Rét nàng bân với những cơn mưa phùn lất phất khiến lòng tôi se lại. Tôi nhớ bà da diết, nhớ món bánh ngào ngày xưa, mỗi độ vào đông bà lại làm cho tôi ăn.
|
“Mật mía làm nên nét riêng biệt cho bánh ngào”
|
Món bánh ngào có nguyên liệu và cách làm tương tự bánh trôi tàu, bánh chay ở miền Bắc. Bánh trôi tàu, bánh chay ăn có vị ngọt thanh đạm của đường. Còn bánh ngào lại có vị ngọt đậm đà của mật.
Mật là đặc sản của miền Trung quê tôi, được làm từ mía. Tôi còn nhớ bà từng bảo mật chính thứ làm nên nét riêng biệt cho bánh ngào. Muốn bánh ngon phải chọn loại mật có màu vàng đỏ, khi nhỏ vào nước giọt mật sẽ chìm ngay xuống đáy, không bị tan ra. Đặc biệt, phải trong và không có cặn.
Nếp làm bánh phải loại nếp ngon, ngâm qua một đêm rồi mới đưa đi xay, lọc qua túi vải để lấy được phần bột tinh. Bà bảo bột càng nhồi kỹ thì bánh càng dẻo càng ngon.
Nhân bánh được làm từ đỗ xanh. Bà thường dùng một chiếc ve chai, lấy chổi quét sạch nền nhà, cho đỗ ra cà. Nhìn bàn tay nhăn nheo vẫn cố sức lăn cho hạt đỗ vỡ đôi. Tôi vội đỡ lấy làm thay, vừa hỏi: “Bây giờ người ta có bán loại đỗ tróc sẵn vỏ sao bà không mua?”. Bà cười: “Đỗ xanh phải vừa cà xong thì mới giữ được vị béo, làm bánh mới thơm”.
Đỗ ngâm nước cho tróc vỏ, đãi sạch. Sau đó cho vào nồi, thêm một chút nước xâm xấp và bắc lên bếp. Bà dặn chỉ để lửa liu riu cho đỗ chín đều. Lúc hạt đã nhừ, cho thêm chút đường trắng và nhanh tay khuấy đều. Chờ đỗ nguội hẳn, không còn dính tay thì viên thành từng viên bằng ngón chân cái.
Tôi thích nhất là công đoạn nặn bánh, bà dạy lấy một ít bột cho vào lòng bàn tay vê tròn rồi lại đập dẹt, tiếp cho một viên nhân vào giữa rồi vê tròn lại. Tôi làm theo, nhưng ôi không, những viên bánh tôi làm không “lòi ruột” thì cũng méo mó, mất công bà phải nặn lại để tránh bị vỡ khi luộc.
Bánh nặn xong thì được luộc sơ qua một lần nước, vớt ra nhúng vào nước sôi để nguội. Tiếp đó mới cho bánh vào nồi mật đang sôi, giữ lửa nhỏ cho mật ngấm dần vào bên trong. Gừng tươi giã nát chứ không thái, một nửa bà bỏ vào nấu kỹ với mật, một nửa chờ bớt nóng mới bỏ vào.
“Có như vậy vừa chắt được cả nước, vừa giữ được mùi thơm nồng của gừng” - bà bảo.
Bánh ngào phải ăn nóng, vừa ăn vừa thổi thế mới cảm nhận được hết hương vị. Cái vị bùi của đỗ, của nếp quyện với vị ngọt khay khay thơm mùi gừng của mật có lẽ sẽ theo tôi suốt đời cùng kỷ niệm về người bà đáng kính.
Nguồn : Tuổi Trẻ