Trong quần chúng nhân dân đông đảo, những hình thức giản đơn bình thường của Phật giáo đang sống cho đến ngày nay. Nhưng Phật giáo ở Trung Quốc đã không bao giờ và không có thể có ảnh hưởng như ở Nhật Bản. Nền giáo dục Trung Quốc không có quan hệ với Phật giáo, trong khi đó ở Nhật Bản, trong vòng nhiều thế kỷ, các chùa Phật giáo chính là các lò giáo dục.
VỀ VIỆC NGHIÊN CỨU PHẬT GIÁO Ở NHẬT BẢN VÀ TRUNG QUỐC
Mối quan hệ lẫn nhau vừa được trình bày của những yếu tố
trong văn hóa tôn giáo ở Nhật Bản là cực kỳ quan trọng để hiểu đúng mảng tài liệu
Phật giáo Nhật Bản hiện đại, xuất hiện trong mười năm gần đây rất đa dạng về thể
loại và khuynh hướng.
Toàn bộ tài liệu Phật giáo hiện đại có thể phân thành hai loại: Phần thứ nhất gồm những tài liệu về học thuyết
và lịch sử các tông phái vẫn còn tồn tại cho đến ngày hôm nay. Phần thứ hai là các nghiên cứu về Phật giáo cổ
đại Ấn Độ với tư cách là cơ sở của Phật giáo hiện đại.
Trừ những kinh quan trọng nhất, đại đa số các tác phẩm Ấn Độ
chỉ có ý nghĩa lịch sử. Cái thực tế đang
tồn tại ở Nhật Bản đã xuất hiện vào giai đoạn tương đối muộn ở Trung Quốc và Nhật
Bản. Bởi vậy, không nên quá tin vào các
công trình Nhật Bản nghiên cứu về Phật giáo Ấn Độ. Trong các tài liệu hiện đại về Phật giáo của Nhật
Bản xuất hiện hai trường phái - trường phái cũ và trường phái mới. Các tác giả và những người ủng hộ trường phái
mới luôn phê phán những người thuộc trường phái cũ ở chỗ họ không chú ý tới những
nhu cầu của đời sống ở nước Nhật mới, mà chỉ say sưa với tính kinh viện và chủ
nghĩa duy lý của Phật giáo. Những người ủng
hộ truyền thống chỉ ra rằng muốn đổi mới và dùng cái cũ thì cần phải nghiên cứu
và biết về nó, và đừng quên rằng trong truyền thống ẩn dấu cái sức mạnh không
thể coi thường được.
Có hai khuynh hướng như vậy, cho đến nay, đã không nhất trí
đối với Phật giáo Ấn Độ cổ đại và việc nghiên cứu nó. Trường phái mới của triết học Phật giáo chịu ảnh
hưởng của ngành Ấn Độ học Âu châu do giáo sư Nandzio đưa vào Nhật Bản 25 năm
trước.
Việc nghiên cứu ngôn ngữ Sanskrit tiến triển rất chậm. Các Phật tử Nhật Bản học tiếng Sanskrit ở Âu
châu, còn những học trò của họ vừa không được nhiều vừa thờ ơ với những từ ngữ
mà họ cho là không cần thiết đối với Nhật Bản.
Các Phật tử của trường phái cũ chê họ là đã bị cuốn hút bởi văn học Âu
châu, và như vậy là đã bị cắt đứt với những truyền thống sống động.
Các nhà đại diện của triết học Ấn Độ chỉ với nỗ lực to lớn mới
giành được sự thừa nhận. Bây giờ ngôn ngữ
Sanskrit được nói tới trong tất cả semina Phật giáo lớn. Tuy nhiên, cho đến nay, khối lượng giáo trình
và những kết quả đạt được ở Nhật không thể so với tình hình nghiên cứu Ấn Độ ở
Âu châu, nhưng đã tạo ra cơ sở cho việc xích gần Ấn Độ với Nhật Bản.
Do tình hình như vậy nên, các đại diện của trường phái mới
đành phải đi tới một sự thỏa hiệp. Thoạt
đầu, để đáp lại những gì mà trường phái cũ nói về mình, họ không thừa nhận những
giá trị của truyền thống, coi lời lẽ của nhà phê phán không biết tiếng Sanskrit
là không đáng chú ý và cho rằng chỉ có trường phái mới mới thực sự biết Phật
giáo vì trường phái đó có hiểu biết triết học Ấn Độ và nghiên cứu văn bản
nguyên gốc.
Dần dà thời gian đã chứng tỏ các nhà đại diện truyền thống
đã đúng vì tri thức ngữ văn không bao giờ có thể thay thế truyền thống triết học
được. Trong lĩnh vực này, trường phái
cũ, dĩ nhiên, có một nguồn tài liệu phong phú hơn là các văn bản tiếng Trung Quốc
được hệ thống hoá, còn trường phái mới chỉ nghiên cứu các mẫu văn bản vụn
Sanskrit đã mất mát, mà lại qua tài liệu Âu châu.
Để dựng nên các hệ thống Phật giáo Ấn Độ ở thời kỳ phát triển
rực rỡ nhất, truyền thống Nhật Bản – Trung Quốc cổ có giá trị hơn là tài liệu của
trường phái mới nghiêng về chủ nghĩa triết chung, san bằng những khác biệt của
các tông phái và tóm lược luận chứng kinh viện.
Những người cách tân không phản đối cái đó. Mặt khác trường phái cũ bắt đầu ý thức được rằng
để hiểu về triết học Ấn Độ, không thể thiếu tri thức Sanskrit và triết học Ấn Độ
được. Vì vậy đã tạo ra khả năng hợp
tác. Kết quả của việc hợp tác đó trong
việc nghiên cứu triết học Ấn Độ đã đạt được cái điều mà ngành Ấn Độ học ở Âu
châu hy vọng là muốn có sự tham gia của các nhà Phật tử bác học Nhật Bản. Tuy nhiên, chưa có thể chờ đợi những người Nhật
Bản, khi nào đó, sẽ thiên về hay có khả năng trình bày những kết quả trong các
công trình bằng các ngôn ngữ Âu châu. Bởi
lẽ, để truyền đạt các thuật ngữ Phật giáo cho đến nay không có thuật ngữ chung
được thừa nhận không chỉ bằng các ngôn ngữ Âu châu mà cả bằng ngôn ngữ Nhật Bản.
Những người Nhật Bản dùng những câu Trung Quốc cũng giống
như chúng ta dùng những câu Hy lạp, và không thể đòi hỏi người Nhật chuyển các
câu này sang các thuật ngữ tiếng Anh hoặc thứ tiếng Âu châu khác. Công việc như
vậy là quá khó, vì tính phức tạp của hệ thống thuật ngữ Phật giáo.
Vẫn là một lối thoát
có hiệu quả nhưng giản đơn hơn: Để nghiên cứu Phật học theo nguồn tài liệu Trung
Quốc cần phải học tiếng Nhật. Việc nắm
được tiếng Nhật đối với các nhà ngữ văn Âu châu còn dễ hơn nhiều là việc học viết
bằng một trong những ngôn ngữ Âu châu đối với các bác học Nhật Bản. Ngoài ra, cả một nguồn phong phú về tài liệu
sẽ được mở ra khi có hiểu biết tiếng Nhật, chỉ vì một phần không đáng kể các
tài liệu đó có thể chuyển sang các ngôn ngữ Âu châu.
Dĩ nhiên, đối với nhà Ấn Độ học đã có hiểu biết về triết học
và khoa học Âu châu sẽ cực kỳ dễ dàng làm một tuyển tập những tài liệu nào cần
thiết, mà người Nhật còn chưa làm.
Cần phải nhìn thấy một loạt những đặc điểm trong phương pháp
của những nhà bác học Nhật Bản thuộc cả hai trường phái cũ và mới, khi nghiên cứu
tài liệu hiện có để làm cơ sở cho việc nghiên cứu Phật giáo Ấn Độ theo những
nguồn tài liệu Nhật Bản.
Các tác giả Âu châu khi sử dụng tài liệu Nhật Bản, dù cả hai
có sự giúp đỡ của những dịch giả, đã không chú ý đến điều đó một cách đầy đủ. Bởi vậy cần dừng lại kỹ hơn ở vấn đề đặc
trưng của truyền thống và các tác phẩm mới về Phật giáo.
Thật là sai lầm lớn nếu nghĩ rằng mọi sáng tác hiện đại của Nhật
Bản có nội dung tôn giáo như là nguồn tài liệu gốc, hay cho một quan niệm của một
học thuyết nào đó đều có uy tín, vì người Nhật hay người Trung Quốc đã nói đến. Nhiều tác giả đã rơi vào sai lầm này, và điều
đó đã được phản ảnh qua những tác phẩm của họ.
Trong hàng chục nghìn những tông phái tăng lữ khác nhau có
tương đối ít những người hiểu biết thực sự về các giáo lý và kinh viện. Vẫn còn một số người hiến dâng cả đời mình
cho việc nghiên cứu lịch sử giáo lý của Phật giáo và triết học Ấn Độ.
Sự thận trọng đặc biệt là cần thiết khi nói về các học thuyết
không phải Nhật Bản mà là Trung Quốc hay Ấn Độ cổ đại. Thứ nữa không nên quên rằng, truyền thống trực
tiếp của các trường phái Ấn Độ cổ xưa nhất đã chấm dứt trong một vài thế kỷ trước.
Cái mà bây giờ gọi là truyền thống chỉ là phần nào truyền thống của sự phục
hưng thời trung đại.
Như ta đã thấy, đời sống tôn giáo và tư duy triết học vẫn
còn nằm trong giai đoạn chuyển tiếp với một vài sự hỗn độn đã được nói tới
trong các tài liệu phổ biến cũng như trong tài liệu khoa học phổ biến của một số
nhà sư truyền đạo. Nhưng, trong các tài
liệu nghiên cứu có thể tìm thấy không ít những sự bất đồng. Điều đó không có gì
là lạ vì: Trong Phật giáo có nhiều vấn đề
khó đã được tranh luận trong suốt nhiều thế kỷ, và ngày càng trở nên phức tạp
hơn. Đây là hiện tượng chung. Ví như ở
châu Âu chưa cần nói đến vấn đề của triết học Hy lạp, chỉ quanh học thuyết của
Kant đã có những giải thích thật khác nhau.
Không nên quên về khả năng của hiện tượng như vậy khi nghiên cứu văn bản
phương Đông.
Nhiều khẳng định sai lầm về Phật giáo Nhật Bản cũng như Trung
Quốc là những kết quả được rút ra từ những tài liệu không đầy đủ và không được
đánh giá đúng.
Vẻ ngoài của các tài liệu Nhật Bản hiện nay đã đưa đến lầm lẫn
như vậy. Các tác phẩm được xuất bản tốt
và có bìa ngoài như các sách vở của phương Tây.
Nhưng những người am hiểu Phật giáo lại không phê phán một tác phẩm nào
trên các tạp chí cả. Tuy nhiên, không
nên quên rằng nền khoa học Nhật Bản, đặc biệt là ngữ văn học cho đến nay vẫn
còn khác xa so với Âu châu về mặt phương pháp và cách làm.
Những người có hiểu biết về tài liệu gốc cổ đại thì ít hoặc
hoàn toàn không quan tâm theo dõi những nghiên cứu mới. Họ càng ít quan tâm hơn đến các tác phẩm do
người Nhật viết bằng tiếng châu Âu, dùng cho người châu Âu.
Bởi vì trong đại đa số trường hợp những đại diện của trường
phái cũ hoàn toàn không biết ngoại ngữ.
Thậm chí dù có đọc một tác phẩm tồi, nhà bác học của trường phái cũ cũng
không lên tiếng phê phán vì chê một tác phẩm không nổi tiếng sẽ làm cho phẩm chất
của mình bị hạ thấp, còn công kích bạn bè vì tác phẩm không thành công là bất
nhã. Những người Nhật Bản khó quen được với tư tưởng phê bình khách quan. Mọi sự phê phán, theo ý kiến họ, đều là sự
xúc phạm. Tất nhiên quan điểm như vậy
ngăn cản mạnh mẽ sự trao đổi các ý kiến.
Ngoài ra các nhà học giả của trường phái cũ lập luận như
sau: Muốn hiểu đúng đắn Phật giáo cần phải
nghiên cứu trên cơ sở những tài liệu gốc, tức các văn bản Trung Quốc.
Những công trình của người Nhật được nhắc tới nhiều nhất ở
Âu châu là: “Danh mục” của giáo sư
Nandzio, các bản dịch “Lược khảo 12 tông phái” bằng tiếng Anh của giáo sư
Nandzio, bằng tiếng Pháp của Phudzisima và những công trình của Suzuki chủ yếu
là lược giải về Đại thừa.
“Danh mục” của giáo
sư Nandzio dù có những công hiến lớn, nhưng vẫn có một thiếu sót lớn: Không nhắc gì đến các tác phẩm chú giải của Trung
Quốc cũng như Nhật Bản, vì thế mà “Danh mục” đã gây ra một ấn tượng cho rằng để
nghiên cứu tài liệu dịch Phật giáo chỉ cần sử dụng các phẩm kinh điển Trung Quốc
là đủ.
Các bản dịch “Lược thảo 12 tông phái” bằng tiếng Anh và tiếng
Pháp cũng không biểu hiện sự hiểu biết của những dịch giả với tri thức sách vở
truyền thống. Các thuật ngữ được chuyển
nguyên từ đối từ chứ không có những giải thích, không có những trích dẫn tài liệu
gốc. Các bản dịch “Lược thảo 12 tông
phái” không thể được xem là tài liệu gốc để nghiên cứu Phật giáo Nhật Bản.
Suzuki trong “Lược thảo về đại thừa” hướng trực tiếp đến
công chúng Âu châu với khuynh hướng biện hộ khó rõ. Tác giả là giáo viên tiếng Anh và có quan hệ
với một thiền phái trực giác thần bí của Nhật Bản. Mặc dù có những thiếu sót và không chính xác,
cuốn sách của Suzuki là cực kỳ hay, và như tác phẩm phản ánh quan điểm của nhiều
người Nhật Bản có giáo dục quan tâm đến Phật giáo.
Về hiện trạng của Phật giáo và truyền thống Phật giáo ở Trung
Quốc chỉ được xem xét trên cơ sở những tài liệu quá ít ỏi. Hiển nhiên là Phật giáo ở Trung Quốc đang
trong tình trạng suy sụp, và hoạt động của nó không thể so với tính tích cực của
Phật giáo ở Nhật Bản.
Thực tế, có nhiều chùa lớn đã thu hút hàng nghìn nhà hành
hương. Điều đó chỉ ra rằng, trong quần chúng nhân dân đông đảo, những hình thức
giản đơn bình thường của Phật giáo đang sống cho đến ngày nay. Tuy vậy, Phật
giáo ở Trung Quốc đã không bao giờ và không có thể có ảnh hưởng như ở Nhật Bản. Nền giáo dục Trung Quốc không có quan hệ với
Phật giáo, trong khi đó ở Nhật Bản, trong vòng nhiều thế kỷ, các chùa Phật giáo
chính là các lò giáo dục.
Trong lịch sử giáo dục Nhật Bản, các Phật tử chiếm một vị
trí tôn kính, và ngày nay, vị trí đó không mất đi. Không ít những giáo sư và những nhà hoạt động
giáo dục hiện nay ở các trường cao đẳng xuất thân từ giới tu hành, hay có quan
hệ nào đó với Phật giáo. Ở Trung Quốc lịch sử giáo dục không liên quan với lịch
sử Phật giáo.
Về các tông phái Phật giáo ở Trung Quốc hiện đại có thể xét
đoán theo lược khảo ngắn gọn giống như “Lược khảo 12 tông phái” của Nhật Bản đã
nhắc đến ở trên, được Garmann dẫn ra trong văn bản dịch. Trong lược khảo này cũng như trong công trình
mới nhất về Phật giáo Trung Quốc “Buddhist China” của Jonston, đã chỉ ra các
tông phái hiện có ở Trung Quốc:Tông phái thờ Phật Adiđà và tông phái trực giác
thần bí-thiền. Điều này chứng tỏ ở Trung Quốc các tư trào tôn giáo và siêu hình
thuần túy đóng vai trò chủ đạo.
Như vậy, một cách nghiên cứu Phật giáo đã được hình thành với
sự hỗ trợ của những tài liệu Nhật Bản cần tìm ra truyền thống thực của Phật
giáo Trung-Nhật. Trên cơ sở đó, kết hợp
với những tài liệu bằng tiếng Sanskrit và củaTây tạng, chúng ta có thể tìm ra nội
dung của văn bản Phật giáo Ấn Độ. Đến lượt mình, tài liệu Phật giáo Ấn Độ lại
cho ta khả năng tiến hành xem xét một cách phê phán đối với văn bản Trung Quốc
và Nhật Bản.
Cuối cùng chúng ta sẽ
làm sáng tỏ một hiện tượng văn hoá – Tôn giáo đã liên kết Ấn Độ với Đông Á và
đã đóng một vai trò to lớn đối với sự phát triển của Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật
Bản. Không thể nghiên cứu văn hoá các nước
này mà thiếu hiểu biết về Phật giáo, cũng như không thể không biết về triết học
về Hy lạp và Thiên chúa giáo khi nghiên cứu văn hoá châu Âu.