Cho đến nay, nhiều hình thái tín ngưỡng thờ thần nông nghiệp cổ xưa vẫn được nhân dân địa phương duy trì. Đậm nét nhất có thể nói là tín ngưỡng thờ thần Tri Nông ở đền Tam Đông Vọng, xã Lương Phong.
Hiệp Hòa miền đất cổ nằm trong vùng văn hóa Kinh Bắc. Từ cổ
xưa nhân dân địa phương vẫn sản xuất nông nghiệp là chính. Không biết từ bao giờ
các cư dân nông nghiệp ở đây đã tôn thờ các vị thần nông nghiệp trong đời sống
văn hoá tâm linh của mình.
Cho đến nay, nhiều hình thái tín ngưỡng thờ thần nông nghiệp
cổ xưa vẫn được nhân dân địa phương duy trì. Đậm nét nhất có thể nói là tín ngưỡng
thờ thần Tri Nông ở đền Tam Đông Vọng, xã Lương Phong.
Ngôi đền là trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân
dân ba thôn Giữa, Đông và Chùa. Dấu tích xưa cho thấy, đền được xây dựng từ lâu
đời, bốn cột đá tương truyền từ thời Lê, thế kỷ XVII dựng ở cổng đền bây giờ là
trụ cột chính tạo dựng ngôi đền cổ xưa. Hiện trạng di tích còn bảo lưu được chủ
yếu nét kiến trúc cổ thời Nguyễn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.
Đền Tam Đông Vọng hiện nay có tổng diện tích 818,7m2, gồm
các hạng mục công trình cổng nghi môn, khuôn viên sân vườn và khu đền chính tọa
lạc ở trung tâm thôn Chùa. Khu đền chính có bình đồ kiến trúc kiểu chữ đinh gồm
tòa tiền tế 3 gian nối tòa hậu cung 2 gian.
Tòa tiền tế được tu sửa vào năm 1929 còn nguyên vẹn nét kiến
trúc đầu thế kỷ XX. Liên kết các khung vì mái kiểu giá chiêng con chồng và vì
kèo cốn mê, trên các cốn mê ở vì nách chạm khắc hình hoa lá, hình tứ linh, tứ
quý có giá trị nghệ thuật.
Điều đặc biệt trên các thân trụ cột tòa tiền tế có các câu đối
chữ Hán ghi về công trạng của vị thần được thờ ở đền: “Sấm động chín tầng trời,
lẫm liệt oai Thần vang bốn bể/ Mưa rơi sáu cõi mênh mông đức Thánh hợp dân
lành”.....Tòa hậu cung có 2 gian nhỏ tu tạo lại vào năm 1909.
Liên kết khung vì mái đơn giản kiểu vì kèo cột ván và chồng
con nhị, các cấu kiện kiến trúc không chạm khắc nhưng còn đượm màu thời gian cổ
kính. Trong hậu cung đặt ngai thờ bài vị thờ thần Tri Nông và các đồ thờ tự
khác.
Đền Tam Động Vọng. Ảnh: Ngọc Dưỡng
Cùng với giá trị văn hóa vật thể, xung quanh ngôi đền còn có
nhiều giá trị văn hóa phi vật thể quý giá liên quan tới tín ngưỡng thờ thần Tri
Nông. Đền Tam Đông Vọng xưa có tên là nghè Nong. Lúc đầu nhân dân địa phương chỉ
dựng bốn cột tre trên che một cái nong, dưới đặt bát nhang tôn thờ thần Tri
Nông nên nhân dân vẫn gọi là nghè Nong.
Sang thời Lê, nghè Nong được dựng bằng bốn cột đá xanh (hiện
vẫn còn ở cổng đền) có lợp mái ngói và đến thời Nguyễn được nâng cấp tu sửa
mang hình dáng như hiện nay.
Nghè Nong được gắn với câu chuyện truyền thuyết về một cặp vợ
chồng ông bán cá con ngủ trưa tại một rừng lim (địa danh đền Tam Đông Vọng hiện
nay) được thần linh báo mộng nếu lập đền tôn bát nhang làm lễ cầu đảo thì trời
sẽ cho mưa thuận gió hòa. Vợ chồng ông bán cá cùng dân làng lập đền tôn bát
nhang làm lễ cầu đảo, ngay sau đó trời cho mưa lớn, nước chảy chan hòa khắp đồng
điền trang ấp, nhân dân có nước cầy cấy cuộc sống được ấm no hạnh phúc.
Từ đó dân làng tôn thờ thần Tri Nông, đến đời vua Khải Định
thứ 2 (năm 1917), thần Tri Nông được ban tặng sắc phong; nhân dân địa phương
theo lệ cũ thờ Tri Nông đại thần vốn được ban tặng mỹ tự Quang Ý Dực bảo Trung
hưng, Trung đẳng thần. Theo truyền thuyết, thần đã có công giúp nước che chở
muôn dân vô cùng linh ứng.
Là trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng nơi tập trung vọng
về cầu đảo của nhân dân ba thôn nên nghè Nong đã được đổi thành đền Tam Đông Vọng.
Hàng năm vào ngày 10 tháng 10, nhân dân địa phương tổ chức sự lệ tại đền có tế
lễ và tổ chức các trò chơi văn hóa dân gian để tôn vinh tưởng nhớ tới vị thần
Tri Nông đã có công giúp nước che chở cho dân.
Vào những năm hạn hán
dân làng lập đàn làm lễ cầu đảo. Hội cầu đảo thường tổ chức ba ngày, cũng có
năm chỉ làm lễ cầu đảo một hai ngày thì trời đã có mưa. Tu lễ cầu đảo có xôi,
rượu, hoa quả, trầu cau, nước và một con chó đen tuyền. Một cụ cao niên làm
chúa hội có trách nhiệm điều hành nghi lễ và cầm mõ đi giao từ đầu làng đến cuối
làng rồi lại quay về đền vào các buổi sáng và chiều tối những ngày làm lễ cầu đảo.
Chúa hội đi trước đánh mõ giao, dân làng đi theo sau. Chúa hội
đi chậm dân làng đi chậm, chúa hội đi nhanh dân làng đi nhanh, chúa hội chạy
dân làng cũng chạy theo. Sau khi đánh một hồi ba tiếng mõ thì lại giao: “Hội hội
chúa hội đi giao/Đồng điền hạn hán khô khan/Xin ông bà Tri Nông bát nước/Đầy đồng
cho con họ làm ăn/Cho phong điều vũ thuận”.
Những năm lập đàn lễ một hai ngày mà trời mưa thì dân làng
không phải đi kéo ngựa, nếu đến chiều ngày thứ ba trời không mưa thì phải đi
kéo ngựa. Ngựa được chúa hội kéo từ đầu làng đến cuối làng nếu ngựa chóng chết
thì trời mưa ngay nếu ngựa không chết thì phải một hai ngày sau trời mới mưa.
Lễ kéo ngựa diễn ra hết ba ngày hai đêm. Ngựa không chết được
kéo về đền thịt làm lễ tạ cùng với xôi gà. Ngựa thịt làm lễ tạ chỉ được luộc
không được cho các gia vị khác. Buổi lễ có nghi thức "độc đảo vũ văn"
tức đọc văn cầu đảo.
Đây là tín ngưỡng thờ nhiên thần tức thờ thần tự nhiên trong
tín ngưỡng nông nghiệp của người dân địa phương. Do nhu cầu cần mưa thuận gió
hòa giúp cho việc sản xuất nông nghiệp được tốt của nhân dân địa phương. Người
dân đã tôn thờ các vị nhiên thần vì đã có công giúp đỡ che chở cho muôn dân.
Tín ngưỡng thờ nhiên thần có ở rất nhiều nơi, ngay ở vùng đất
Lương Phong ngoài đền Tam Đông Vọng còn có đình Hậu thờ thần tứ Pháp tức mây,
mưa, sấm, chớp. Việc tôn thờ thần nông nghiệp qua nhiều hình thái khác nhau đã
thấy như thờ nữ thần nông nghiệp, thờ bông lúa, thờ mây, mưa, sấm chớp....và tục
thờ thần Tri Nông cũng được coi là một trong những hình thái tín ngưỡng đó.
Đây là nét văn hóa độc đáo của ngươi dân địa phương, khẳng định
sự phong phú đa dạng về hình thức tôn thờ trong tín ngưỡng nông nghiệp của người
Việt ở Hiệp Hòa, Bắc Giang.
Đồng Ngọc Dưỡng