Tại làng cổ Đông Sơn, Thành phố Thanh Hóa, ngày 3-3 âm lịch hàng năm diễn ra lễ hội truyền thống tưởng nhớ công lao của vị phúc thần có công tập hợp nhân dân chống giặc ngoại xâm. Vậy nhưng, hơn 20 năm qua kể từ khi được công nhận là di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia, ngôi đền này lại thờ sai thần chủ.
Di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia sai cả thần hiệu và thần
tích
Theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa năm 1994, đền thờ Đức
Thánh Cả tại làng Đông Sơn, phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa được công nhận là di
tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia, thờ hai vị Lê Uy và Trần Khát Chân.
Ngôi đền thờ sai thần chủ.Ảnh: phạm Ngọc
Thần phả tại đền ghi về Thánh cả Lê Uy là con ông Lê Thuận
và bà Trần Thị Mỹ, ngài có công cầm quân đánh giặc Chiêm Thành vào thời nhà Lý
(thế kỷ thứ XI-XII). Còn Thánh lưỡng Trần Khát Chân cũng là anh hùng chống giặc
Chiêm Thành xâm lược Thăng Long vào thế kỷ thứ XIV.
Thế nhưng, các chứng cứ lịch sử được thu thập đã chứng minh
đây là ngôi đền thờ Chàng Ất Đại Vương, ngài có tên húy là Lê Hữu, con trai út
của Thái thú Lê Ngọc.
Sinh ra và lớn lên tại làng cổ Đông Sơn, ông Nguyễn Văn Vệ,
Bí thư Chi bộ làng Đông Sơn, phường Hàm Rồng và ông Lương Đại Dũng, tác giả cuốn
sách “Làng cổ Đông Sơn”, hiện đang cư trú ở Hà Nội, gần 10 năm qua đã bỏ công sức
tìm hiểu, sưu tầm, chứng minh sự thật này.
Cứ liệu tường minh nhất, chính là bài vị và 31 sắc phong viết
bằng chữ Hán hiện vẫn lưu trong hậu cung của ngôi đền. Với những băn khoăn của
mình, Lương Đại Dũng khi viết cuốn “Làng cổ Đông Sơn”, đã bàn với hội đồng
làng, ông thủ từ và báo cáo với UBND phường Hàm Rồng, cho phép chụp ảnh bài vị
và các sắc phong đưa ra Hà Nội nhờ dịch.
Kết quả cho thấy rõ Thần hiệu tại đền Đức Thánh Cả chính là
con trai thứ 3 của Thái thú Lê Ngọc thời Tùy Đại Nghiệp (602-618) có tên húy là
Hữu, tước vị Tham Xung Tá Quốc.
Các tài liệu cổ cũng chứng minh cho điều đó. Sách “Thanh Hóa
chư thần lục”, sách “Các vị thần thờ ở xứ Thanh”, sách “Địa chí Nông Cống”,
sách “Khảo sát văn hóa huyện Đông Sơn”... cũng chứng minh rằng ngôi đền cổ tại
làng Đông Sơn thờ Tham Xung Tá Quốc.
Sách cổ ghi rằng: Vào thời Tùy Đại Nghiệp, ở quận Cửu Chân
có vị Thái thú tên là Lê Ngọc, ông lấy vợ người Đô Lương (Hoan Châu) Nghệ An
ngày nay. Ngài sinh được 4 người con (3 trai, 1 gái). Năm 618, nhà Đường diệt
nhà Tùy.
Thái thú Lê Ngọc cùng các con đã kêu gọi nhân dân chống lại
sự xâm lược của nhà Đường. Trong cuộc chiến đấu đó, người con út là Lê Hữu,
danh hiệu Chàng Ất Đại Vương đã chiến đấu anh dũng hơn cả. Ngài “tả xung hữu đột”
chống lại quân nhà Đường, sau một thời gian, do quân nhà Đường quá mạnh, ngài
đã hy sinh.
Người làng Đông Sơn còn truyền tụng một câu truyện thần kỳ.
Chuyện kể rằng: Có một người cầm giáo, cưỡi ngựa hồng chạy đến địa phận làng
Đông Sơn, lúc đó là trang Đông Cương Thượng, gặp bà bán quán hỏi: Bà có thấy ai
bị chặt rơi đầu, lắp lại vẫn sống không? Bà bán quán trả lời: Từ thuở nhỏ đến
nay tôi chưa thấy ai như thế bao giờ, nếu có chỉ là Thánh. Bà bán quán vừa dứt
lời thì người ngồi trên lưng ngựa ngã xuống và tắt thở. Ngày Ngài hóa là 3-3 âm
lịch.
Dân làng xây đền thờ Ngài ở gần Mả Tắt, cạnh chân núi Voi,
cuối làng Đông Sơn, cạnh bờ sông Mã... Tương truyền rằng, vua Trần Thái tông
khi thân chinh đi dẹp giặc Chiêm Thành, qua quãng sông Mã đối diện trên bờ sông
dựng đền thờ Ngài, thuyền ngự không thể tiếp tục đi, cứ quay tròn tại chỗ.
Nhà vua cho rằng trong vùng có mộ thiêng, nên cho lính lên bờ
tìm hiểu và thấy đền thờ Ngài. Nhà vua kính cẩn cáo trước đền rằng: Mong Ngài
phù hộ, đánh thắng giặc ngoại xâm, lúc quay về sẽ tạ ơn. Lời thỉnh cầu đã linh
nghiệm, khi thắng trận trở về nhà vua đã phong sắc chỉ, truyền cho dân làng sửa
lại đền để thờ phụng, chọn vị trí đẹp để chuyển đền về nơi yên tĩnh và phong
thưởng “Thượng đẳng phúc thần” để nhân dân tôn thờ muôn thuở.
“Quả bóng trách nhiệm” trên con đường trả lại thần hiệu
Trong quá trình tìm tư liệu, thông tin phục vụ cho cuốn sách
“Làng cổ Đông Sơn”, sau khi đã có bản dịch chính xác bài vị và sắc phong tại đền
là của Chàng Ất Đại Vương, ông Lương Đại Dũng - tác giả cuốn sách đã đến Cục Di
sản văn hóa, Viện Sử học để kiến nghị và đều được các cơ quan này khẳng định đã
có sai sót trong quá trình làm hồ sơ trình Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ
Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTT&DL)) công nhận đền là “di tích văn hóa
lịch sử” cấp quốc gia.
Ông Dũng được khuyên trở về địa phương làm hồ sơ đề xuất thẩm
định lại từ cơ sở. Từ năm 2007 đến nay, ông Dũng và ông Vệ đã có nhiều đơn đề
nghị kèm theo các tư liệu chứng minh vị thần chủ của đền Đức Thánh Cả là Chàng Ất
Đại Vương gửi đến Sở VHTT&DL; UBND TP Thanh Hóa đề nghị làm rõ nhân vật thờ
tại đền. Tuy nhiên, “quả bóng trách nhiệm được đá vòng vo” khiến việc điều chỉnh
lại thần chủ của ngôi đền kéo dài nhiều năm qua, vẫn chưa được thực hiện.
Ông Nguyễn Xuân Thanh, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL, cho biết:
Mặc dù nhân vật thờ tại đền thờ Lê Uy - Trần Khát Chân đã được xác định là nhầm
lẫn. Cụ thể là, từ ngày 28-5-2012, ban quản lý di tích - danh thắng – đơn vị
chuyên môn trực thuộc sở đã có văn bản báo cáo sở kết quả kiểm tra, xác minh
các nội dung, trong đó nêu rõ sự nhầm lẫn nhân vật thờ tự tại đền: “Sau khi
nghiên cứu sắc phong của đền, bức Thánh vị (đặt trong hậu cung) thì đền thờ Lê
Uy - Trần Khát Chân là nơi thờ vị thần Tham Xung Tá Quốc tôn thần, họ Lê, húy
là Hữu (vị thần này còn được dân gian gọi với một cái tên khác là chàng Út Đại
Vương, con trai thứ 3 của Thái thú Lê Ngọc, sống dưới thời Tùy Đại Nghiệp...)”.
Tuy nhiên, do đây là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia
nên việc điều chỉnh cần phải có thời gian, quy trình, trong đó quan trọng nhất
là việc phải xây dựng một bộ hồ sơ lý lịch của đền để làm cơ sở trình UBND tỉnh,
UBND tỉnh sẽ trình Bộ VHTT&DL để điều chỉnh.
Cũng theo ông Thanh thì việc lập hồ sơ phải được làm từ cơ sở,
do chính quyền địa phương chủ động, Sở VHTT&DL có trách nhiệm hướng dẫn.
Nhưng trong vấn đề này, UBND TP Thanh Hóa thiếu nhiệt tình, dẫn tới quá trình
chỉnh sửa bị chậm trễ.
Tuy nhiên, trong buổi làm việc với UBND TP Thanh Hóa, đại diện
phòng văn hóa mặc dù có thừa nhận trong quá trình giải quyết chỉnh sửa có lúng
túng, nhưng lại cho rằng nhiệm vụ lập hồ sơ chủ động là việc của Sở
VHTT&DL. Hơn nữa, từ năm 2012 đến 2014, UBND thành phố đang thực hiện lập dự
án tu bổ, tôn tạo di tích đền thờ; do vậy, việc đề nghị các cấp có thẩm quyền
cho phép nghiên cứu, bổ sung, chỉnh sửa nội dung lý lịch, điều chỉnh nhân vật
thờ tại di tích, hoàn thiện hồ sơ khoa học di tích chưa thực hiện được.
Mới đây nhất, ngày 20-3-2016, sau nhiều lần gửi đơn lên
chính quyền các cấp và Sở VHTT&DL mà chưa được giải quyết, ông Nguyễn Văn Vệ
và ông Lương Đại Dũng lại tiếp tục nộp đơn lên Sở VHTT&DL. Thấy sự chậm trễ
của chính quyền địa phương trong công tác phối hợp kéo dài từ nhiều năm qua, Sở
VHTT&DL đã có công văn trình UBND tỉnh về việc sửa đổi, bổ sung nội dung lý
lịch, hoàn thiện hồ sơ khoa học di tích lịch sử văn hóa đền thờ Lê Uy - Trần
Khát Chân.
Ngày 19-4-2016, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đăng Quyền đã có
chỉ đạo: Giao UBND TP Thanh Hóa nghiên cứu, phối hợp với Sở VHTT&DL tham
mưu văn bản trình UBND tỉnh đề nghị Bộ VHTT&DL xem xét, thỏa thuận chủ
trương, cho phép sửa đổi, bổ sung nội dung lý lịch, hoàn thiện hồ sơ khoa học
di tích lịch sử văn hóa đền thờ Lê Uy - Trần Khát Chân để triển khai thực hiện
theo quy định.
Một di tích cấp quốc gia, một cơ sở tâm linh còn được bảo tồn
nguyên vẹn cả về vật thể và phi vật thể (lễ hội làng vẫn được duy trì hàng
năm), do đó, việc điều chỉnh thần chủ của đền Đức Thánh Cả cần sự phối hợp, vào
cuộc thật sự trách nhiệm của các cấp, ngành chức năng.
Minh Hằng
và Ngọc Hải
Nguồn: Người làm báo Thanh Hóa