Nhà vườn là nét đặc trưng cư dân của thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Kết quả điều tra sơ bộ gần đây tại 25 phường, xã thuộc địa bàn thành phố Huế hiện có 4.228 nhà vườn có diện tích từ 400m2-600m2 trở lên, trong đó có 705 nhà rường và 186 nhà cổ tiêu biểu...
Tuy nhiên, diện tích nhà vườn ở Huế giảm dần theo thời gian trước dòng chảy của cơ chế thị trường, một phần do người dân lén lút cắt bán hoặc không thể giữ được do nhà bị xuống cấp.
Các vườn, bên trong là các nhà rường ở Huế đều là các công trình kiến trúc truyền thống theo kiểu 1 gian 2 chái, 3 gian 2 chái hoặc 5 gian 2 chái. Nhà và vườn ở đây có mối quan hệ hữu cơ, tạo thành một không gian văn hóa hoàn chỉnh. Riêng tại phường Kim Long hiện nay còn tồn tại 60 ngôi nhà rường cổ, trong đó có 47 ngôi nhà rường tiêu biểu cho lối kiến trúc truyền thống Huế.
Điển hình là ngôi nhà của quan Thượng thư Bộ lễ Phạm Hữu Điển, hiện do bà Phạm Thị Túy thừa kế và gìn giữ. Toàn bộ ngôi nhà gồm 1 nhà chính 3 gian 2 chái, và 1 ngôi nhà ngang cũng 3 gian 2 chái bẻ góc thước thợ với nhà chính, được nối thông nhau bằng một nhà cầu xinh xắn ở giữa khép kín với khu bếp ở nơi hậu liêu. Tòa nhà lợp bằng ngói liệt, nằm ẩn mình dưới vòm cây xanh gồm một vài cây ăn quả và các khóm hoa mẫu đơn, hoa cúc, vạn thọ, tóc tiên.
Ngôi nhà Lạc Tịnh viên, ở 73 Phan Đình Phùng, thành phố Huế, được xem là một trong năm nhà còn lại tiêu biểu nhất ở thành phố Huế hiện nay. Ngôi nhà gắn với nhà thơ yêu nước Nguyễn Phúc Hồng Khẳng, cháu nội của vua Minh Mạng, vừa có kiến trúc cổ, lại bố trí hài hòa theo luật phong thủy đặc trưng của đất Cố đô. Hiện ngôi nhà do bà Khánh Nam thờ tự, trông coi và tôn tạo.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế từng ban hành quy định về một số chính sách quản lý và bảo vệ nhà vườn, nhằm bảo tồn nét bản sắc văn hóa Huế. Theo quy định, chủ nhà vườn Huế khi trùng tu, tôn tạo nhà được hỗ trợ 100% chi phí khảo sát, thiết kế trùng tu nhà vườn theo định mức quy định của Nhà nước; hỗ trợ 70% kinh phí trùng tu, tôn tạo nhà, nhưng tối đa không vượt quá 100 triệu đồng/nhà.
Đổi lại, nhà vườn Huế được quản lý theo các quy hoạch chi tiết đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt và các quy định hiện hành của pháp luật như: nhà vườn Huế phải được bảo tồn nguyên trạng những giá trị kiến trúc đã có trên cơ sở hồ sơ và kết luận của Hội đồng đánh giá, thẩm định phân loại nhà vườn Huế. Các hoạt động đầu tư xây dựng, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp phải đảm bảo nguyên tắc phục hồi, phục chế, tôn tạo lại kiến trúc vốn có. Song hành với vấn đề trên là việc khai thác giá trị của nhà vườn.
Thành phố Huế cũng chủ trương xây dựng cơ chế, chính sách trong việc trích 25% trên giá trị vé tham quan du lịch cho chủ nhân các nhà vườn để hỗ trợ công tác bảo vệ, trùng tu, tôn tạo nhà vườn Huế. Đối với việc khai thác nhà vườn Huế vào mục đích kinh doanh, các chủ nhà vườn sẽ được hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo nghề cho các thành viên trong gia đình thông qua các trường dạy nghề, và mức hỗ trợ tối đa không quá 5 triệu đồng/hộ. Nếu các chủ nhà vườn Huế có phương án kinh doanh thì sẽ được cho vay không tính lãi 50% vốn, nhưng tối đa không quá 30 triệu đồng/nhà vườn, với thời hạn vay không quá 3 năm.
Tuy nhiên, người dân chưa mấy "mặn mà" với việc khai thác nhà vườn. Tại khu vực Phú Mộng-Kim Long đã có 10 hộ liên kết với nhau tổ chức tour du lịch từ Festival Huế 2006 đến nay, nhưng quyền lợi của chủ nhà vườn không rõ ràng nên tuor du lịch này cũng "chết yểu."
Nhiều chủ nhà vườn lúc đầu cũng hiếu khách trong việc tiếp đón, giới thiệu nhà vườn Huế, nhưng càng về sau càng nản; thậm chí nhiều người luôn treo biển "nhà bận việc" hoặc nhà "đi vắng" để tránh phải làm hướng dẫn viên du lịch tham quan nhà vườn bất đắc dĩ...
Kinh doanh nhà vườn không dễ kiếm tiền, trong khi chỉ riêng việc đóng thuế thổ trạch cho ngôi nhà vườn vốn rất rộng của nhiều hộ dân đã quá sức, khi nguồn thu nhập chỉ trông chờ vào ít hoa quả ở vườn đem bán.
Hệ quả kéo theo là nạn "chảy máu" nhà rường từ quê ra phố, bởi nhà cổ hiện đang trở thành mốt kinh doanh ở thành phố Huế hiện nay. Có thể kể được hàng loạt cơ sở mới dựng lên, với những cái tên rất ấn tượng như Vỹ Dạ Xưa, Đình Vũ Nhi, Nam Giao hoài cổ, Tịnh Lâm Viên, Tịnh Lâm Nhi, Ca Thy... Riêng biệt phủ Thảo Nhi (nằm cách thành phố Huế chừng 8km ngược lên phía Tây trên đường lên lăng Khải Định) phải "ngốn" mất khoảng 80 ngôi nhà rường cổ. Những ngôi nhà bị mục ruỗng, gãy nát từng phần đem về phục dựng lại thành một hệ thống nhà rường, trên một diện tích rộng chừng 1.500m2...
Nhiều người khẳng định bảo tồn nhà vườn Huế, nói dễ nhưng làm khó. Và trong khi chính sách bảo tồn chưa đi vào cuộc sống, thì nhà vườn Huế ngày càng thu hẹp dần./.
Nguồn : Vietnam+