DIFF 2017 đã trải qua 4 đêm thi vòng loại với sự tranh tài của 8 đội
đến từ Áo, Nhật, Thụy Sĩ, Trung Quốc, Anh, Úc, Ý và đội chủ nhà Đà Nẵng -
Việt Nam. Thành phần Ban giám khảo (BGK) gồm các họa sĩ, nhạc sĩ nổi
tiếng tại Việt Nam cũng như đại diện các Đại sứ quán, trung tâm văn hóa
nước ngoài và các tổ chức quốc tế am hiểu về các loại hình nghệ thuật.
Trong quá trình làm việc, BGK cũng được sự tư vấn xác đáng, kịp thời từ
Công ty tư vấn Global2000.
Mỗi đêm trình diễn có 5 vị giám khảo làm việc độc lập, chấm điểm dựa
trên 5 tiêu chí do Công ty tư vấn Global2000 đưa ra và được UBND thành
phố thống nhất gồm: tính độc đáo, thiết kế và chủ đề của màn trình diễn;
sự phong phú, đa dạng về hiệu ứng và cường độ màu sắc; quy mô và chất
lượng của màn trình diễn, khả năng tận dụng sáng tạo khu vực bắn; âm
nhạc, sự đồng bộ giữa âm nhạc và phần trình diễn; phần kết thúc và ấn
tượng chung của màn trình diễn.
Tại buổi họp sáng 4-6, với sự chủ trì của Phó Chủ tịch Thường trực
UBND thành phố, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, Trưởng ban tổ chức DIFF
2017 Đặng Việt Dũng, BGK đã nghe tổng hợp điểm của các đội thi, 3 đội có
số điểm cao nhất theo thứ tự bảng chữ cái tiếng Việt là đội Anh, Úc và Ý
chính thức giành quyền thi đấu tại đêm chung kết DIFF 2017.
Đêm chung kết DIFF 2017 với chủ đề “Mộc” được tổ chức ngày 24-6. Lễ
trao giải sẽ diễn ra ngay sau phần trình diễn của cả ba đội. Mỗi đội
tham gia đêm chung kết sẽ được trao chứng nhận, riêng đội chiến thắng sẽ
được nhận cúp vô địch DIFF 2017 và giải thưởng trị giá 10.000 USD. Các
đội giải nhì và giải ba được nhận giải thưởng trị giá lần lượt là 5.000
USD và 3.000 USD.
Màn trình diễn của đội Ý - một trong 3 đội vào chung kết DIFF 2017. Ảnh: ĐẶNG NỞ
Bữa tiệc trọn vẹn, đầy cảm xúc
Trước đó, tối 3-6, đêm thứ 4 DIFF 2017 với chủ đề “Thủy” diễn ra với
màn tranh tài đầy gay cấn của hai đội Úc và Ý. Không ngoài sự chờ đợi
của hàng ngàn khán giả, hai đội Úc và Ý mang đến những màn trình diễn ấn
tượng theo đúng nghĩa bữa tiệc âm thanh và ánh sáng. Cùng chung ý tưởng
thể hiện triết lý Ngũ hành bằng pháo hoa và âm nhạc, nhưng mỗi đội lại
có những cách thể hiện sống động và lôi cuốn riêng biệt.
Đội pháo hoa đến từ xứ sở chuột túi đã đưa khán giả khám phá cội
nguồn của Ngũ hành. Đó là sự sinh ra của đất, nước, rừng, núi non và
lửa. Năm yếu tố làm nên vạn vật được đội Úc thể hiện khéo léo bằng âm
nhạc và ánh sáng pháo hoa. Đặc biệt, khán giả vô cùng phấn khích và bất
ngờ trước màn pháo hoa có hình tượng núi lửa phun trào của đội Úc. Sắc
màu đỏ và cam của pháo hoa tỏa sáng trên trời cao rồi in bóng xuống dòng
sông Hàn tạo cảnh tượng hùng vĩ, như bóng Ngũ Hành Sơn đang chở che cho
người dân Đà Nẵng.
Trong khi đó, phần trình diễn của đội Ý thể hiện rõ thông điệp về sự
hòa hợp giữa con người và thiên nhiên. Âm nhạc từ từ cất lên, nhẹ nhàng,
đưa khán giả vào câu chuyện về Ngũ hành. Không dồn dập như đội Úc, pháo
hoa của đội Ý thong thả khắc họa bức tranh đầy màu sắc bên bờ sông Hàn.
Khán giả chăm chú dõi theo từng bông pháo để rồi ồ lên thích thú khi
những dòng thác vàng rực rỡ từ từ tuôn chảy từ trên cao chạm xuống mặt
sông.
Những quả pháo tầm thấp, tầm trung và pháo trên mặt nước bung nở, hòa
quyện với những giai điệu của nhạc pop, nhạc không lời..., đưa khán giả
lạc vào xứ sở của âm thanh và màu sắc. Những tràng pháo tay và lời ngợi
khen của khán giả dành cho những màn pháo đẹp của đội Ý phần nào cho
thấy sự nỗ lực của toàn đội đã được đền đáp.
An toàn tuyệt đối
Điều ngoài mong đợi không chỉ đến từ hai đội tham gia trình diễn mà
còn là công tác bảo đảm an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông, môi
trường. Thượng tá Lê Văn Lực, Phó phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) -
Công an thành phố Đà Nẵng cho biết, trong đêm “Thủy”, lực lượng đã nỗ
lực hết sức để tạo đường thông hè thoáng cho người đi xem pháo hoa. Ở
các trục đường dẫn vào đường Bạch Đằng và Trần Hưng Đạo, CSGT phối hợp
với các lực lượng khác chốt chặn và cắt đường phụ thuộc vào lượng người
đi xem.
Kết thúc đêm “Thủy”, khi người dân ra về, lực lượng CSGT đã điều
tiết, phân luồng; nhờ đó dòng người ra về trật tự, ổn định. Lượng phương
tiện giao thông được giải phóng nhanh sau một thời gian ngắn. “Có thể
khẳng định, trong đêm “Thủy” cũng như các đêm trước, tình hình giao
thông bảo đảm rất tốt”, Thượng tá Lê Văn Lực nhìn nhận. Bên cạnh đó,
công tác bảo đảm an ninh trật tự trong đêm “Thủy” cũng được thắt chặt.
Lực lượng Cảnh sát hình sự, Công an các phòng nghiệp vụ, các đơn vị tiến
hành bảo đảm ở hầu hết các địa điểm. Do đó, các đối tượng cướp giật,
móc túi không dám lộng hành.
Rút kinh nghiệm tại 3 đêm thi trước, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) cùng
với chính quyền các quận Sơn Trà, Hải Châu quyết liệt trong công tác vận
động, tuyên truyền, cho ngư dân cam kết không dùng tàu thuyền chở người
xem pháo hoa. Lãnh đạo Ban tác chiến – BĐBP thành phố cho biết, trong
đêm “Thủy”, BĐBP đã triển khai toàn bộ lực lượng để làm nhiệm vụ trên
bờ, trên sông nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho cho người và phương
tiện, ngoài tàu du lịch đậu đúng vị trí thì ngư dân cũng đã chấp hành
tốt các quy định.
Trong khi đó, với ý thức cao của người dân nên lượng rác thải phát
sinh trong đêm “Thủy” rất ít. Theo ghi nhận của chúng tôi, ngay cả khi
còn người xem pháo hoa, lượng rác thải cũng không đáng kể. Ông Trần Văn
Tiên, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng cho biết, ý
thức bảo vệ môi trường trong lễ hội của người dân Đà Nẵng ngày được
nâng cao. Trước đây, sau mỗi đêm kết thúc pháo hoa để lại ngổn ngang
rác, nay khác hẳn. Trong khi đó, để bảo đảm môi trường, công ty cũng đã
cử công nhân tranh thủ dọn dẹp rác thải cần thiết ngay cả khi đang diễn
ra cuộc thi. Sau khi kết thúc đêm “Thủy”, toàn lực lượng công nhân đã
vào cuộc dọn dẹp vệ sinh môi trường trên các tuyến đường. Đến gần 2 giờ
ngày 4-6, đường phố sạch đẹp trở lại…
THU HÀ - NGỌC PHÚ - THANH TÌNH