tông phái Phật
giáo Trung quốc với cái tên “Thiên Thai” đã kịp ra đời.
Ở Nhật bản, vào thời gian này vẫn còn chưa có văn tự, chưa
có lịch sử thực sự. Khởi nguyên của những thứ đó chỉ đến thế kỷ VI – VII
mới có. Theo niên biểu chính thức, một nghìn năm trước đó là thời kỳ bán
huyền thoại, bán truyền thuyết, bán lịch sử. Lịch sử thực sự của Nhật bản
chỉ bắt đầu vào thế kỷ thứ VI gắn liền với hiện tượng có đặc trưng tôn giáo, -
sự du nhập của Phật giáo từ Triều Tiên tới. Cùng với sự xuất hiện của Phật
giáo là sự gia tăng đột ngột ảnh hưởng của văn minh Trung quốc.
Như vậy, toàn bộ những yếu tố cấu thành nền văn hóa độc đáo
của Nhật bản trung cổ đã được hình thành ngay từ buổi đầu của lịch sử Nhật Bản.
Trung quốc thời kỳ này bước vào giai đoạn hưng thịnh dưới
triều Đường, thời đại của những mối quan hệ với Ấn độ và những nước khác, thời
đại hưng thịnh của văn hóa vật chất và tinh thần.
Ảnh hưởng của những yếu tố Trung quốc và Ấn độ ở Nhật bản mạnh
đến mức một số yếu tố dân tộc tiền sử ngừng phát triển và dường như biến mất.
Người ta phải phục hồi lại chúng bằng con đường tách một cách trừu tượng toàn bộ
cái ngoại lai khỏi tập hợp những hiện tượng văn hóa Nhật bản thời kỳ đó.
Nhưng, nếu yếu tố thuần Nhật bản yếu và chưa được xác định
thì sao lại có ảnh hưởng lớn đến chính phương thức tiếp nhận các yếu tố ngoạI
lai tới. Trong yếu tố dân tộc, có ẩn dấu một cá tính nào đó, một thế giới
quan đặc trưng nhất, dù chúng không được đưa vào khuôn khổ của hệ thống.
Học thuyết Ấn độ khi qua Trung quốc và Triều tiên, trên đường,
đã thâu tóm không ít những cái ngoại lai; bởi vậy, văn hóa Nhật bản, ngay từ buổi
đầu lịch sử đã là một hiện tượng cực kỳ phức tạp.
Nhật bản, trong thời gian này, bắt buộc phải giải quyết một
nhiệm vụ khó khăn là phải tiếp thu hai yếu tố ngoại lai rất khác biệt nhau: Yếu
tố Ấn độ và yếu tố Trung quốc. Nhiệm vụ này đặc biệt khó khăn, vì Nhật bản
khi đó chỉ vừa mới bắt đầu lịch sử, không có văn tự, không có văn học, không có
những hệ thống tôn giáo phong phú; trong khi đó, đối với Ấn độ và Trung quốc, sự
hưng thịnh ở giai đoạn từ thế kỷ III đến thế kỷ VIII, là kết quả của công việc
chuẩn bị lâu dài, là cao trào cuối cùng của nền văn hóa cổ.
Sức mạnh và sự phong phú của những mối liên hệ lịch sử văn
hóa với bên ngoài ở Nhật bản đã ngăn việc trỗi dậy của những yếu tố thuần tuý
Nhật bản. Cần chú ý tới mối quan hệ lẫn nhau của tất cả những yếu tố cấu
thành trong mọi lĩnh vực của văn hóa Nhật bản, chủ yếu là trong các lĩnh vực
tôn giáo, triết học, ngôn ngữ, cơ cấu nhà nước và nghệ thuật - tất cả đều là những
hiện tượng phức tạp, những yếu tố cấu thành chúng ít nhiều được thấy rõ.
Triều tiên đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn đầu tiên
của lịch sử Nhật bản, nhưng từ thế kỷ thứ VII ảnh hưởng trực tiếp của Phật giáo
Trung quốc mạnh đến nỗi dưới ảnh hưởng của trường phái Huyền Trang, tất cả các
trào lưu trước kia đều lùi lại phía sau.
Bởi vậy, trong những hiện tượng triết học tôn giáo Nhật bản
trong chừng mực chúng tạo nên cấu trúc tư duy một cách hệ thống, nên phải phân
biệt ba yếu tố: Nhật bản, Trung quốc và Ấn độ.
Xét dưới góc độ lịch sử văn hóa Ấn độ và Đông Á, Phật giáo
Nhật bản là một hiện tượng bộ phận, là nấc phát triển cuối cùng của Phật giáo
và của những yếu tố Ấn trên con đường từ Ấn độ sang phương Đông. Những biến
dạng điển hình của tư tưởng Ấn độ ở các dân tộc Đông Á đã tỏa ánh sáng chói ngời
lên tâm lý và nếp nghĩ của những dân tộc rất khác các bộ tộc Ấn độ cả về chủng
tộc lẫn ngôn ngữ.Trên quan điểm này, việc nghiên cứu cần phải tiến hành theo trật
tự có tính chất niên đại của những nấc thang phát triển lịch sử - tức là từ Ấn
độ qua Trung quốc đến Nhật bản.
Mặt khác, trong truyền thống văn học tôn giáo Nhật bản còn
giữ lại được nhiều cái của Ấn độ và Trung quốc mà ở hai nước này đều không
còn. Quả là đối với người Nhật, nhiều cái là thiêng chính vì nó là cái
ngoại lai, xa lạ và không hiểu – nó được giữ một cách thiêng liêng trong truyền
thống. Còn người Ấn độ và người Trung quốc, khi tạo ra cái mới, khi chuyển
sang giai đoạn phát triển tiếp sau, đã cho mình có quyền quên đi cái cũ.
Những tàn dư này làm cho văn học và truyền thống triết học
tôn giáo Nhật bản trở nên rất quan trọng và có giá trị đối với việc nghiên cứu
lịch sử văn hóa Á châu và phục hồi lại những cái đã mất ở Ấn độ và Trung quốc.
Với quan điểm này, cách nghiên cứu sẽ khác: Sự dịch chuyển mang tính lịch
sử từ Ấn độ sang Trung quốc vào Nhật bản biến thành ngược lại - từ Nhật bản qua
Trung quốc đến Ấn độ, mà có thể đi xa hơn nữa, bởi lẽ một bài học thuyết của Phật
giáo Trung-Nhật chỉ ra những mối quan hệ xa xôi với những khuynh hướng tôn giáo
vùng Tiền Á.
Theo nghĩa này, văn hóa Nhật bản có ý nghĩa rất rộng chứ
không chỉ là một hiện tượng Viễn Đông cá biệt, một hiện tượng Nhật bản thuần
túy, một hiện tượng chỉ của Nhật-Trung, ý nghĩa của văn hóa Nhật tăng lên còn
nhờ sự nghiên cứu khoa học theo những phương pháp Âu châu ngày càng tiêm nhiễm
thành thói quen ở Nhật bản.
Người Nhật đã làm được khá nhiều trong việc thu nhập, xuất bản
và nghiên cứu tài liệu. Việc còn lại là kết hợp cái đã làm, gắn những kết luận
với những kết quả của Ấn độ học châu Âu, và khi đó đời sống tôn giáo ở Đông và
Nam Á mới hợp lại thành một chỉnh thể, một hiện tượng chung mà những bộ phận của
nó gắn kết lại với nhau một cách chặt chẽ nhất.
Nhật bản, trong vòng nhiều thế kỷ, là một nước tách biệt cô
lập, không có mối quan hệ với các dân tộc khác, tự cho mình là trung tâm của vũ
trụ và quên cả những mối quan hệ trước kia với những trung tâm văn hóa khác của
Á châu.
Giờ đây, người Nhật bắt đầu hiểu và nhận thấy một cách có ý
thức rằng, chính trong mối quan hệ chứ không phải trong tách biệt mà sự phong
phú của văn hóa Nhật được nảy sinh.
Mối liên hệ với Trung quốc là rõ hơn cả. Nhật Bản tiếp
nhận không chỉ hệ thống văn tự, mà cùng với văn tự là cả văn học nữa, cả hai
cái đó trong vòng nhiều thế kỷ dường như đã trở thành của dân tộc Nhật bản.
Mối liên hệ với văn hóa Ấn độ cũng thấy rõ trong những lĩnh
vực Phật giáo. Điều này được nhấn mạnh bằng công thức coi Ấn độ, Trung quốc và
Nhật bản là “Bộ ba nước” không tách rời nhau.
Năm 1905 giáo sư Samberlen trong tác phẩm “Tư tưởng Nhật bản”
của mình đã viết về ảnh hưởng của Ấn độ ở Nhật bản với ý Nhật bản hoàn toàn phải
chịu ơn Ấn độ. Giáo sư đã chỉ ra một cách đúng đắn rằng người Nhật thường
quên vai trò của Ấn độ và ý nghĩa của Phật giáo.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tình hình đã thay đổi
đáng kể: Người Nhật đã bắt đầu đẩy mạnh nghiên cứu cả Phật giáo, cả Ấn độ
lẫn tiếng Sanskrit; ý nghĩa của Ấn độ và Phật giáo được nhiều nhà bác học Nhật
bản thừa nhận. Việc người Nhật, một vài năm trước, tương đối ít quan tâm
đến nghiên cứu những vấn đề tôn giáo là hoàn toàn không có gì đáng ngạc
nhiên. Họ đã trải qua giai đoạn xây dựng lại quốc gia theo hình mẫu Âu
châu, toàn bộ sự chú ý của họ là tập trung vào việc tạo nên và củng cố nền văn
hóa vật chất mới. Cho nên không chỉ có tôn giáo và triết học, mà cả những
vấn đề trừu tượng đã phải để lại ở hàng thứ yếu. Khi chế độ mới được củng
cố, bắt đầu xuất hiện những quan tâm sống động hơn đối với khoa học trừu tượng,
đến tư duy trừu tượng, trước hết là tư duy Âu châu.
Cùng với việc ảnh hưởng của Âu châu ngày càng tăng, một vấn
đề đã xuất hiện: Liệu hiện giờ Nhật bản có tìm thấy trong quá khứ của
mình cái giá trị để tạo nên thế giới quan khoa học và tôn giáo không? Những nhà
văn có tiếng nhất không bao giờ say sưa với triết học Âu châu, dần dần đã bắt đầu
quay trở lại cái vốn có của mình. Họ không phủ nhận tư duy Âu châu, nhưng
đã chỉ ra một cách chính xác rằng, những vấn đề nóng bỏng thuộc thế giới quan
nên giải quyết bằng cách thích nghi với cái quá khứ vốn có của dân tộc, chứ
không phải bằng con đường dịch chuyển những vấn đề Âu châu sang nền tảng Nhật bản.
Khuynh hướng này đã hình thành trong một vài năm trước và bắt đầu đi vào nghiên
cứu Thần đạo, Phật giáo và triết học Trung quốc. Từ đây trong lĩnh vực lịch
sử tư tưởng Nhật bản đã bắt đầu một thời kỳ mới phát triển và đi lên.
Như vậy, tại sao các trào lưu tôn giáo và triết học của Nhật
bản hiện đại lại nằm trong tình trạng khá hỗn loạn, và rất khó phân tích.
Trong lĩnh vực tôn giáo, có sự tự do hoàn toàn của lương
tâm, không có việc đăng ký theo tín ngưỡng. Những tư tưởng tôn giáo không
được đưa vào trong chương trình học của trường học Nhật bản. Trong trường,
người ta giảng những nguyên lý của đạo đức học, khêu gợi tình cảm yêu nước,
thái độ trung thành kính trọng với quyền lực Hoàng đế, cũng như kính trọng các
anh hùng dân tộc và ông bà tổ tiên. Tục thờ cúng tổ tiên vẫn sống động
trong nhân dân Nhật đến mức nó không cần phải có sự cổ vũ khích lệ.
Thần thoại của Thần đạo, thực sự được giảng dạy, nhưng như một
phần của giáo trình lịch sử, bởi vậy cái được giảng ở trường học không hoàn
toàn là tôn giáo. Vì, đã cái gì liên quan đến những vấn đề tôn giáo theo
nghĩa đen của từ, tức là liên quan đến siêu hình học, tới Chúa trời, và ý nghĩa
của cuộc sống, v.v…Sở dĩ có sự phê phán nghiêm khắc đối với Thần đạo chính thống
hiện nay trong cuốn sách mỏng của giáo sư Samberlen, “Sự phản ánh của một tôn
giáo mới” vì tác giả cho Thần đạo chính thống này một ý nghĩa quá lớn.
Cái gọi là “bảo trợ” cho Thần đạo từ phía nhà nước được phản
ánh trong việc duy trì nó như là tục thờ cúng tổ tiên của triều đại hoàng đế.
Tục thờ cúng có tính chất cung đình này và có ý nghĩa mà nó có chỉ bắt đầu thực
sự từ những năm 70 của thế kỷ trước, khi chính quyền hoàng đế thắng chính quyền
Xơgun (các tướng quân). Đối với nhân dân, hệ thống chính thống này phù hợp với
sự trung thành mà lại không buộc bất cứ ai vào niềm tin tôn giáo ấy.
Họ có thể là nhà Thần đạo, Phật tử, là tín đồ Thiên chúa
giáo hay người hoàn toàn dửng dưng đối với tôn giáo. Như vậy không nên
nói về tục thờ cúng chính thống như về một tôn giáo dân tộc Nhật bản. Tôn
giáo dân tộc theo cách hiểu ở châu Âu là không có ở Nhật bản. Phật giáo
dù phổ biến rộng rãi đến như vậy, cũng hoàn toàn không có thể coi được là tôn
giáo dân tộc của Nhật bản.
Trong lĩnh vực tôn giáo và triết học, có thể nhận thấy tất cả
bốn yếu tố vừa bện kết vào nhau vừa có những sắc thái khác nhau tùy thuộc vào đẳng
cấp và trình độ học thức của những tín đồ. Sự phân loại này rất quan trọng
vì liên quan đến việc đánh giá các tác phẩm triết học tôn giáo hiện đại, cả loại
phổ cập cũng như loại khoa học.
Những yếu tố đó là: 1) Thần đạo; 2) Triết học Trung quốc chủ
yếu là Khổng giáo; 3) Phật giáo; 4) Thiên chúa giáo và tư duy Âu châu.
Yếu tố Âu châu có ít ý nghĩa nhất và được biết tới khá
ít. Những bản dịch vừu ít vừa kém, ngôn ngữ triết học còn chưa được chuyển
dịch hoàn hảo. Bởi vậy, trong các giờ triết học Âu châu, người ta thường
giảng dạy ngoại ngữ. Từ các tài liệu khoa học phổ biến, nhiều những tư tưởng
Âu châu xâm nhập vào các tầng lớp xã hội Nhật bản, nhưng không gây nên ảnh hưởng
sâu sắc.
Cũng hoàn toàn như vậy, sự truyền bá Thiên chúa giáo, dĩ
nhiên là đáp ứng nhu cầu của người Nhật, nhưng vẫn không trở thành hiện tượng
Nhật bản theo nghĩa đầy đủ. Việc truyền bá đó, hiện nay, hoàn toàn phụ
thuộc vào sự hỗ trợ từ phía Âu châu và Mỹ châu.
Ba yếu tố còn lại, Thần đạo, Phật giáo và Khổng giáo gắn chặt
với tất cả các lãnh vực quan trọng trong đời sống của nhân dân Nhật bản.
Yếu tố Trung quốc xâm nhập khắp nơi đến mức người ta thậm
chí không có cảm giác đấy là một cái gì đó xa lạ, đặc biệt đối với những yếu tốTrung
quốc thuộc lĩnh vực các tín ngưỡng dân gian. Trong các hệ thống Trung quốc, chỉ
có Khổng giáo, chủ yếu là phần đạo đức, đã đóng vai trò quyết định trong lịch sử
tư duy Nhật bản. Đạo đức trong cơ cấu gia đình, mối liên hệ lẫn nhau của những
con người và những vấn đề khác mà những người Trung quốc quan tâm, hầu như đã
trở thành tài sản của người Nhật.
Khổng giáo còn xâm nhập vào cả cái gọi là “võ sĩ đạo” -
“Buxiđo” - nổi tiếng trong cuốn sách nhỏ của Nitobe đã được dịch ra tất cả các
ngôn ngữ Âu châu. Hiện tượng này được coi như một cái gì đó rất Nhật bản.
Quả vậy, “Võ sĩ đạo”, theo nghĩa của bộ luật đạo đức (dù không ghi) của giai cấp
võ sĩ từ lâu đã rất đặc trưng trung cổ. Giai cấp võ sĩ không còn, cái mà
bây giờ được gọi bằng từ “Võ sĩ đạo”, thực chất chỉ còn là một tổng hợp những
nguyên lý đạo đức đối với người công dân lương thiện.
Đạo đức Khổng giáo vẫn tồn tại trong giai cấp trung gian, dù
cho sự hiểu biết và việc đọc những sách kinh điển Khổng giáo không còn nhiệt
tâm như trước vì chúng khó dung hợp được với chương trình giáo dục nhà trường
hiện đại.
Hiện nay, triết học tân Khổng giáo trừu tượng Trung quốc là
tài sản giá trị cho các thày dạy văn học Trung quốc và những ai yêu thích các học
thuyết của các nhà thông thái Trung quốc, mà ảnh hưởng của họ có thể ví như ảnh
hưởng của các nhà triết học Hy Lạp và La mã đối với châu Âu.
Ảnh hưởng mang tính văn học này của triết học Trung quốc vị
tất có thể chấm dứt ở Nhật bản vì mối liên hệ chặt chẽ ngôn ngữ Nhật bản với
ngôn ngữ và văn tự của Trung quốc. Nhưng với tư cách là một hệ thống thế
giới quan hoàn chỉnh độc lập, Khổng giáo ở Nhật bản hiện nay không còn có khả
năng giữ vai trò gì cả. Khổng giáo như tục thờ cúng hay như một hội có tổ chức
đã không hề tồn tại ở Nhật bản thời xưa.
Những trào lưu chống Khổng giáo khác của tư duy Trung quốc,
cũng như đạo giáo, với tư cách là những hệ thống đã không có ý nghĩa lớn ở Nhật
bản. Đạo giáo phổ cập những dị đoan của mình biểu hiện trong những tín ngưỡng
dân gian của những người Nhật bản đến mức nào thì cho đến nay vẫn chưa được giải
đáp.
Ở Nhật bản, chỉ có Thần đạo và Phật giáo là những tổ chức
tương tự nhà thờ ở Âu châu, với truyền thống nhất định, với cơ quan quản lý
trung ương, với những ngẫu tượng và cúng lễ có tổ chức, tức là những tôn giáo
theo nghĩa tổ chức nhà thờ.
Lịch sử của hai tôn giáo này bắt đầu từ thế kỷ VI – VII, khi
đó các tín ngưỡng nguyên thủy đã tồn tạI từ lâu, tức tục thờ cúng các thần tự
nhiên và tục thờ cúng tổ tiên được tập hợp lại với các tên gọi là “Sinto”, “Thần
đạo” trở thành đối lập với tôn giáo hải ngoại mới hay “Phật đạo”. Cuộc đấu
tranh bắt đầu, nhưng kéo dài không lâu và học thuyết Ấn độ đã thắng.
Trong Phật giáo thời này có hai khuynh hướng: Một khuynh hướng
chống lại các học thuyết xa lạ khác bằng phủ nhận, khuynh hướng kia chống lại bằng
cách giải thích các học thuyết xa lạ kia theo kiểu Phật giáo. Khuynh hướng
thứ hai hưng thịnh đặc biệt vào thế kỷ VIII và đã thành công trong việc biến Thần
điện của Thần đạo thành một phần của Thần điện Phật giáo Ấn độ và đã tìm được
ra trong học thuyết Thần đạo một biểu hiệu cuả Phật trí.
Phật giáo thời đó ở vào giai đoạn phát triển cao: Có hệ
thống phổ quát, có nền giáo lý và văn học rộng lớn, bao gồm tất cả các nguyên
lý triết học - lôgíc học và tâm lý học, đạo đức học, siêu hình học. Vì thế
mà Phật giáo dễ dàng thắng các tôn giáo nguyên thủy, như Thần đạo không có hệ
thống, không có văn học, nhưng lại không động tới Chúa trời thần thánh mà nhân
dân tin vào và cầu nguyện. Bằng cách đó Phật giáo đã chiếm lĩnh thâu tóm
vào mình đại đa số các thần tượng củaThần đạo. Ảnh hưởng của Phật giáo là rất lớn.
Phật tử là các vị hoàng đế, rồi các tướng quân (Xơgun). Ảnh hưởng của Phật giáo
được phản ánh trong tất cả những lĩnh vực văn hoá Nhật bản. Dưới tác động
của Phật giáo, không chỉ tư duy trừu tượng và nghệ thuật, mà cả văn học và lối
sống tinh tế còn lại cho đến ngày hôm nay của Nhật bản đã được phát triển.
Lịch sử mang tính chất giáo điều nội bộ của Phật giáo diễn
ra trong các chùa biệt lập tách khỏi lịch sử chính trị của Phật giáo. Cái
đã được các nhà sư – nhà tư tưởng Nhật bản tạo nên hay giữ cho khỏi lãng quên,
một phần nằm trong các phẩm kinh viện, và vẫn là di sản của giới tu hành uyên
bác, một phần được các nhà truyền giáo đưa vào trong dân chúng để rồi, trên nền
tảng Nhật bản nhiều tông phái mới, nhiều khuynh hướng mới được hình
thành.
Việc phân rã của Phật giáo Trung quốc và Nhật Bản thành những
tông phái có ý nghĩa khá quan trọng. Nhìn bề ngoài sẽ tưởng các tông phái giống
nhau quá ít đến nỗi khiến nhiều tác phẩm Âu châu viết về Nhật Bản đã thắc mắc:
Sao tất cả các học thuyết khác nhau đến như vậy mà vẫn gọi mình là Phật
giáo.
Sở dĩ có điều thắc mắc đó là vì những vấn đề cơ bản bị quên
để cho những điều thứ yếu trổi lên. Tư tưởng cứu khổ và quan niệm đặc biệt
về cuộc sống và tự nhiên là cái kết hợp tất cả những người Phật tử. Nhưng Phật
giáo đã nhìn thấy trước rằng là bẩm tính của con người là khác nhau và vì nên
có thể có một số con đường để đạt đến mục đích tôn giáo tối thượng. Có tất cả
là bốn con đường: 1) Nhận thức; 2) Hành vi thực tiễn, chủ nghĩa khổ hạnh,
v.v…; 3) Trực quan thần bí; 4) Lòng tin vào sức mạnh cứu khổ của Phật
Adiđà.
Có thể xuất hiện sự không nhất trí do việc lựa chọn con đường
nào có ý nghĩa chủ yếu hay đặc biệt để đạt tới mục đích. Còn kết quả của
sự bất đồng đó là sự ra đời của những tông phái. Trên thực tế, hầu như tất cả
những khác nhau cơ bản của các nhánh Phật giáo sau này có thể quy về sự không
thống nhất trong việc đánh giá con đường dẫn đến giải thoát. Dưới những
hình thức phổ biến hơn, các học thuyết dựa trên cơ sở của những khác biệt này
có thể xuất hiện và thực sự đã xuất hiện. Đôi khi giữa họ nổ ra những cuộc
tranh luận khốc liệt, thậm chí dẫn tới việc dò xét nhau. Những cuộc vận động
như vậy ở Nhật bản đôi khi nổ ra với quy mô lớn dẫn đến các cuộc hành quân thực
sự của những nhà sư ở chùa khác. Những cuộc hành quân này thường kết thúc
bằng thất bại, hoặc bằng việc tiêu hủy ngôi chùa của đối thủ. Dĩ nhiên,
những xung đột kiểu này đã diễn ra không hoàn toàn trên cơ sở tôn giáo và thường
là gắn với cả những bất hòa chính trị.
Theo quan điểm giáo lý uyên thâm, sự khác nhau giữa những
tông phái không thực là ghê gớm, vì rằng những nguyên lý cơ bản sẽ được thừa nhận
một khi tất cả các khuynh hướng đều thống nhất trong việc thừa nhận vấn đề giải
thoát cuốI cùng. Thế giới kinh nghiệm mà chúng ta gặp là cuộc diễu hành của
khởi nguyên (bản thể) tuyệt đối không thể nhận thức được. Cuộc diễu hành của bản
thể này là kết quả của dòng ba động vô thủy. Trong dòng ba động đó, là cả
đau khổ vô thủy, là vô minh u tối.
Đồng thời, cái bản thể tuyệt đối phân ra thành vô hạn những
đơn tử có ý thức, chứa trong mình khuynh hướng vô thủy hướng đến chấm dứt thế tục:
Xua tan vô minh, làm ngừng ba động, tức đi đến trạng thái yên tĩnh tuyệt đối,
ngừng mọi biểu hiện. Siêu hình học của giải thoát vừa dựa trên sự phân
tích nghiên cứu tỉ mỉ kinh nghiệm, vừa dựa trên tâm lý học và lý luận nhận thức.
Tuy nhiên, trong Phật giáo đại chúng, tương đối ít nhắc đến
những học thuyết siêu hình học như vậy. Ví dụ, trong tông phái “Tịnh
thổ”, tư tưởng giải thoát cuối cùng (Niết bàn) bị lùi lại phía sau và được thay
bằng tư tưởng đạt tới sự tái sinh ở mảnh đất cực lạc, “Tịnh thổ”. Nhưng dù sao
mục đích đó chỉ là giai đoạn chuyển tiếp trên con đường tới Niết Bàn, tức lý tưởng
tối thượng.
Tư tưởng giải thoát hợp nhất những Phật tử lại với nhau, đồng
thời cũng chính là cái mà Phật giáo khác căn bản so với Thần đạo. Thần đạo
biết đến tư tưởng giải thoát, nhưng không biết đến cái cuối cùng - tuyệt đối.
Tư tưởng của nó là sự tiếp diễn vô tận của cuộc đời trần tục: Những người chết
chỉ thay đổi dạng tồn tại, và vẫn ở lại trên mặt đất gần những người thân của
mình, vẫn tham gia vào đời sống của họ. Thờ cúng thần linh, thờ cúng sức
mạnh và các hiện tượng tự nhiên, thờ cúng thần ác, thần thiện, thờ cúng các anh
hùng dân tộc và hoàng đế,… đều gắn liền với những tư tưởng thần đạo.
Vấn đề ý nghĩa cuối cùng của tồn tại hoàn toàn không được đặt
ra trong Thần đạo. Nhưng chính trong tư tưởng Thần đạo, toát lên sức mạnh
yêu đời tự phát, ngây thơ của người nguyên thủy. Tính phi hệ thống dẫn đến
việc Thần đạo, như một hệ thống tôn giáo, không thể đứng vững trước Phật giáo;
nhưng như tục thờ cúng dân gian, nó vẫn sống và có sức mạnh cho đến ngày
nay.
Cái gọi là Thần đạo có tính hệ thống hình thành từ thế kỷ
XVII-XVIII và bây giờ, trở thành tục thờ cúng chính thống hiện nay – là sự đối
lập của tục thờ cúng dân gian vì nó tiếp nhận nhiều yếu tố Trung quốc và Phật
giáo.
Bởi vì Thần đạo thuần túy theo bản chất của mình là xa lạ với
mọi tính hệ thống, nên những ý đồ tạo nên một hệ thống từ đó đã không mang lại
kết quả; hơn thế nữa vì những ý đồ đó mang tính khuynh hướng muốn chứng minh rằng
dân tộc Nhật bản và chính quyền tối cao ở Nhật Bản có bản chất thần thánh đặc
biệt.
Thần đạo đã tiếp nhận khuynh hướng chính trị vào các thế kỷ
XVII – XVIII, khi diễn ra cuộc đấu tranh nhằm giải phóng chính quyền hoàng đế
khỏi ảnh hưởng của Xơgun. Vào những năm 70 của thế kỷ trước, phái hoàng đế
đã thắng và Thần đạo đã sử dụng những điều kiện thuận lợi tấn công Phật
giáo. Những tượng thần của Thần đạo, trong vòng nhiều thế kỷ, nằm trong
tay những người Phật tử, đã được hoàn lại, được “tẩy rửa sạch”. Những đồ
dùng và hội họa Phật giáo bị tiêu hủy, các cao tăng bị xua đuổi, nhiều nhà hoạt
động Phật giáo buộc phải hoàn tục. Đạo Phật bắt đầu có chiều hướng sụp đổ và trở
nên nguy kịch nhất vào thế kỷ trước.
Tuy nhiên khúc khải hoàn toàn thắng của Thần đạo đã không được
lâu. Tự do của lương tâm đã đặt tôn giáo trong những điều kiện như nhau,
và từ thế kỷ XX. Phật giáo dần dần được phục hồi trở lại.
Khuynh hướng chính trị dân tộc kết hợp với tất cả các khuynh
hướng Thần đạo. Nhưng, vì do không có tư tưởng tôn giáo chân thực nên Thần
đạo vẫn là một hiện tượng dân tộc hẹp hòi, không đủ sức chống lại các tôn giáo
thế giới như Phật giáo và Thiên chúa giáo.
Như vậy khi nghiên cứu các hiện tượng của Phật giáo của Nhật
Bản, ở đây, cần nói lên sự đan bện của ba yếu tố dân tộc, Trung quốc và Ấn độ,
trước hết là Thần giáo, Khổng giáo và Phật giáo trong mối liên hệ với yếu tố
khác nhau của những hệ thống khác, với những tín ngưỡng và mê tín dân
gian. Lĩnh vực triết học và tôn giáo Nhật bản hầu như hoàn toàn chưa được
nghiên cứu. Cần bắt đầu phân chia những yếu tố trong những hệ thống lớn
nhất, tức những yếu tố Phật giáo và Trung hoa. Cần lý giải vai trò của những
yếu tố ngoại lai.
Tuy nhiên không bao giờ chấp nhận khuynh hướng quy tất cả những
cái Nhật Bản thành không Nhật Bản. Ngược lại, công việc chính là lý giải
yếu tố Nhật bản thuần túy. Thậm chí nếu như phát hiện thấy cái gọi là “Nhật
bản thuần túy” nhưng thực chất chỉ là sản phẩm của những yếu tố ngoại lai, thì
trong mọi trường hợp, cái đó vẫn là sản phẩm độc đáo. Để thâm nhập vào bề sâu của
tinh thần Nhật Bản, đồng thời cần phải trải sự nghiên cứu ra ngoài giới hạn Nhật
Bản đến Trung Quốc và Ấn Độ, cần phải lập mối quan hệ chung trên nền tảng tôn
giáo giữa các dân tộc ở Nam và Đông Á.