Dân trí - Phần lớn những địa danh này đã biến mất do chịu tác động của điều kiện thời tiết trong suốt thời gian dài.
Vòm đá Darwin (Ecuador)
Giữa tháng 5 vừa qua, vòm đá tự nhiên được đặt theo tên nhà sinh vật học nổi tiếng Darwin có hình dạng cây cầu đã bất ngờ đổ sụp xuống Thái Bình Dương. Nguyên nhân được xác định là do các quá trình ngoại sinh như phong hóa, xói mòn,... Cấu trúc vòm đá này hiện chỉ còn lại 2 cột trụ và phần vòm nối giữa 2 chi tiết này đã sụp đổ.
Vòm đá Darwin - thuộc quần đảo Galapagos, nằm cách bờ biển Ecuador khoảng 1.000 km có chiều cao 43m, dài 70m, rộng 23m, là Di sản Thế giới được UNESCO công nhận (Ảnh: People).
Sông băng Chacaltaya (Bolivia)
Lần cuối cùng người ta nhìn thấy những dấu vết của sông băng Chacaltaya là vào 26/10/2009. Khi sông băng 18.000 tuổi này tan chảy, khu nghỉ mát có vị trí cao nhất thế giới ở đây cũng buộc phải đóng cửa theo.
Dù được các nhà khoa học dự đoán sẽ tan chảy hoàn toàn vào năm 2015 nhưng sông băng này đã chính thức bị "xóa sổ" vĩnh viễn nhanh hơn dự kiến. Nguyên nhân được cho là nhiệt độ tăng nhanh do biến đổi khí hậu đã đẩy nhanh quá trình tan chảy này (Ảnh: CGTN).
Sông Slim (Canada)
Toàn bộ con sông thuộc Yukon, Canada đã "bốc hơi" chỉ sau một đêm vào mùa xuân năm 2017 do sự thay đổi dòng chảy. Phần nước tan chảy của sông băng Kaskawulsh vốn đổ về sông Slim đã chuyển hướng sang con sông khác. Theo các nhà khoa học, đây được gọi là hiện tượng "cướp sông" đầu tiên trong thời hiện đại.
Những thay đổi này cũng đang thu hẹp hồ lớn nhất của Yukon. Bạn có thể nhìn thấy đường bờ biển rút đi của Hồ Kluane dọc theo Quốc lộ 1 của Alaska và từ các điểm trong Khu bảo tồn và Vườn Quốc gia Kluane (Ảnh: The Guardian).
Biển Kaimu (Hawaii, Mỹ)
Khoảng 150 ngôi nhà và bãi biển cát đen Kaimui ở đảo Hawaii đã bị vùi lấp vào đầu những năm 1990 do dòng dung nham từ ngọn núi lửa Kilauea tràn qua làng Kalapana. Nó vẫn tiếp tục phun trào và cho đến nay đã bổ sung thêm hơn 500 mẫu đất mới cho hòn đảo lớn. Hiện tại, địa danh này vẫn thu hút du khách nhờ nỗ lực phục hồi ngành du lịch của người địa phương. (Ảnh: LA Times).
Tảng đá Voi (Canada)
Khoảng 200 tấn đá bất ngờ sụp đổ, biến địa điểm nổi tiếng trên vịnh Fundy (Canada) này trở thành đống đổ nát vào năm 2016. Theo Cottage Life, tảng đá và lối đi ở giữa được hình thành nhờ thủy triều. Qua thời gian, nước thủy triều đã bào mòn tảng đá và tạo cho nơi này hình thù đặc biệt. Lý do của sự sụp đổ này được cho là liên quan đến vấn đề xói mòn (Ảnh: Huffpost).
Hầm thân cây (California, Mỹ)
Pioneer Cabin là cây cù tùng nổi tiếng ở Công viên Calaveras Big Trees (California, Mỹ). Gần gốc cây có một hốc lớn, được khoét vào thập niên 1880. Tuy nhiên, vào năm 2017, cây này đã bị đổ do điều kiện thời tiết khắc nghiệt của mùa đông (Ảnh: The New York Times).
El Dedo de Dios (Tây Ban Nha)
Địa danh nằm trên quần đảo Canary (Tây Ban Nha) là một khối đá tàn dư cao khoảng 30m với phần đỉnh chóp cao như một ngón tay giơ lên từ bàn tay. Bởi vậy mà nó được đặt tên là "ngón tay của Chúa". Năm 2005, cơn lốc xoáy đầu tiên tràn qua đây sau 150 năm đã làm gãy đổ phần đỉnh của tuyệt tác thiên nhiên này và khiến nó rơi xuống biển (Ảnh: Hippostcard).
Thảo Trinh
Theo National Geographic