Võ Miếu, số 6 Trưng Trắc, phường Quang Trung, Phố Hiến, thành phố Hưng Yên thờ Quan Thánh Đế tự Quan Vân Trường và phối thờ các vị thần nhân, tiên hiền của Trung Quốc và Việt Nam.
Võ Miếu xưa thuộc phố Nam Hoà, xã Nhân Dục, huyện Kim Động,
tổng An Tảo, phủ Khoái Châu, trấn Sơn Nam Thượng, nay thuộc phố Trưng Trắc, phường
Quang Trung, Thị xã Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên.
Võ Miếu thờ Quan Thánh Đế Quân hay còn gọi là Thượng Hữu Phục
Ma Đại Đế, dân gian thường gọi là Quan Đế hay Quan Công, một nhân vật lịch sử
thời Tam Quốc (Trung Quốc). Quan Công sinh ngày 13 tháng5 âm lịch, là một vị tướng
giỏi, võ nghệ cao cường, khi mất được người dân suy tôn thành bậc thánh nhân và
thờ ở nhiều nơi trên đất nước Trung Hoa.
Võ Miếu là một trong số rất ít di tích của người Hoa khi di
cư sang buôn bán và cư trú tại Phố Hiến xây dựng trong thời kỳ phồn thịnh của
đô thị Phố Hiến, Thế kỷ XVI - XVII còn lại tới ngày nay.
Võ Miếu được xây dựng thời Lê Cảnh Hưng, năm 1740 dương lịch,
được trùng tu tôn tạo nhiều lần thời Hậu Lê và thời Nguyễn. Võ Miếu hiện là sự
hoà trộn giữa hai nền kiến trúc Việt Nam và Trung Quốc.
Toàn bộ khu di tích Võ Miếu được dựng trên tổng diện tích là
612,8m2, kiến trúc kiểu chữ Quốc bao gồm các tòa Tiền tế, Trung từ, Hậu cung và
Hai dãy giải vũ.
Phía Nam khu di tích có cổng nghi môn, là công trình đặc biệt
được lợp ngói mũi, kết cấu vì kèo kiểu giá chiêng chồng rường con nhị, bào trơn
đóng bén đơn giản. Bên ngoài cửa chính diện treo một bức chạm khắc Quan Vũ và hai tùy tướng.
Từ cổng vào, qua sân gạch là tới ba gian Tiền tế, được trùng
tu vào thời Nguyễn niên hiệu Thành Thái thứ 10, năm 1898 dương lịch. Toà tiền tế
được lợp ngói mũi, đỡ các vì kèo hệ thống cột cái đặt trên các viên đá tảng
trang trí hoa văn cánh sen cách điệu. Tiền tế có treo bức đại tự ca ngợi công đức
của Quan Công, dịch hán việt là:
Thiên cổ
vĩ nhân
Bạch nhật
thanh thiên
Đại nghĩa
tham thiên
Dịch nghĩa:
Bậc vĩ nhân
ngày xưa
Đức của thần
toả sáng như trời xanh
Nghĩa lớn thấu
trời
Nối giữa Tiền tế và Hậu cung là toà Trung từ với kết cấu kiến
trúc đơn giản, chạm trổ hoa văn theo phong cách cổ Trung Quốc. Hậu cung có ba
gian mái lợp ngói ta, trang trí bằng hệ thống câu đối sơn son thếp vàng, ca ngợi
nghĩa lớn của Quan Công.
Các vị nhân thần được thờ phụng tại Võ Miếu là sự kết hợp giữa
tín ngưỡng Việt Nam và Trung Quốc với các vị thần nhân được nhân dân kính ngưỡng.
Các ban thờ phụng bao gồm:
Trung Cung ở giữa là Ban công đồng bàn đá và tủ hòm quẻ, bên
trái là Ban thổ công thổ địa, bên phải là ban Mẫu Cửu Thiên Huyền Nữ.
Hậu Cung chính giữa thờ Quan Vân Trường và hai vị Quan Bình
và Châu Thương. Bên trái là ban Trần Triều ghi các bài vị : Chư Thần, Chư Tướng,
Trần Đại Vương, Các Quan Quân Thần, Tiên Cô Nhị Vị. Ban bên phải phía trên là
Ngọc Hoàng Thượng Đế, dưới là các bài vị: Nguyễn Văn Chương, Tôn Thất Hội, Thụy
Chung Kính, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Hữu Giám, Khương Thái Công.
Hai bên hậu cung, bên trái là ban: Lịch Đại Tiên Hiền Chư
Linh, Lịch Đại Hậu Hiền Chư Linh, Tư Mã Công Lê Khôi. Tiếp theo là ban thờ với bài vị các vị: Tư Đạt,
Nhạc Phi, Lý Thạnh, Quách Tử Nghi, Tôn Vũ Tử. Bên phải phía ngoài vào là ban lớn
với bài vị các vị: Gia Cát Lượng, Hàn Tín, Quản Trọng, Trương Lương, Lý Tịnh,
Tư Mã Ý.
Hàng năm, lễ hội ở Võ Miếu được tổ chức vào ngày 13/5 âm lịch.
Xưa kia, dân gian gọi lễ hội ở những nơi thờ Quan Công là “Hội đơn đao” hay
“Quan Công mài đao”.
Những ngày diễn ra lễ hội mà có mưa thì gọi là “Ma đao vũ”
(mưa mài đao), “Tiết vũ” (Tiết mưa). Hội diễn ra rất sôi động với nhiều sự tích
liên quan đến Quan Công.
Ngày nay, lễ hội diễn
ra đơn giản hơn song vẫn thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Năm 1998, di tích
Võ Miếu ở thị xã Hưng Yên đã được Bộ VHTT xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ
thuật.
Nguồn: Báo Hưng Yên