Hằng năm, vào tháng tám âm lịch, khi mà kết thúc việc xuống giống cho vụ mùa cuối trong năm, tại vùng đất Bảy Núi, An Giang, người nông dân lại náo nức bước vào mùa lễ hội đua bò.
Đây là một lễ hội rất độc đáo của bà con dân tộc Khmer, kéo dài nửa tháng trời từ các xã, các huyện rồi đến tỉnh, rất vui và thu hút nhiều người ở các tỉnh khác đến xem.
Sau khi các đội trải qua vòng loại tại các xã, các huyện, còn lại khoảng 60-70 đội bước vào vòng chung kết của tỉnh. Đây mới đến hồi thật sự gay cấn, hấp dẫn, hào hứng và sôi nổi nhất. Vòng chung kết có khi diễn ra tại sân chùa Thamit, huyện Tịnh Biên hoặc sân chùa Tà Miệt, huyện Tri Tôn. Bởi hai địa điểm này có sân bãi rộng, phục vụ tốt cho cả cuộc thi đấu và người xem.
Nếu năm nào trời mưa thì thôi, còn thời tiết nắng, Ban tổ chức bắt buộc phải xịt nước vào đường đua cho thật ướt, đất bùn chảy ra quánh sệt sệt, để các "nài bò" (người điều khiển bò đua) đứng trên chiếc bừa dầm bằng gỗ, trơn dễ chạy. Và để thúc cho bò chạy nhanh về đích, những người điều khiển có khi còn dùng cây chọc vào đít bò. Có lẽ vì quá đau nên những chú bò cắm đầu chạy thục mạng. Nước bùn bắn ra tung tóe, mặt mày, quần áo mọi người đều lấm lem bùn đất.
Tại sân bãi, có đến vài chục ngàn người đứng ngồi xung quanh đường đua chăm chú theo dõi. Những tiếng hò hét cổ động khiến cho không khí ngày hội càng thêm tưng bừng, náo nhiệt. Những người đến xem đều có chung cảm nhận: "Không có lễ hội nào vui nhất mà cũng vất vả nhất như lễ hội đua bò". Đã bước vào sân thì phải đợi đến lúc kết thúc, bởi lẽ cũng chẳng có đường đi trở ra. Khi cần thiết, còn phải chuẩn bị sẵn thức ăn, nước uống. Và đặc biệt là không thể chen lấn ùn ra đường đua, nếu không với tốc độ chạy của những chú bò sẽ là mối hiểm họa khó lường.
Hễ đến hẹn thì mọi người lại hào hứng đến tham dự. Được gặp lại bạn bè thân quen, cùng tay bắt mặt mừng, cùng hưởng ứng cổ vũ nhiệt tình cho ngày hội đua bò trên vùng Bảy Núi./.
Nguồn : Báo Cà Mau