Tổ Quốc - Tối 13/7, tại khu vực Tượng đài Lý Thái Tổ và khu vực Tượng đài Cảm Tử đã diễn ra chương trình nghệ thuật nhân kỷ niệm 20 năm Thủ đô Hà Nội được UNESCO vinh danh “Thành phố Vì hòa bình”. Nhiều tiết mục đặc sắc của miền Trung đã thu hút đông đảo người hâm mộ Hà Nội.
Tại khu vực Tượng đài Lý Thái Tổ, đã diễn ra chương trình nghệ thuật
mang đậm màu sắc di sản do các nghệ sĩ tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam
đã diễn với các tiết mục như: Nhã nhạc cung đình Huế, múa hát chầu văn,
hò Huế "Cảnh đẹp Huế đô", múa cung đình "Lục cúng hoa đăng", trình diễn
nghệ thuật bài chòi, múa hát bá trạo…
"Lục cúng hoa đăng" là một điệu múa quan trọng nằm trong hệ thống các vũ
khúc cung đình của triều Nguyễn. Đây là điệu múa có nguồn gốc từ lâu
đời và đến hôm nay dù trải qua thời gian với bao biến cố của lịch sử,
nhưng nó vẫn tồn tại, tuy không còn nguyên vẹn như những gì ban đầu nó
vốn có.
"Lục cúng hoa đăng" là 6 lần cúng, tương ứng với mỗi lần cúng là dâng
lên một thứ lễ vật như: Hương, Hoa, đăng, trà, qủa, thực. "Những đại lễ
và vũ khúc vua chúa Việt Nam" "Lục cúng hoa đăng" có từ thời cổ do các
vị sư Ấn Độ truyền vào nước ta và "Lục cúng hoa đăng" được biểu diễn ở
các chùa lớn thuộc hạt Thuận Thành, Văn Lâm, Mỹ Hào, Yên Mỹ, Thường Tín…
Nơi thờ Phật Tứ Pháp gồm: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Diện. Đây
là 4 vị Phật giúp cho dân có được mùa lúa tốt.
Nghi thức múa "Lục cúng hoa đăng" tại các chùa ngày xưa do hai vị tăng
mặc áo cà-sa màu vàng, đầu đội mũ thất – phật trình diễn. Khi múa hai vị
sư chỉ cử động hai cổ tay để kiết ấn, xả ấn, hai bàn chân khẻ rê đi dàn
ra theo hình chữ "nhật" (lúc dâng hương), hình liên hoa bốn cánh (lúc
dâng hoa), hình chữ "á" (lúc dâng đăng), hình chữ "thủy" (lúc dâng trà),
hình chữ "vạn" (lúc dâng quả) và hình chữ "điền" (lúc dâng thực).
Khán giả thủ đô được thưởng thức nét văn hóa độc đáo từ cố đô Huế.
"Lục cúng hoa đăng" là một loại hình nghệ thuật kết hợp nhuần nhuyễn giữa âm nhạc, vũ đạo và ca từ.
Nội dung cụ thể và sự sinh động của nó chỉ được truyền đạt trọn vẹn qua
sự trình diễn trong một môi trường cụ thể mà nó đang xảy ra.
Âm nhạc, ánh sáng và ngôn ngữ tạo hình từ những người nghệ sĩ khiến khán giả thủ đô trầm trồ thán phục.
Ngoài được thưởng thức nghệ thuật cung đình Huế, khán giả thủ đô đã được nghe hát Hát bài chòi Quảng Nam.
Chơi bài chòi thực hiện theo mỗi chòi con (10 chòi) được phát 3 con bài,
trên thân bài có tên con bài, tất cả là 30 con bài. Ở chòi trung tâm có
một ống tre lớn dùng để đựng bài cái. Khi trống thúc liên hồi báo hiệu
hội bài chòi bắt đầu, những người đánh bài chòi vào chòi con, tay cầm 3
con bài do họ tự chọn lựa ngẫu nhiên. Anh hiệu (người hô) bước ra ống
thẻ cái, xóc đi xóc lại rồi chậm rãi rút từng con bài. Mỗi lần rút bài
anh hiệu hô tên con bài.
Chòi nào có đúng quân bài đó thì người chơi cầm mõ gõ lên ba tiếng cắc-
cắc-cắc hoặc xướng to lên "ăn rồi" thì anh hiệu sẽ nói lính phụ việc đến
trao cho một cây cờ đuôi nheo nhỏ. Đến lúc chòi con nào ăn đủ 3 con
(được 3 cờ) thì hô "tới" và gõ một hồi mõ kéo dài, lúc này trống tum,
trống cán ở chòi trung tâm đánh vang lên. Thông thường cuộc chơi từ 8
đến 10 hiệp là hết một ván bài chòi, lưu lại một hiệp/ván cho Ban tổ
chức dùng để chi phí và sau đó tiếp tục kẻ bước xuống người bước lên
chòi chơi ván khác.
Khán giả thủ đô vô cùng thích thú với nét văn hóa dân gian vui vẻ của người Quảng Nam.
Tên con bài là những tên gọi nôm na, tinh nghịch, tiếng Nôm có, tiếng
Hán có... Tên gọi đã mang tính hài hước còn về hình vẽ con bài thì ẩn dụ
nhiều ý nghĩa. Người ta chơi bài chòi không chỉ tìm thú vui giải trí
trong ba ngày Tết mà còn muốn nghe đến "nghiền" lối hô bài chòi độc đáo,
là phần cốt lõi, thu hút người chơi và hấp dẫn nhất.
Lời hô hát bài chòi truyền khẩu trong dân gian từ đời này qua đời khác,
nó phản ánh tư duy thẩm mỹ bình dân của cư dân nông nghiệp. Sau này cũng
chính từ dân gian đúc kết lại để ra đời các làn điệu dân ca Nam Trung
Bộ như: xuân nữ, xàng xê, cổ bản, hò Quảng...
Trước đó, vào ngày 7/12/2017, tại Hàn Quốc, Ủy ban Liên Chính phủ
UNESCO về bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể đã ra Nghị quyết
đưa "Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam" vào danh sách Di sản văn
hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Bảo Trung