Quê hương Phú Thọ nói chung, Đền Hùng nói riêng còn để lại nhiều dấu ấn của một vùng Đất Tổ và buổi đầu dựng nước Văn Lang. Những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể rất phong phú.
Đền Thượng có tên trong ngọc phả Hùng Vương là “Kính Thiên Linh Điện” (linh thiêng và linh ứng) tọa lạc ở địa hình cao nhất khu di tích lịch sử Đền Hùng. Hàng năm đến ngày lễ hội các đồng chí đứng đầu Đảng, Nhà nước ta về đây thắp hương tưởng niệm các vua Hùng có công dựng nước rất long trọng.
Hùng Vương là giai đoạn lịch sử thứ ba của kỷ Hồng Bàng Thị, sau Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân. Hùng Vương là thời kỳ mở đầu dựng nước của lịch sử dân tộc Việt Nam được các triều đại phong kiến tự chủ phong tặng những mỹ tự ghi ở bài vị thờ cúng Đền Thượng.
Đền Thượng có 4 ngai thờ, trong đó 3 ngai bố cục cao nhất ở hậu cung xếp hàng chữ nhất nhìn ra cửa chính (hướng Nam) ngai giữa (trung vị) Ngài có cương vị cao nhất bài vị 34 chữ mỹ tự. “Đột ngột, Cao Sơn, Hiển, Hùng ngao, Thống thuỷ, Điện an, Hoằng tế, Chiêu liệt, Ứng thuận, Phả hộ, Thần minh, Thọ quyết, Ứng quảng huệ y, Diễn vệ, Hàm công, Thánh vương vị”.
(Vũ Thị Kim Oanh - Viện Hán Nôm) giải nghĩa như sau: Đột ngột (chót vót), Cao Sơn (núi cao), Hiền (linh hiển), Hùng ngao (phô bày vẻ oai hùng), Thống thuỷ (nắm giữ đầu mối), Điện an (giữ cho yên ổn), Hoằng tế (Che chở khắp nơi), Chiêu liệt (làm rõ công đức), ứng thuận (giúp đỡ lẽ phải), Phả hộ (che chở giúp đỡ), Thần minh (sáng suốt), Quảng huệ (ơn rộng lớn), Diễn vệ (Giúp đỡ che chở rất nhiều), Hàm công (Có nhiều công lao).
Ngai bên trái (tả vị) “Viễn Sơn Thánh Vương Vị” ngai bên phải (hữu vị): “Ất Sơn thánh vương vị” Theo Bùi Văn Nguyên trong sách “Cội nguồn trăm họ” (2002 - 108) nhà XB khoa học - Xã hội thì ngai giữa thờ Hùng Quốc Vương - vị vua khai quốc hồng đồ: Đột ngột, Cao Sơn, ngai bên trái thờ Hùng Việp (Hoặc Diệp) Vương húy là Bảo Lang; “Viễn Sơn Thánh Vương” con trưởng Hùng Quốc Vương; ngai bên phải thờ Hùng Hy Vương, Húy là Viên Lang “Ất sơn thánh vương”, con trưởng Hùng Hy Vương, cháu Hùng Quốc Vương. Đó là 3 vị đứng đầu các Vua Hùng. Chính vì vậy mà đền Thượng có đại Tự “Triệu Cơ Vương Tích” dấu tích nền móng của vua, mặt trước đền có bốn chữ “ Nam - Việt - Triệu - Tổ” mở đầu nước Nam. Ba ngôi thờ ấy còn thờ thần 3 ngọn núi thiêng dân gian gọi là: “Tam sơn cấm địa” đó là Núi Hùng (đột ngột cao sơn); Núi Vặn (Viễn Sơn) Núi trọc (Ất Sơn). Tục thờ thần núi là lớp văn hóa thờ thần thiên nhiên rất cổ, nó xuất hiện từ thời kỳ Thị tộc, Thị tộc tảo kỳ. Ngai thứ tư nhỏ hơn, bố trí thấp hơn 3 ngai trên, tọa ở góc phải hướng nhìn phía Đông Nam (được gọi là ngai thờ Hai Cô).
Ảnh: Minh Xuân/Đền Miếu Việt
Thời kỳ nguyên thuỷ con người phải dựa vào thiên nhiên, hòa hợp với thiên nhiên, họ quan niệm con người có sự sống thì thiên nhiên cũng có linh hồn nên chủ nghĩa Tô tem cũng ra đời thời kỳ ấy, Việt Nam nhận mình là “con Rồng cháu Tiên”. Những cái gì trực tiếp đến sự sống con người thì được con người sùng bái như đất, núi, rừng, nước ... Theo từ điển “Tiếng việt” của viện ngôn ngữ học “Thị tộc”: Tổ chức cơ sở xã hội nguyên thủy, bao gồm nhiều gia đình lớn cùng một tổ tiên, gắn với chế độ quần hôn (con trai của Thị tộc này giao hợp với con gái của Thị tộc kia, và ngược lại. Từ đó nảy sinh mẹ đẻ ra con không biết bố là ai, xã hội tổ chức theo dòng máu mẹ mà sinh ra chế độ Mẫu hệ. Vậy là thờ thần núi gắn liền với chế độ mẫu hệ (thờ mẫu). Về văn hóa thờ thần núi có thể phối thờ với thờ mẫu, chúng cùng phát sinh thời kỳ lịch sử xã hội Thị tộc. Về thờ thánh mẫu theo tục lệ Việt Nam có ở khắp nơi cư trú của cộng đồng người Việt trong và ngoài nước, có nơi thờ độc lập như đền bà Âu Cơ ở Hiền Lương - Hạ Hòa - Phú Thọ; bà Liễu Hạnh ở phủ Dày Nam Định... nhưng cũng có nơi phối thờ bên cạnh chùa hoặc đền, với một bàn thờ khiêm tốn nhỏ ở một góc, nó thường được xây bên cạnh có ao, hồ, sông, suối, hoặc ở biển quay mặt về nguồn nước nơi tụ thủy. Bởi tụ thủy là tụ nhân là tụ phúc mong làm ăn thịnh vượng.
Theo tục lệ đó và những điều nói trên đối chiếu với hướng ban thờ để góc phải nhìn về hướng Đông Nam nơi có 3 dòng sông Hồng, Lô, Đà, hội tụ thì ban thờ thứ 4 ở đền Thượng - Đền Hùng hẳn là thờ Mẫu rồi.
Có ý kiến cho rằng thờ mẫu ở đền Thượng là thờ bà Âu Cơ, hoặc thờ công chúa Tiên Dung Ngọc Hoa nhưng ta không thấy có nhân xưng (không có bài vị) lại không có đại tự, không có câu đối kèm theo. Theo tôi đó là thờ Mẫu chung thời nguyên thủy chế độ thị tộc Mẫu quyền.
Thờ đền Thượng ta thấy dấu vết của hai lớp văn hóa lớp thờ thần Thiên nhiên gắn với thờ mẫu, và lớp văn hóa thờ nhân thần người có công với đất nước. Đó cũng là dấu tích đặc thù miền đất Tổ - Đền Hùng - Phú Thọ. Trong đền Thượng còn có câu đối:
Vế phải: “Thiên thư định phận, chính thống triệu minh đô, Bách Việt sơn hà tri hữu tổ”.
Vế trái: “Quang nhạc hiệp linh cố cung thành tụy miếu, tam giang khâm đái thượng triều tôn”.
Dịch nghĩa: “Sách trời đã định chính thống dựng kinh đô non sông Bách Việt đã có tổ. Núi sáng linh thiêng cố cung lập thành miếu, ba sông một dải hướng về nguồn”.
(Dịch và hiệu đính: Nguyễn Hữu Mùi, Đỗ Thị Hảo - Viện nghiên cứu hán nôm).
Đứng trước linh điện đền Thượng, nghe âm hưởng huyền diệu của quá khứ vọng về như là một nguồn sáng bừng lên trong tim mỗi khi dâng hương cầu xin vua Hùng ban phúc, reo một niềm tin thiêng liêng cao cả.
Nguyễn Xuân Đài
Nguồn: Báo Phú Thọ