Nhật báo tiếng Anh SCMP của Hong Kong gợi ý bản của người H'Mông ở Sa Pa là một trong 7 ngôi làng đẹp nhất du khách nên đến sau Covid-19.
Bản Cát Cát nằm trong thung lũng Mường Hoa tươi đẹp của tỉnh Lào Cai, vùng núi phía bắc Việt Nam. Đây là một trong những điểm đến thu hút đông du khách trong và ngoài nước với những ngọn núi hùng vĩ, khung cảnh ruộng bậc thang và cộng đồng người H'Mông.
Đi khoảng 30 phút từ trung tâm thị trấn Sa Pa, du khách sẽ đến với bản Cát Cát, nơi có nếp nhà gỗ đơn sơ và bánh xe nước khổng lồ được sử dụng để giã gạo. Bạn có thể đi dạo trên cây cầu Si, bắc qua dòng suối mát lành hay chụp ảnh tại vườn hoa trong bản. Ngồi trong một quán cà phê nhìn ra thác Tiên Sa, du khách sẽ bắt gặp nhiều người dân bản địa, trong trang phục truyền thống sặc sỡ đang kinh doanh đồ lưu niệm hay những đứa trẻ vui đùa bên con đường lát đá.
Phí vào cổng làng 70.000 đồng, dành cho việc bảo trì ngôi làng cổ và hỗ trợ người dân, mở cửa cho du khách tham quan. Ảnh: Sathianpong Phookit/Shutterstock.
Làng cổ Hoành Thôn, tỉnh An Huy là một trong những Di sản Thế giới UNESCO ở Trung Quốc. Từ hơn 900 năm trước, trong triều đại nhà Tống, ngôi làng được xây dựng theo hình dáng con trâu, với điểm đầu là ngọn đồi Leigang.
Những ngôi nhà ở đây kết nối với nhau bởi hệ thống kênh rạch, nơi được thắp sáng bằng đèn lồng mỗi đêm. Với khung cảnh cổ kính, êm đềm, Hoành Thôn là ứng cử viên cho danh hiệu "Venice phương đông". Nơi đây cũng từng là bối cảnh cho bộ phim đạt giải Oscar Ngọa hổ tàng long. Chi phí tham quan ngôi làng 104 CNY (15 USD). Ảnh: Zharov Pevel/Shutterstock.
Huai Sua Tao là một trong những ngôi làng "người cổ dài" ở tỉnh Mae Hong Son, Thái Lan. Người dân ở đây có gốc gác từ dân tộc thiểu số Kayan, Myanmar, di dân tới nơi này trong những năm 1980 và định cư trong các trại tị nạn.
Theo truyền thống, những cô gái từ khi còn nhỏ phải đeo nhiều vòng đồng nặng ở cổ, để kéo chiếc cổ thon dài. Họ còn có truyền thống dệt vải thổ cẩm, thêu tranh và làm tượng gỗ. Ngày nay, khi du lịch phát triển, họ có thể bán các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Giá vé vào thăm ngôi làng 250 baht, khoảng 8 USD. Ảnh: Akedesign.
Nusfjord là làng chài được bảo tồn nguyên vẹn ở quần đảo Lofoten, Na Uy. Vào giữa thế kỷ 19, hơn 1.500 người đàn ông đã ở lại đây, trong các ngôi nhà bằng gỗ vào mùa đánh cá tuyết. Ngày nay dân số chỉ còn khoảng 22 người, tuy nhiên ngôi làng luôn đông đúc bởi khách du lịch. Do đó ngày càng nhiều những ngôi nhà xây trên mặt nước để cho thuê.
Các tòa nhà lịch sử là điểm thu hút chính trong chuyến tham quan ngôi làng, bao gồm cửa hàng bách hóa, nhà máy dầu gan cá và bảo tàng săn cá voi. Phí tham quan ngôi làng 10 USD. Ảnh: Felix Lipov/Shutterstock.
Làng Clovelly, trên bờ biển phía bắc Devonshire, Anh, thuộc quyền sở hữu tư nhân của 3 gia đình Giffords, Carys và Hamlyns từ năm 1242. Bà Christine Hamlyn là người đã phục hồi, xây dựng và làm đẹp những khu phố ảm đạm, hoang tàn. Dù bà đã mất 80 năm, vẻ quyến rũ của ngôi làng vẫn còn đó, thu hút khách du lịch muốn thoát khỏi cuộc sống ồn ã ở các thành phố. Năm 2019, nơi này thu hút khoảng 150.000 khách du lịch.
Ở đây, du khách có thể đi dạo trên những con đường rải sỏi, không xuất hiện xe cộ mà chỉ có lừa và xe kéo. Ngoài ra đừng quên tới con đường ven biển đến vịnh Mouthmill, qua đồng cỏ khô và rừng cây rợp bóng mát. Ảnh: Monicami/Shutterstock.
Hầu hết các chuyến khám phá safari ở Kenya và Tanzania đều bao gồm thăm làng Maasai. Trước khi vào làng, du khách sẽ được chào đón bởi những bài hát, điệu nhảy truyền thống. Người dân ở đây sinh sống bằng nghề chăn nuôi gia súc và ở trong những lán, lều làm từ bùn và khung gỗ. Vé thăm quan ngôi làng có giá 20 USD. Ảnh: Nick Fox/Shutterstock.
Supai là ngôi làng duy nhất trong Công viên quốc gia Grand Canyon, nơi thu hút khoảng 6 triệu du khách mỗi năm tại tiểu bang Arizona, Mỹ. Ẩn mình trong những khối đá sa thạch lởm chởm trong hẻm núi cổ, ngôi làng cách con đường gần nhất 13 km và là khu định cư xa xôi nhất ở 48 tiểu bang. Cách duy nhất để đến thăm làng và chiêm ngưỡng thác nước màu ngọc lam là bằng trực thăng, đi bộ hoặc cưỡi la.
Ngôi làng là một phần của của khu bảo tồn Havasupai India, nơi người dân đã sinh sống suốt 800 năm. Ngày nay, người dân có nguồn thu từ chi phí cắm trại và vé tham quan. Giấy phép vào Supai, phí môi trường và thuế lên tới 110 USD mỗi người, chưa bao gồm giấy phép cắm trại khoảng 100 USD mỗi đêm. Ảnh: JiaQing/Shutterstock.
Lan Hương (Theo SCMP)