Mang trong mình lối kiến trúc độc đáo, tọa lạc ngay bên cạnh dòng sông Lô lịch sử, đền Hạ tại Thành phố Tuyên Quang là một trong những địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của miền Bắc.
Đền Hạ Tuyên Quang thờ Mẫu Thoải, nằm ở 53, phố Lý Nam Đế,
phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang. Địa danh nơi đây còn gọi là Tam Cờ nên
đền thường được gọi là Đền Mẫu Tam Cờ. Ngôi đền này nằm trên vùng đất ngày xưa
có tên là Hiệp Thuận, nên đôi khi còn gọi là Đền Hiệp Thuận.
Đền Hạ là nơi thờ Đức thánh Mẫu Thượng thiên.
Đền Hạ Tuyên Quang, chính là nơi phát tích của Mẫu Thoải, tức
Mẫu Đệ Tam
Đặc biệt, tín ngưỡng thờ Mẫu vốn là một nét sinh hoạt văn
hóa tâm linh có từ lâu trong lịch sử và gắn bó mật thiết với người dân Tuyên
Quang ở các di tích đền Hạ, đền Thượng, đền Mẫu Ỷ La hàng năm thu hút hàng triệu
du khách bốn phương.
Tương truyền “Thượng thác Ghềnh, Hạ cầu Chả”
Đền Hạ còn có rất nhiều tên gọi khác nhau, bắt đầu từ thời
Lý được gọi là đền Tam Kỳ, vì lúc đó Tam Kỳ là nơi hội tụ buôn bán của khách Bắc
Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ tập trung tại đây. Tới thời Trần, đề được đổi tên thành
Hiệp Thuận, theo tên thôn Hiệp Thuận thuộc xã Ỷ La, huyện Hàm Yên trước kia.
Đền Hạ là tên gọi cuối thời hậu Lê cho đến ngày nay, vì lúc
này có hai đền cùng được lập một lúc bên bờ tả và bờ hữu sông Lô. Trong nhân
dân vẫn còn lưu truyền câu “Thượng thác Ghềnh, Hạ cầu Chả”, ý là trên thác Ghềnh
có đền Thượng, phía dưới gần cầu Chả có đền Hạ.
Đền Hạ là nơi thờ Đức thánh Mẫu Thượng thiên (được đồng nhất
với Mẫu Liễu Hạnh), là vị đứng trong bộ Tam toà Thánh Mẫu (gồm Mẫu Thượng
thiên, Mẫu Thượng ngàn và Mẫu Thoải) của Đạo Mẫu Việt Nam. Bà còn được người
dân yêu kính, gọi với nhiều tên khác nhau: Mẫu Đệ nhất, Mẫu Thiên hay Tiên
Thiên Thánh Mẫu.
Đền Hạ Tuyên Quang, chính là nơi phát tích của Mẫu Thoải, tức
Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ. Đền Hạ Tuyên Quang chính là khởi nguồn của Đền Dùm (Đền
Thượng) và Đền Ỷ La. Đây là một cụm đền thờ Mẫu Thoải có chung một nguồn gốc.
Lịch sử Đền Hạ, Đền Thượng và Đền Ỷ La Tuyên Quang
Theo sách Đại Nam nhất thống chí, truyền thuyết dân gian kể
lại rằng: Xưa có hai nàng công chúa con vua Hùng là Phương Dung và Ngọc Lân, một
hôm theo xa giá đến bên bờ sông Lô (thuộc thôn Hiệp Thuận) đỗ thuyền. Nửa đêm
trời mưa to, gió lớn, hai nàng đều hoá, nhân dân trong vùng lấy làm linh dị bèn
lập đền thờ. Ban đầu Đền Tam Cờ Tuyên Quang thờ cả hai chị em Công Chúa Phương
Dung và Công Chúa Ngọc Lân. Sau này, Công chúa Ngọc Lân (cô em) được tách ra để
lập thờ tại Đền Dùm. Vì vậy, Đền Tam Cờ được gọi là Đền Hạ, còn Đền Dùm được gọi
là Đền Thượng.
Sau này, khi giặc giã tràn vào Tuyên Quang, nhân dân đã đưa
tượng Mẫu từ Đền Tam Cờ vào Ỷ La và giấu vào một gốc đa. Mấy ngày sau, tại nơi
giấu tượng Mẫu, tại chỗ giấu bức tượng một đống mối đùn lên che gần hết tượng.
Dân chúng cho rằng đó là điềm ứng bèn cùng nhau góp công, góp của để xây đền.
Đó chính là Đền Ỷ La ngày nay.
Như vậy, sự hình thành Đền Mẫu Ỷ La và Đền Thượng đều bắt
nguồn từ Đền Hiệp Thuận, cùng thờ Mẫu Thoải. Trong quan niệm dân gian, Đền Mẫu Ỷ
La là nơi “lánh nạn” của Mẫu, là nơi có địa thế linh thiêng chở che Thánh Mẫu,
là nơi có khả năng bảo toàn cái Thiện, cho nên lễ hội Đền Thượng và Đền Hạ
không tách rời Đền Mẫu Ỷ La. Hai vị Thánh Mẫu đều được thờ phụng ở 3 ngôi đền.
Nhưng Đền Mẫu Ỷ La được chọn là nơi khởi kiệu, Đền Hạ là nơi hợp tế đều có những
nguyên do lịch sử và tín ngưỡng dân gian.
Đền Tam Cờ được xây dựng từ lâu đời, từ lúc nào không rõ,
nhưng được xây dựng quy mô vào năm 1738. Đền Ỷ La xây dựng năm 1747. Đền Dùm được
xây dựng vào năm 1767.
Nếu đây được coi là nơi phát tích của Mẫu Thoải thì hai chị
em công chúa vua Hùng được coi là hai hiện thân của Mẫu.
Theo sách “Đại Nam nhất thống chí” do Quốc sử quán triều
Nguyễn soạn, quyển XXIII, mục Đền miếu chép “Đền thần Ỷ La: Tương truyền đời
trước có hai Công chúa là Ngọc Lân và Phương Dung theo xa giá đi xem xét địa
phương, đỗ thuyền ở bờ sông. Đến đêm nổi cơn mưa gió, hai Công chúa vụt bay lên
trời, người ta cho là linh dị, lập đền để thờ.
Đền thờ Phương Dung Công chúa ở phía hữu ngạn sông Lô thuộc
địa phận xã Ỷ La. Đền thờ Ngọc Lân Công chúa ở phía tả ngạn sông Lô thuộc xã
Tình Húc”. Theo lý giải, “đời trước” ở đây là thời nhà nước Văn Lang, nhân ngày
đẹp trời, hai công chúa Phương Dung và Ngọc Lân đều là con của vua Hùng.
Sự tích về Mẫu Thoải tại Tuyên Quang
"Mẫu Đệ Tam vốn là con gái Vua Thủy Tề, ở chốn Long
Cung. Bà kết duyên cùng Kính Xuyên (là con Vua Đất). Khi Kính Xuyên đi vắng,
bà ở nhà khâu vá, chẳng may kim đâm vào tay chảy máu, lấy tấm vải lụa trắng để
thấm máu. Thảo Mai, tiểu thiếp của Kinh Xuyên, vốn đã sinh lòng đố kị từ lâu,
nhân cơ hội đó giấu tấm lụa đi, đến khi Kính Xuyên về, Thảo Mai lấy ra rồi vu
oan cho bà ở nhà đã cắt máu thề nguyền để tư thông cùng kẻ khác.
Kính Xuyên không nghe lời thanh minh, ghen tuông mù quáng, một
mực bắt đóng cũi bỏ bà lên rừng cho thú dữ ăn thịt. Ở nơi rừng núi, bà được
muôn loài quý mến, dâng hoa quả nước uống cho bà.
Đến một ngày kia thì bà gặp được Liễu Nghị, vốn là thư sinh
quê đất Thanh Miện nhờ tập ấm cha mẹ để lại nên đèn sách chuyên cần. Hôm đó
trên đường đi thi thì chẳng may bị lạc vào nơi bà bị đày ải. Thấy bà vậy, Liễu
Nghị đến hỏi han, sau khi biết rõ sự tình, Liễu Nghị nhận giúp đỡ bà.
Bà đã viết thư nhờ Liễu Nghị mang về đến chốn Long Cung để
vua cha thấu hêt sự tình rồi sẽ định liệu sau. Theo lời bà, Liễu Nghị ra đến
sông Ngân Hán, là mái Long Giai ngoài biển Đông, thấy có cây ngô đồng, Liễu Nghị
rút cây kim thoa, gõ vào cây ba lần. Tức thì gió giật mưa sa, biển động ầm ầm,
giữa dòng thấy hiện lên đôi bạch xà, Liễu Nghị bèn trình bày mọi việc, đôi bạch
xà vâng lệnh đưa Liễu Nghị xuống Thủy Cung.
Tại đây, Liễu Nghị trao cho Vua Thủy Tề bức thư và kể hết mọi
chuyện. Vua cha tức giận, sai người đi bắt Kính Xuyên và Thảo Mai, còn truyền
cho Trưởng Tử Xích Lân lên đón bà về. Sau đó bà được rước về Thoải Phủ, kết
duyên cùng Liễu Nghị, người được giao cho chức Quốc Tế Thủy Quan. (Theo
Bodetam.vn)"
Theo truyền thuyết này thì Mẫu Thoải đã được phát tích ở
vùng đất Tuyên Quang linh thiêng. Đền Hạ, Đền Thượng và Đền Ỷ La đã trở thành một
trong các nơi thờ chính của Mẫu Thoải.
Mẫu Thoải rất có công phù trợ cho các đời vua trước đây. Tại vùng Thường Tín,
Hà Nội có hai đền: Đền Xâm Thị và Đền Dầm là nơi dấu tích Mẫu hiển linh phù vua
Trần Nhân Tông đánh giặc Nguyên. Tại Thanh Hóa có Đền Mẫu Thác Hàn nơi dấu tích
Mẫu Thoải hiển linh giúp vua Lê Hợi chống quân Minh.
Đền Hạ gây ấn tượng ở lối kiến trúc nổi bật và cuốn hút. Đền
được xây dựng theo kiểu nội công ngoại quốc với mặt tiền hướng chính Đông nhìn
thẳng ra sông Lô. Cổng tam quan, gồm 3 cửa
sơn màu đỏ, chỉ được mở vào những ngày lễ hội và những ngày rước Mẫu; hai cửa
phụ mở hàng ngày cho nhân dân địa phương và khách thập phương đến lễ và dự hội;
mái trên tam quan đắp nổi chữ “Hiệp Thuận linh từ” (đền thiêng Hiệp Thuận).
Hệ thống cổng phụ gồm bốn trụ hướng ra bờ sông với nhiều
hình trang trí, trên mỗi đỉnh trụ gắn một con phượng đắp nổi. Nghệ thuật kiến
trúc nổi bật của Đền Hạ là ở phần chạm khắc gỗ. Tất cả cột, kèo, thượng lương,
cửa võng, cửa xếp đều được chạm trổ tinh xảo. Đề tài chính là tứ linh (Long,
Ly, Quy, Phượng), tứ quý (Tùng, Cúc, Trúc, Mai). Trên thân cột chạm hình Long
Giáng thuỷ cung.
Đặc biệt, những hình cây, hoa đục rỗng trên cửa võng có nét
mềm mại như tranh vẽ. Nghệ thuật kiến trúc nổi bật của đền là chạm khắc gỗ công
phu; các cột, kèo, thượng lương, cửa võng, cửa xiếp đều được chạm trổ tinh xảo.
Trong khuôn viên đền có Lầu Cô, Lầu Tế, Tam Phủ, đền Kiếp Bạc, tượng Hưng Đạo Đại
Vương…
Ngoài ra, đền còn lưu giữ được rất nhiều bảo vật lâu đời. Hiện
nay, các bảo vật này có giá trị rất cao. Nổi bật như quả chuông đồng hay khánh
cỡ to cùng với 3 pho tượng cổ. Giá trị nghệ thuật của các tượng thờ cũng rất
đáng chú ý. Gương mặt các pho tượng thờ đều toát lên vẻ thanh tao. Các tư thế của
tay, các nếp khăn áo, các hình trang trí trên đồ thờ như: chuông, khánh, đỉnh đồng…
đều được bàn tay khéo léo của người thợ thể hiện rất sinh động như một tác phẩm
điêu khắc có giá trị. Đền Hạ đã được Nhà nước xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ
thuật cấp Quốc gia.
Trong số các hiện vật cổ của đèn không thể không kể tới 20 đạo
sắc phong từ thời Lê cổ xưa. Trong đó phải kể đến là sắc phong ngày 1 tháng 7
năm Đồng Khánh thứ 2 (1877). Trước khi phong, thần đã có mỹ tự là: Hiệp Thuận,
Minh Khiết, Tĩnh Uyên, Nhàn Uyển phu nhân (chi thần). Điều đó có nghĩa là đã có
nhiều sắc phong từ trước và đến năm Đồng Khánh thần được tặng thêm 2 cặp mĩ tự
là: Dực Bảo, Trung Hưng. Các sắc phong tại đền đều mang đậm dấu ấn của thời
gian với nội dung tính chất văn chương, ca ngợi các phẩm chất cao quý của các
nương thần đã phù trợ cho dân cho nước được thịnh trị, bình an.
Lễ hội rước Mẫu đậm bản sắc Tuyên Quang
Tương truyền rằng, từ khi đền Hạ được dựng lên người dân cầu
đảo phần nhiều ứng nghiệm. Về sau, thế sự trong nước loạn lạc, phải đưa tượng
thần đi lánh nạn nơi đồng xa khuất nẻo. Đất nước yên bình, định rước tượng thần
về thì chỉ thấy gò đất nhỏ hao hao dáng người. Thêm chuyện lạ kỳ, bèn dựng một
ngôi đền thứ ba tại đó là đền Ỷ La.
Đến thời nhà Nguyễn, Tổng đốc Lê Văn Đức cầm quân đánh dẹp
khởi nghĩa Nông Văn Vân vào đền cầu đảo. Thắng trận, hồi kinh, tổng đốc Lê Văn
Đức đem việc tâu lên vua Minh Mạng. Vua xuống chiếu sắc phong cho thần làng Ỷ
La là Hiệp Thuận chi thần, sắc phong thần đền Tình Húc là Hiệp Linh chi thần và
ban cho tế lễ hội từ ngày 11 đến 16/2 Âm lịch. Lễ hội rước Mẫu Đền Hạ, đền Thượng,
đền Ỷ La bắt đầu từ đó. Sau này, lễ hội có bị mai một do chiến tranh nhưng bắt
khôi phục từ năm 2007 và đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc
gia năm 2017.
Lễ hội đền Hạ hàng năm đều thu hút rất nhiều du khách.
Mấy ngày trước lễ, không khí chuẩn bị đã rộn rịp. Nào sắm sửa
đồ lễ, trang phục, tắm gội cho thanh sạch, thơm tho. Tại đền, thủ từ làm lễ Mộc
dục (tắm tượng), lễ Cáo yết. Sáng sớm ngày 12, chiêng, trống nổi lền dồn dã. Tiền
đội là hai chú kỳ lân sắng sởi nhào lộn gây không khí tưng bừng ngay khi đoàn
rước xuất phát.
Đi đầu là kiệu Long đình, sơn son thếp vàng rực rỡ, đặt bài
vị Mẫu đền Ỷ La choàng áo đỏ, che khăn lụa đỏ. Kiệu đặt trên vai bốn thiếu nữ
xinh tươi quần là áo lượt. Hai mươi thanh niên trong đội hộ vệ đầu đội nón dấu,
mặc áo đậu nẹp đỏ, người che lọng, người cầm cờ đi hai bên kiệu.
Theo sau là kiệu Nhang án
do bốn thiếu nữ khiêng, khói trầm nghi ngút, với mâm ngũ quả, cùng nón
ba tầm, khay trầu, gương, lược. Đây là những vật dụng Mẫu thường dùng được đặt
bên bình nhang. Chủ tế, quan viên, các cụ cao tuổi, áo dài, quần the, khăn xếp
đi cùng kiệu. Kiệu Võng đào rước sau cùng, chân kiệu là bốn thiếu nữ. Xen giữa
các kiệu có những thanh niên dáng bộ oai nghiêm cầm biển, biểu, lỗ bộ, chấp
kích, bát bửu.
Đoàn rước đi trong rộn ràng tiếng chiêng, tiếng trống hòa
cùng tiếng kèn, nhị do phường bát âm tấu liên hồi và chỗ nào cũng phấp phới cờ
tiết, cờ mao, cờ ngũ hành. Sau cùng là các bà, các chị mặc áo mớ ba, mớ bảy
cùng khách thập phương nô nức kéo theo tống giá. Dọc hai bên đường các bàn đặt
mâm lễ bày thành hàng, khi kiệu Mẫu rước tới, người người già trẻ nét mặt rạng
rỡ thành kính bái lạy.
Thứ tự giống như thế, cùng thời điểm, đoàn rước Mẫu đền Thượng
khởi hành. Chỉ khác ở chỗ, bài vị Mẫu choàng áo trắng, che khăn lụa trắng. Khi
hai đoàn rước đến, chủ tế đền Hạ ra nghênh đón rồi Bài vị Thánh Mẫu đền Ỷ La
đưa vào đặt bên phải cung, Bài vị thánh Mẫu đền Thượng đặt bên trái. Chủ tế mặc
màu đỏ, bồi tế, nội tán mặc áo màu tím. Tất cả đội mũ kiểu phốc đầu, áo màu
xanh lam tay thụng, quần trắng kiểu ống sớ, đi hia.
Đây là lễ hội cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt
và người người nhà nhà ấm no. Do đó, lễ hội đền Hạ có sức hút rất lớn đối với
du khách và người dân địa phương. Vào mỗi dịp lễ hội có tới hàng nghìn người
tham gia. Bởi ngoài việc tới cầu phúc, cầu bình an cho gia đình, đến đây tham
quan, vãn cảnh chùa cũng sẽ giúp cho con người cảm thấy thư giãn và tĩnh tâm
hơn.
Đoàn rước Mẫu đi đến đâu cũng có nhân dân nô nức ra xem, nhiều
gia đình còn sắp một mâm lễ, đinh tiền, nén nhang chờ đoàn rước đi qua, cầu Mẫu
mang phước lộc đến gia đình mình. Không chỉ xem, ngắm, hàng ngàn người từ trung
niên, những cụ già 70, 80 tuổi đến những em bé cũng tự nguyện ngồi thành hàng dọc
đường để được chui qua kiệu Mẫu.
Người xưa quan niệm được chui qua kiệu Mẫu, người già sẽ có
sức khoẻ, trẻ con hay ăn chóng lớn, người người ăn nên làm ra… Đoàn đi mỗi lúc
một đông, không chỉ có người dân địa phương tham gia mà còn rất đông du khách
thập phương đến tham gia lễ hội đền Hạ.
Sau phần lễ là phần hội với rất nhiều trò chơi dân gian như
đánh tổ tôm, tam cúc, cờ tướng, ô ăn quan, chọi gà, kéo co, hát văn… kéo dài suốt
ba ngày 13, 14, và 15. Đến ngày 16, mọi người cùng làm lễ hoàn cung đưa Mẫu trở
về đền thờ riêng của mình.
Nguồn: Báo Pháp Luật, Đạo Mẫu Việt Nam
Tổng hợp: Ths Nguyễn Thy Ngà