là tài liệu lưu trữ quý, hiếm. Ảnh: Tùng Long.
Theo tục lệ, cứ vào ngày 1/3 âm lịch hàng năm, nhân dân cụm Ngọc Trì -
Thạch Bàn lại tổ chức lễ hội đền Trấn Vũ. Lễ hội thường kéo dài từ mồng 1
đến mồng 3 với các nghi thức rước kiệu từ Nghè Đằng lên đền, dâng
hương, kéo co ngồi và các hoạt động văn hóa văn nghệ.
Năm nay ngoài nghi lễ dâng hương, tế lễ
thường niên, địa phương còn long trọng tổ chức lễ đón nhận quyết định
của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội công nhận “23 đạo sắc phong tại đền Trấn Vũ
là tài liệu lưu trữ quý, hiếm”.
23 đạo sắc phong được công nhận dịp này
đều là bản gốc, được làm từ giấy dó, có niên đại từ thời Cảnh Hưng
(1740) đến thời Bảo Đại (1940). Các sắc phong đều có xác nhận bằng ấn
triện của nhà vua mang nội dung công nhận có tính nhà nước, đồng thời
thể hiện quyền lực của triều đình đối với các làng, xã. Đạo sắc phong
được xem như là một loại văn bản pháp quy chính thống của Nhà nước phong
kiến lúc bấy giờ.
Ông Ngô Quang Khải - Trưởng ban Quản lý
đền Trấn Vũ cho biết, bên cạnh ngôi đền Trấn Vũ có bề dày lịch sử, kéo
co ngồi được công nhận là Di sản phi vật thể của nhân loại thì 23 đạo
sắc cũng là một niềm tự hào của người dân địa phương. Việc 23 đạo sắc
phong đền Trấn Vũ được công nhận là tài liệu lưu trữ quý, hiếm… sẽ khiến
cho trách nhiệm của cả cộng đồng trong việc bảo tồn, gìn giữ những di
sản văn hoá mà ông cha để lại nâng cao lên.
Theo ông Ngô Quang Khải, nội dung của
các đạo sắc đa phần ca tụng công lao của đức thánh Trấn Vũ và sự linh
thiêng của di tích đền Trấn Vũ. Ngoài ra, nhà vua cũng ban chỉ dụ yêu
cầu nhân dân phải hương khói phụng thờ đối với đức thánh Trấn Vũ.
“Cho đến giờ phút này, các đạo sắc của
đền vẫn được giữ nguyên vẹn. Trước đây, khi chưa phối hợp với UBND TP.
Hà Nội, Sở Nội vụ và Trung tâm Lưu trữ Quốc gia thì hàng năm chúng tôi
sẽ chọn một ngày nắng đẹp nhất của mùa thu, mắc màn giữa sân đền để hong
khô chống ẩm cho đạo sắc, sau đó lại cất vào rương.
Tuy nhiên, đợt này, nhờ công nghệ hiện
đại của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia nên việc bảo quản đã nhẹ nhàng hơn
nhiều. Bên cạnh đó, các thông tin về đạo sắc cũng được số hoá để mọi
người dân dễ cập nhật.
Quyết định của UBND TP. Hà Nội về việc
công nhận 23 đạo sắc là cơ sở pháp lý để các sắc phong không bị xâm hại
và được bảo quản chặt chẽ hơn”, ông Khải bày tỏ.
Theo Dân Trí