Hội nghị bộ trưởng du lịch bốn quốc gia Campuchia, Lào, Myanmar, VN lần thứ nhất diễn ra tại TP.HCM đã thống nhất các chương trình về phát triển sản phẩm, quảng bá xúc tiến, phát triển nguồn nhân lực và tranh thủ sự hợp tác quốc tế để thúc đẩy du lịch của bốn quốc gia.
Cam kết phối hợp phát triển này đã tạo ra sức sống mới, được xem như một chương trình hành động của các quốc gia về du lịch.
|
Du khách tham quan một gian hàng của VN tại Hội chợ du lịch quốc tế ITE 2012 - Ảnh: T.T.D. |
Trong đó, các bộ trưởng thống nhất đặt mục tiêu đến năm 2015, du lịch bốn quốc gia sẽ đón 25 triệu lượt khách quốc tế, khách nội vùng đi lại là 4 triệu khách (năm 2011 lượng khách quốc tế trong khu vực là 12,3 triệu lượt, khách nội vùng 2,1 triệu lượt). Đặt ra mục tiêu này các bộ trưởng đã đề ra những biện pháp, chương trình làm việc cụ thể:
Thúc đẩy du lịch nội vùng phải xúc tiến các chương trình quảng bá, trao đổi các đoàn fam trip, các đoàn đại biểu du lịch, doanh nhân du lịch... tìm hiểu, giới thiệu tiềm năng du lịch trong nội vùng đến người dân bốn nước.
Tập trung đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch đường bộ, đường thủy, đường hàng không tạo nên sự thuận lợi trong đi lại trong nội khối, từ đó tạo cơ hội phát triển tốt du lịch nội vùng.
Đối với các thị trường du lịch quốc tế, các bộ trưởng đã quyết tâm tập trung khai thác tối đa các thị trường du lịch trọng điểm gần về mặt địa lý như Đông Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), người tiêu dùng có mức độ chi xài du lịch rất cao.
Nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề này, các bộ trưởng đều nhấn mạnh cần phải có sự phối hợp song phương, đa phương hiệu quả hơn để tổ chức các chương trình hành động, quảng bá đến nguồn du khách ở thị trường Đông Bắc Á.
Cụ thể là thị trưởng các thành phố TP.HCM, Phnom Penh (Campuchia), Vientiane (Lào) trong lần họp đầu tiên triển khai Tuyên bố chung hợp tác du lịch bốn nước và Tiểu vùng sông Mekong đã bàn bạc các hình thức liên kết tổ chức các chương trình roadshow để quảng bá xúc tiến chung, giới thiệu sự đa dạng, đặc sắc của các nền văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực... của cả ba thành phố lớn đến thị trường du lịch tiềm năng ở Đông Bắc Á ngay trong năm 2013. Đây là một trong những đột phá của ngành du lịch TP.HCM và thành phố sẽ có đầu tư ban đầu cho việc này.
Tạo ra các sản phẩm du lịch mới, tăng cường kết nối đường bộ, bên cạnh sự đa dạng của các đường bay nối liền các thành phố, trung tâm du lịch lớn của các nước hay hệ thống đường bộ xuyên Á cũng là cách để làm tăng thêm tính hấp dẫn của sản phẩm du lịch bốn quốc gia này. Đó là kết nối đường bộ từ TP.HCM sang Phnom Penh, rồi từ đây sang Thái Lan bên cạnh con đường xuyên Á kéo dài từ Myanmar, Thái Lan, Lào, Quảng Trị (VN).
Trong các điểm đến trong khu vực châu Á, các quốc gia thuộc tiểu vùng sông Mekong (trừ Thái Lan) vẫn đang ở giai đoạn bắt đầu phát triển, cơ sở hạ tầng chưa đầy đủ, công nghệ du lịch còn chưa thật sự chuyên nghiệp,... Tuy nhiên sự phong phú, độc đáo mà đa dạng của các quốc gia ở khu vực này lại trở thành tiềm năng du lịch rất hấp dẫn không chỉ thị trường du lịch châu Âu, Mỹ mà ngay các thị trường Đông Bắc Á cũng hết sức quan tâm đến những điểm đến ở khu vực này.
Mục tiêu thu hút 25 triệu lượt khách quốc tế từ nay đến năm 2015 sẽ là một trong những mục tiêu có giá trị, rộng mở cho các quốc gia thuộc vùng trũng du lịch của khu vực. Nhưng nếu chỉ là quyết tâm thôi chưa đủ mà phải có các chương trình cụ thể, quyết tâm của các chính quyền địa phương mục tiêu này mới có thể trở thành hiện thực.
Nguồn : Tuổi trẻ