Đến Ba Bể mờ sương, bản Pác Ngòi hiện ra với những nếp nhà sàn cổ nghiêng mình soi bóng mặt nước hồ.
Tếng hát then, tiếng đàn tính dìu dặt ngân xa bay bổng cùng màn sương huyền ảo. Đó là điều quyến rũ nhất ở khu du lịch đậm bản sắc văn hóa người Tày.
Có thể nói, thế mạnh du lịch Ba Bể không phải là những khách sạn năm sao sang trọng, không phải là những con đường hào nhoáng ánh đèn, cũng không có đầy rẫy nhà hàng ăn uống linh đình, không có sòng bạc điện tử. Ba Bể dưới con mắt khách du lịch là một vùng nguyên sơ, một nơi mà những ồn ào của thế giới hiện đại chưa len lỏi được đến đây. Ba Bể đẹp ở khung cảnh tĩnh lặng, ở màu xanh bạt ngàn của hệ sinh thái rừng hồ, ở những nét văn hóa đặc sắc rất riêng của các dân tộc vùng hồ Ba Bể.
Đây sẽ là nơi lý tưởng để thả hồn cùng thiên nhiên, để thư giãn, để thanh lọc tâm hồn cho những người vốn đã quá căng thẳng nơi ồn ào phố thị. Ba Bể đẹp, Ba Bể hấp dẫn du khách còn thể hiện ở chỗ kích thích sự khám phá những nét văn hóa của người Tày cổ mà suốt ngàn đời nay, người dân vùng hồ còn giữ hầu như nguyên vẹn. Những nếp nhà sàn, những chiếc áo chàm, cây đàn tính, kể cả giọng nói, tiếng cười cũng là của họ. Không có một sự pha tạp nào len lỏi được vào thế giới riêng, nguyên sơ, huyền bí mà đời ông, đời cha, đời con họ gắng công gìn giữ.
Đến Ba Bể, ở những nhà nghỉ sinh thái của hai bản Pác Ngòi và Bó Lù, du khách vừa được ngắm hồ, vừa hít thở bầu không khí trong lành vừa được nghe hát then, nghe tiếng đàn tính của người Tày bản địa. Đó là xu hướng phát triển du lịch cộng đồng hiện nay.
Đội văn nghệ thôn Pác Ngòi được thành lập năm 2007 do dự án Bảo tồn giá trị truyền thống văn hóa bản Pác Ngòi xã Nam Mẫu thực hiện. Từ khi được thành lập, đội vẫn duy trì hoạt động và biểu diễn cho du khách, nhất là khách nước ngoài. Đội văn nghệ với những hạt nhân tiêu biểu như chị Thỏa, chị Bính, bà Trâm… đã làm nức lòng du khách bởi những điệu then, điệu lượn mượt mà, sâu lắng của dân tộc mình.
Bên cạnh đó, Ba Bể còn ẩn chứa rất nhiều giá trị văn hóa, ẩm thực hấp dẫn du khách. Tôm chua Ba Bể, cá chép hồ om măng chua, thịt gà gừng nghệ, cá nướng, chân giò hầm lá mác mật là những món ăn mà hầu hết các nhà nghỉ sinh thái ở vùng hồ đều có thể đáp ứng. Ngoài ra, vào dịp lễ hội, du khách còn được thưởng thức các loại bánh gio, bánh trời, xôi ngũ sắc, trứng vịt xanh đỏ, được xem đánh yến, đánh còn, xem chọi bò và đua thuyền độc mộc.
Cuộc sống của người dân vùng hồ giản dị, mộc mạc chân chất với những nghề gắn liền với vùng sông nước như nghề đan chài, đan lát và dệt thổ cẩm nhưng cũng kích thích sự khám phá của du khách. Theo số liệu thống kê của Dự án Bảo tồn giá trị truyền thống bản Pác Ngòi xã Nam Mẫu, hiện nay còn rất nhiều gia đình gìn giữ và phát huy nghề truyền thống như: nghề dệt thổ cẩm bao gồm hộ bà Nguyễn Thị Điềm, Hoàng Thị Sao, Hoàng Thị Liên, đan lát có các hộ Đồng Văn Cuổng, Hứa Văn Mu, Hứa Văn Hợp, nghề đan chài, lưới có các hộ Triệu Văn Sinh, Hứa Văn Khoa, Triệu Văn Trưởng, Hứa Văn Mu....
Các tấm vải thổ cẩm chiếm được sự quan tâm đặc biệt của du khách. Thổ cẩm của người Tày khá đặc sắc với những nét hoa văn không phải dân tộc nào cũng có được. Một tấm áo chàm, một chiếc túi thổ cẩm điệu đà, một chiếc khăn quàng sặc sỡ sẽ là những món quà tuyệt vời cho khách phương xa đem về làm quà tặng cho người thân và bè bạn. Nghề đan chài lưới, đánh cá trên thuyền độc mộc cũng là một nét văn hóa độc đáo. Còn gì tuyệt vời hơn khi buổi sớm tỉnh giấc, du khách được nghe tiếng lượn cọi vang lên hào sảng của một anh nông dân đang chèo thuyền độc mộc trở về với đầy ắp khoang thuyền cá sau một đêm thả lưới thành công.
Tất cả những nét độc đáo đó đã làm nên một vùng Ba Bể nguyên sơ mà sâu lắng. Đến Bắc Kạn, đến hồ Ba Bể, dù chỉ ăn một bữa cơm với gia đình người Tày, ngủ một đêm ở nhà sàn người Tày, tận hưởng không khí trong lành mà ấm cúng, du khách sẽ “lòng lưu luyến bước chân xuống thuyền…” như câu then say đắm mà thiếu nữ Tày vừa hát./.
Nguồn : Báo Bắc Kạn