PHAN HUY XU, PGS.TS. Trường Đại học Văn Lang
VÕ VĂN THÀNH ThS. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn,
Trong thời gian gần đây, du lịch tâm linh là một trong những
loại hình du lịch văn hóa đang gia tăng, con người ngày càng tìm đến các giá trị
tâm linh và khám phá ra những điều bí ẩn trong nội tâm.
Theo đánh giá của Tổ chức du lịch Thế giới năm 2007, du lịch
tâm linh là phân khúc thị trường phát triển nhanh nhất mặc dù nó không thể định
danh được rõ ràng. Du lịch tâm linh sẽ là một trong những xu hướng chính của du
lịch thế giới vì nhu cầu liên quan đến cá nhân như khỏe khoắn về thể chất, lành
mạnh về tinh thần cùng với những trải nghiệm tâm linh ngày càng cao.
Theo báo cáo của lãnh
đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam tại Hội nghị Quốc tế Du lịch tâm
linh vì sự phát triển bền vững ở Ninh Bình (2013), Việt Nam đang hướng đến phát
triển du lịch tâm linh và đạt được những thành tựu nhất định trong thời gian vừa
qua. Bài viết này, chúng tôi bàn thêm về tiềm năng và thực trạng du lịch tâm
linh, những giải pháp cần thiết để du lịch tâm linh nước ta phát triển bền vững.
1. Đặt vấn đề
Mùa xuân đang về trên đất nước ta, mùa của
trẩy hội và du lịch tâm linh. Có thể nói, nhu cầu du lịch tâm linh của du khách
trong nước càng phát triển. Du lịch tâm linh ở Việt Nam không phải là loại hình
du lịch mới lạ và có nhiều bài viết đề cập đến du lịch tâm linh. Tuy nhiên,
trong bài này chúng tôi thấy cần làm rõ một số luận điểm như khái niệm về du lịch
tâm linh, tiềm năng và thực trạng phát triển du lịch tâm linh của nước ta cũng
như những giải pháp cần thiết để du lịch tâm linh nước ta phát triển bền vững.
2. Nội dung
2.1. Một số khái niệm liên quan đến loại
hình du lịch tâm linh
Khái niệm đúng (Right conception) sẽ dẫn đến nhận thức đúng
(Right awareness) và hành động đúng (Right action). Đây là luận điểm mà chúng
tôi quan tâm đến du lịch tâm linh trong bài viết này. Du lịch tâm linh là gì?
Trước hết, chúng tôi thấy cần đề cập đến tâm linh là gì khi đi vào loại hình du
lịch tâm linh.
Đến nay, có nhiều định nghĩa khác nhau về tâm linh, nhưng
chúng tôi nhận thấy ý kiến của giáo sư Daniel H. Olsen, Trường Đại học Brandon,
Canada là khá đầy đủ. Ông đã tóm tắt một số khía cạnh khác nhau của tâm linh
như sau: 1) “Tìm kiếm các điều vượt ra ngoài khuôn khổ bản thân; 2) Tìm kiếm cảm
giác về sự tồn tại và ý nghĩa của sự tồn tại; 3) Con đường đạo lý giúp con người
hướng đến sự hoàn thiện cá nhân; 4) Việc trải nghiệm một sự vật, hiện tượng gắn
với cái tự nhiên, thực chất và cái đẹp; 5) Cảm nhận về sự gắn kết với bản thân,
những người khác và các quyền lực, năng lượng mạnh mẽ hơn hoặc các thực thể rộng
lớn hơn; 6) Quan tâm và gắn bó với các thực thể và giá trị vượt ra ngoài bản
ngã cá nhân; 7) Mang tính siêu việt, siêu hình gắn với ký ức riêng của từng người;
(8) Làm phong phú thêm kiến thức và tình yêu; (9) Vượt lên sự ích kỷ cá nhân
thiếu lành mạnh, sự đối lập, chuyên quyền, hướng tới suy nghĩ tích cực, lành mạnh,
bao dung và đoàn kết” [2, tr.33-34]. Như vậy, cách hiểu về tâm linh của Daniel
H. Olsen rất rộng, chúng ta có thể dựa vào để bàn đến đặc điểm của loại hình du
lịch tâm linh. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn những khoảng mở trong lý luận và nhận
thức về tâm linh.
Du lịch tâm linh là loại hình du lịch văn hóa, lấy yếu tố
văn hóa tâm linh làm mục tiêu nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm linh của con người
trong đời sống tinh thần. Daniel H. Olsen cũng cho rằng, du lịch tâm linh có thể
bao gồm các yếu tố của du lịch tôn giáo, du lịch hành hương. Khách du lịch tâm
linh có thể hoặc không liên hệ rõ ràng với truyền thống tôn giáo quen thuộc [2,
tr.36].
Du lịch tâm linh cũng khai thác những yếu tố văn hóa tâm
linh trong quá trình diễn ra các hoạt động du lịch, dựa vào những giá trị văn
hóa vật thể và phi vật thể gắn với lịch sử hình thành nhận thức của con người về
thế giới, những giá trị về đức tin, tôn giáo, tín ngưỡng và những giá trị tinh
thần đặc biệt khác.
Dưới góc nhìn văn hóa, du lịch tâm linh (Spiritual tourism)
là hình thức đặc biệt của du lịch văn hóa, dựa vào các yếu tố tâm linh để tạo
nên những cảm xúc và trải nghiệm về sự linh thiêng, từ đó củng cố đức tin, cân
bằng trí tuệ, tinh thần, hình thành những suy nghĩ tích cực của con người
[1, tr.268]. Theo tác giả Norman A, du lịch tâm linh thường gắn với cá nhân và mang
tính cá nhân sâu sắc. Một trong những đặc tính của du lịch tâm linh là nhằm tìm
kiếm những giá trị tâm linh tốt đẹp và tìm kiếm chính mình thông qua con đường
nội tâm riêng của chính mình thay cho việc tập trung với cộng đồng tôn giáo [2,
tr.35].
Du lịch tâm linh cũng gắn với niềm tin, nâng cao đức tin,
nâng cấp đời sống tâm linh của mỗi cá nhân theo hướng chân, thiện, mỹ tức con
người luôn hướng tới chân lý (đúng đắn), cái đẹp về đạo đức (tức thiện) và cái
đẹp (cả về mặt thể chất và tinh thần/tâm hồn). “Xét về nội dung và tính chất hoạt
động, du lịch tâm linh thực chất là loại hình du lịch văn hóa, lấy yếu tố văn
hóa tâm linh vừa làm cơ sở, vừa làm mục tiêu nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm linh của
con người trong đời sống tinh thần” [6, tr.64].
Du lịch tâm linh đến các thắng tích sẽ giúp con người tháo gỡ
được các cảm xúc khổ đau, tài bồi tâm trí và tinh thần minh triết. Du lịch tâm
linh rất cần thiết cho con người trong xã hội hiện đại với nhiều bức xúc, ưu
tư, trầm cảm, mất niềm tin, cảm thấy lạc lõng trong cuộc sống, bao gồm cả hành
trình tìm kiếm các giá trị văn hóa truyền thống lẫn tìm lại chính mình.
Du lịch tâm linh ở một góc độ khác chính là việc quy ngưỡng
các bậc khai sáng tôn giáo, các bậc hiền triết, trí tuệ siêu việt trong lịch sử
nhân loại. P. J. Abdul Kalam (1931-2015) cố Tổng thống Ấn Độ cho rằng, “Du lịch
tâm linh hoàn toàn khác với việc tham quan các địa danh. Du lịch tâm linh có
nghĩa là thăm viếng trái tim và tâm trí của những bậc hiền triết”.
Du lịch tâm linh nhấn mạnh sự tự nhận thức, chăm sóc sức khỏe
và đổi mới (về mặt tinh thần). Du lịch tâm linh tham quan nơi ở, làm việc
của những người đặc biệt nổi tiếng ở phương diện cá nhân trong lịch sử. Tham
quan những địa điểm có ý nghĩa tôn giáo, nơi chiêm nghiệm, thiền định,…
Du lịch tâm linh là sản phẩm của sự kết hợp giữa cơ sở tín
ngưỡng, văn hóa, di sản, doanh nghiệp và cộng đồng. Tuy nhiên, để mang lại sự
trải nghiệm du lịch tâm linh thực sự có ý nghĩa cho du khách, cần có sự tham
gia của doanh nghiệp, cộng đồng địa phương vào hoạt động nhằm cung cấp các dịch
vụ thiết yếu và bổ sung như vận chuyển, ăn uống, mua sắm, tham gia của chính
quyền địa phương trong kiến tạo và duy trì cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp,
đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách [3, tr.19].
Tác giả Nguyễn Văn Tuấn nêu Một số đặc điểm của du lịch tâm
linh ở Việt Nam mà chúng tôi thấy phù hợp với tình hình du lịch tâm linh ở Việt
Nam: (1) Du lịch tâm linh gắn với tôn giáo và đức tin; (2) Du lịch tâm linh ở
Việt Nam gắn với tín ngưỡng thờ cúng, tri ân những vị anh hùng dân tộc, những vị
tiền bối có công với nước, dân tộc; (3) Du lịch tâm linh ở Việt Nam gắn tín ngưỡng
thờ cúng tổ tiên, dòng tộc, tri ân báo hiếu đối với bậc sinh thành; (4) Du lịch
tâm linh gắn với những hoạt động thể thao tinh thần như thiền, yoga hướng tới sự
cân bằng, thanh tao, siêu việt trong đời sống tinh thần, đặc trưng và tiêu biểu;
(5) Du lịch tâm linh còn có những hoạt động gắn với yếu tố linh thiêng và những
điều huyền bí [6, tr.65-66].
Không hoàn toàn giống như khách du lịch tôn giáo, khách du lịch
tâm linh có thể đến các địa điểm thông thường như nghĩa trang, đài tưởng niệm
chiến tranh, nơi sinh sống của những người nổi tiếng, các sự kiện thể thao có ý
nghĩa tâm linh và là trải nghiệm tâm linh với nhiều người, họ cũng có thể đến
các danh lam thắng cảnh tự nhiên, nơi cũng có thể đem lại các trải nghiệm tâm
linh.
Khách du lịch tâm linh cũng có thể thử theo những niềm tin,
triết lý tôn giáo khác ngoài phạm vi văn hóa của họ nhằm khám phá chính mình,…
khi họ muốn tăng cường sức khỏe thể chất, cảm xúc và tinh thần [2, tr.35]. Du lịch
tâm linh là cốt lõi của du lịch sức khỏe (Wellness tourism), giúp cân bằng thể chất,
trí tuệ và tinh thần.
Các tác giả Timothy và Conover (2006) cho rằng, giống như
khách du lịch tâm linh, khách du lịch thời kỳ mới tập trung vào sự bồi dưỡng bản
thân và khai sáng về tinh thần thông qua thể nghiệm các niềm tin và triết lý
tôn giáo khác, nhấn mạnh “sức mạnh/sự thiêng liêng của tự nhiên,… và sự bồi dưỡng
bản thân về tinh thần, trí tuệ và thể chất” [2, tr.35].
Khách du lịch tâm linh ở Việt Nam thường hội tụ về các điểm
du lịch tâm linh như: đền, chùa, đình, đài, lăng tẩm, tòa thánh, khu thờ tự, tưởng
niệm và những vùng đất linh thiêng gắn với phong cảnh đặc sắc gắn kết với văn
hóa truyền thống, lối sống địa phương.
Tại đây, du khách tiến hành các hoạt động tham quan, tìm hiểu
văn hóa lịch sử, triết giáo, cầu nguyện, cúng tế, chiêm bái, tri ân, báo hiếu,
tham thiền, tham gia lễ hội,… Thông qua đó, hoạt động du lịch mang lại những cảm
nhận, giá trị trải nghiệm và giải thoát trong tâm hồn của con người, cân bằng
và củng cố đức tin, hướng tới những giá trị chân, thiện, mỹ và góp phần nâng
cao chất lượng cuộc sống [6, tr.65].
Chính những trải nghiệm tâm linh tại những nơi có ý nghĩa vừa
nêu trên giúp con người thư giãn, đạt tới sự cân bằng trong tâm hồn, hòa mình
vào không khí thân thiện, cởi mở của lễ hội cổ truyền cũng giúp con người dễ
hòa hợp với nhau hơn. Mỗi người đều được sống với bản sắc văn hóa dân tộc mình,
vừa được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác.
Vì vậy, chúng ta phải làm quen và học cách sống với sự khác
biệt, để có khả năng thích nghi với mọi sự biến động của cuộc sống. Khoan dung
(Tolerance) là “chấp nhận cái khác mình nơi người khác, để người khác chấp nhận
cái khác họ nơi mình” [9, tr.186].
Dưới một góc độ khác, du lịch tâm linh giúp phát triển hành
vi hướng thiện, nâng cao tinh thần đoàn kết, hướng về cội nguồn, xây dựng xã hội
hài hòa, tốt đẹp.
Chúng tôi nhận thấy, du lịch tâm linh không phải hoàn toàn
là du lịch tôn giáo, du lịch tâm linh là một hiện tượng của thế kỷ XXI. Trong
nhiều năm nay, nhiều địa điểm thiêng liêng đã được các nhóm người thuộc các tầng
lớp xã hội và nghề nghiệp khác nhau đến trải nghiệm.
Đây là một thị trường tiềm năng để khai sáng, đề cao tâm hồn,
tâm trí, cố gắng tái khám phá sức mạnh tái sinh của thiên nhiên, tìm kiếm ý thức
văn hóa, môi trường và sinh thái. Với tình hình thực tế về du lịch tâm linh ở
Việt Nam, chúng ta cần hiểu du lịch tâm linh theo nghĩa rộng chứ không phải
nghĩa hẹp.
Du lịch tâm linh không chỉ liên quan đến các thắng tích tín
ngưỡng, tôn giáo, mà còn là những địa điểm hành hương thiêng liêng gắn với
cá nhân mỗi con người. Đối với người Việt Nam, những điểm thờ cúng các vị anh
hùng dân tộc có công với đất nước về mặt lập công, lập đức, lập ngôn (tam bất hủ),
đặc biệt trong lịch sử Việt Nam luôn phải chống xâm lăng, do đó, các bậc anh
hùng xả thân vì nước, lập những chiến công cứu nước, cứu dân luôn được toàn dân
đề cao và đời đời ghi nhớ, đó là những địa điểm tâm linh thiêng liêng/linh
thiêng của cả dân tộc.
Ở nước ta, nhiều người dân đã tổ chức thăm chiến trường xưa,
đó cũng là loại hình du lịch tâm linh, du lịch lịch sử, văn hóa.
Như vậy, cần mở rộng nội hàm du lịch tâm linh vì loại hình
du lịch này ngày càng đa dạng không chỉ giới hạn trong khuôn khổ hoạt động gắn
kết với tôn giáo mà ngày càng lan tỏa tới các hoạt động, sinh hoạt tinh thần,
tín ngưỡng cổ truyền của dân tộc và những yếu tố linh thiêng khác. Du lịch tâm
linh ngày càng chủ động, có chiều sâu và trở thành một phần nhu cầu không thể
thiếu trong đời sống văn hóa và tinh thần của người dân Việt Nam.
Liên quan đến du lịch tâm linh là khách du lịch tâm linh.
Không phải tín ngưỡng, cũng không phải tôn giáo nhưng ngày nay nhiều người tìm
đến những địa điểm tâm linh để tìm sự bình an, thư thái, cần xin tai qua nạn khỏi,
bệnh tật tiêu trừ, may mắn, sức khỏe, hạnh phúc,… Đó là những mục đích rất đời
thường nhưng đầy chất nhân bản của con người.
2.2. Tiềm năng du lịch tâm linh ở Việt Nam
Du lịch tâm linh ở Việt Nam nở rộ khi các dịp lễ hội quan trọng
trong năm diễn ra như Tết Nguyên Đán (ngày xuân đi lễ hội đền, chùa miếu, thăm
nơi thờ tổ họ…), Rằm tháng Giêng (Tết Nguyên Tiêu), Giỗ Tổ Hùng Vương, Hội
Dóng/Gióng ở Đồng bằng Bắc Bộ,… Các lễ hội tôn giáo, tín ngưỡng như Hội Phủ Dày
(Nam Định), Lễ hội Bà Chúa Xứ – Núi Sam (Châu Đốc), Lễ hội Chùa Bà – Tây Ninh
(Linh Sơn Thánh Mẫu), Lễ hội Bà – Điện Hòn Chén (Huế),… Các lễ hội tri ân các bận
anh hùng dân tộc, người có công với nước, với dân tộc như Lễ hội Hai Bà Trưng,
Lễ giỗ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, Lễ Hội Lam Kinh, Lễ hội Đống Đa, Lễ Khao lề thế
lính Hoàng Sa,… Những nơi chốn thiêng liêng như Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi
yên nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Nghĩa trang Trường Sơn, Nhà tù Côn Đảo,
về thăm chiến trường xưa,… Các lễ hội nông nghiệp tiêu biểu của các tộc người
cư trú trên dải đất Việt Nam như lễ cày Tịch Điền, Lễ hội Lồng Tồng (người
Tày), Lễ hội Mbăng Katê (người Chăm), Lễ hội Lễ hội Kỳ yên (đình thần Nam Bộ),
Lễ hội Ok om Bok và tục đua ghe ngo của người Khmer, Lễ hội Nghinh Ông của cư
dân biển dọc theo chiều dài đất nước,… Nước ta có rất nhiều đền, chùa, miếu, phủ
trải dài từ bắc xuống nam, từ tây sang đông, từ đồng bằng đến miền biển, hải đảo.
Ngoài những di sản văn hóa vật chất và tinh thần trên, Việt
Nam có đến 26 Di sản thế giới được UNESCO công nhận dưới nhiều danh hiệu, trong
đó có một số Di sản Thế giới có liên quan đến du lịch tâm linh và phát triển loại
hình du lịch tâm linh như: Khu đền tháp Mỹ Sơn (1999); Hội Dóng (Gióng) ở đền
Phù Đổng và đền Sóc (2010); Hát Xoan ở Phú Thọ (2011); Tín ngưỡng thờ cúng Hùng
Vương (2012); Quần thể danh thắng Tràng An (2014); Thực hành tín ngưỡng thờ
Tam phủ của người Việt (2016). Đây là những cơ sở quan trọng cho việc phát triển
loại hình du lịch tâm linh đầy hứa hẹn ở nước ta.
Việt Nam có nhiều tiềm năng và thế mạnh để phát triển du lịch
tâm linh thể hiện ở bề dày văn hóa gắn với truyền thống, tôn giáo, tín ngưỡng
cũng như sự đa dạng và phong phú của các thắng tích tôn giáo và với số lượng lớn
các tín ngưỡng, lễ hội dân gian được tổ chức quanh năm trên phạm vi cả nước.
Một số điểm du lịch tâm linh tiêu biểu ở cấp quốc gia thu
hút đông đảo khách du lịch trong nước trong những dịp “đến hẹn lại lên” như: Đền
Hùng (Phú Thọ); Yên Tử (Quảng Ninh); Chùa Hương (Hà Nội); nhà thờ Phát Diệm,
chùa Bái Đính (Ninh Bình); Núi Bà Đen, Thánh thất Cao Đài (Tây Ninh); Đại Nam
Văn Hiến (Bình Dương); Miếu Bà Chúa Xứ (An Giang); Công Sơn – Kiếp Bạc (Hải
Dương); Tây Thiên (Vĩnh Phúc); Đền Trần – Phủ Dầy (Nam Định),… Đại diện Chính
phủ nước ta tại Hội nghị Quốc tế Du lịch tâm linh vì sự phát triển bền vững
phát biểu rằng: “Du lịch tâm linh vốn không chỉ là hoạt động, hành hương, tôn
giáo, tín ngưỡng thuần túy mà còn là động lực thúc đẩy sự giao lưu văn hóa và
phát triển kinh tế xã hội.
Đó là cách thức để thế hệ hôm nay bày tỏ sự tưởng nhớ và ngưỡng
mộ đối với công lao các bậc tiền bối” [4, tr.21]. “Chúng tôi coi du lịch tâm linh
là loại hình du lịch văn hóa chuyên đề, nhân tố quan trọng không chỉ mang lại sự
tăng trưởng của nền kinh tế mà còn phát huy giá trị tinh thần, lòng yêu nước,
niềm tin, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, phát huy sức mạnh tổng hợp, góp
phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển đất nước” [4, tr.23].
Hội nghị Quốc tế này cũng thu hút sự chú ý đặc biệt của các
chuyên gia tầm cỡ quốc tế tới các lĩnh vực như: hiểu biết và bảo vệ các giá trị
và tài sản tâm linh, tôn giáo và văn hóa trong bối cảnh du lịch; phát triển, quản
lý, quảng bá và giải thích các sản phẩm du lịch tinh thần, và bao gồm và trao
quyền cho cộng đồng địa phương, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương.
2.3. Thực trạng du lịch tâm linh ở nước ta hiện nay
Ở Việt Nam, khách du lịch tâm linh chiếm một tỷ trọng khá lớn.
Thông thường khách đi du lịch hầu như kết hợp với mục đích tâm linh hoặc mục
đích tâm linh được lồng ghép trong nhiều chuyến đi du lịch. Trong số 32,5 triệu
khách du lịch nội địa năm 2012 chỉ tính riêng số khách đến các điểm tâm linh
(chùa, đền, phủ, tòa thánh) có khoảng 13,5 triệu lượt, tương đương 41,5%. Một số
điểm du lịch tâm linh tiêu biểu năm 2012 đón một lượng khách lớn như Miếu Bà
Chúa Xứ An Giang (3,6 triệu lượt khách), Chùa Hương (1,5 triệu lượt); Chùa Bái
Đính (2,1 triệu lượt), Yên Tử (2,3 triệu lượt), khu du lịch Núi Bà Đen (2,2 triệu
lượt); Côn Sơn Kiếp Bạc (1,2 triệu). Đối với khách quốc tế đến Việt Nam với
mục đích tâm linh không nhiều, trong số 6,8 triệu lượt khách đến Việt Nam năm
2012 ước tính có khoảng 12% khách du lịch có đến các điểm du lịch tâm linh [6,
tr.67].
Tuy nhiên, du lịch tâm linh ở nước ta còn nhiều bất cập. Dựa
vào công trình nghiên cứu Bàn về văn hóa du lịch Việt Nam [10], chúng tôi phân
tích năm thành tố cấu thành văn hóa du lịch như: du khách nhà cung ứng dịch
vụ du lịch, cộng đồng địa phương, quản lý Nhà nước và tài nguyên du lịch, cụ thể
là:
1) Du khách: phần đông chưa hiểu những vấn
đề cơ bản về tâm linh, chưa chuẩn bị đầy đủ tâm thế đến với du lịch tâm linh.
Còn nhầm lẫn giữa tâm linh, tín ngưỡng và tôn giáo. Do đó, khách du lịch tâm
linh để xin mua rẻ, bán đắt, cầu may, kiếm nhiều lời, xin thăng quan tiến chức
hoặc sa vào duy tâm thần bí, mê tín, dị đoan. Du khách ăn mặc và tác phong
không được chỉnh chu, nghiêm túc. Một số du khách còn có những hành động phản cảm
như xả rác, ẩu đả trong việc dành lộc.
Đồng thời một số du khách lại có yêu cầu cao về sản phẩm và
dịch vụ tâm linh cảm thấy thất vọng với thực trạng tại các điểm đến. Vào mùa lễ
hội, các điểm du lịch tâm linh có “sức chứa” quá tải, làm ảnh hưởng xấu đến cảnh
quan thiên nhiên, môi trường sinh thái, nhân văn và di sản văn hóa vật thể và
phi vật thể. Tình hình này dẫn đến cảnh chen chúc, hỗn độn, mất trật tự an ninh
và an toàn ở các điểm đến du lịch tâm linh mà nhiều phương tiện truyền thông đã
đưa tin trong nhiều năm qua.
2) Nhà cung ứng dịch vụ du lịch: chưa
chuẩn bị chu đáo nội dung và tổ chức các đoàn du lịch tâm linh. Còn nặng về
thương mại hóa. Sử dụng hướng dẫn viên chưa đủ trình độ, kiến thức, kỹ năng và
ngoại ngữ về du lịch tâm linh để phục vụ du khách. Nhiều hướng dẫn viên còn
chưa nắm vững về bản chất của loại hình du lịch tâm linh và lịch sử truyền thống
văn hóa Việt Nam cho nên thuyết minh còn sai sót và chưa thổi vào lòng du khách
về niềm tin, cảm xúc và sự trải nghiệm về du lịch tâm linh. Tổ chức tour du lịch
tâm linh theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”, du khách không đủ thời gian để khám phá
và trải nghiệm những giá trị văn hóa tâm linh ở các điểm đến.
3) Cộng đồng địa phương: Phần đông chưa
hiểu biết đầy đủ và sâu sắc về loại hình du lịch tâm linh, cho nên họ tham gia
vào còn mang tính chất tự phát, chưa đúng với bản chất của du lịch tâm linh. Những
hiện tượng buôn bán hương hoa, vàng mã, tăng giá, chèo kéo mua đồ lễ làm phiền
hà, gây khó chịu cho du khách, đặc biệt là đối với du khách nước ngoài. Một số
địa phương, người dân đã mở nhiều hàng quán mua bán các loại động vật hoang dã
và thực phẩm kém an toàn tại các điểm du lịch tâm linh. Tình trạng đốt hương,
vàng mã, xả rác và không có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường đã gây ô nhiễm ở
những điểm đến.
4) Cấp quản lý du lịch: Chính quyền địa
phương chưa phối hợp chặt chẽ với cộng đồng dân cư, nhà cung ứng dịch vụ du lịch
và du khách nên việc quản lý các điểm đến du lịch tâm linh còn nhiều thiếu sót
và bất cập. Nhiều nơi, địa phương còn buông lỏng quản lý để hàng quán mọc lên một
cách tùy tiện, rác rưởi mất vệ sinh làm mất ý nghĩa linh thiêng tại các điểm đến.
Địa phương chưa giáo dục và xử lý kịp thời những thái độ phản cảm và tình trạng
mất trật tự trị an. Các cấp quản lý chưa tạo văn minh, thân thiện, hiếu khách ở
những điểm đến. Nhiều di tích, di sản chưa được bảo quản, tôn tạo tốt, chưa hướng
dẫn cộng đồng địa phương tham gia cung cấp dịch vụ du lịch một cách bài bản.
5) Công việc đào tạo nguồn nhân lực phục
vụ thị trường khách du lịch tâm linh vẫn còn bỏ ngỏ. Quan trọng nhất là số
đông người làm du lịch chưa nhận thức đúng về khái niệm, nội hàm, phương pháp
và tổ chức tour du lịch tâm linh. Nội dung của hoạt động du lịch tâm linh chủ yếu
là hành hương đến những điểm tâm linh; tham quan, vãn cảnh, thưởng ngoạn cảnh
quan và không gian kiến trúc, điêu khắc gắn với điểm tâm linh cũng như tìm hiểu
văn hóa gắn với lịch sử, tôn giáo và lối sống bản địa, những giá trị di sản văn
hóa gắn với điểm tâm linh; tham gia lễ hội tín ngưỡng, dân gian và còn nhiều
lĩnh vực khác nằm ngoài tôn giáo. Theo đánh giá của tác giả Nguyễn Văn Tuấn, du
lịch tâm linh đóng góp tích cực vào phát triển du lịch bền vững ở các khía cạnh
như tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của các cộng
đồng dân cư tại các điểm du lịch tâm linh; sống tốt đời, đẹp đạo, nhân cao nhận
thức bảo vệ môi trường; mang lại những giá trị và trải nghiệm thanh tao cho du
khách [6, tr.70]. Nhưng thực tế cho thấy kết quả này còn bị hạn chế.
Tiến sĩ Dương Bích Hạnh, Điều phối viên chương trình văn
hóa, văn phòng UNESCO tại Việt Nam đã nhận xét: “Đầu tiên, một số di sản văn
hóa bị khai thác quá mức và có cơ chế yếu để bảo vệ và bảo tồn các di sản này,
kết quả là, phát triển kinh tế có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến cả di sản truyền thống
và di sản tâm linh” [4, tr.10].
Việt Nam định hướng phát triển du lịch tâm linh theo hướng
khai thác những giá trị nổi trội về cảnh quan thiên nhiên, văn hóa gắn với quy
hoạch liên kết vùng. Phát triển du lịch tâm linh trở thành động lực thu hút
khách, thúc đẩy hoạt động dịch vụ du lịch khác, tạo sự đa dạng cho du lịch Việt
Nam, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội theo hướng bền vững.
Tuy nhiên, tại một số điểm đến có đông du khách, nhiều dịch
vụ ăn theo như xem bói, bốc quẻ, bán bùa may, nước thánh,… vàng thau lẫn lộn. Du
lịch tâm linh là loại hình du lịch văn hóa chuyên đề, một nhân tố quan trọng
không chỉ mang lại sự tăng trưởng kinh tế mà còn phát huy giá trị tinh thần,
lòng yêu nước, niềm tin, tăng cường đoàn kết dân tộc và quốc tế. Văn hóa tâm
linh vừa được coi là cốt lõi của sản phẩm du lịch tâm linh, đồng thời là sợi
dân kết nối tâm hồn người Việt Nam và bạn bè quốc tế [4, tr.23].
Tuy nhiên, sản phẩm du lịch tâm linh ở Việt Nam vào thời điểm
hiện tại còn đơn điệu và có cả những yếu tố lạc lỏng, phản cảm, thiếu an toàn,
mất trật tự; ô nhiễm môi trường; yếu tố mê tín trỗi dậy đẩy lùi nét đẹp văn hóa
của lễ hội. Phản cảm nhất là động cơ đi lễ của một số người đến chùa để cầu lộc,
cầu may, xin được thăng quan tiến chức,… thậm chí có hiện tượng cướp lộc ở đền,
chùa.
2.4. Giải pháp phát triển du lịch tâm linh
Với thực trạng du lịch tâm linh vừa phân tích trên đây,
chúng tôi xin nêu ra một số giải pháp chính để phát triển du lịch tâm linh theo
hướng bền vững (có tham khảo và đồng thuận với một số chuyên gia).
Các thành tố của văn hóa du lịch du khách, nhà cung ứng dịch
vụ du lịch, cộng đồng, nhà quản lý cần có nhận thức đúng và định hướng đúng về
phát triển du lịch tâm linh theo hướng bền vững và phải phối kết chặt chẽ để thực
hiện đồng bộ và chuyên nghiệp.
Du lịch tâm linh phải được tập trung đầu
tư phát triển theo quy hoạch bài bản trên cơ sở khai thác những giá trị nổi
trội về cảnh quan thiên nhiên và văn hóa dân tộc. Phát triển du lịch tâm linh
trở thành động lực thu hút khách du lịch, thúc đẩy các hoạt động dịch vụ du lịch
khác, tạo sự đa dạng và hấp dẫn cho du lịch Việt Nam. Phát triển du lịch tâm
linh trở thành mục tiêu phát triển đời sống tinh thần cho nhân dân hướng tới những
giá trị chân, thiện, mỹ.
Giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức
đúng về du lịch tâm linh, bài trừ mê tín dị đoan và hiện tượng thương mại hóa,
đảm bảo thực hiện đúng các quan điểm phát triển loại hình du lịch tâm linh mang
lại những giá trị tinh thần tiến bộ cho xã hội, góp phần tích cực vào phát triển
kinh tế xã hội bền vững.
Xây dựng, tuyên truyền giáo dục và có
các biện pháp chế tài những hiện tượng vi phạm “Bộ Quy tắc ứng xử về du lịch
tâm linh” đến các đối tượng tham gia vào hoạt động du lịch như du khách, nhà
cung ứng dịch vụ du lịch, cộng đồng địa phương, các cấp quản lý Nhà nước.
Xây dựng sản phẩm và dịch vụ du lịch tâm
linh theo hướng đa dạng, khác biệt, đẳng cấp, đặc sắc, tinh tế phù hợp với văn
hóa địa phương và tiềm năng du lịch tâm linh tại các điểm đến.
Tập trung nguồn lực, tạo cơ chế huy động
nguồn lực đầu tư vào các khu, điểm du lịch tâm linh dựa trên quy hoạch các khu,
điểm du lịch tâm linh.
Tập trung đào tạo nguồn nhân lực phục vụ
thị trường du lịch tâm linh cả về tri thức, kỹ năng và thái độ làm việc. Quan
trọng nhất là phải nhận thức về khái niệm, nội dung, phương pháp và tổ chức thực
hiện du lịch tâm linh. Đồng thời trong thời kỳ hội nhập phải chú ý nâng
cao trình độ ngoại ngữ, chú trọng những kỹ năng về nghe, nói, đọc, viết. Ngoài
ra, phải chú ý rèn luyện thái độ đối với du khách tâm linh.
Tổ chức cung cấp dịch vụ và tăng cường
quản lý điểm đến du lịch tâm linh nhằm nâng cao giá trị di sản, thỏa mãn nhu cầu
du khách.
Tăng cường nghiên cứu thị trường, phát
triển sản phẩm, xúc tiến quảng bá du lịch tâm linh trong mối liên kết phát triển
các loại hình du lịch khác đi liền với quản lý điểm đến trở thành thương hiệu
du lịch nổi bật.
Thực hiện các chính sách du lịch có
trách nhiệm hướng tới cộng đồng dân cư địa phương được hưởng lợi, đặc biệt là
các nhóm người yếu thế. Tăng cường năng lực tham gia quản lý, phục vụ của người
dân tại khu, điểm du lịch tâm linh. Cần phải giải quyết tốt lợi ích của các
nhóm đối tượng tham gia vào hoạt động du lịch.
Hiện nay, có một vài điểm đến du lịch
tâm linh đã bước đầu thực hiện tốt, đơn cử như chùa Cái Bầu (Quảng Ninh). Ở đây
được gọi là thiền viện Trúc Lâm Giác Tâm, một công trình văn hóa tâm linh thu
hút nhiều khách hành hương và vãn cảnh. Trong chùa không đốt vàng mã,
không có quán xá, hàng rong, không có cảnh chèo kéo,… Du khách thực sự được hòa
mình vào một không gian tĩnh lặng, ngắm nhìn vịnh Bái Tử Long xinh đẹp, có cảm
giác bình yên, thanh thản, tâm hồn nhẹ nhàng như trút được mọi ưu tư, mệt mỏi,…
Cần tìm hiểu và học tập kinh nghiệm tổ chức du lịch tâm linh của một số nước.
Chẳng hạn, Myanmar là bài học quý giá cho phát triển du lịch tâm linh đối với
Việt Nam. Sau 5 năm mở cửa, lượng du khách nước ngoài đến Myanmar tăng 170 lần.
Myanmar có rất nhiều ngôi chùa cổ, với phong cách kiến trúc độc đáo; có xá lợi
của Đức Phật và lưu giữ nhiều xá lợi của các cao tăng đắc đạo; trang phục kín
đáo và đi chân trần là bắt buộc đối với người địa phương và du khách khi đến
các địa điểm du lịch tâm linh; tấm lòng người dân nơi đây rất bình đẳng và quý
khách [13].
Có thể nói du lịch tâm linh là loại hình
du lịch có nhiều tiềm năng. Chúng ta cần nhận thức đúng đắn và khai thác có hiệu
quả tiềm năng du lịch tâm linh theo hướng phát triển bền vững.
3. Kết Luận
Hoạt động du lịch tâm linh tự phát hình
thành từ xa xưa trong lịch sử loài người, dưới phương diện trải nghiệm cá nhân,
nhưng du lịch tâm linh với tư cách là một loại hình dịch vụ du lịch mới được đề
cập gần đây. Con người sống không chỉ cần vật chất mà còn cần đến tinh thần
lành mạnh, tâm hồn luôn trải rộng với những trải nghiệm tâm linh hướng đến
chân, thiện, mỹ để làm cho cuộc sống của chính mình được thăng hoa, do đó
họ cần đến nhu cầu tâm linh và du lịch tâm linh.
Du lịch tâm linh góp phần nâng cao tự nhận
thức, tự tu dưỡng, tự gột rửa tâm hồn. Du lịch tâm linh thực chất là loại hình
du lịch văn hóa, lấy yếu tố văn hóa tâm linh vừa làm cơ sở vừa làm mục tiêu nhằm
thỏa mãn nhu cầu tâm linh con người. Du lịch tâm linh cần thiết cho con người
trong xã hội hiện đại. Ở nước ta có nhiều tiềm năng để du lịch tâm linh phát
triển vì nhân dân ta có truyền thống lịch sử và văn hóa lâu đời, có nhiều di sản
văn hóa vật thể và phi vật thể, có đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.
Mặc dù hiện nay du lịch tâm linh của nước
ta đang phát triển về số lượng du khách nhưng về chất lượng vẫn còn nhiều bất cập.
Vì vậy, ngành du lịch và cả hệ thống chính trị nước ta cần nhiều giải pháp đồng
bộ và chuyên nghiệp để đưa du lịch tâm linh phát triển bền vững nhằm thực hiện
Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, quyết tâm đưa du lịch Việt Nam thành
ngành kinh tế mũi nhọn trong những năm sắp tới.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bùi Thị Phương Mai (2016), Du lịch tâm linh ở An Giang –
Tiềm năng và thách thức, in trong Các loại hình du lịch hiện đại, Nxb. Đại học
Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
2. Daniel H. Olsen (2013), Định nghĩa, động cơ và sự bền vững:
Nghiên cứu điển hình du lịch tâm linh, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế Du lịch tâm linh
vì sự phát triển bền vững, Ninh Bình ngày 21 và 22/11/2013.
3. Hoàng Tuấn Anh (2013), Phát biểu khai mạc, Kỷ yếu Hội thảo
quốc tế Du lịch tâm linh vì sự phát triển bền vững, Ninh Bình.
4. Kỷ yếu Hội nghị Quốc tế Du lịch tâm linh vì sự phát triển
bền vững, Ninh Bình.
5. Lê Quang Đức, Bài giảng Du lịch tâm linh, Trường Đại học
Tôn Đức Thắng.
Nguồn: Tạp chí Khoa học Đại Học Văn Lang, số 07/2018.
ISSN: 2525-2429