Không chỉ thu hút khách du lịch, những địa danh nổi tiếng trên thế giới là kỳ quan tự nhiên hay là nơi ghi dấu những thành tựu to lớn của loài người. Những điểm đến này có thể chứa đựng trong đó những di sản độc đáo, tồn tại từ thời cổ đại và của các nền văn minh khác nhau. Đến nay, có không ít điểm đến nổi tiếng nhất, có ý nghĩa lớn nhất đang gặp nguy hiểm bởi chính những hành động của con người hay từ sự tàn phá đến từ tự nhiên.
Thành cổ Jerusalem
Thành cổ Jerusalem là một trong những địa điểm có ý nghĩa tâm linh nhất trên toàn thế giới. Các bức tường còn sót lại của các ngôi đền là điểm hành hương chính của những người Do Thái. Trong đó, bức tường phía Tây có tên gọi là Bức tường Than khóc là phần còn lại duy nhất của ngôi đền thứ 2 của Thành cổ, có niên đại từ khoảng năm 20 trước Công nguyên. Thành cổ Jerusalem đã được UNESCO liệt kê vào danh sách các địa điểm văn hóa có nguy cơ biến mất từ những năm 1980 do sự lo ngại về tốc độ đô thị hóa ở khu vực này.
VQG Everglades
VQG Everglades là khu bảo tồn thiên nhiên hoang dã cận nhiệt đới lớn nhất ở Bắc Mỹ. Nó là điểm du lịch yêu thích của người Mỹ trong nhiều thập kỷ qua. Năm 1993, khu vực này bị tàn phá bởi cơn bão Andrew, nhưng nguy cơ lớn nhất đến từ hoạt động của con người. Trong những năm gần đây, tác động của ô nhiễm môi trường, lưu lượng nước dẫn đến Everglades giảm mạnh khiến hệ sinh thái, hệ động thực vật tại đây bị đe dọa nghiêm trọng.
Rạn san hô Great Barrier
Rạn san hô khổng lồ ngoài khơi bờ biển Australia đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi hiện tượng tẩy trắng san hô - một tác động đến từ biến đổi khí hậu. Điều này gây hại cho hệ sinh vật biển phong phú và làm mất đi màu sắc của nơi được coi là kỳ quan dưới nước này. Đến nay, Great Barrier vẫn là hệ sinh thái rạn san hô lớn nhất trên thế giới, nhưng các nhà khoa học đã cảnh báo rằng thiệt hại cho rạn san hô sẽ không thể phục hồi trong 10 năm tới.
Công viên quốc gia Glacier
Công viên quốc gia Glacier nằm ở Montana, nơi chứa đựng những kỳ quan thiên nhiên ngoạn mục. Do biến đổi khí hậu, 25 dòng sông băng hiện nay tạo nên Glacier là những gì còn lại của 150 dòng sông băng trước kia. Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ, chúng ta có thể là một trong những thế hệ cuối cùng được ngắm các sông băng bởi những gì còn lại có thể bắt đầu biến mất sớm nhất vào năm 2030.
Đền Taj Mahal
Đền Taj Mahal là một cấu trúc nguyên khối bằng đá nằm ở Agra, Ấn Độ. Do tác động ô nhiễm từ sự quá tải khách du lịch, quá trình công nghiệp hóa diễn ra ở khu vực xung quanh đã làm thay đổi bề mặt nguyên sơ của đền. Hơn nữa, ruồi sinh sản ở sông Yamuna bị ô nhiễm nặng đang phá hoại đến môi trường của Taj Mahal. Tòa án tối cao Ấn Độ đã tuyên bố có thể đóng cửa điểm tham quan đền Taj Mahal nếu không thực hiện tốt công tác bảo tồn.
Di tích Machu Picchu
Nằm ở miền nam Peru, Machu Picchu là tàn tích của một tòa thành bằng đá khổng lồ được người Inca xây dựng từ thế kỷ 15. Machu Picchu được coi là một trong những điểm đến không thể bỏ qua ở Nam Mỹ. Cũng chính vì thế, điểm đến này đang trong tình trạng quá tải khách du lịch. Khách du lịch đã gây ra những tác động bất lợi, làm mòn các công trình kiến trúc bằng đá trong quá trình tham quan. Ngoài ra, khu vực xung quanh Machu Picchu trong những năm gần đây còn đối mặt với quá trình đô thị hóa, lở đất và hỏa hoạn… đã tác động trực tiếp tới di tích.
Đỉnh núi Kilimanjaro
Bản thân núi Kilimanjaro nằm ở Tanzania không có nguy cơ gì nhưng chỏm tuyết mang tính biểu tượng nằm trên đỉnh núi có thể sẽ biến mất sớm nhất vào năm 2030 do biến đổi khí hậu. Nghiên cứu chỉ ra rằng, 85% diện tích bề mặt của tuyết bao phủ trên đỉnh núi đã tan chảy từ năm 1912 đến năm 2007.
Pháo đài Portobelo-San Lorenzo
Mặc dù không có lịch sử lâu đời, nhưng Pháo đài Portobelo-San Lorenzo nằm trên bờ biển Panama được coi là có ý nghĩa lịch sử lớn. Pháo đài Portobelo – San Lorenzo được xây dựng bởi người Tây Ban Nha trong hơn 2 thế kỷ (từ năm 1590) nhằm bảo vệ các tuyến đường biển thương mại. Portobelo-San Lorenzo hiện đang phải đối mặt với quá trình đô thị hóa trên đất liền, bờ biển bị thu hẹp và xói mòn do tác động tự nhiên. Công tác bảo tồn di tích này cũng gặp khó khăn bởi nhiều nguyên nhân.
Di tích Hatra
Hatra nằm ở vùng Al-Jazīrah của Baghdad, Iraq. Là thủ đô của vương quốc Ả Rập đầu tiên, Hatra là một địa điểm có ý nghĩa lịch sử to lớn trong quá trình hình thành các quốc gia ở khu vực này. UNESCO đã xếp Hatra vào tình trạng nguy cấp bởi chiến tranh đã phá hủy các cấu trúc, các bức tượng, những di tích còn sót lại của di sản thế giới này.
Di tích Nan Madol
Được coi là viên ngọc kiến trúc của thế giới cổ đại, Nan Madol có từ những năm 1200 trải dài trên những hòn đảo ở phía Đông Bắc của Papua New Guinea. Trong suốt những năm 1200 đến những năm 1500, những người bản địa trên đảo đã xây dựng một “thành phố trên mặt nước” từ các tảng đá san hô và đá bazan. Năm 2016, UNESCO đã xếp Nan Madol vào danh sách các điểm có nguy cơ biến mất bởi bão tố, tác hại của mực nước biển dâng và các loài thực vật xâm lấn làm biến mất các cấu trúc của di tích.
Nếu chọn đến thăm một trong những điểm đến trên, hãy đảm bảo đối xử với chúng một cách cẩn thận nhất! Hãy tôn trọng, không chạm vào bất cứ thứ gì không được phép và có những hành động cụ thể để góp phần bảo tồn những điểm đến có nguy cơ biến mất nêu trên.
Lê Hải lược dịch theo Reader’s Digest